Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Chợ quê Mai Sơn - nơi “níu giữ” bản sắc dân tộc Tày

25/01/2023 08:53:39 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Với mục tiêu gìn giữ, bảo tồn và phát triển những sản phẩm, trang phục, ẩm thực cũng như nét đẹp phong tục tập quán của đồng bào Tày, chợ quê xã Mai Sơn được họp đều đặn 2 lần/tuần. Đến đây, hầu hết người dân đều mặc trang phục truyền thống, mang những sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình để bày bán, giao lưu. Từ phiên chợ quê này mà nhiều sản phẩm, nhiều nét đẹp truyền thống của người Tày được khôi phục, phát triển hơn. Ngày nay, Chợ quê xã Mai Sơn càng trở nên sôi động, nhộn nhịp thế nhưng “hồn quê” cùng với những giá trị văn hoa truyền thống của đồng bào Tày vẫn hiện hữu nơi đây.

Chợ quê Mai Sơn được họp vào thứ Tư, thứ Bảy hàng tuần

Chợ quê - cái tên nghe rất đỗi thân thương, gần gũi và bình dị, chẳng hề xa lạ đối với bất cứ ai, bất cứ vùng miền nào trên mảnh đất Việt Nam, nhưng đến chợ quê của mỗi vùng đất chúng ta đều thấy những điều mới mẻ, độc đáo mà chỉ ở nơi ấy mới có. Nhiều người cho rằng, muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa và tập tục của một vùng đất, một làng quê nào đó thì cứ đến chợ. Bởi chợ chính là biểu hiện đầy đủ nhất bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của một vùng.

Nét đặc trưng của chợ quê là tính tự cung, tự cấp. Hầu hết những món hàng được bày bán ở chợ đều do người dân bản địa tự tay trồng hoặc làm ra. Ngày nay, tại mỗi chợ quê có thêm các tiểu thương buôn bán chuyên nghiệp hơn, làm cho sản phẩm hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy vậy, nét riêng vốn có của chợ quê vẫn luôn tồn tại, người dân bản địa vẫn đi chợ, đôi khi chỉ là cặp bánh chưng, bánh chuối, vài chiếc giỏ đan lát, chiếc khăn, vải thổ cẩm hay buồng cau, chục trứng, con gà, mớ rau của nhà trồng được. Người dân mang ra chợ bán thứ mình có và mua những thứ mình cần, cứ như thế, người đi chợ đôi khi đóng vai cả người bán và người mua. Điều này, ở chợ thành thị ít khi có, vì vậy nó tạo nên một nét đặc trưng riêng biệt cho mỗi phiên chợ quê truyền thống.

Với đồng bào Tày ở xã Mai Sơn, huyện Lục Yên được đến chợ quê với trang phục của dân tộc mình, được ngắm nhìn, giao lưu những sản phẩm mang đậm truyền thống như các loại bánh, trang phục, các đồ dùng, dụng cụ, các sản phẩm đan lát, dệt may đó cũng là một niềm vui, niềm hạnh phúc.

Chợ quê đã góp phần gìn giữ những nét đẹp truyền thống đồng bào Tày

Ông Âu Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết: Nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, giới thiệu trang phục, ẩm thực cũng như nét đẹp phong tục tập quán của đồng bào Tày. Đồng thời, khơi dậy, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng tại địa phương phát triển, năm 2022, xã Mai Sơn đã xây dựng, hình thành “Chợ quê xã Mai Sơn”. Xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn khi đến chợ mặc trang phục truyền thống của đồng bào Tày, mang đến chợ những sản phẩm đặc trưng. Cùng với đó, xã chỉnh trang, hình thành các khu bày bán sản phẩm một cách độc đáo, bình dị, gần gũi, được người dân trên địa bàn xã đồng tình ủng hộ và thu hút người ngoài địa phương đến thăm quan, trải nghiệm.

Chợ quê xã Mai Sơn được họp 2 lần vào thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần kết hợp với chợ phiên. Từ việc hình thành chợ quê mà nhiều nghề truyền thống, nhiều sản phẩm đặc trưng của đồng bào Tày được khôi phục, phát triển, nhiều người biết đến.

Bà Nông Thị Vẻ ở thôn Sơn Hạ thường xuyên ra chợ với sản phẩm truyền thống

Như bà Nông Thị Vẻ ở thôn Sơn Hạ, là người luôn đau đáu với việc gìn giữ, truyền dạy những nét đẹp, văn hóa của người Tày cho thế hệ sau. Nhận thấy nhiều người trẻ hiện nay không còn biết vấn tóc, đội khăn trong bộ trang phục Tày và để giảm bớt thời gian bà Vẻ đã sáng tạo ra sản phẩm vấn tóc, giúp thế hệ trẻ thuận tiện trong việc quấn tóc mà không mất đi bản sắc. Từ khi xã hình thành Chợ quê, bà Vẻ thường xuyên ra chợ làm và bày bán sản phẩm, từ đó sản phẩm của bà được nhiều người biết đến, không chỉ người dân trong xã mà các xã lân cận như Lâm Thượng, Khánh Thiện, Yên Thắng, Minh Xuân cũng tìm đến mua sản phẩm của bà Vẻ.

