Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Trấn Yên khẩn trương khắc phục sản xuất vụ mùa sau lũ bão

26/07/2017 07:27:26 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, trên địa bàn huyện Trấn Yên đã có mưa to kéo dài, kết hợp với lũ đầu nguồn, khiến mực nước Sông Hồng lên báo động 3, các suối dâng cao, gây lũ ống, lũ quét tại nhiều nơi, làm ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Hiện nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi nông dân huyện Trấn Yên đang xuống đồng khắc phục sản xuất.

Mưa lũ đã làm 278ha lúa và cây màu của huyện Trấn Yên bị ngập úng

Vụ mùa năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thân thôn Ninh Phúc xã Nga Quán gieo cấy 6,5 sào lúa nước, 2 sào rau màu, nhưng chưa vụ nào lại vất vả như ở vụ mùa này, sau cơn mưa tối 11 rạng sáng ngày 12/7 đã làm toàn bộ diện tích lúa, màu của gia đình bị ngập, nước vừa rút thì lại bị ngập do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2. Đến nay, sau 4 ngày ngâm trong nước kết hợp với nắng nóng, nên toàn bộ diện tích này khả năng bị mất trắng. Điều lo lắng hơn cả, là hiện mực nước có rút, nhưng rút chậm và cơn bão số 4 đã sát đất liền vì vậy khả năng gieo cấy lại lúa mùa của gia đình bà Thân gặp rất khó khăn. “Toàn bộ diện tích của gia đình tôi bị ngập 2 lần, nhưng sau cơn bão số 2 thì ngập lâu chắc chắn lúa, cây màu bị chết. Nước có hở ra cũng chưa chắc cấy lại được vì liên tục nước ra, nước vào gây ngập úng thường xuyên, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn”. Bà Nguyễn Thị Thân nói.

Cũng giống như gia đình bà Thân, 9 sào lúa mùa đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ của gia đình anh Hoàng Tiến Tranh thôn Thắng Lợi xã Y Can bị ngập sâu trong nước. Do thời gian ngập lâu và lượng phù xa lớn đã làm 7 sào lúa của gia đình mất trắng, 2 sào còn lại cũng chết tới 80% diện tích. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình anh đã xuống đồng cấy dặm lại những diện tích bị chết. Vừa gieo cấy anh Hoàng Tiến Tranh vừa cho chúng tôi biết: “Toàn bộ diện tích gieo cấy lúa vụ mùa này của gia đình cơ bản chết hết do ngập úng, chúng tôi đang huy động nhân lực của gia đình để cấy bổ sung lại 2 sào, 7 sào còn lại sẽ cấy bằng giống lúa ngắn ngày cho kịp thời vụ”.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 xảy ra từ ngày 16 - 18/7, thêm vào đó ngày 22/7 lũ thượng nguồn Sông Hồng dâng nhanh lên mức báo động 3 gây thiệt hại nặng nề đối với hạ tầng cơ sở và sản xuất ngành nông nghịêp của Trấn Yên. Chỉ riêng đối với sản xuất vụ mùa, mưa lũ đã làm 278ha lúa và cây màu bị ngập úng, trong đó có 227,6ha lúa mùa bị ngập và lũ quét. Ngay sau cơn bão, lãnh đạo huyện Trấn Yên đã trực tiếp xuống các địa phương nắm tình hình, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại; Chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn khẩn trương khắc phục hậu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”; chủ động giúp đỡ nhân dân khắc phục những thiệt hại do mưa lũ, ổn định cuộc sống, tái sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân nằm trong vùng có nguy cơ cao cần di chuyển đến nơi ở mới an toàn...

Hiện mực nước Sông Hồng đã rút, nhưng do nước rút chậm vẫn làm nhiều diện tích lúa và hoa màu vùng thấp của Trấn Yên vẫn bị ngập sâu trong nước, có nơi ngập tới gần 1m như ở Nga Quán, Minh Quán, Minh Tiến… khả năng 200ha lúa và hàng chục ha cây màu của Trấn Yên bị mất trắng. Là một trong những xã chịu nhiều thiệt hại do thiên tai cho ngành sản xuất nông nghiệp, đến nay xã Nga Quán vẫn còn 15ha lúa bị ngập trong nước và 15 ha khác khả năng bị mất trắng, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Nga Quán đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân chủ động và nhanh chóng khắc phục sản xuất, ông Phạm Thăng Long - Chủ tịch UBND xã Nga Quán cho biết: “Tỷ lệ lúa sống còn 10-20%, chúng tôi đang cố gắng khắc phục, còn lại diện tích không khắc phục được thì vận động người dân xuống giống bằng các giống lúa ngắn ngày. Với quyết tâm không để đất trống, Nga Quán vận động bà con chủ động gieo mạ để gieo cấy lại, diện tích ngập không kịp thời gian sẽ chuyển đổi bằng cây trồng khác”.

Đến nay tranh thủ nước rút, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân vệ sinh đồng ruộng, thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trên tất cả các loại cây trồng, nhất là các biện pháp giúp cây lúa phục hồi sau ngập, cấy dặm những diện tích chết, đối với diện tích mất trắng sẽ gieo cấy các giống ngắn ngày hoặc chuyển đổi cây trồng khác sau khi nước rút để đảm bảo an ninh lương thực. Bà Hoàng Thị Ánh Tuyết - Phó trạm trưởng Trạm Khuyến nông Trấn Yên nói: “Trạm Khuyến nông chỉ đạo cán bộ bám sát địa bàn để hướng dẫn nhân dân thực hiện chăm sóc cây lúa bằng việc rửa lá, vệ sinh đồng ruộng, phun phòng bệnh bạc lá, bệnh thối thân bằng các loại thuốc đặc hiệu. Đối với diện tích mất trắng sử dụng bằng giống lúa ngắn ngày và áp dụng biện pháp gieo xạ, thời gian gieo xạ chậm nhất là 30/7. Diện tích không còn thời vụ gieo cấy sẽ vận động nhân dân chuyển đổi bằng các loại cây màu, rau ngắn ngày để tăng thu nhập cho bà con nhân dân”.

Đây mới là đầu mùa mưa bão, nhất là bão số 4 đã tiến sát đất liền, khả năng Trấn Yên lại ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão này rất cao, vì vậy để bảo đảm an toàn cho vụ mùa giai đoạn từ nay đến cuối vụ vẫn cần sự tập trung, nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống úng ngập, khắc phục những hậu quả do mưa, bão gây ra./.

1473 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h