Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Đơn xin thoát nghèo - Lá đơn của lòng tự trọng

17/08/2020 16:01:32 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Những hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên chưa hẳn đã có cuộc sống sung túc, nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ của họ đó là lòng tự trọng, là mong muốn tự lực vươn lên, nhường lại những khoản hỗ trợ của Nhà nước cho những gia đình thật sự khó khăn hơn. Những tấm gương vượt khó, vươn lên trong cuộc sống và những câu chuyện ấm áp tình người ở đây đã khiến chúng tôi thật sự cảm động.

Đơn xin thoát nghèo của bà Đinh Thị Lục

Theo chân bà Hà Thị Nhung, trưởng thôn Quang Vinh, xã Hưng Thịnh, chúng tôi đến thăm gia đình bà Đinh Thị Lục, 68 tuổi vừa viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Theo lời bà Nhung thì ở thôn này không ai là không biết đến bà Lục bởi sự gương mẫu, tích cực trong các hoạt động của thôn. Hộ bà Lục được bình xét vào diện hộ nghèo từ năm 2015 do bà là người cao tuổi sống đơn thân. Tháng 7 vừa qua, bà Lục đã lên UBND xã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Bà Lục cho biết: Hiện bà đang thờ cúng 2 anh trai là liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nên được Nhà nước hỗ trợ đi thăm viếng mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị. Trở về sau những chuyến đi này, điều làm bà Lục day dứt nhất chính là nhìn thấy những hộ nghèo ở Quảng Trị có cuộc sống khó khăn và kham khổ. Cảm thấy bản thân mình còn may mắn hơn nhiều, vẫn có ruộng vườn để nuôi đàn gà, trồng rau để tự trang trải cuộc sống, nên bà Lục tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Bà Lục tâm sự: “Hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước thì ai cũng muốn cả thôi, nhưng khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của những hộ dân ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị thì tôi thấy mình còn may mắn lắm. Ở đó có hộ dân phải lấy can hứng từng giọt nước ngọt bên vách đá về bán lấy tiền sinh hoạt, xung quanh nhà chỉ có cỏ và cát thôi, họ khổ hơn mình nhiều. Do vậy, năm nay tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để các chính sách hỗ trợ đến với những người khó khăn hơn tôi”

Bà Đinh Thị Lục - xã Hưng Thịnh hái lá sắn cho cá ăn

Cùng ở thôn Quang Vinh, gia đình bà Hà Thị Man cũng vừa viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Trước đây, hoàn cảnh gia đình bà Man thuộc diện khó khăn nhất thôn do chồng bị bệnh hiểm nghèo ốm đau liên miên, con cái chưa trưởng thành. Đã nhiều năm, gia đình bà Man được các hộ dân trong thôn bình xét là hộ nghèo. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây, bà Man chia sẻ: Cũng như nhiều hộ nghèo trong thôn, cuộc sống của gia đình bà trước đây trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước. Không cam chịu đói, nghèo bà đã mạnh dạn đứng ra vay nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước cùng sự trợ giúp của xã và bà con trong thôn xóm, gia đình bà đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố và đầu tư phát triển kinh tế. Bên cạnh sự tiếp sức của cộng đồng, bà cùng các con động viên nhau làm ăn nên hiện tại cuộc sống gia đình bà đã ổn định. Năm nay, bà Man đã quyết định viết đơn xin thoát nghèo với mong muốn dành phần hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ khó khăn hơn. Bà Man bộc bạch: “Tôi viết đơn ra khỏi hộ nghèo, nhiều người nói tôi sĩ diện, làm chuyện dại dột. Thế nhưng, đối với gia đình tôi, việc làm đó rất có ý nghĩa, bởi Đảng và Nhà nước đã giúp đỡ và hỗ trợ gia đình tôi nhiều rồi. Trong khi kinh tế gia đình tôi cũng đã ổn định hơn và tôi thấy mình còn sức khỏe có thể lao động, vì vậy nhường sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước cho người khó khăn hơn là việc nên làm”. Bà Man cũng hiểu rằng, viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, cũng đồng nghĩa với việc gia đình bà sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng đây cũng là động lực để gia đình nỗ lực phấn đấu, tự mình vươn lên.

