Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Yên Bái: Đẩy mạnh chuyển đổi số nâng cao chất lượng phục vụ người dân

02/02/2022 07:21:45 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Nhân dịp năm mới xuân Nhâm Dần 2022, Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã có dịp trò chuyện với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, quốc gia. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung trọng tâm và đột phá chiến lược thực hiện định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.

Theo Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: “Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Yên Bái cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản của một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt phấn đấu thứ hạng của tỉnh Yên Bái vào nhóm 30/63 địa phương của cả nước về chuyển đổi số”.

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Yên Bái thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đồng thời tiếp tục nâng thứ hạng trên bảng xếp hạng đánh giá chuyển đổi số hàng năm.

PV: Kính thưa đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, đồng chí có thể chia sẻ trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ triển khai chuyển đổi số ra sao nhằm đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 51-NQ/TU đã đề ra?

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn: Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 51 đã đề ra, tỉnh Yên Bái tiếp tục tập chung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp với phương châm “Đổi mới căn bản, toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội, xây dựng mô hình đô thị thông minh, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, giúp các ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiêp và người dân triển khai hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, cung cấp, sử dụng dịch vụ xã hội hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng đời sống xã hội và sự hài lòng của người dân”.

Theo đó, nhiệm vụ giải pháp hàng đầu là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát những chủ trương, chiến lược về chuyển đổi số Quốc gia và các nghị quyết của tỉnh Yên Bái phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Năm 2022, lần đầu tiên UBND tỉnh Yên Bái đã đưa mục tiêu, chỉ tiêu chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, Yên Bái sẽ tập trung đầu tư, tiếp nhận hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin với công nghệ tiên tiến, hiện đại có tính bảo mật, an toàn, an ninh cao như xây dựng Trung tâm điều hành, giám sát xử lý dữ liệu đô thị thông minh (IOC); xây dựng hệ thống quản lý điều hành thông tin kế hoạch - tài chính, y tế thông minh, giáo dục thông minh, du lịch thông minh, cổng dữ liệu mở, nền tảng di động Yên Bái G và Yên Bái S... và tiếp tục triển khai mở rộng các nhiệm vụ của đô thị thông minh tầm nhìn đến năm 2025.

Tỉnh Yên Bái đã và đang tập trung xây dựng thí điểm một số nhiệm vụ như xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số ở cấp sở, ban, ngành, cấp huyện, cấp xã, doanh nghiệp, đặc biệt sẽ triển khai thúc đẩy phát triển xã hội số, công dân số thông qua việc xây dựng ứng dụng di động cung cấp dịch vụ số cho 70% người lao động tại các khu công nghiệp và các dịch vụ số liên quan và trên 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển thị trường, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư theo chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh.

Ngoài ra, Yên Bái cũng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao để tiếp nhận công nghệ, vận hành hệ thống hạ tầng chuyển đổi số có hiệu quả, phát huy kết quả thực hiện dự án du lịch thông minh, sản xuất nông nghiệp thông minh, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử tỉnh và các sàn thương mại uy tín như Voso.vn, Postmart.vn.

Qua đó nhằm cung cấp các dịch vụ công chất lượng và kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

PV: Xin đồng chí cho biết, trong các mục tiêu mà nghị quyết đưa ra, đâu là mục tiêu quan trọng nhất mà tỉnh Yên Bái muốn hướng đến?

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn: Trong các mục tiêu mà nghị quyết đưa ra, tỉnh Yên Bái xác định mục tiêu quan trọng nhất để hướng đến đó là 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng dịch vụ công tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% các giao dịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt ít nhất 50%, người dân chỉ phải nhập dữ liệu 1 lần và tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính là quan trọng nhất.

Tỉnh Yên Bái luôn đặt mục tiêu hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, khi tỉnh Yên Bái cung cấp các thủ tục hành chính lên dịch vụ công mức độ 4 sẽ giúp chính quyền hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn; cán bộ, công chức, người dân được đào tạo, nâng cao kỹ năng số, từ đó hình thành nên các công dân số. Qua đó, việc hình thành được các công dân số là một trong những điều kiện hết sức quan trọng để phát triển được chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

PV: Được biết, tỉnh Yên Bái cũng tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế số, vậy ông cho biết, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển những lĩnh vực nào?

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái – Trần Huy Tuấn: Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của địa phương, mục tiêu phát triển kinh tế số trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ lựa chọn phát triển cấu phần Kinh tế số, trong đó ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở lĩnh vực quản trị điện tử, thương mại điện tử, tài chính điện tử, ngân hàng điện tử, sản xuất thông minh, nông nghiệp chính xác, du lịch thông minh, giao thông vận tải và logistics. Vì đây là các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và dư địa phát triển của tỉnh hiện nay.

PV: Tỉnh Yên Bái là một địa phương của vùng núi Tây Bắc, trên góc độ là người đứng đầu địa phương, đồng chí đánh giá đâu là lợi thế để Yên Bái thực hiện chuyển đổi số thành công?

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn: Mặc dù vẫn là một địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ; từng bước xây dựng chính quyền điện tử gắn với mô hình đô thị thông minh, đạt được kết quả nhất định. Qua đó, sự đồng thuận, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân cũng là một trong những lợi thế quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Với sự vào cuộc nhanh chóng, từng bước hiệu quả, hiện đề án xây dựng mô hình điểm Đô thị thông minh tỉnh Yên Bái đã được hoàn thành để đưa vào sử dụng như Trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh Yên Bái, xây dựng hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh; nâng cấp thư điện tử, triển khai mạng số liệu chuyên dùng, hệ thống camera giám sát an toàn, an ninh và Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng tỉnh Yên Bái. Đây là bước đánh dấu quan trọng để tạo đà phát triển nền tảng chính quyền số. Qua đánh giá, điểm tích cực của tỉnh Yên Bái trong năm 2020, kết quả chỉ số cái cách hành chính tỉnh Yên Bái (Par Index) xếp thứ 24/63 và chỉ số chuyển đổi số (DTI) xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố. Đây cũng là một thời cơ, cũng là thách thức rất lớn đối với tỉnh Yên Bái nhằm đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 51-NQ/TU đề ra.

Bên cạnh đó, tới cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 2.496 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh điện tử viễn thông, công nghệ thông tin chiếm 14,9%, số thuế đóng ngân sách năm 2020 là 3,24 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 94,8% hộ gia đình sử dụng điện thoại thông minh với 626.028 số thuê bao, chiếm 75%, trong đó có 570.750 số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh. Điều đó cho thấy người dân Yên Bái luôn sẵn sàng tiếp cận với công nghệ, sẵn sàng sử dụng công nghệ và thích sử dụng công nghệ. Cùng với đó người dân Yên Bái có nhiều phẩm chất tốt như ham học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, hội nhập, đoàn kết, đây cũng là những thế mạnh để tỉnh Yên Bái phát huy trong thực hiện chuyển đổi số thành công.

Xin cảm ơn Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - Trần Huy Tuấn đã dành thời gian để trả lời phỏng vấn, nhân dịp năm mới xuân Nhâm Dần 2022, kính chúc đồng chí thật nhiều sức khỏe, chúc tỉnh Yên Bái sẽ thực hiện chuyển đổi số thành công rực rỡ!

1883 lượt xem
Thanh Thủy

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h