Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Hội nghị triển khai nhiệm vụ Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái năm 2022

11/03/2022 18:17:42 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sáng ngày 11/3, tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái năm 2022. Hội nghị được triển khai tại các điểm cầu tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị

Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái; đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

Dự Hội nghị còn có Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các Ban, sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo các Huyện, Thị, Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị của các huyện, thị xã, thành phố tại các điểm cầu.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định chuyển đổi số là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược thực hiện định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Bám sát sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngày 22/7/2021, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. 

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 15/CTr-UBND ngày 26/10/2021 (viết tắt là Chương trình hành động số 15/CTr-UBND), trong đó đưa ra 15 mục tiêu cơ bản đến năm 2025, 10 mục tiêu cơ bản đến năm 2030, 19 nhiệm vụ chung, 69 nhiệm vụ cụ thể và giao nhiệm vụ cho các ngành, đoàn thể, địa phương, phân công lãnh đạo phụ trách, quy định thời gian thực hiện. Đến nay, 100% sở, ban, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Chương trình hành động số 15/CTr-UBND. UBND tỉnh và 100% các huyện, một số sở, ban, ngành đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ cộng tác viên về chuyển đổi số.

Đến nay, việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nhất định. Đã hoàn thành và bắt đầu đi vào khai thác sử dụng Trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh Yên Bái (DC); Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng tỉnh Yên Bái (SOC); hệ thống camera giám sát chung phục vụ giám sát an ninh, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến nay đã được triển khai tại 408 điểm; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Yên Bái triển khai gần 200 điểm cầu, kết nối từ Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng cấp ủy, chính quyền cấp huyện và được mở rộng đến 173 xã trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động của bộ máy chính quyền thay đổi theo hướng lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng phục vụ. 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt 78,33%; 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính tại 3 cấp chính quyền; Tỷ lệ hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được giải quyết thành công được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định đạt 95%.

Đã bước đầu xuất hiện những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện chuyển đổi số, như: Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai thí điểm nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái" tại 11 tổ chức đảng; triển thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 8 đơn vị thuộc 3 cấp chính quyền và doanh nghiệp (Sở Thông tin và Truyền thông; UBND huyện Văn Yên; xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn; phường Minh Tân, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái; trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, trường THCS Quang Trung thành phố Yên Bái và Công ty Điện Lực Yên Bái.

Việc triển khai xây dựng và phát triển kinh tế số chú trọng thu hút phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh triển khai các nền tảng phục vụ chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ số vào tổ chức quản lý và chuyển đổi phương thức hoạt động của nền kinh tế địa phương; hỗ trợ trên 100 doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Yên Bái. Đưa 607 sản phẩm lên Sàn thương mại điện tử với 100% các sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vnVoso.vn và đã được bán ra trên 6.200 đơn hàng…

Trong xây dựng, phát triển xã hội số đã triển khai trên 65% người dân trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám bệnh, chữa bệnh; 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; 100% đơn vị từ tuyến xã, tuyến huyện và tuyến tỉnh triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử; 100% cơ sở giáo dục các cấp sử dụng phần mềm quản lý trường học, trong thời gian nghỉ học ở trường vì dịch bệnh Covid-19 có 33,9% học sinh THCS, 97,08% học sinh THPT tham gia học trực tuyến. Đến thời điểm hiện tại đã triển khai xong đi vào hoạt động 149 điểm cụm loa đài truyền thanh thông minh. 100% công tác quản lý liên quan đến du lịch được điện tử hóa, số hóa. 100% xã, phường, thị trấn đã có đường truyền băng rộng cáp quang; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang đạt 46%; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 94%; tỷ lệ số hộ gia đình sử dụng điện thoại thông minh đạt 94,7%; 20% người dùng điện thoại, thiết bị thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh; 25% người dân trưởng thành có thể sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.

Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được triển khai tích cực và đạt hiệu quả. Trong đó, đã xây dựng phần mềm Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 tỉnh Yên Bái (https://bandocovid.yenbai.gov.vn/) cập nhật thường xuyên số ca nhiễm và đang điều trị. Cung cấp thông tin, vị trí 15 điểm bệnh viện, trung tâm y tế; 9 trung tâm y tế; 10 cơ sở y tế điều trị Covid-19; cập nhật thông tin mới nhất về tình hình diễn biến dịch trên địa bàn tỉnh. Hệ thống nền tảng xét nghiệm Sars-Cov-2 trên PC-Covid giúp người dân nhận được kết quả xét nghiệm trên điện thoại thông minh nhanh chóng, chính xác. Tổng số mẫu xét nghiệm nhập lên hệ thống toàn tỉnh đến nay là 129.994 mẫu xét nghiệm.

Triển khai hệ thống tiêm chủng Covid-19 cho các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và các bệnh viện nhằm cập nhật thông tin dữ liệu tiêm chủng hàng ngày các đơn vị lên nền tảng nhanh chóng kịp thời và chính xác, thông tin về các mũi tiêm được thể hiện trên PC-Covid để phục vụ khai báo y tế, di chuyển nội địa. Tổng số mũi tiêm được cập nhật lên hệ thống toàn tỉnh là 1.616.260 mũi tiêm. Triển khai, hỗ trợ hướng dẫn sử dụng cho 09 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố, 173 trạm y tế xã phường các khối bệnh viện sử dụng hệ thống phần mềm Chăm sóc sức khỏe tại nhà cho bệnh nhân F0. Đến nay, tổng số bệnh nhận trên toàn tỉnh được cập nhật lên hệ thống để theo dõi và hỗ trợ là 27.108 người.

