Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái: Chuyển đổi số từ Nghị quyết đến thực tiễn

30/01/2022 06:34:44 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Bắt nhịp xu thế chung của thế giới, của cả nước tỉnh Yên Bái đã và đang nỗ lực phát triển môi trường hiện đại, an toàn hướng tới chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực đời sống xã hội.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan, trải nghiệm thực tế những ứng dụng, tiện ích của thẻ điện tử công chức, viên chức.

Từ Nghị quyết

Ngày 22/7/2021, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát đến năm 2025 cơ bản hoàn hành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trong trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. UBND tỉnh cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 51-NQ/TU, các kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Các ban, ngành, địa phương cũng đã nhanh chóng, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chuyển đổi số của từng ngành, lĩnh vực địa phương, đơn vị.

Với tinh thần nghiêm túc và nỗ lực thực hiện công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm trong chuyển đổi số

Mục tiêu mà Yên Bái đặt ra là xếp vào nhóm 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chuyển đổi số. Để làm được điều này, tỉnh Yên Bái sẽ phải triển khai đồng bộ các giải pháp về nguồn lực kinh tế, nhân lực và sự đồng thuận xã hội. Các giải pháp cụ thể được tỉnh đặt ra là ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và khuyến khích các doanh nghiệp lớn, có truyền thống đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, thương mại.

Phát triển 3-5 doanh nghiệp công nghệ số điển hình, từng bước hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Hỗ trợ, tư vấn cho 5-10 doanh nghiệp xây dựng mô hình điểm về doanh nghiệp chuyến đổi số phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái cũng sẽ phối hợp tổ chức và tham gia các sự kiện thương mại điện tử thường niên mang tính kích cầu và mở rộng cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Tạo môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và môi trường cho các mô hình thương mại điện tử tiên tiến để người tiêu dùng trải nghiệm, xây dựng thói quen, kỹ năng thương mại điện tử mới. Tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với doanh nghiệp sản xuất theo từng ngành hàng nhằm tạo thêm các chuỗi liên kết mới.

Đến thực tiễn

Từ mục tiêu Nghị quyết đặt ra, tỉnh Yên Bái đã và đang ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số đã rút ngắn rất nhiều thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Bảo hiểm xã hội tỉnh là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, qua đó đã góp phần tích cực thực hiện tốt chính sách bảo hiểm để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Tính đến hết tháng 11/2021, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái đã chi trả chế độ cho 26.285 lao động, với số tiền hơn 63 tỷ đồng. Phần lớn các hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ, chính sách gửi đến cơ quan Bảo hiểm Xã hội bằng giao dịch điện tử. Để thực hiện tốt việc chuyển đổi số về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái tăng cường giải pháp số hóa hồ sơ, cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm và phân công cụ thể nội dung công việc, yêu cầu về chất lượng, thời gian tiến hành của các đơn vị liên quan trong việc thực hiện chuyển đổi số. Cùng với đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh tăng cường tính chủ động, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. 

Bảo hiểm xã hội tỉnh là đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. 

Cũng trong năm 2021, đơn vị đã triển khai quyết liệt việc ứng dụng phần mềm VssID, cài đặt trên điện thoại thông minh. Đơn vị hướng dẫn người dân hiểu rõ các tính năng của phần mềm, cách tra cứu quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó, công khai minh bạch thời gian đóng, mức đóng của người tham gia bảo hiểm xã hội và quyền lợi tham gia bảo hiểm y tế khi chi phí khám chữa bệnh đều được thông báo qua ứng dụng VssID.

Với mục tiêu trở thành địa phương đi đầu trong chuyển đổi số trong năm 2021 thành phố Yên Bái đã đưa vào vận hành Trung tâm IOC, hướng đến hoàn thành mục tiêu xây dựng công dân số trong nền kinh tế số và xã hội số của tỉnh. IOC thành phố là giải pháp trọng tâm trong xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, đây là nơi thu thập, kết nối từ các phần mềm riêng lẻ vào hệ thống phần mềm IOC một cách chuẩn hóa. IOC thành phố Yên Bái sử dụng hệ thống phần mềm lõi vận hành, chuẩn hóa và tích hợp dữ liệu cơ bản cho 11 phân hệ dịch vụ bao gồm các phân hệ: giám sát, điều hành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; phân hệ giám sát, điều hành dịch vụ hành chính công; giám sát, điều hành lĩnh vực y tế, giáo dục, lưu trú; giám sát, điều hành tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị người dân; giám sát lắng nghe ý kiến người dân trên mạng xã hội; giám sát quản lý quy hoạch, quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Yên Bái; giám sát ứng dụng di chuyển, cách ly Covid-19; camera giám sát, giao thông tích hợp AI; dữ liệu điều hành về nhân lực, các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số chuyển đổi số của thành phố Yên Bái. Các dữ liệu phục vụ cho các phân hệ này là những "số liệu gốc” được cập nhật từ các ban, ngành, các xã phường trên địa bàn thành phố”. 

