Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Di tích Vườn hoa - Nhà kèn, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái

12/06/2019 17:30:16 Xem cỡ chữ Google
Ngày 15/7/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 1420/QĐ-UBND, công nhận di tích Vườn hoa - Nhà kèn, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Vườn hoa Hồng Hà, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái

1.Tên Di tích: Di tích lịch sử - văn hóa Vườn hoa - Nhà kèn, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

2. Loại hình Di tích: Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

3. Quyết định công bố Di tích: Quyết định số 1420/QĐ-UBND, ngày 15/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, công nhận di tích Vườn hoa - Nhà kèn, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Địa điểm và đường đến Di tích:

Địa điểm Di tích: Di tích lịch sử, văn hóa Vườn hoa - Nhà kèn, thuộc phố Hội Bình, thị xã Yên Bái vào đầu thế kỉ XX, nay thuộc phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. Hiện nay Di tích có diện tích khoanh vùng bảo vệ 1821.6 m2.

Đường đi đến Di tích: Đến Di tích Vườn hoa - Nhà kèn theo đường bộ bằng phương tiện ô tô, xe máy rất thuận tiện. Từ Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái (km5) đi theo đường Điện Biên (hướng đi ra ga Yên Bái) khoảng 3 km đến ngã ba Cao Lanh, đi tiếp Đại lộ Nguyễn Thái Học khoảng 2 km, đến điểm đèn đỏ (gần cầu Yên Bái), rẽ trái khoảng 100 mét đến Ủy ban nhân dân phường Hồng Hà là đến Di tích. Từ Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái đi đường Trần Hưng Đạo khoảng 1 km đến cách Ủy ban nhân dân phường Hồng Hà  200 mét là đến Di tích.

5. Lịch sử hình thành Di tích Vườn hoa - Nhà kèn:

Tháng 2 năm 1886, sau khi làm chủ thành Hưng Hóa và Tuyên Quang, đội quân viễn chinh Pháp do viên tướng Gia Mông chỉ huy, tiếp tục tràn lên thượng lưu sông Hồng, tiến công vào phòng tuyến kéo dài từ Hào Gia, Tuần Quán đến Giới Phiên, Bách Lẫm. Đến 1890, thực dân Pháp gần như làm chủ hoàn toàn tỉnh Hưng Hóa, chúng phân chia thành các quân khu và nhiều tiểu quân khu, sau đó chúng thành lập các Đạo quan binh.

Sau gần 10 năm đặt địa phương dưới chế độ cai trị theo kiểu quân quản, ngày 11 tháng 4 năm 1900, toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Yên Bái. Thị xã Yên Bái được thành lập, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Yên Bái do người Pháp cai trị.

Sau khi thành lập tỉnh Yên Bái, thực dân Pháp tiến hành quy hoạch và phát triển thị xã Yên Bái nhưng tiến độ khá chậm. Sau hơn mười năm, hình hài thị xã của một tỉnh mới thành lập bắt đầu xuất hiện những công trình xây dựng hiện đại, thể hiện vóc dáng một đô thị mới ở miền núi.

Đầu tiên, thực dân Pháp xây dựng các công sở, trụ sở chính quyền cấp tỉnh như: Tòa công sứ, nhà Phó Chánh sứ, Dinh án sát, sở cẩm, sở sen đầm, nhà dây thép (bưu điện), kho bạc, chánh kiểm lâm, sở lục bộ…

Về giao thông: Pháp xây dựng ga Yên Bái, bến phà Âu Lâu, mở các tuyến đường nối với các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn và các tuyến đường phố nhỏ nội thị theo ô bàn cờ.

