Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Tình yêu và hành trình ươm mầm xanh trên vùng cao Trạm Tấu

20/11/2022 07:26:34 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Hai chục năm có lẻ gắn bó với các điểm trường vùng cao của huyện Trạm Tấu - tỉnh Yên Bái, hành trang mà cô Trịnh Thị Thanh Bình - giáo viên Trường PTDTNT Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu mang theo mỗi khi đến lớp không chỉ là ba lô quần áo, đôi ủng, cây gậy phòng khi trời mưa, đường trơn trượt mà còn là sự yêu nghề, tâm huyết với giáo dục vùng cao. Với khát khao “gieo chữ” cho học sinh miền núi nghèo, nhiều năm nay, cô Bình đã luôn thầm lặng băng rừng, vượt suối để mỗi học sinh ở xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn của huyện Trậm Tấu đều được đến trường.

Cô giáo Trịnh Thị Thanh Bình trong một buổi giao lưu viết chữ đẹp cấp Tiểu học

Những năm tháng thanh xuân tươi đẹp trên giảng đường Đại học Sư phạm đã nuôi dưỡng, thắp sáng tình yêu nghề, yêu người trong trái tim cô gái trẻ. Sinh ra ở mảnh đất Mường Lò - Nghĩa Lộ, nhưng ngay sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, cô Bình đã xung phong tình nguyện lên công tác tại huyện vùng cao Trạm Tấu - một vùng trời mới vô cùng lạ lẫm và đầy thử thách đối với cô. Ngày đầu nhận công tác, cô được phân công giảng dạy tại xã Xà Hồ, rồi đến xã Phình Hồ và tiếp đến là xã Trạm Tấu. Tất cả đều là những xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu.

Khi ấy, đường lên các thôn, bản chỉ là những con đường mòn cheo leo trên những sườn núi dựng đứng, phải đi bộ mất nhiều thời gian mới đến được lớp học. Nhà dân ở thưa thớt, lớp học tạm bợ được ghép bởi những tấm ván thông. Cuộc sống sinh hoạt chồng chất bao khó khăn, thiếu thốn. Đêm đêm, ánh đèn le lói trong những mái nhà nhỏ đơn sơ, chỉ có những tiếng gà gáy, tiếng lợn kêu mỗi sáng thức dậy. Ở mỗi điểm trường chỉ có 1 đến 2 giáo viên. Người dân ở đây hoàn toàn là đồng bào dân tộc Mông, các gia đình trong bản đều thuộc diện đói nghèo và phải lo chạy ăn từng bữa. Phần lớn bà con vẫn chưa ý thức được việc học tập của con em mình, chưa bảo ban con trong học tập. Do đó, tình trạng học sinh tự ý bỏ học vẫn xảy ra.

Vì vậy, hàng ngày, từ tờ mờ sáng, khi trời còn mịt mù sương muối, cô Bình đã phải đi khắp các thôn, bản, đến từng nhà gọi từng học sinh ra lớp. Có những nhà dân nằm sâu tận trong rừng nên có những ngày cô phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ để đến vận động phụ huynh đưa con ra lớp. Thêm vào đó là sự bất đồng về ngôn ngữ khiến cô Bình nhiều lúc cảm thấy như bơ vơ, lạc lõng.

Thời gian đầu, cô đã có lúc từng nghĩ rằng mình không thể bám trụ lâu dài ở đây vì rất nhớ nhà. Nhất là những lúc đau ốm phải một mình xoay xở, lo âu. Khi đó, chồng cô là bộ đội đang công tác ở tỉnh Sơn La, con nhỏ phải gửi bố mẹ già ở nhà chăm sóc. Nhưng hình ảnh những em bé người Mông chân trần giữa mùa đông giá rét, ngồi trong lớp học nhưng lưng phải cõng theo em nhỏ để bố mẹ đi làm nương, tấm áo mặc mong manh không đủ ấm, những ánh mắt thơ dại đã khiến cô Bình thương xót. “Tôi muốn được làm điều gì đó cho các em. Và rồi, tôi đã nhìn lại những thế hệ đồng nghiệp đi trước, có biết bao thầy cô đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, mà giờ đây khi tuổi đã cao mà họ vẫn nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Tất cả những điều đó đã trở thành động lực mạnh mẽ giúp tôi vượt lên chính mình, khắc phục mọi khó khăn để yên tâm công tác” -  Cô Bình chia sẻ.

