Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2025): Những đóng góp của quân và dân Yên Bái trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

30/04/2025 05:55:25 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), cùng với cả nước, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái luôn tự hào vì đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tiểu đoàn Yên Ninh 2 trước giờ lên đường hành quân vào Nam chiến đấu

Yên Bái trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là địa bàn trọng yếu trên tuyến đường giao thông huyết mạch vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài từ nước ngoài viện trợ vào Việt Nam qua tuyến đường sắt Vân Nam - Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội. Vừa là tuyến vận chuyển chiến lược trọng yếu, Yên Bái vừa có những mục tiêu trọng điểm là Nhà máy Thủy điện Thác Bà, Sân bay Yên Bái và kho trung chuyển chiến lược được cấp trên bố trí trên địa bàn.

Nhân dân các dân tộc Yên Bái có truyền thống đoàn kết, yêu nước, dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Yên Bái đã đóng góp không nhỏ sức người, sức của góp phần cùng với nhân dân cả nước làm nên chiến thắng 30/4 lịch sử, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", các phong trào: "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Tay cày tay súng", "Tay búa tay súng", "Mỗi người làm việc bằng hai", "Nghìn việc tốt", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"... đã động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân sôi nổi tham gia, hừng hực khí thế đoàn kết đánh Mỹ.

Trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ, cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh sát cánh cùng bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực tích cực chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tổ chức 336 đài quan sát báo động phòng không, hình thành cụm phòng không trọng điểm bảo vệ sân bay, thị xã Yên Bái và công trình thủy điện Thác Bà, các tổ bắn máy bay bằng súng bộ binh được tổ chức và huấn luyện ở hầu hết các xã, các cơ quan, công trường, xí nghiệp, hình thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, rộng khắp sẵn sàng tiêu diệt máy bay Mỹ, huy động gần 6 triệu ngày công, đào 1.386 hầm cất giấu máy móc, 445 km giao thông hào, 634.403 hầm tập thể, 727.056 hầm trú ẩn cá nhân và chi viện cho công trường thi công Nhà máy Thủy điện Thác Bà, Sân bay Yên Bái, đáp ứng kịp thời cho việc phòng tránh, sơ tán, bám trụ của nhân dân và lực lượng vũ trang, đặc biệt là các vùng trọng điểm.

Đại đội 90 Bộ đội địa phương huyện Lục Yên (năm 1953 - 1958)

Vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa củng cố hậu phương chiến lược, quân và dân Yên Bái đã anh dũng, kiên cường chiến đấu bắn rơi 115 máy bay Mỹ (là tỉnh bắn rơi máy bay Mỹ nhiều nhất trong Quân khu), phá hủy 724 quả bom nổ chậm, thu nhặt hàng chục vạn bom bi, di chuyển 4 vạn dân, dành 2 vạn ha vùng hồ cho xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà; di dời 450 hộ dân với 1.500 nhân khẩu cho xây dựng Sân bay Yên Bái; phá hàng chục vụ gián điệp, tổ chức phản động, bảo đảm an toàn về chính trị cho hậu phương.

Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Yên Bái  gắn chặt nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ; kết hợp nhiệm vụ xây dựng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc hậu phương. Mặc dù chiến tranh gây nhiều tổn thất to lớn, tác động tới toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, cuộc sống người dân bị xáo trộn, nhiều thiếu thốn, trước yêu cầu của chiến trường ngày càng cao, trong gian khó, quân và dân Yên Bái luôn giữ vững niềm tin chiến thắng, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tỏ rõ sức mạnh, vai trò của hậu phương chiến lược trong sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân tộc.

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, vị trí vai trò của hậu phương Yên Bái nói riêng và miền Bắc nói chung được xác định là căn cứ địạ cách mạng, là hậu phương vững chắc cho cách mạng cả nước.

Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, quân và dân Yên Bái phải dồn sức khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, sẵn sàng chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ. Nhân dân Yên Bái dấy lên phong trào thi đua xây dựng hậu phương vững mạnh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng.

Hướng về miền Nam thân yêu, hưởng ứng cuộc vận động kết nghĩa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Yên Bái tổ chức kết nghĩa với Ninh Thuận bằng tất cả tình cảm của mình. Phong trào thi đua "mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt" được phát động mạnh mẽ.

Hoà chung với khí thế thi đua của cả nước, lực lượng thanh niên hăng hái hưởng ứng phong trào "ba sẵn sàng". Trong nông nghiệp, thanh niên mở chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi giành danh hiệu "dũng sĩ 5 tấn". Trong công nghiệp, đã phát huy nhiều sáng kiến cải tạo kỹ thuật sản xuất. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đoàn viên, thanh niên là lực lượng chủ yếu tham gia dân quân tự vệ. Với tinh thần hăng hái của thanh niên, đã thành lập được 129 đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, huy động hàng ngàn đoàn viên nhập ngũ.

Phong trào "Ba đảm đang" đã cuốn hút đông đảo chị em trong tỉnh tham gia tích cực phục vụ chiến đấu, đẩy mạnh sản xuất Lực lượng phụ nữ làm nòng cốt trong việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội, lo toan việc nước, đảm đang việc nhà, nuôi dạy con cái, động viên chồng con yên tâm chiến đấu. Đại hội “phụ nữ ba đảm đang của tỉnh đã tuyên dương hàng ngàn chị em đạt danh hiệu "Ba đảm đang" và "Chiến sĩ quyết thắng".