Thông qua chợ quê Mai Sơn, món bánh chưng đen được nhiều người biết đến

Chị Hoàng Thị Hạnh ở thôn Sơn Bắc làm bánh chưng đen gần chục năm nay, đây là một món ăn truyền thống chỉ có người Tày mới biết làm. Trước đây, chị Hạnh chỉ làm vào những dịp Tết, chủ yếu phục vụ gia đình và người dân xung quanh. Tuy nhiên, từ khi xã Mai Sơn khôi phục chợ quê món bánh chưng đen của chị Hạnh đã được nhiều người quan tâm, biết đến và sử dụng nhiều hơn. Hiện nay, đều đặn mỗi tuần 2 lần, chị Hạnh đều làm bánh trưng đen để mang ra chợ quê bán, không những vậy chị Hạnh còn nhận các đơn đặt hàng online, khách hàng không chỉ trong huyện mà còn có ở các tỉnh, thành khác khắp cả nước. Để đảm bảo nguồn cung, chị Hạnh  rủ 2 gia đình khác thành lập nhóm hộ sản xuất bánh chưng đen. Mỗi tuần thực hiện gói từ 40 đến 50 kg gạo nếp. Bánh chưng đen ở xã Mai Sơn được làm từ gạo nếp Lào Mu, giống lúa địa phương có độ dẻo, thơm, mỡ màng.

Góp phần gìn giữ truyền dạy những nghề truyền thống của đồng bào Tày

Chợ quê Mai Sơn được hình thành thì chị Hoàng Thị Niên ở thôn Sơn Bắc cũng tích cực quay trở lại với việc đan lát mà chị đã lãng quên một thời gian dài, một phần vì tạo ra sản phẩm để mang ra chợ bán, tạo thêm thu nhập phần vì chị muốn duy trì và phát triển hơn nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình. Với nguyên liệu từ cây tre, nứa, giang cộng với bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tày, những sản phẩm từ đan lát như xỏong đựng rau, chóong đựng gạo, thát trải sàn, quây gánh lúa được tạo ra đẹp mắt, tinh xảo.

Chợ quê Mai Sơn góp phần thúc đẩy du lịch địa phương

Một điều hay ở phiên chợ quê Mai Sơn đó là không phải ai đến đây cũng chung mục đích bán hoặc mua hàng, có nhiều người đến chỉ để dạo quanh ngắm chợ, để gặp gỡ người quen, hàn huyên với nhau. Ở chợ quê này, mọi người vẫn tỉ tê, hỏi han nhau từng câu chuyện về gia đình, xã hội, về cách nuôi con gà, thả con cá sao cho khỏe mạnh, chuyện nuôi dạy, học hành của con cháu hay đến những câu chuyện phiếm chẳng có đầu cũng chẳng có cuối. Có thể nói, chợ quê Mai Sơn không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn và cũng là nơi cất giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, trang phục, phong tục, tập quán sinh hoạt vô cùng thú vị của đồng bào Tày nơi đây. Người đến chợ cũng đủ các lứa tuổi, từ già đến trẻ, có cả nam và nữ. Các sản phẩm ở chợ là kết tinh của sự lao động cần cù, cũng là những sản vật đặc trưng do bà con dân tộc Tày làm ra. Hàng hóa mang đi rất đơn giản và cách bày bán cũng mộc mạc, không cầu kỳ được đặt trên chiếc bàn nhỏ được làm bằng tre, nứa. Đến chợ quê Mai Sơn, mọi người sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa của cộng đồng người Tày, được ngắm nhìn những gương mặt thuần phác, hiền hậu của người phụ nữ trong bộ trang phục truyền thống.

 

Sự bình dị, mộc mạc tại chợ quê Mai Sơn

Xã hội ngày càng phát triển, con người vội vã, tất bật hơn với cuộc sống nên không còn dành nhiều thời gian cho việc đi chợ và đi chợ không còn là thú vui, không để gặp gỡ, trò chuyện mà chỉ để mua sắm phục vụ cho nhu cầu hằng ngày, không gian, hàng hóa cũng không mang nhiều nét đặc trưng văn hóa truyền thống, dần không còn được thể hiện ở những khu chợ hiện đại.

Tuy nhiên, với người Tày xã Mai Sơn, huyện Lục Yên chợ quê vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày. Nó đã trở thành một cái gì đó gần gũi, đi vào tiềm thức, tâm hồn bằng những hình ảnh mộc mạc, thân quen. Trong bộn bề, hối hả của cuộc sống, mọi người hãy thử tìm về với chơ quê, không phải để mua, để bán mà như một cách trở về với ký ức. Bởi chợ quê vẫn luôn là nơi lưu nét văn hóa, là nơi lưu giữ hồn quê, là nơi ta tìm về cái gọi là nguồn cội./

 

 

1676 lượt xem
Theo Trang TTĐT huyện Lục Yên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h