Kinh tế - thương mại: Pháp xây dựng chợ Yên Bái, khu đấu xảo (khu triển lãm hay khu hội chợ) để triển lãm những sản phẩm nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ, nhà máy đèn, nhà máy nước…

Văn hóa - xã hội: Pháp xây dựng nhà thương (nhà thương lính khố xanh, nhà thương tây, nhà thương cho dân), trường học, vườn hoa, lầu bát giác (thường gọi là nhà kèn), rạp cinema (rạp chiếu bóng)…

Pháp cho xây dựng Vườn hoa trước, Nhà kèn xây dựng sau. Vườn hoa nhằm mục đích tạo cảnh quan đô thị, làm cho bộ mặt thị xã xanh, đẹp và để mọi người đi dạo, thư giãn. Nhà kèn là nơi tập kèn, biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, phục vụ văn hóa, nghệ thuật cho lính Pháp, lính khố xanh và bọn quan chức, người dân thị xã và vùng lân cận cũng có thể đến xem. Đa số các công trình xây dựng là để phục vụ cho việc cai trị và vui chơi giải trí của bọn quan chức hàng tỉnh, hàng huyện, lính tây, lính khố xanh, nhà giàu...

6.  Những sự kiện diễn ra tại Di tích Vườn hoa - Nhà kèn:

- Nơi ra mắt Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái (ngày 22 tháng 8 năm 1945): Sáng ngày 18 tháng 8 năm 1945, Nhật phái Tỉnh trưởng Yên Bái cho 5 người mang cờ trắng, đem thư gửi phía ta và đề nghị ngừng bắn, tiếp tục đàm phán. Phía ta đồng ý ngừng bắn từ 8 giờ sáng đến 19 giờ ngày 19 tháng 8 năm 1945. Đến 14 giờ ngày 19  tháng 8 năm 1945, đồng chí Ngô Minh Loan, đại diện lực lượng cách mạng đàm phán với Nhật tại dinh Tỉnh trưởng. Trước áp lực và sức mạnh của lực lượng cách mạng, quân Nhật chấp nhận các yêu cầu của ta, hoàn toàn quy phục. Công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân các dân tộc Yên Bái hoàn toàn thắng lợi.

Ngày 20 tháng 8 năm 1945, một rừng người từ chiến khu Vần, Đông Cuông, Yên Bình và các vùng lân cận thuộc đủ các dân tộc, đủ mọi tầng lớp tiến vào thị xã. Cuộc biểu tình thị uy có sự tham gia của binh lính Bảo An. Đoàn diễu hành đi qua các phố, hô vang các khẩu hiệu “Đả đảo quân phiệt Nhật”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh”, “Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Cán bộ, quân dân gặp nhau trong tư thế của người tự do, bắt đầu làm chủ vận mệnh của mình, mừng vui khôn xiết.

Sáng ngày 22 tháng 8 năm 1945, Ban cán sự Đảng tổ chức cuộc mít tinh quần chúng ở Vườn hoa - Nhà kèn, trung tâm tỉnh lỵ, thu hút gần 1 vạn người ở thị xã Yên Bái và các vùng lân cận tham gia.

Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái làm lễ ra mắt trước đông đảo quần chúng nhân dân. Tại cuộc mít tinh, Ủy ban cách mạng lâm thời ra mắt gồm có các đồng chí Ngô Minh Loan là Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Phúc làm Phó Chủ tịch, đồng chí Bình Phương là ủy viên Quân sự, đồng chí Nguyễn Văn Chí là ủy viên Cảnh sát, đồng chí Đỗ Quang Hân là ủy viên Giáo dục, đồng chí Phạm Gia Đệ là ủy viên Y tế, đồng chí Lê Văn Minh là ủy viên Công chính, đồng chí Đỗ Văn Bình là ủy viên Tư pháp.

Trong không khí phấn khởi ngày giành Chính quyền, đồng chí Nguyễn Phúc thay mặt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái tuyên bố: Yên Bái hoàn toàn giải phóng, chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, công bố chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ Chính quyền cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của đế quốc và các thế lực thù địch, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, từng bước xây dựng cuộc sống mới.

