Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng nhanh, bền vững

13/02/2021 07:15:33 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TU ngày 20/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nhanh, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh có bước phát triển khá, đã hình thành và mở rộng thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Các doanh nghiệp công nghiệp trong tỉnh có bước tăng trưởng khá cả về số lượng và quy mô.

Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,85%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2020 (theo giá so sánh 2010) đạt gần 12.000 tỷ đồng. Tỉnh đã cơ cấu lại ngành, sản phẩm công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo; giảm dần chế biến thô, tăng chế biến tinh các sản phẩm. Các doanh nghiệp công nghiệp trong tỉnh có bước tăng trưởng khá cả về số lượng và quy mô, cơ cấu ngành có bước phát triển hợp lý, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đã xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất công nghiệp, quy hoạch phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất; rà soát, ban hành một số chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp.

Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo hướng đến phát triển bền vững

Toàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp với diện tích quy hoạch 632ha, bao gồm: khu công nghiệp phía Nam (400 ha); khu công nghiệp Minh Quân (112 ha); khu công nghiệp Âu Lâu (120 ha). Hiện có 61 doanh nghiệp đăng ký thực hiện 62 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt gần 12.000 tỷ đồng, diện tích đất đăng ký sử dụng 345ha. Riêng trong giai đoạn 2016-2020, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 40 dự án đầu tư. 12 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích gần 550 ha thu hút được 11 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 500 tỷ đồng.

Toàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp với diện tích quy hoạch 632ha

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng nhanh, bền vững, tỉnh Yên Bái đã tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, thân thiện môi trường, khẳng định vai trò là ngành công nghiệp chủ lực trong phát triển công nghiệp nông thôn, gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo được nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, là yếu tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay toàn tỉnh có 64 cơ sở chế biến chè đang hoạt động. Một số doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới, nâng cấp dây chuyền, máy móc, thiết bị công nghệ chế biến, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Sản lượng chè chế biến năm 2020 ước đạt trên 27.000 tấn, trong đó chè đen đạt trên 24.000 tấn, chiếm 90% sản lượng.

Số lượng cơ sở chế biến gỗ rừng trồng phát triển nhanh, sản phẩm đa dạng, chất lượng được nâng lên. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 520 cơ sở chế biến gỗ trong đó có 44 doanh nghiệp và 476 hộ cá thể, tập trung chủ yếu tại các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các dự án sản xuất, chế biến gỗ chất lượng cao như: Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An, Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái, Công ty TNHH Kim Gia, Công ty TNHH Good Industry; Công ty TNHH Trường Minh; Công ty TNHH một thành viên An Việt Phát; Công ty TNHH YiFan Hồng Kông...Sản phẩm từ gỗ rừng trồng đã được xuất khẩu đến các thị trường như: Hàn Quốc, Trung Quốc...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 520 cơ sở chế biến gỗ

Hiện toàn tỉnh có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với tổng công suất 1.000 tấn sản phẩm/năm; sản lượng tinh dầu quế năm 2020 đạt 600 tấn/năm, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Một số sản phẩm mới đã được phát triển và có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn hiện nay như: Trà quế, nước tẩy rửa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ quà lưu niệm...

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã nâng cao hiệu quả vận hành của các nhà máy thủy điện hiện có, thu hút thêm được 17 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất gần 182 MW, tổng vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng. Đồng thời, đưa 9 nhà máy thủy điện phát điện lên lưới điện quốc gia với tổng công suất trên 104 MW. Đến nay toàn tỉnh có 22 dự án đã hoàn thành phát điện lên lưới quốc gia, với tổng công suất 455 MW, điện lượng bình quân khoảng 1,8 tỷ kWh điện/năm, đóng góp cho giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách gần 200 tỷ đồng/năm.

Đẩy mạnh sản xuất vật liệu xây dựng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 80 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó chủ yếu là sản xuất gạch. Công nghiệp chế tạo, lắp ráp, sửa chữa cơ khí, điện tử; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến công nghệ cao có bước phát triển. Trong giai đoạn 2016-2020, đã thu hút được một số dự án: Nhà máy sản xuất thép ống, thép hộp của Công ty TNHH một thành viên Vật liệu xây dựng Hoa Sen Yên Bái; Nhà máy sản xuất khung kèo thép của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng - sản xuất nhà thép tiền chế Đại Hoàng Yên Bái; Nhà máy sản xuất ống thép của Công ty cổ phần NewVN Hoàng Liên Sơn góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Cùng với đó, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề được quan tâm đầu tư. Trên địa bàn tỉnh đã có 13 làng nghề và nghề truyền thống được công nhận: làng nghề sản xuất miến đao Giới Phiên; đan rọ tôm Đồng Tâm (Yên Bình); trồng và chế biến chè xanh chất lượng cao (Trấn Yên); dệt thổ cẩm (Mù Cang Chải); nấu rượu thóc (Mù Cang Chải)... Tuy phần lớn quy mô các làng nghề còn nhỏ, chất lượng, mẫu mã sản phẩm còn hạn chế nhưng có một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao trở lên, được thị trường đón nhận.

Hướng tới những mục tiêu cụ thể

Với vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh, thời gian tới đòi hỏi ngành công nghiệp tiếp tục có những bước phát triển mới, nhanh và vững chắc, tạo bước đột phá cho sự phát triển giai đoạn 2021-2025. Theo đó tỉnh xác định phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường và phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cả nước, của khu vực và quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có dư địa tăng trưởng; thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa công nghiệp trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Khai khoáng Thanh Sơn, huyện Lục Yên

Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp nhanh và bền vững, tạo sự chuyển biến về chất lượng trong quá trình phát triển; huy động các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sạch thu hút các dự án đầu tư, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm làm nền tảng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 đạt 20.000 tỷ đồng (giá so sánh 2010), trong đó tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng chiếm 5,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 80,12%; ngành công nghiệp sản xuất, phân phối điện nước 13,68%; ngành công nghiệp hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải là 0,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9%/năm.

Tỉnh đặc biệt ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng, tạo mặt bằng sạch để mời gọi thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện dự án đầu tư tại Khu công nghiệp phía Nam, khu công nghiệp Âu Lâu; các cụm công nghiệp Minh Quân, Bảo Hưng, Yên Thế, Âu Lâu, Thịnh Hưng... phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 65%, tỷ lệ lấp đầy tại các cụm công nghiệp là 60%. Khuyến khích mời gọi các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp với quy mô khoảng 2.000ha bên hữu ngạn sông Hồng, dọc theo tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Cùng với đó đầu tư đồng bộ và hoàn thiện hạ tầng lưới điện, đặc biệt là hạ tầng lưới điện nông thôn, phấn đấu đến năm 2025 cấp điện lưới quốc gia hoặc bằng các loại hình khác (điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ...) đến 100% số thôn, bản và 99% số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Phấn đâu xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh trong khu vực; hình thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao của khu vực miền Bắc tại tỉnh Yên Bái vào năm 2022.

 

2445 lượt xem
Hiền Trang

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h