Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo ở Yên Bái

20/11/2022 07:26:02 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Với nỗ lực không ngừng, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh những giải pháp đổi mới, đột phá, ngành cũng chú trọng phát triển các mô hình, cách làm mới để nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo.

Một giờ ngoại khóa của thầy và trò trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Phạ - huyện Mù Cang Chải

Tại thời điểm 1982, Yên Bái nằm trong địa bàn hành chính của tỉnh Hoàng Liên Sơn mới thành lập năm 1976. Tỉnh có địa bàn rộng lớn, bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, đời sống nhân dân còn nghèo, kinh tế chậm phát triển, văn hóa còn có những yếu tố lạc hậu… Đặc biệt, chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979 đã phá hủy nặng nề cơ sở kinh tế, văn hóa cũng như đời sống của nhân dân ta; sự nghiệp giáo dục cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng: năm học bị gián đoạn, nhiều trường học bị tàn phá phải tạm thời đóng cửa, hơn 1.300 lớp học bị phá hủy, hơn 30.000 học sinh không có chỗ học. Trong hoàn cảnh ấy, Ngành đã chỉ đạo cán bộ quản lý, giáo viên bám lớp, bám trường, ổn định các hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt, dạy thêm giờ cho kịp chương trình; tăng cường một số giáo viên vùng thấp lên vùng cao để phát triển giáo dục.

Ngày 01/10/1991, tỉnh Yên Bái được tái lập. Yên Bái là một tỉnh miền núi nghèo, kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém, trình độ dân trí thấp, đời sống của nhân dân các dân tộc còn khó khăn. Lúc này, toàn tỉnh có 62 xã trắng về giáo dục mầm non; hầu hết các trường vùng cao mới chỉ có đến lớp 2, lớp 3; toàn tỉnh có hơn 60% là số phòng học tạm. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường thấp: trẻ nhà trẻ đạt 9,2%, trẻ mẫu giáo đạt 22,9%; số trẻ 6 tuổi ra chỉ đạt 68%. Tỷ lệ chuyên cần rất thấp, số học sinh bỏ học nhiều: cấp tiểu học là 12%, riêng lớp 1 là 13,6%; cấp trung học là 22,6%; cấp trung học phổ thông là 14,2%.

Trước tình hình ấy, dưới sự quan tâm, lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái đã chủ động, tích cực đổi mới cách làm, năng động, sáng tạo, cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn địa phương; khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đến nay, sau 40 năm nỗ lực, quyết tâm; đặc biệt sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Yên Bái từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức; tạo những chuyển biến căn bản và toàn diện trên các mặt, đó là:

Quy mô, mạng lưới trường, lớp được sắp xếp phù hợp, tinh gọn và hiệu quả. Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 463 cơ sở giáo dục; trong đó có 02 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp, 07 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 09 trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập và 443 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với quy mô trên 6.800 lớp, trên 222.000 học sinh.

Cơ sở vật chất trường lớp học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Hiện tại, toàn tỉnh có gần 6.500 phòng học, trên 1.000 phòng học tương tác, phòng học thông minh; trên 600 phòng học bộ môn; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 84%, đáp ứng đủ cho học hai ca và đảm bảo được dạy học 2 buổi/ngày ở các trường mầm non, tiểu học.

Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên. Hàng năm, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ gần đạt 30%, trẻ mẫu giáo đạt 97%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; bậc tiểu học không còn học sinh bỏ học. Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp tiểu học đạt 97% trở lên; hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt trên 95%, hoàn thành cấp trung học phổ thông đạt trên 90%. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học liên tục tăng cao; nhiều học sinh đã đỗ thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

Công tác giáo dục mũi nhọn được nâng cao về số lượng, chất lượng và duy trì ở vị trí nửa đầu trong 15 tỉnh khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. Đặc biệt, năm 2015, Yên Bái có 01 học sinh đạt Bằng khen trong kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á; năm 2019, có 01 học sinh đoạt huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Hoá học Quốc tế.

Công tác giáo dục dân tộc có những chuyển biến mạnh mẽ. Quy mô, số lượng các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được mở rộng. Toàn tỉnh hiện có gần 40% học sinh dân tộc thiểu số được hưởng chính sách nội trú, bán trú; 7,3% học sinh người dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, nâng cao theo hướng bền vững. Năm 1997, tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2007 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2009 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; năm 2021 đạt chuẩn phổ cấp giáo dục tiểu học mức độ 3. Công tác phân luồng học sinh luôn được chú trọng, triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh lên 63%, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã được triển khai sâu rộng, tạo một diện mạo mới cho các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm 1999, Yên Bái có 01 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; đến nay, toàn tỉnh đã có 293 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 66,0%.

Việc xây dựng trường học hạnh phúc được quan tâm. Yên Bái là tỉnh đầu tiên ban hành bộ tiêu chí tạm thời về trường học hạnh phúc; phát động phong trào thi đua trong toàn ngành "Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc". Đến nay, tất cả các trường học trong tỉnh đều tham gia xây dựng trường học hạnh phúc.

Công tác chuyển đổi số được quan tâm, đầu tư hiệu quả. Ngành giáo dục và đào tạo được tỉnh chọn là đơn ưu tiên thực hiện, tiên phong trong công tác chuyển đổi số.

Đặc biệt, công tác xây dựng đội ngũ được quan tâm, đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các bậc học được bổ sung kịp thời đảm bảo về số lượng; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống được quan tâm; các chế độ, chính sách về lương, các khoản phụ cấp được thực hiện đầy đủ, minh bạch, kịp thời. Đến nay, toàn ngành có trên 13.000 lao động, trên 82% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên, trong đó trên 20% trên chuẩn, trên 400 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Đặc biệt, đã có rất nhiều thầy giáo, cô giáo là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và trách nhiệm với nghề; không ngừng đổi mới sáng tạo, đạt thành tích xuất sắc trong giảng dạy và các phong trào thi đua yêu nước. Điển hình như: Cô giáo Vũ Thị Hạnh - Phó Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (huyện Văn Yên), cô giáo Chu Thị Tú Liên - Phó hiệu trưởng trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ (Thị xã Nghĩa Lộ) đã có nhiều sáng kiến trong giảng dạy, được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả; hay như cô giáo Phạm Thị Hải Linh, thầy giáo Đỗ Lê Nam của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, cô giáo Lương Thị Thu Hương của Trường THCS Báo Đáp (huyện Trấn Yên); cô giáo Phạm Thị Thanh Hiền của trường TH&THCS Lý Tự Trọng (Thị xã Nghĩa Lộ) đã có nhiều thành tích xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp... Hàng ngàn nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu, xuất sắc đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý; có 78 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.

Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển giáo dục địa phương, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành đã được Nhà nước, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quí. Ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã được Chính phủ tặng Cờ thi đua các năm 2011, 2016, 2020; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 2003; Huân chương độc lập hạng 3 năm 2012.

Có thể khẳng định, đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã xây dựng được một đội ngũ nhà giáo tương đối đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị, trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt, đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của ngành. Các nhà trường bước đầu được đổi mới theo tinh thần phát huy tính năng động, chủ động và tích cực của người học; giáo viên đã chủ động trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy và quản lý, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Đồng chí Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, trong đó ưu tiên các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường PTDTBT, trường PTDTNT. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, kết hợp hài hòa giữa các phương pháp dạy và học truyền thống với các phương pháp mới, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, quản lý giáo dục; từng bước xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, đưa dạy và học trên môi trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, có chất lượng, hiệu quả cao, hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình “Trường học chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh; Triển khai sâu rộng, hiệu quả việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”...

3129 lượt xem
Lan Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h