Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Góp thêm một tiếng nói nhằm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận kết quả thực hiện các chính sách xã hội

12/07/2023 07:40:09 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong phạm vi bài viết này, xin được góp thêm một tiếng nói nhằm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc kết quả thực hiện các chính sách xã hội bằng 02 ví dụ cụ thể.

.

Bài tham gia cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 - năm 2023:

 

Xin được bắt đầu bằng những câu thơ từng gây chấn động một thời của cố nhà thơ Việt Phương (người đã có 53 năm làm thư ký cho cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng) mà tôi vô cùng tâm đắc, bởi tư tưởng xã hội thực sự sâu sắc, vẫn còn nguyên giá trị và rất phù hợp với cuộc đấu tranh trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay:

“...Ta nhìn hết sự xấu xa và bỗng nở nụ cười

Mở đài địch như mở toang cánh cửa

Nghe nó chửi ta mà tin ở ngày mai...”

Quả đúng như vậy!

Thực tế chứng minh: Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước ta, nhân dân ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tình cảm tri ân sâu sắc đối với các thế hệ người có công với cách mạng. Chính sách ưu đãi người có công là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý đó.

Tiếp nối các chủ trương, chính sách quan trọng (Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020; Kết luận số 92-KL/TW ngày 05/11/2020 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI...), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên... Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công; nâng cao các công trình “đền ơn đáp nghĩa”...”.

Chính sách ưu đãi người có công đã và đang được triển khai thực hiện rộng khắp, hiệu quả từ Trung ương đến các địa phương; đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong phong trào toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ được triển khai tích cực; mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ và các công trình ghi công liệt sỹ luôn được chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ... thể hiện sự tri ân sâu sắc của những người đang sống với các thế hệ liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, được các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội đồng tình, ủng hộ.

Mạng lưới các cơ sở điều dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng trên cả nước được quy hoạch tổng thể, được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị... đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng.

Những kết quả, thành tựu đó thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đã và đang hiện hữu trong thực tiễn cuộc sống sinh động, được cả xã hội và các tầng lớp nhân dân chứng kiến, ghi nhận, không thể phủ nhận, không thể xuyên tạc.

(Đảng, Nhà nước ta, nhân dân ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tình cảm tri ân sâu sắc đối với các thế hệ người có công với cách mạng)

Qua các thời kỳ, quê hương Yên Bái đã sản sinh ra biết bao người con ưu tú, đến nay đã có 67.096 người có công đã được vinh danh, công nhận và hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước.

Trong đó: có 5.658 liệt sĩ, 4.581 thương binh, 1.411 bệnh binh, 1.729 người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học, 299 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 53.418 người có công khác.

Chính sách người có công được thực hiện kịp thời, trên địa bàn tỉnh không còn các hồ sơ tồn đọng; đời sống của gia đình người có công được quan tâm, chăm lo.

Yên Bái đã thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công về chi trả trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ điều dưỡng, dụng cụ chỉnh hình, thăm hỏi, tặng quà…

Tỉnh Yên Bái hiện có 63 công trình ghi công liệt sỹ, với tổng số 2.085 mộ liệt sỹ. Các liệt sĩ Yên Bái đã tham gia chiến đấu khắp các chiến trường Bắc - Trung - Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào, Campuchia. Trong các nghĩa trang liệt sĩ ở Yên Bái có trên 400 liệt sĩ có thông tin của các tỉnh bạn đã từng chiến đấu, hy sinh trên quê hương Yên Bái đang an nghỉ.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đang ngày ngày chăm sóc phần mộ liệt sỹ, đồng thời đẩy mạnh công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, nhằm sớm đưa các liệt sỹ trở về an nghỉ trên mảnh đất quê hương, đáp ứng mong mỏi của người thân, gia đình liệt sỹ và của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, Yên Bái đã ban hành một số chính sách đặc thù của địa phương nhằm hỗ trợ cải thiện, nâng cao đời sống gia đình người có công phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội (sau đây viết tắt là KT-XH) của địa phương như chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công có hoàn cảnh khó khăn.

Giai đoạn 2012 -  2022, tỉnh Yên Bái đã triển khai làm trên 3.600 nhà ở đối với người có công với cách mạng, trên tổng số gần 12.000 nhà ở đối với người có công với cách mạng và hộ nghèo, cận nghèo; tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Trung ương, của tỉnh đối với toàn bộ người có công với cách mạng (trên 8.000 hộ) nhân dịp lễ, tết.

Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trên địa bàn được quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, như các phong trào: Phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng; Áo lụa tặng bà, Chăn ấm tặng mẹ; Chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ; Hành quân theo bước chân những người anh hùng, Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ...

Từ nguồn huy động của Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", các cấp, ngành đã triển khai nhiều hoạt động (hỗ trợ làm nhà cho người có công, tặng sổ tiết kiệm, sửa chữa, tôn tạo công trình liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà hộ gia đình người có công gặp khó khăn…), tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội về truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc ta.

Thực tế chứng minh: Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc đối với đồng bào dân tộc thiểu số (sau đây viết tắt là DTTS), vùng đồng bào DTTS - miền núi và việc thực hiện các chính sách xã hội dành cho đồng bào DTTS. Không hề có sự phân biệt đối xử như luận điệu của các thế lực thù địch, các phần tử cực đoan, phản động.

Điều này trước hết thể hiện rõ nét qua một hệ thống văn bản đồng bộ, thể hiện sự nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, gồm các nghị quyết của Trung ương Đảng (trong đó có Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác dân tộc); các luật, nghị quyết của Quốc hội nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho việc đảm bảo và thúc đẩy các quyền, chính sách hỗ trợ phát triển đồng bào DTTS; các văn bản, chính sách, đề án của Chính phủ (tính riêng từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã xây dựng, ban hành 118 văn bản chính sách, 54 đề án, chính sách dân tộc trực tiếp hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, phủ kín trên các lĩnh vực: giảm nghèo bền vững; giáo dục và đào tạo; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ người DTTS, miền núi; truyền thông, tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục pháp luật...).

Trên phạm vi cả nước, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đối với đồng bào DTTS với những kết quả đáng khích lệ, làm thay đổi tích cực đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào... 

Đối với tỉnh Yên Bái, xuất phát từ điều kiện tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn trong phát triển KT-XH, nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của các chính sách xã hội - vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển nhanh, bền vững trong mọi giai đoạn phát triển; mục tiêu cơ bản của chính sách xã hội là bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển, nhằm hướng tới công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đem lại cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc cho nhân dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu: Đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Yên Bái sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, ban hành một bộ thể chế, chính sách đồng bộ, với nhiều Nghị quyết, đề án, chính sách triển khai thực hiện cho cả giai đoạn phủ kín các ngành, lĩnh vực và các chính sách của tỉnh nhằm cụ thể hóa các chính sách xã hội của Trung ương (gồm 11 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, 80 nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy định, quy chế... của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 54 nghị quyết, 32 đề án, chính sách của HĐND, UBND tỉnh).

Việc triển khai thực hiện các chính sách xã hội của Trung ương trên địa bàn luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Cùng với các chính sách của Trung ương, Yên Bái đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và huy động các nguồn lực xã hội khác nhằm phát triển các lĩnh vực xã hội.

Đặc biệt, sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 15-NQ/TW), việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Chính sách người có công được thực hiện kịp thời, trên địa bàn tỉnh không còn các hồ sơ tồn đọng; đời sống của gia đình người có công được chăm lo; tốc độ giảm nghèo của tỉnh, nhất là tại các huyện 30a cao hơn tốc độ bình quân chung của của cả nước; các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng chính sách, đúng đối tượng, tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân được cải thiện đáng kể.

KT-XH vùng đồng bào DTTS của tỉnh có bước phát triển tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; phát huy tích cực giá trị di tích văn hóa, di tích lịch sử cách mạng và danh lam, thắng cảnh để phát triển du lịch.

Các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS được quan tâm triển khai thực hiện, đã tập trung công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. 

Đến nay, Yên Bái đã ban hành một hệ thống đồng bộ, đầy đủ các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025.

Trên cơ sở 10 dự án thành phần thuộc Chương trình, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương chủ động rà soát, tổng hợp đối tượng, địa bàn thụ hưởng, đề xuất các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng làm cơ sở triển khai khi được Trung ương thông báo vốn thực hiện Chương trình. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Yên Bái đã bố trí trên 12 nghìn tỷ đồng hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư cơ sở vật chất lĩnh vực giáo dục, y tế, nước sinh hoạt hợp vệ sinh… cho vùng cao, vùng đồng bào DTTS.

 

 

Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở, đảm bảo nhà ở tối thiểu theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Đảng và các chính sách hiện nay của Trung ương, ngày 12/4/2023, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025 (với mức hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/nhà), trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch chi tiết hằng năm để tổ chức thực hiện.

Theo đó, dự kiến năm 2023 sẽ ưu tiên hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của 02 huyện 30a Trạm Tấu và Mù Cang Chải với tổng số 1.726 căn nhà (sửa chữa 542 nhà, xây mới 1.184 nhà), tổng kinh phí 87,3 tỷ đồng.