Đồng chí Hoàng Minh Tiến - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị đã có 8 ý kiến tham luận và 18 kiến nghị, đề xuất về kết quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, công tác chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các ý kiến tham luận đã đánh giá được những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn vướng mắc đồng thời cũng đã đề ra được một số giải pháp, bài học kinh nghiệm giúp cho tiến trình thực hiện chuyển đổi số tỉnh Yên Bái được thực hiện nhanh hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn, thông minh hơn. 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao tỉnh Yên Bái đã chủ động, quyết liệt triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh: Năm 2022, chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực trong chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Định hướng xuyên suốt trong năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua việc phổ cập, sử dụng các nền tảng số của Việt Nam, giúp người dân doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp lợi ích của chuyển đổi số. Trong đó tập trung phổ cập 6 nội dung gồm: Phổ cập sàn thương mại điện tử; nền tảng dạy học trực tuyến; nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân kết nối trực tiếp giữa người dân và bác sỹ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện; phổ cập các nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân (liên lạc, giải trí, du lịch…); phổ cập sử dụng dịch vụ công trực tuyến do cơ quan chính quyền các cấp cung cấp cho người dân và doanh nghiệp; phổ cập nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vừa qua, Bộ TT&TT đã có văn bản đề nghị các địa phương quan tâm tập trung chỉ đạo triển khai 22 nhiệm vụ giải pháp quan trọng năm 2022. Vì vậy đồng chí Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát đảm bảo kế hoạch hành động chuyển đổi số năm 2022 của tỉnh để không bỏ sót nhiệm vụ.

Đồng chí cũng đề nghị cần cảnh giác để nhận biết quản lý rủi ro để chuyển đổi số hiệu quả và bền vững. Trong đó, lưu ý về nguy cơ mất an toàn an ninh mạng, công tác quản lý kinh phí chi cho ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số, lưu ý triển khai các mô hình góp phần chuyển đổi số thành công.

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái đánh giá cao những kết quả bước đầu đã đạt được trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh, đặc biệt là vai trò tham mưu của các cơ quan, đơn vị đầu mối như: Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh và sự phối hợp, đồng hành, hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Những kết quả bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái thời gian qua chính là kết quả của sự thay đổi căn bản về tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sự ủng hộ, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh với mong muốn bắt kịp xu thế và nắm bắt, tận dụng thời cơ của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư mạng lại. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Năm 2022, là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề để thúc đẩy tăng tốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX đảng bộ tỉnh; là năm được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông coi là năm “tổng tiến công chuyển đổi số”.

Đồng chí đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 195-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách của Trung ương và của tỉnh về chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về quan điểm, chủ trương và vai trò, vị trí, tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc chuyển đổi số, cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tổ chức hội nghị, dạy và học trực tuyến, làm việc từ xa, họp không giấy tờ, chữ ký số để các hoạt động kinh tế - xã hội không bị gián đoạn. Đưa việc sử dụng các nền tảng công nghệ, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân thành một thói quen.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa vào khai thác, sử dụng Dự án Trung tâm điều hành xử lý dữ liệu tập trung đa nhiệm tỉnh Yên Bái (thuộc Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái). Đặc biệt, chú trọng triển khai có hiệu quả các hạng mục về y tế thông minh, giáo dục thông minh, du lịch thông minh, thương mại điện tử… để người dân, doanh nghiệp sớm được thụ hưởng các thành quả trực tiếp từ Đề án. Phấn đấu sớm đưa hạng mục thông tin chỉ đạo, điều hành vào hoạt động với mục tiêu giúp cho cấp có thẩm quyền có thể ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu lớn được cập nhật, tổng hợp, phân tích theo thời gian thực.

Tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cho cấp sở, huyện, xã phường, trường học, doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu việc thành lập các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại 100% các xã, phường, thị trấn để làm lực lượng nòng cốt trong thực hiện chuyển đổi số toàn dân.

Tích cực huy động, lòng ghép đa dạng các nguồn lực thực hiện chuyển đổi số; tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết với các tập đoàn, công ty viễn thông, công nghệ thông tin để tư vấn, hỗ trợ và cung cấp giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Có giải pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực nhà nước trong thực hiện chuyển đổi số. Tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và chủ động phối hợp với các doanh nghiệp ngành bưu chính, viễn thông để triển khai hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông phục vụ chuyển đổi số tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa như: phủ sóng 3G, 4G; cung cấp Internet cáp quang băng thông rộng; hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh cho các hộ nghèo; triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến Mobile Money…

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người lao động, người dân về chuyển đổi số. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để đội ngũ này trở thành các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật nòng cốt tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số.

 Nghiên cứu, đề xuất cơ chế đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ chuyên ngành công nghệ thông tin, chuyển đổi số làm việc trong các cơ quan, đơn vị nhà nước. Quan tâm thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh tỉnh Yên Bái.

Nghiên cứu, có cơ chế thu hút, mời các chuyên gia công nghệ trong và ngoài tỉnh, tham gia tư vấn, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số cấp tỉnh; nghiên cứu đề xuất thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng rằng, với sự thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm chính trị cao, trên cơ sở những kết quả tích cực bước đầu đạt được về chuyển đổi số, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Yên Bái sẽ thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số theo Nghị quyết số 51-NQ/TU đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh.

1896 lượt xem
Nguyễn Hiên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h