Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Yên Bái: Nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX - Những kết quả quan trọng

30/04/2023 06:55:46 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy trí tập thể, nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, sáng tạo, linh hoạt trong thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tiễn của địa phương, đến nay các quy định, quy chế, đề án, chính sách được ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra 17 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3195/QĐ-UBND ngày 16/12/2020 phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái 5 năm 2021-2025 và đề ra 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, kết quả các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. 

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn năm 2021 đạt 7,11%; năm 2022 đạt 8,62%; dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 7,74%.

Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 23,29% năm 2021 xuống còn 22,57% năm 2022, dự kiến năm 2023 là 22%; tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 30,04% năm 2021 lên 32,65% năm 2022, dự kiến năm 2023 là 33%; tỷ trọng khu vực dịch vụ năm 2021 là 42,25%; năm 2022 là 40,5%; dự kiến năm 2023 là 41%; GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 42,4 triệu đồng, năm 2022 đạt 47,46 triệu đồng, dự kiến năm 2023 đạt 50 triệu đồng.

Tỉnh Yên Bái đã chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Tỉnh đã quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo thế mạnh của từng vùng, nhu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; hình thành thương hiệu của một số sản phẩm chủ lực; cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường.

Tỉnh đã bố trí 127,8 tỷ đồng/năm, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tạo điều kiện cho nhân dân có đất sản xuất ổn định lâu dài; thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chính sách của trung ương và của tỉnh để hỗ trợ phát triển sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh phát triển vùng thấp, mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, trong sản suất, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ thu hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện giao đất, thuê đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với phân bố lại đất sản xuất cho các hộ gia đình, tạo điều kiện cho nhân dân có đất sản xuất ổn định lâu dài. Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chính sách của trung ương và của tỉnh để hỗ trợ tư liệu sản xuất cho người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nhiệp của tỉnh được triển khai thực hiện đem lại hiệu quả cao, nhân dân đồng tình ủng hộ; góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở những vùng khó khăn và đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa ở những vùng có điều kiện. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2021 đạt 5,36%, năm 2022 đạt 5,95%, cao nhất trong vùng và cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản có sự chuyển dịch đúng hướng.

Trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã có thêm 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 99 xã, chiếm 66% tổng số xã của tỉnh; 27 xã đạt chuấn nông thôn mới nâng cao, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó huyện Trấn Yên là huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới. Chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện; Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đến năm 2022 đạt 93%; Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý ở khu vực nông thôn đạt 33,7%.

Thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp, tỉnh cũng chú trọng quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; các dự án phát triển chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo, đa dạng các sản phẩm trên cơ sở lợi thế của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thị trường tiêu thụ ổn định, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản xuất.

Từ những nỗ lực trên, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2022 đạt 14,76%, đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng, riêng khu vực công nghiệp tăng 16,67%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt 14.210 tỷ đồng, năm 2022 đạt 15.540 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 đạt 16.900 tỷ đồng; bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 12,47%/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 9,23%.

Giai đoạn 2021-2023 đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 20 dự án trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, với tổng số vốn đăng ký 742,9 tỷ đồng, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty bán lẻ, có thương hiệu đã đầu tư vào thị trường Yên Bái, góp phần đa dạng hóa, nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế thương mại, dịch vụ của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 đạt 21.083 tỷ đồng, năm 2022 đạt 23.823 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 đạt 25.500 tỷ đồng; bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 10,7%/năm. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa được đẩy mạnh, góp phần duy trì đà tăng trưởng; triển khai thực hiện chương trình xúc tiến thương mại nhằm ổn định và phát triển thị trường nước ngoài truyền thống, hưóng tới các thị trường tiềm năng như Liên minh Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... giá trị xuất khẩu hàng hoá có mức tăng trưởng khá, năm 2021 đạt 226 triệu USD, năm 2022 đạt 297,3; dự kiến năm 2023 đạt 350 triệu USD. Triển khai hiệu quả các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh đã triển khai các chương trình kích cầu giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch hấp dẫn, sản phẩm du lịch đặc sắc của Yên Bái để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo sinh kế cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2021-2022, tỉnh Yên Bái đã đón 2.382.600 lượt khách, trong đó khách quốc tế 28.420 người; bình quân giai đoạn 2021- 2023 lượt khách tăng 25,4%/năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch giai đoạn 2021-2022 đạt 1.590,8 tỷ đồng.