Ngày 22 tháng 8 năm 1945 đã trở thành ngày lịch sử vẻ vang của nhân dân các dân tộc Yên Bái, đánh dấu mốc son chói lọi, ngày nhân dân ta vùng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng, đập tan sự thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật trong gần 60 năm, kể từ khi Pháp xâm lược Yên Bái (1886), lật đổ chính quyền phong kiến từ tỉnh đến xã thống trị hàng ngàn năm. Đồng bào các dân tộc Yên Bái từ thân phận nô lệ, mất nước trở thành người làm chủ quê hương, đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

- Nơi tổ chức “Tuần lễ vàng”: Chỉ hai ngày sau khi tuyên bố đất nước được độc lập, ngày 4 tháng 9 năm 1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kí Sắc lệnh số 04 thành lập "Quỹ Độc lập". Sắc lệnh nêu rõ: "Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia" và "Mọi việc quyên tiền và đồ vật và việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính".

Tiếp sau đó, trong khuôn khổ "Quỹ Độc lập", Chính phủ đã đề ra chương trình tổ chức "Tuần lễ vàng" từ ngày 17 đến ngày 24  tháng 9 năm 1945, kêu gọi, động viên mọi người dân yêu nước, tha thiết với cách mạng, tự nguyện đóng góp, ủng hộ nền độc lập của Tổ quốc. Lễ phát động "Tuần lễ vàng" nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh thành trên cả nước và trong nhân dân. Ngay khi phát động "Tuần lễ vàng" đã xuất hiện bài ca dao cổ động quần chúng:

            Đeo bông chỉ tổ nặng tai

            Đeo kiềng nặng cổ, hỡi ai có vàng!

            Làm dân một nước vẻ vang

            Đem vàng cứu nước giàu sang nào tày!

            Góp vàng đổi súng cối xay

            Bắn tan giặc, nước có ngày vinh quang

            Mỗi khi người bước ra đàng

            Cổ tay chẳng xuyến, chẳng vàng dễ coi

            Lúc này làm dáng càng nhơ

            Hãy đem vàng để phụng thờ nước non!

            Người còn thì của hãy còn

            Nước tan, nhà mất vàng son làm gì!

Trong thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ vàng”, Hồ Chủ Tịch đã nhấn mạnh: “Muốn củng cố nền tự do, độc lập, chúng ta cần sức hy sinh, phấn đấu của toàn quốc đồng bào, cần sức quyên góp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có”.

Thực hiện Pháp lệnh của Chính phủ, tại thị xã Yên Bái, “Tuần lễ vàng” được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, dấy lên phong trào tự nguyện thi đua đóng góp tiền của, vàng, bạc... ủng hộ Chính phủ lan tỏa khắp mọi vùng quê. Để cổ động, khơi dậy tinh thần yêu nước, các khẩu hiệu “Hãy đem vàng rửa hận cho Tổ quốc”, “Hãy đem vàng đổi lấy tự do” xuất hiện khắp nơi. Đoàn thiếu nhi rước kiệu Long Đỉnh, trang trí cờ hoa, khẩu hiệu, trên đặt “hũ” quyên góp vàng, tiền, diễu hành quanh thị xã Yên Bái, hô vang các khẩu hiệu: "Hãy đem vàng rửa hận cho Tổ quốc", "Hãy đem vàng đổi lấy tự do" và khuyên những người có vàng ủng hộ cho Chính phủ: "Đeo hoa chỉ tổ nặng tai, đeo kiềng nặng cổ, hỡi ai có vàng".

Kết thúc diễu hành, “hũ” quyên góp đặt tại lầu bát giác (Nhà kèn), vườn hoa trung tâm tỉnh lỵ, để nhân dân thuận lợi đến ủng hộ cách mạng, hưởng ứng “Tuần lễ vàng”. Chỉ trong một ngày ở phố Cát Tường (Yên Bình) đã có 50 gia đình ủng hộ cách mạng 0,7 lạng vàng, 20 lạng bạc, gần 1.000 đồng Đông Dương. Ở Khu Vần, nhân dân quyên góp được 2,1 lạng vàng, 20 lạng bạc, 12.616 đồng Đông Dương. Ở phố Nghĩa Lộ, nhân dân ủng hộ 11 lạng vàng, 22 lạng bạc, 20.000 đồng Đông Dương. Trong một tuần phát động, nhân dân các địa phương tỉnh Yên Bái đã đóng góp gần 20 lạng vàng, 200 lạng bạc, 3.000.000 đồng Đông Dương.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám nói chung và “Tuần lễ vàng” nói riêng đã cho thấy sức mạnh to lớn của lòng dân. Đúng là “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu - Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”, kinh nghiệm quý giá ấy từ mùa thu năm 1945 lịch sử sẽ mãi là bài học cho hôm nay và cho mai sau.

Đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tuần lễ vàng sẽ tỏ cho toàn quốc, đồng bào và cho toàn thế giới biết: Trong khi các chiến sĩ quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do, độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút VÀNG để phụng sự Tổ quốc".

- Nơi thể hiện tinh thần yêu nước, tin tưởng vào Cách mạng của nhân dân các dân tộc thị xã Yên Bái:

Tại Vườn hoa - Nhà kèn, trong những ngày đầu giành Chính quyền (22 tháng 8 năm 1945), vào ngày thứ hai đầu tuần, nhân dân các dân tộc thị xã Yên Bái mặc trang phục đẹp, chỉnh tề đứng thành hàng chào cờ, hát Quốc ca. Việc chào cờ, hát Quốc ca của nhân dân các dân tộc thị xã Yên Bái trở thành nét đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước; sự phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua ghềnh thác, đi đến thắng lợi cuối cùng.

Bọn Quốc dân đảng (gọi tắt là Việt Quốc) phản động thấy nhân dân thị xã Yên Bái hàng tuần chào cờ, hát Quốc ca, chúng rất hoang mang, lo sợ. Nhằm trấn áp tinh thần của nhân dân, bọn Quốc dân đảng theo quân Tưởng đến dẹp, bắt nhân dân treo cờ, hát Quốc ca của chúng. Nhưng với tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tin tưởng vào cách mạng, hàng tuần nhân dân vẫn đến Vườn hoa - Nhà kèn để chào cờ, hát vang bài “Tiến quân ca”. Trước tình hình đó, bọn Quốc dân đảng bắt ông Lê Văn Đức (sau này là giáo học) lên sở Liêm phóng để uy hiếp, khủng bố tinh thần của nhân dân. Ông Lê Văn Đức đã nói với bọn Quốc dân đảng: Chúng tôi là người dân Việt Nam độc lập, chỉ chào cờ đỏ sao vàng và hát “Tiến quân ca". Với tinh thần đoàn kết, nhân dân thị xã Yên Bái đã đấu tranh, phản đối treo cờ, hát Quốc ca của chúng, buộc chúng phải thả ông Lê Văn Đức và để nhân dân đến chào cờ, hát Quốc ca của ta.

 - Nơi hoạt động văn hóa, văn nghệ:

Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày mùng 7 tháng 5 năm 1954) đã kết thúc thắng lợi chín năm trường kì kháng chiến chống Pháp xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta, đưa cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Miền Bắc tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa và miền Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành độc lập dân tộc, dân chủ và thống nhất đất nước.

Tại thị xã Yên Bái, Vườn hoa - Nhà kèn trở thành trung tâm tỉnh lỵ, nhiều công trình được tu sửa, xây dựng mới khang trang hơn, như cửa hàng bách hóa, chợ, rạp chiếu bóng, hiệu sách nhân dân, sân vận động… Đồng thời, nơi đây là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của tỉnh và thị xã, các đoàn nghệ thuật của Trung ương, đoàn nghệ thuật của các tỉnh bạn lên thăm, biểu diễn phục vụ nhân dân thị xã.

