Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Lễ cúng cơm mới của người Mông Mù Cang Chải

23/10/2019 09:34:26 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Mỗi một dân tộc đều có phong tục tập quán mang đậm bản sắc văn hóa riêng, trong đó Lễ cúng cơm mới của người Mông ở Mù Cang Chải là một nghi thức không thể thiếu trong đời sống của họ. Lễ cúng cơm mới thường được tổ chức vào khoảng cuối tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Lễ cúng cơm mới của người Mông nhằm thể hiện sự biết ơn, hiếu thuận của con cháu với ông bà, tổ tiên, thần núi, thần sông.

Lễ cúng cơm mới của người Mông Mù Cang Chải

Khi những thửa ruộng bậc thang chín vàng là thời điểm bắt đầu ăn cơm mới của mọi nhà người Mông trên vùng cao Mù Cang Chải. Trước đây, ăn cơm mới, người Mông thường đi gặt trước một ít lúa về phơi khô hoặc rang trong chảo và xát gạo chuẩn bị cho lễ cúng cơm mới của gia đình. Nhưng hiện nay, do được đầu tư về mọi mặt, đặc biệt là chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo và người Mông cũng biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên hiện nay người Mông thường gặt lúa xong mới ăn cơm mới và thường được tổ chức vào cuối tuần để con cháu đi học hành hoặc đi công tác mới được nghỉ về dự cơm mới.

Khi tổ chức ăn cơm mới tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, bình thường là mổ gà, mổ ngan nếu gia đình khấm khá hơn thì mổ lợn ăn mừng. Khâu chuẩn bị không có nhiều phức tạp, lấy gạo mới thổi cơm, sau đó mổ gà, vịt hay lợn. Một điều lưu ý là gia súc, gia cầm đó phải được mổ trong gian nhà giữa và thẳng với cửa chính của gia đình, với ý nghĩa là để cho tổ tiên cùng biết. Sau khi cơm và thức ăn được nấu chín, sắp ra một mâm cơm riêng cho ra gian nhà giữa thẳng cửa chính và bàn thờ. Mâm cơm cúng gồm một nồi cơm, đầy đủ thịt, rượu được cắm nhiều thìa xếp dựng đứng trên, sau đó xếp nhiều ghế xung quanh cái bàn cơm và chủ nhà vào ngồi mâm cơm. Vừa xúc cơm ra bàn vừa mời gọi các cụ tổ tiên với nội dung: Hôm nay, gia đình làm lễ ăn cơm mới, tôi nấu chín và chưa ăn, nên đại diện gia đình mời ông bà, tổ tiên, thần lúa, thần cây, thần núi, thần sông suối .v.v.. về ăn cùng gia đình tôi ăn bữa cơm mới trong năm. Cầu mong những vị thần, tổ tiên đã phù hộ vụ mùa trong năm nay, mong muốn cần sự che chở và ủng hộ hơn nữa trong mùa vụ sau. Ngoài ra, gia chủ còn cảm ơn ông bà, tổ tiên đã luôn bảo vệ, đem lại may mắn cho các thành viên trong gia đình, cả nhà mạnh khoẻ, vui vẻ lao động sản xuất tạo ra nhiều lúa thóc mới trong năm sau. Khi kết thúc nghi lễ cúng cơm tại mâm, chủ nhà ăn một vài thìa cơm có nghĩa là cùng tiếp các cụ cùng tổ tiên và các vị thần ăn cơm mới.

Theo quan niệm của người Mông, việc ăn cơm mới là một sự kiện đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong một năm lao động vất vả. Sau khi làm lễ cúng thì gia đình mới chính thức được dùng thóc lúa của năm mới, nhất là người chủ nhà (đàn ông chính trong gia đình). Đây là tục lệ mà bất cứ người con trai nào trong gia đình phải biết, gọi mời tổ tiên về thưởng thức mùi vị cơm mới. Và là một nghi thức rất quan trọng trong phong tục, tập quán và nếp văn hóa riêng của dân tộc người Mông. Họ coi đó là thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông, bà tổ tiên.

Sau lễ cúng của gia chủ, mọi người mới dọn các mâm cơm khác cho khách ăn. Tại bữa ăn cơm mới, anh em, họ hàng, khách mời thường gửi những lời chúc tốt đẹp nhất trong một năm lao động, sản xuất và được năng suất nhiều hơn năm trước.

2708 lượt xem
CTV: A Cớ

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h