Phát huy tinh thần "tuổi cao ý chí càng cao", Mặt trận Tổ quốc Yên Bái, đã thu hút hàng vạn hội viên trong đó có hơn 1 ngàn cụ tham gia "bạch đầu quân". Trong phong trào thi đua "ba giỏi", các cụ phụ lão đã góp phần đắc lực vào việc vận động con cháu xây dựng hợp tác xã, lao động sản xuất, làm tròn nghĩa vụ quân sự, xây dựng nếp sống văn hoá mới, vận động nhân dân lập "hũ gạo chống Mỹ".

Các em thiếu niên Yên Bái tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi như "nghìn việc tốt", "em yêu quý anh bộ đội", "căm thù giặc Mỹ xâm lược". Phong trào "trâu là bạn quý, Mỹ là kẻ thù" của thiếu nhi xã Đại Phác (Văn Yên) được Bác Hồ gửi thư khen.

Trong khói lửa của cuộc chiến tranh ác liệt, nhân dân các dân tộc Yên Bái vẫn bám ruộng đồng, nhà máy, trường học để duy trì sản xuất, công tác và học tập, đảm bảo ổn định cuộc sống và tăng cường khả năng quốc phòng. Trong sản xuất nông nghiệp, mỗi xã viên thực sự là một chiến sỹ vững " tay cày, tay súng".

Nhằm đáp ứng nhu cầu của chiến trường, Yên Bái đã khẩn trương xây dựng lực lượng, thành lập 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh với quân số gần 3.000 cán bộ, chiến sỹ, xẻ dọc Trường Sơn đi chiến đấu. Công tác huy động dân quân hoả tuyến được xúc tiến mạnh mẽ, huy động hàng ngàn thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến phục vụ cho chiến trường B, C.

Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” Đảng bộ, quân dân tỉnh Yên Bái đã huy động cao độ sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đóng góp 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm, gần 25.000 người nhập ngũ làm tròn vai trò, nghĩa vụ là hậu phương lớn với tiền tuyến lớn góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, mặc dù đất nước thống nhất nhưng hậu quả của chiến tranh để lại còn rất nặng nề. Song, với bản lĩnh, trí tuệ, sự đoàn kết, nhất trí, "đồng tâm, đồng ý, đồng chí, đồng lòng” của cán bộ, đảng viên, bản chất cần cù, chịu khó của nhân dân các dân tộc, phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, 50 năm qua, tỉnh Yên Bái đã chung sức, đồng lòng, từng bước vượt mọi khó khăn của chiến tranh và những ảnh hưởng vô cùng nặng nề của thiên tai. 

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực cánh sinh, phát huy nội lực, huy động và tranh thủ tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao và vững chắc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ Tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, với tinh thần “Quyết liệt, sáng tạo, kỷ cương, tăng tốc, hiệu quả”, Tỉnh ủy Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từng bước hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, với nhiều kết quả quan trọng, nổi bật trên các lĩnh vực: Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, năm 2024 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,91% đứng thứ 7/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Lễ khánh thành công trình Đường nối Quốc lộ 37 (QL37), Quốc lộ 32C (QL32C) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đây là công trình có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng và mở ra không gian phát triển mới cho thành phố Yên Bái, đặc biệt là khu vực hữu ngạn sông Hồng

Văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chăm lo và có bước phát triển toàn diện. Chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng lên. An sinh xã hội được bảo đảm. Giảm nghèo nhanh và bền vững; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,68%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,99% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Tỷ lệ nghèo đa chiều của Yên Bái là 8,66%, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, cải thiện 05 bậc so với đầu nhiệm kỳ; thấp thứ 4/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc (sau các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Phú Thọ). Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 66,52% - ở mức 2- khá hạnh phúc.

Yên Bái là địa phương đầu tiên đưa chỉ tiêu nâng cao Chỉ số hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh 

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, triển khai thực hiện bài bản, khoa học, đồng bộ Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt chủ trương, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy sợ trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ; ban hành và thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Trong Quý I/2025 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 9,58%, đứng thứ 5/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Khu vực nông nghiệp, nông thôn khẳng định vai trò là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Nông nghiệp chứng kiến bước ngoặt quan trọng, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Liên tục nhiều năm, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh luôn thuộc nhóm cao nhất trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước; bình quân giai đoạn 2021-2024 ước đạt 5,22%/năm, đứng thứ hai trong Vùng.  Quý I/2025, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản ước đạt 6,98%, đứng thứ 2/14 tỉnh trong vùng.

Yên Bái tiếp tục là điểm sáng trong vùng Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới. Hết Quý I/2025, toàn tỉnh đã có 115/146 xã đạt chuẩn NTM, chiếm gần 79% số xã; có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt mục tiêu Nghị quyết; 05/09 đơn vị hành chính cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó huyện Trấn Yên - huyện NTM đầu tiên của vùng Tây Bắc từ năm 2019, giờ đây đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt mục tiêu Nghị quyết của tỉnh…

Tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang của cha, ông, trong giai đoạn phát triển mới, với bản lĩnh chính trị vững vàng và tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, với ý chí tự cường, tinh thần tự tin, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với những khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung... Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, vững bước xây dựng tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, góp phần thực hiện mục tiêu quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030, vùng với cả cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh và thịnh vượng.

50 mùa xuân đã đi qua nhưng âm hưởng hào hùng của một thời đánh Mỹ, thắng Mỹ lật nhào chế độ ngụy quyền Sài Gòn để Nam - Bắc trọn niềm vui thống nhất vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung và Yên Bái nói riêng; cổ vũ và thôi thúc mỗi người dân Yên Bái luôn tự hào về truyền thống anh hùng, bất khuất của các thế hệ cha ông, không ngừng nỗ lực học tập, cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp và phát triển.

 

1558 lượt xem
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h