Để nhân dân có điều kiện tiếp nhận tin tức thời sự trong nước và quốc tế, nâng cao hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa mới, kiến thức khoa học kỹ thuật…, thị xã đã lắp đặt hệ thống loa truyền thanh trong khuôn viên Vườn hoa - Nhà kèn. Vào mỗi tối hoặc vào ngày chủ nhật, hàng trăm người dân đến nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền thanh tỉnh. Nếp sinh hoạt này kéo dài cho đến năm 1965, khi giặc Mỹ leo thang ném bom, bắn phá miền Bắc, trong đó có thị xã Yên Bái.

- Nơi tổ chức Kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ (27 tháng 7):

Nhằm tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, chăm sóc các gia đình chính sách, hàng năm vào ngày 27 tháng 7, Đảng bộ, Chính quyền, các đoàn thể và nhân dân thị xã Yên Bái trang trí kì đài (cờ hoa, băng zôn, khẩu hiệu, bia bằng gỗ, có dòng chữ Tổ quốc ghi công...) đặt tại Vườn hoa - Nhà kèn để các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, lãnh đạo các địa phương cùng nhân dân đến dâng hương các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc. Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh, tỏ lòng tưởng nhớ các liệt sĩ”.   

Cũng trong dịp này, lãnh đạo tỉnh đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ, đồng thời nhắc nhở mọi người phải biết ơn, hết lòng giúp đỡ và gửi quà cho các thương binh, gia đình liệt sĩ trong tỉnh.

7. Vườn hoa - Nhà kèn trước và sau năm 1965:

- Trước năm 1965: Vườn hoa - Nhà kèn do thực dân Pháp xây dựng khoảng những năm đầu thế kỉ XX, khi tỉnh Yên Bái mới thành lập. Nằm giữa trung tâm tỉnh lỵ, bên cạnh Vườn hoa - Nhà kèn là sân vận động, đình Yên Thái, đền vọng, dinh tuần phủ, trại giám binh, khu dân cư phố Hội Bình, phố Yên Thái, phố Yên Hòa.

Vườn hoa và Nhà kèn là hai thiết chế riêng biệt, có công năng sử dụng khác nhau. Nhà kèn được xây dựng theo kiến trúc nhà “lầu bát giác”, giống như một sân khấu nhỏ có mái che (hoặc như là nhà hát mi ni), là nơi tập và biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc của đội kèn tây phục vụ quan chức, quân lính, người dân thị xã Yên Bái và các vùng lân cận cũng có thể đến xem, nên gọi là “Nhà kèn”.

Vườn hoa như một công viên, tạo cảnh quan đô thị, để mọi người đến dạo, thư giãn. Do hai thiết chế gần nhau, khi đội kèn tây biểu diễn hoặc có sự kiện diễn ra tại Nhà kèn, mọi người đứng bên vườn hoa có thể xem được, nên người dân thị xã thường gọi chung là Vườn hoa - Nhà kèn.

Diện tích Vườn hoa khoảng hơn 3.000 m2, chia thành lô, trồng hoa, cây cảnh và cây thân gỗ tạo bóng mát như cây nhội, long não, hoa sữa… Mọi người có thể đi dạo quanh vườn hoa để thư giãn hoặc ngồi tránh nắng trong những ngày hè nắng nóng.

Đối diện Vườn hoa (qua một con đường nhỏ) là Nhà kèn, xây theo kiểu kiến trúc lầu bát giác với hai tầng mái, phía trên mái hình chóp nón, giữa hai tầng mái có hoa văn hình vuông (kích thước 40 x 40); Tám cột cao 3,5 mét, mỗi cạnh chừng 2,5 mét, diện tích khoảng 30 m2, lợp ngói, nền cao 1m - 1,2 m, xung quanh có lan can gỗ cao khoảng 40 - 45 cm. Nhà kèn là nơi sinh hoạt văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật và tổ chức các sự kiện văn hóa của lính Pháp.

- Sau năm 1965: Ngày 5 tháng 8 năm 1964, Mỹ tiến hành ném bom miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân. Quy mô và mức độ ác liệt của chiến tranh phá hoại ngày càng tăng. Đế quốc Mỹ muốn đưa miền Bắc Việt Nam trở về "thời kì đồ đá", phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam và Lào.