Hàng năm, tỉnh huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2023 đạt trên 57.000 tỷ đồng, bằng 57% mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển năm 2021 đạt 18.034 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2020, xếp thứ 5/14 tỉnh trong vùng; năm 2022 đạt 19.249,1 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2021, xếp thứ 6/14 tỉnh trong vùng. Việc đầu tư theo ngành, lĩnh vực, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, quan trọng, có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng xây dựng...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; các chỉ số nhằm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX, quan tâm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh; triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế. Trong thời gian qua, các loại hình doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng, từng bước khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội; doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 2.980 doanh nghiệp, 660 hợp tác xã, 5.946 tổ hợp tác.

Giai đoạn 2021-2022, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chính sách thu hút đầu tư để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh thực hiện các dự án đầu tư, đã có trên 90 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, với tồng vốn đăng ký là 19.320 tỷ đồng (trong đó có 10 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 55,16 triệu USD, tương đương khoảng 1.273,6 tỷ đồng, gồm: 02 dự án thuộc lĩnh vực chế biến khoáng sản, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 125 tỷ đồng; 08 dự án thuộc lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, tổng vốn đăng ký đàu tư khoảng 1.148,6 tỷ đồng). Dự kiến năm 2023, thu hút 04 dự án FDI, với tổng mức vốn đăng ký là 25 triệu USD, tương đương khoảng 550 tỷ đồng.

Thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước; bảo đảm mục tiêu sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, nhất là chi thường xuyên, các khoản chi chưa thực sự cần thiết, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và cho chi đầu tư phát triển. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 đạt 4.395 tỷ đồng, năm 2022 đạt 4.616,7 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 đạt 5.200 tỷ đồng; bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 13,1%/năm.

Thị trường tiền tệ ổn định, các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân luôn duy trì thực hiện và bảo đảm tốt khả năng chi trả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế và nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Tống nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân ước thực hiện đến hết ngày 31/12/2022 đạt 40.700 tỷ đồng, tăng 19,2% so với thời điểm ngày 31/12/2021, trong đó vốn huy động tại địa phương ước đạt 25.700 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay ước đạt 36.000 tỷ đồng, tăng 11,3% so với 31/12/2021.

Chất lượng giáo dục, đào tạo toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp học nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục vùng cao; chất lượng, hiệu quả giáo dục dân tộc có bước tiến lớn, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng cao, hằng năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 90%. Thực hiện sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp tinh gọn, hợp lý. Đẩy mạnh công tác giáo dục hưóng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, tạo nguồn học sinh cho đào tạo nghề. Nhân rộng và xây dựng được 168/422 mô hình “Trường học hạnh phúc”. Duy trì phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi ở 173/173 xã, phường, thị trấn.

Nâng cao chất lượng công tác y tế dự phòng, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình. Triển khai linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19. Công tác khám, chữa bệnh có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Việc từng bước đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin truyên thống đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các nền tảng chuyển đổi số, triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến nay tỉnh đã đạt được nhiều kết quả trong chuyển đổi số: năm 2021, tỉnh Yên Bái xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số (DTI), cải thiện 13 bậc so với năm 2020, là tỉnh có mức cải thiện thứ hạng cao nhất cả nước.

 

Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, các chính sách, chế độ đối với các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động được thực hiện đầy đủ. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ giải quyết việc làm mới cho 44.497 lao động. Triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, đảm bảo chính sách an sinh xã hội; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 95%; giai đoạn 2021-2022 đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 1.022 hộ có khó khăn về nhà ở, chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Yên Bái năm 2022 giảm 5,15%, đặc biệt là tại hai huyện nghèo Trạm Tấu, Mù Cang Chải bình quân giai đoạn 2021-2022 giảm nhanh trên 6,5%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Trạm Tấu là 56,37%, huyện Mù Cang Chải là 48,28%.

Có thể nói, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nền kinh tế của tỉnh duy trì đà tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản có bước phát triển quan trọng, đáp ứng mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, kết hợp với đẩy mạnh sản xuất hàng hóa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị; diện mạo nông thôn có thay đổi rõ nét. Sản xuất công nghiệp phục hồi và phát triển. Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, từng bước khai thác, phát huy được tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Kinh tế - xã hội vùng khó khăn có bước phát triển tích cực, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên, khoảng cách phát triển giữa vùng cao và vùng thấp được thu hẹp đáng kể. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; công tác giáo dục và đào tạo được đổi mới căn bản; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn có nhiều đối mới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, cơ cấu lao động chuyển dịch hợp lý; công tác y tế dự phòng không ngừng được cải thiện. Xóa đói, giảm nghèo bền vững. Các chế độ chính sách đối với người có công được thực hiện kịp thời đầy đủ. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; các vấn đề phát sinh được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm, không phát sinh phức tạp. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai quyết liệt, tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân.

2080 lượt xem
Thanh Thủy

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h