Chính tình cảm yêu mến của người dân và sự hồn nhiên của lũ học trò nơi vùng cao như sợi dây vô hình níu chân cô Bình với mảnh đất này. Thời gian dần trôi, cô Bình đã cùng đồng nghiệp hàng ngày cần mẫn như những người lái đò từng chuyến, từng chuyến chở khách qua sông. Những lớp học không điện, không nước, không sóng điện thoại, thậm chí thiếu cả đường đi nhưng cô Bình vẫn kiên trì bám trụ. Hình ảnh những đứa trẻ đến trường không có dép, không có áo ấm vào mùa đông, thiếu sách vở, đồ dùng học tập… luôn thường trực trong tâm trí, thôi thúc cô không ngừng nỗ lực. Có những ngày trời mưa đường trơn trượt, cô kể rằng mình và đồng nghiệp đã bị ngã rất đau, nhưng phải gắng vượt qua vất vả để đến với các em học sinh. Rồi qua những ngày mưa bão, con nước to như muốn quét cả bản làng, nước mưa hắt xối xả qua từng then cửa, cô và trò hứng trọn những giọt mưa hắt qua từng then cửa và dột từ trên mái của lớp học xuống đầu.

Tình cảm chân thành mà các em học sinh vùng cao dành cho cô Bình là những bông hoa rừng nhưng luôn khiến cô cảm động

Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, đến nay, những lớp học trò của cô đã dần trưởng thành. Có em trở thành bác sỹ, em làm giáo viên, có em ở quê hương xây dựng kinh tế, hơn cả là các em đều trở thành những công dân tốt.

Trong suốt 21 năm công tác tại ngành Giáo dục huyện Trạm Tấu, chứng kiến bao sự đổi thay, phát triển lớn mạnh của ngành Giáo dục và Đào tạo, đến nay, quy mô mạng lưới trường, lớp học đã phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của đồng bào vùng cao. Dạy học ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn không còn gian nan như trước bởi trường lớp khang trang, đường sá được đổ bê tông, trải nhựa giúp cho việc đi lại dễ dàng hơn. Các trường Bán trú được thành lập và đi vào hoạt động, giáo viên không còn phải đến các thôn, bản lẻ để gọi học sinh đến trường như trước. Tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Trạm Tấu nói riêng cũng đã có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ cho giáo dục vùng cao, từ đó đã giảm bớt khó khăn cho giáo viên và học sinh vùng cao. Chất lượng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn huyện ngày một nâng lên.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Trạm Tấu có 27 đơn vị trường học với 397 nhóm lớp, 11.800 em học sinh, trong đó có 10 trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở. Trong những năm học gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu đã có nhiều giải pháp quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý cũng như giáo viên; chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp, hiệu quả để tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Riêng năm học 2021 - 2022, tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 98,7%. 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi trên ngày. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học tăng, duy trì tỷ lệ chuyên cần tương đối cao, duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục. Chất lượng giáo dục ở các cấp học có chuyển biến tốt, hoàn thành chỉ tiêu về Giáo dục và Đào tạo mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ huyện đã đề ra.

Những đổi thay trong sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của huyện Trạm Tấu có sự đóng góp của cô Bình và nhiều thầy cô giáo khác đã dành trọn thanh xuân của mình cho giáo dục vùng cao. Hơn 20 năm công tác tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, cô Bình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hằng năm, cô đều được các cấp khen thưởng. Đồng thời, luôn được đồng nghiệp, học sinh và người thân hết lòng ca ngợi. Cô và bạn bè, đồng nghiệp luôn khắc ghi lời dạy của Bác: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt - học tốt”. Lời dạy đó đã ươm mầm trong cô tình yêu và niềm tin, thôi thúc những thầy cô giáo như cô Bình vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bám trường, bám lớp, tận tụy với học sinh vùng cao. Để rồi đến hôm nay, cô bất chợt nhận ra mái tóc của mình đã... điểm bạc!

 

3572 lượt xem
Lan Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h