Cùng với việc đưa vào vận hành IOC, trong năm 2021, thành phố Yên Bái cũng ghi dấu ấn của mình trong bản đồ chuyển đổi số của tỉnh với việc triển khai thực hiện thẻ điện tử công chức, viên chức thành phố Yên Bái và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Dưới những tác động tiêu cực của đại dịch covid-19, cộng đồng các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng chuyển đổi số đặc biệt là phát triển thương mại điện tử trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục tiêu hỗ trợ các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp thông qua việc tối ưu hoá các ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực về xúc tiến thương mại trên nền tảng số, số hoá tài liệu cho đào tạo trực tuyến, marketing xuất khẩu trực tuyến... Yên Bái đã xây dựng Sàn thương mại điện tử với 85% số doanh nghiệp của tỉnh tham gia thành viên. Trong năm 2021, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ trên 100 doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử. Ngành Công Thương đã triển khai các khoá tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp kỹ thuật bán hàng trên Sàn TMĐT trong nước và Quốc tế ( Sendo, Alibaba…); hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên Sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn theo theo hướng đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Yên Bái lên sàn TMĐT, đẩy nhanh phát triển kinh tế số nông thôn, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; tiêu thụ nông sản trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh bị thương lái ép giá; giúp người dân tại các địa phương trong cả nước, ở nước ngoài biết đến và được thưởng thức các sản phẩm đặc sản của Yên Bái một cách thuận tiện, nhanh chóng kể cả trong bối cảnh hạn chế đi lại, vận chuyển do dịch bệnh Covid-19.

Trong những năm qua ngành nông nghiệp của tỉnh Yên Bái cũng đã ghi nhận nhiều kết quả quan trong khi áp dụng chuyển đổi số. Người dân đã thay đổi nhận thức từ sản xuất quảng canh, quy mô nhỏ, lẻ sang sản xuất thâm canh, quy mô lớn, tập trung, hình thành các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa lớn. Cùng với đó, các hình thức sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu đi theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cơ bản, VietGAP, GlobalGAP, Organic (hữu cơ)… đã được các tổ chức, cá nhân quan tâm, áp dụng ngày một nhiều. Cùng với việc phát triển 10 nhóm sản phẩm chủ lực, tỉnh cũng ưu tiên phát triển 10 sản phẩm đặc sản theo tiêu chuẩn "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về những điều kiện sẵn có của địa phương, tỉnh Yên Bái đã tập trung thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu thu được kết quả khả quan. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, trồng rau thủy canh; ghép cải tạo và áp dụng quy trình tưới nhỏ giọt, phun mưa đối với rau, chè, cam, quýt, bưởi... ; mô hình cải tạo đàn trâu, bò, lợn bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo; nuôi cá lồng thâm canh trên hồ Thác Bà; sản xuất quế hữu cơ và công nghệ chế biến gỗ thành phẩm, chế biến tinh dầu quế.... đã được triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.

Xác định nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là khâu đột phá, thời gian qua, ngành y tế Yên Bái đã chú trọng triển khai kỹ thuật mới, chuyên sâu mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh, nhất là với bệnh nhân nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương. Trong năm 2021 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã thực hiện tiếp nhận chuyển giao 33 kỹ thuật. Trong đó tuyến tỉnh: 25 kỹ thuật; tuyến huyện: 08 kỹ thuật. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tại tuyến huyện số kỹ thuật được tiếp nhận mới chỉ đạt 57% so với kế hoạch giao. Hiện tại, bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới và phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương thực hiện nhiều kỹ thuât cao, chuyên sâu có hiệu quả. Về hồi sức cấp cứu, bệnh viện thực hiện thường quy lọc máu liên tục, lọc máu nhân tạo, thay huyết tương, kỹ thuật điều trị tiêu sợi huyết, kỹ thuật dẫn lưu não thất ra ngoài và đo áp lực nội sọ cho bệnh nhân xuất huyết não, điều trị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Bệnh viện được trang bị và đã làm chủ được các kỹ thuật can thiệp mạch trên máy DSA, nút mạch điều trị u gan, chấn thương lách, điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới bằng lasez; đặt máy tạo nhịp, holter huyết áp, điện tim. Các bác sĩ bệnh viện đã thực hiện các ca phẫu thuật sọ não, u não, phẫu thuật nội soi lấy máu tụ nội sọ, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật vi phẫu…

Yên Bái kỳ vọng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, nâng cao thứ hạng của tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc và cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, quyết tâm xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc  và hạnh phúc”, trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung dung và miền núi và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

 

731 lượt xem
Thanh Thủy

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h