Bà Hà Thị Man (thôn Quang Vinh, xã Hưng Thịnh) bên bữa cơm cùng gia đình

Trao đổi với bà Hà Thị Nhung, trưởng thôn Quang Vinh, xã Hưng Thịnh được biết, thôn Quang Vinh là 1 trong 4 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của xã, đa phần các hộ dân trong thôn là người dân tộc Tày, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Cả thôn hiện còn 13 hộ nghèo, theo kế hoạch giảm nghèo thì năm 2020 này thôn phấn đấu giúp 6 hộ thoát nghèo, tuy nhiên hiện đã có 9 hộ đăng ký thoát nghèo. Bà Hà Thị Nhung cho biết thêm: “Tôi là Bí thư chi bộ và Trưởng thôn đã hơn chục năm rồi, trước đây cứ đến dịp rà soát hộ nghèo là các hộ dân lại tranh giành, cãi cọ để xin được vào hộ nghèo. Ấy vậy mà, năm 2020 này chưa cần phải rà soát, bình xét thì các hộ dân đã đăng ký thoát nghèo. Như vậy đến hết năm nay trong thôn chúng tôi sẽ chỉ còn 4 hộ nghèo”.

Nhiều năm qua, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo, cận nghèo đã trở thành đòn bẩy giúp cho nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Khi là hộ nghèo sẽ được Nhà nước ưu tiên rất nhiều quyền lợi và chính sách ưu đãi như: thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được vay vốn lãi suất thấp từ ngân hàng chính sách xã hội, con em đi học chuyên nghiệp sẽ được hỗ trợ học phí và một số quyền lợi khác vào dịp Tết. Tuy nhiên, từ đó cũng hình thành tư tưởng ỷ lại, trông chờ của nhiều hộ dân đối với các chính sách hỗ trợ này. Ở nhiều nơi trên cả nước câu chuyện tranh suất vào hộ nghèo đã là chủ đề nóng bỏng mỗi dịp cuối năm, khi các thôn, xã tổ chức họp, bình xét hộ nghèo, cận nghèo. Thậm chí còn có tình trạng luồn lách đưa con em, họ hàng, người thân lãnh đạo thôn, xã vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo để hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thế mới thấy, việc có những hộ dân ở Hưng Thịnh tự nguyện viết đơn ra khỏi hộ nghèo mới đáng quý, đáng biểu dương biết bao.

Hộ ông Hà Văn Ba 74 tuổi ở thôn Khang Chính (hộ đầu tiên viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo xã Hưng Thịnh) chăm sóc vườn cây ăn quả

Từ một vùng đất gian khó với sự đồng lòng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Thịnh vươn lên mạnh mẽ trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017. Phát huy thế mạnh địa phương, những năm gần đây xã đã đẩy mạnh phát triển cây ăn quả có múi và trở thành cây mũi nhọn của địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 37 triệu đồng/năm, toàn xã chỉ còn 54 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,2%. Quan trọng hơn, người dân ở đây đang dần từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước vốn đã tồn tại từ bao đời nay. Trong năm 2019 có hộ ông Hà Văn Ba, 74 tuổi ở thôn Khang Chính và năm 2020 có hộ bà Đinh Thị Lục và Hà Thị Man ở thôn Quang Vinh đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Việc làm này không chỉ góp phần tích cực giúp chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế mà còn là minh chứng cho những thay đổi trong nhận thức, tư duy của người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Mặc dù cuộc sống của họ chưa hẳn đã hết khó khăn nhưng các hộ này coi đó chính là những lá đơn của lòng tự trọng. Ông Nguyễn Minh Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh cho biết: “Xã xác định thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững là chìa khóa nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Theo đó, xã vừa tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ con giống, tạo việc làm, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, ý chí của người nghèo trong hành trình vươn lên thoát nghèo”.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó điểm mấu chốt là người nghèo phải có quyết tâm, tự thân thực sự muốn thoát nghèo. Những lá đơn đầu tiên xin ra khỏi hộ nghèo của các hộ dân ở Hưng Thịnh có thể xem như “luồng gió mát” thổi vào công cuộc giảm nghèo ở Trấn Yên. Những gia đình viết đơn xin thoát nghèo không hẳn vì họ đã khá giả mà là minh chứng cho sự thay đổi về tư duy và ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Hơn thế, những gia đình viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo mong muốn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn hơn để cùng xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh.

 

3440 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h