Công tác giảm nghèo luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.

Cùng với các chính sách giảm nghèo của nhà nước, tỉnh Yên Bái đã ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Một trong những cách làm mới của Yên Bái là “giao nhiệm vụ, khoán chỉ tiêu” đến từng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; giao chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo chi tiết đến từng huyện, từng xã; ban hành chính sách, đề án, kế hoạch hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cùng với đó đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua vì người nghèo, từ đó đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ, giúp đỡ và huy động được nhiều nguồn xã hội hóa trong công tác giảm nghèo.

Yên Bái đã phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể, trực tiếp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; thay đổi nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới là của dân, do dân, vì dân và dân hưởng thụ; tập trung nguồn lực, nhất là xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn mới; từ đó, diện mạo nông thôn đã thực sự khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc được phát huy.

Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc với nhiều cách làm thành các phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp.

Nổi bật là phong trào “hiến đất mở đường”, “dịch rào hiến đất”, “hiến đất, cây cối, vật kiến trúc xây dựng nông thôn mới”.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, để phục vụ triển khai các công trình giao thông, với tinh thần trách nhiệm và tình yêu quê hương sâu sắc, tất cả vì lợi ích chung mà không lo thiệt về mình, người dân Yên Bái tích cực hưởng ứng phong trào, đồng thuận, phấn khởi tự tay mình dỡ tường rào, giải phóng cây cối, hiến đất mở đường với mong muốn được góp phần công sức của chính mình xây dựng quê hương. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 13.491 hộ gia đình hiến đất, hoa màu, công trình xây dựng trên đất, với tổng diện tích đất hiến trên 1.874.000 m2, tổng giá trị quy đổi ước trên 623 tỷ đồng.

Sự nghiệp giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục vùng cao, giáo dục dân tộc luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ; nhiều chỉ số về chất lượng của giáo dục đạt ở mức khá so với khu vực và quốc gia.

Các chính sách nhằm đảm bảo giáo dục tối thiểu (theo Nghị quyết 15-NQ/TW, như: thực hiện chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; phổ cập giáo dục các cấp; chính sách tiếp cận giáo dục; phát triển trường dân tộc nội trú, mở rộng mô hình trường bán trú, nhà trẻ trong khu công nghiệp và vùng nông thôn; phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo; công tác đào tạo nghề; phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp) được quan tâm triển khai thực hiện.

Trong bối cảnh một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, bên cạnh các chính sách chung, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách đặc thù của địa phương, qua đó góp phần củng cố mạng lưới trường, lớp học; nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở mức cao và cải thiện điều kiện ăn, ở cho học sinh nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025, với các chính sách rất nhân văn, hỗ trợ ngoài chính sách của Nhà nước, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động và duy trì số lượng học sinh ra lớp; nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng KT-XH đặc biệt khó khăn.

Công tác y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Các chính sách nhằm đảm bảo y tế tối thiểu (theo Nghị quyết 15-NQ/TW, như: phát triển mạng lưới y tế cơ sở; phòng chống suy dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nhất là trẻ em và phụ nữ; công tác y tế dự phòng và chương trình phòng chống lao; chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các địa bàn khó khăn..) được triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.

Cơ sở vật chất các cơ sở y tế được quan tâm đầu tư, nâng cấp; đội ngũ nhân lực y tế được bố trí, đào tạo bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, đặc biệt là cơ sở y tế tuyến xã, các cơ sở y tế cấp xã đã chủ động thực hiện các chương trình y tế - dân số, khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân; tỉnh đã triển khai kịp thời các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; quản lý tình hình bệnh dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án về nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Yên Bái đã xóa xã trắng về y tế cách đây hơn 20 năm. Đến nay, Yên Bái đạt 10,8 bác sỹ/mười nghìn dân; 34,6 giường bệnh/10 nghìn dân; 154/173 số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 40% số lượt khám chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện tại Trạm y tế.

Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện, trong năm 2022 Yên Bái đã tiếp nhận chuyển giao 37 kỹ thuật; triển khai được 86 kỹ thuật mới, đạt 103,8% kế hoạch giao), người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ huyến huyện, góp phần giảm chi phí do phải chuyển tuyến và giảm tải cho tuyến sau.

Các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời, tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân được cải thiện đáng kể.

Xác định bảo hiểm xã hội là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách và thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua các năm, đặc biệt là tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của tỉnh đã cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước.

Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được thực hiện hiệu quả góp phần quan trọng đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân nhân, đảm bảo ổn định đời sống, tiến bộ và công bằng xã hội. Số lượng đối tượng tham gia, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng dần qua các năm.

Yên Bái là địa phương có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức cao so với cả nước.

Yên Bái cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với người dân và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với trên 315.000 đối tượng với kinh phí trên 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đối với các tỉnh miền núi, điều kiện KT-XH còn gặp nhiều khó khăn như tỉnh Yên Bái thì việc thực hiện các chính sách xã hội không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế:

Đời sống của một bộ phận nhân dân và người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội, vùng đồng bào DTTS vẫn còn khó khăn; việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của một số nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng cư trú tại các địa bàn vùng cao, thường xuyên chịu tác động của thiên tai còn gặp nhiều khó khăn. 

Diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng. Tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo khá nhanh nhưng chưa thật sự toàn diện, bền vững, nguy cơ tái nghèo luôn tiềm ẩn nhất là mỗi khi có thiên tai, bão lũ. 

Một số địa phương chưa xóa được tình trạng thiếu hụt về nhà ở của hộ nghèo (do hàng năm, số hộ hộ nghèo tiếp tục phát sinh, vẫn còn hộ nghèo có nhu cầu được hỗ trợ về nhà ở).

Cơ sở vật chất trường, lớp vùng đồng bào DTTS tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng có nơi chưa đồng bộ, còn thiếu giáo viên; chất lượng giáo dục ở các địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi còn thấp so với mặt bằng chung.

Cơ sở vật chất của một số trung một số cơ sở; công tác tuyên truyền, tư vấn y tế tại một số xã còn hạn chế...

Những vấn đề này có nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan; đã được Trung ương và các địa phương nhìn nhận, đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan, toàn diện để nghiên cứu, rút kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Song, các thế lực thù địch, các phần tử cực đoan, phản động lại luôn dựa vào đó để xoáy sâu vào những khó khăn, vướng mắc đó với những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động. Điều này đặt ra những thách thức, yêu cầu mới trong công tác nhận diện, đấu tranh phản bác của chúng ta hiện nay.

Chúng ta đều đã biết, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một “mặt trận không tiếng súng” nhưng đầy khó khăn, phức tạp, cam go, khốc liệt, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ và phát triển như vũ bão hiện nay.

Trên mặt trận đó, kẻ thù thường giấu mặt, ngụy trang dưới các vỏ bọc mĩ miều lợi dụng dân chủ, nhân quyền với đủ các chiêu bài kích động, xuyên tạc, vu khống, mượn gió bẻ măng... nhằm gây mất ổn định tư tưởng, nhiễu loạn thông tin, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhưng, chúng không thể ngờ rằng, trên mặt trận đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và mỗi người dân Việt Nam yêu nước chính là một chiến sỹ; mỗi tổ chức đảng, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi thôn, bản, tổ dân phố, mỗi gia đình chính là một pháo đài tư tưởng với sức tự đề kháng mãnh liệt, bất khả xâm phạm.

Đấu tranh với loại kẻ thù này, chúng ta cần luôn trong thế tiến công, linh hoạt, làm chủ trận địa, khi thì đối mặt lý luận đanh thép, lúc lại nhẹ nhàng, thâm thúy, sâu cay.

Nòng cốt chính là đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên với vai trò, trách nhiệm tiên phong, dẫn dắt, định hướng thông tin, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội. Họ luôn ở trong dân, sát cánh cùng nhân dân để mỗi khi kẻ thù đưa ra bất cứ một luận điệu gì thì lập tức sẽ bị vạch trần, bị bẻ gãy bằng vũ khí sắc bén.

Trong đó, cần có các giải pháp tích cực nhằm đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác truyền thông, tuyên truyền, lan tỏa mạnh mẽ những thành quả cách mạng, những đóng góp, hy sinh cao cả của các bậc tiền nhân, lãnh tụ, các thế hệ người Việt Nam yêu nước qua các thời kỳ, những thành tựu, kết quả đáng ghi nhận của công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...

Vũ khí của chúng ta là sự dũng cảm, đấu tranh trực diện, sự đồng thuận, hỗ trợ lẫn nhau; là thực tiễn sinh động phản ánh thành tựu công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương; là ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển; là tiếng nói từ trái tim, là sự hài lòng, hạnh phúc của người dân khi được thụ hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, chính sách xã hội nói riêng.

 

 

2215 lượt xem
Thanh Bình - Hồng Thanh Tâm - Trương Hoàng Hiếu

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h