Trong các ngày 9 và 10 tháng 7 năm 1965, nhiều tốp máy bay của Mỹ với hàng chục lượt ném bom thị xã Yên Bái và Nghĩa Lộ. Đến 14h15 phút ngày 9 tháng 7 năm 1965, hai tốp máy bay F105 và 4 chiếc B57 từ phía Tây bay qua thị xã Yên Bái, bất ngờ vòng trở lại dội bom xuống nhà máy cơ khí, ty Y tế, bệnh viện, Ủy ban hành chính tỉnh, nhà ga, vườn hoa, nhà kèn…, gây cho ta thiệt hại nặng về người và tài sản. Trong trận ném bom đó, Vườn hoa - Nhà kèn bị bom Mỹ dội trúng, lầu bát giác bị phá hủy, vườn hoa bị bom cày xới, nhiều cây to bị gãy đổ, cây cảnh, hoa bị nát, hỏng gần hết. 

Từ năm 1965, quân và dân ta tập trung sức người, sức của để đánh trả không quân Mỹ và chi viện cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt, sau trận ném bom của Mỹ, lầu bát giác bị phá hủy, vườn hoa, cây cảnh còn lại không được chăm sóc nên dần bị hoang tàn.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30 tháng 4 năm 1975), tỉnh Yên Bái quy hoạch lại đô thị, nhiều công trình mới được xây dựng, ngày càng đông dân cư. Vườn hoa được cải tạo nhiều lần, nhưng quy mô thu nhỏ lại như hiện nay, nhưng vườn hoa vẫn là một chứng nhân lịch sử mãi mãi không phai mờ trong tâm thức của mỗi người dân Yên Bái.

Vườn hoa - Nhà kèn do thực dân Pháp xây dựng những năm đầu thế kỉ XX, khi mới thành lập tỉnh Yên Bái, là một trong những công trình văn hóa nằm ngay trung tâm tỉnh lỵ, có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật của người Pháp và tạo cảnh quan đô thị xanh, đẹp. Di tích Vườn hoa - Nhà kèn là chứng nhân lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển thị xã Yên Bái (nay thành phố Yên Bái), là một hệ thống chứa đựng những giá trị lịch sử, giá trị sự kiện, giá trị văn hóa, là “bảo tàng ngoài trời”, là "kho tư liệu vô giá", phản ánh tinh thần yêu nước và một thời kì đấu tranh chống thực dân Pháp của quân và dân Yên Bái; là bằng chứng quan trọng, tố cáo sự có mặt của thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ ném bom phá hoại các công trình kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, giết hại dân vô tội ở miền Bắc nói chung và ở Yên Bái nói riêng.

Di tích Vườn hoa - Nhà kèn là “địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ nhận thức sâu sắc về một giai đoạn lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm  hào hùng của nhân dân các dân tộc Yên Bái, góp phần làm tăng thêm lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương, đất nước. Tiếp bước truyền thống cha anh trong thời kì đổi mới, xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện.

Di tích Vườn hoa - Nhà kèn là một trong những công trình có sự gắn kết giữa kiến trúc châu Âu với kiến trúc Á đông, tạo nên một đô thị kiểu mới hiện đại, văn minh mà trước đó chưa có. Thông qua đó, chúng ta đã tiếp thu có chọn lọc về quy hoạch, xây dựng công trình đô thị và nghệ thuật làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời là nền tảng để giao lưu, hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế sau này.

Trải qua thời gian, chiến tranh phá hủy cùng với sự phát triển của xã hội, di tích Vườn hoa - Nhà kèn không còn nguyên gốc. Nhà kèn bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy, vườn hoa bị bom cày xới, các loại hoa bị tàn phá, cây bị đổ gãy. Sau nhiều lần quy hoạch, tu sửa vườn hoa tuy bị thu nhỏ, nhưng đã được đầu tư hệ thống đèn điện chiếu sáng, đài phun nước, trở thành nơi vui chơi, giải trí, thư giãn của người dân thành phố.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

3988 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h