Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Kỷ niệm 40 năm Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước: Vai trò của hậu phương Yên Bái trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

30/04/2015 17:29:09 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” Đảng bộ, quân dân tỉnh Yên Bái đã huy động cao độ sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đóng góp 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm, gần 25.000 người nhập ngũ làm tròn vai trò, nghĩa vụ là hậu phương lớn với tiền tuyến lớn góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hoàn thành nhiệm vụ trọng đại là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Yên Bái trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước địa bàn trọng yếu  trên tuyến đường giao thông huyết mạch vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài từ nước ngoài viện trợ vào Việt Nam qua tuyến đường sắt Vân Nam – Lào Cai – Yên Bái – Hà Nội.

Trong suốt gần 21 năm, đặc biệt là trong hai cuộc chiến tranh phá hoại, Yên Bái trở thành trọng điểm đánh phá khốc liệt của đế quốc Mỹ hòng cắt đứt con đường chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Yên Bái  gắn chặt nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ; kết hợp nhiệm vụ xây dựng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc hậu phương. Mặc dù chiến tranh gây nhiều tổn thất to lớn, tác động tới toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, cuộc sống người dân bị xáo trộn, nhiều thiếu thốn, trước yêu cầu của chiến trường ngày càng cao, trong gian khó, quân và dân Yên Bái luôn giữ vững niềm tin chiến thắng, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tỏ rõ sức mạnh, vai trò của hậu phương chiến lược trong sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân tộc.

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, vị trí vai trò của hậu phương Yên Bái nói riêng và miền Bắc nói chung được xác định là căn cứ địạ cách mạng, là hậu phương vững chắc cho cách mạng cả nước. 

Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, quân và dân Yên Bái phải dồn sức khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế,  sẵn sàng chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ. Nhân dân Yên Bái dấy lên phong trào thi đua xây dựng hậu phương vững mạnh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa,  an ninh,  quốc phòng.

Hướng về miền Nam thân yêu, hưởng ứng cuộc vận động kết nghĩa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Yên Bái  tổ chức kết nghĩa với Ninh Thuận bằng tất cả tình cảm của mình. Phong trào thi đua "mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt" được phát động mạnh mẽ.

Với âm mưu thâm độc, hòng phá hoại miền Bắc XHCN, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam đã tung nhiều toán gián điệp biệt kích ra miền Bắc trong đó có Yên Bái. Do nắm vững chủ trương và đánh giá đúng tình hình với sự cảnh giác cao độ của nhân dân cùng sự phối kết hợp giữa các lực lượng an ninh và quân đội đã bắt toàn bộ các toán biệt kích xuống các xã Phong Dụ, Đại Sơn (Văn Yên), đặc biệt là vụ bắt gọn toán biệt kích gián điệp nhảy dù xuống thôn Đồng Song xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên với nhiều truyền đơn, điện đài, quân trang, quân dụng. Những chiến công trên, đã làm thất bại hoàn toàn âm mưu xâm nhập của đế quốc Mỹ hòng phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân các dân tộc ở địa phương góp phần tăng cường khả năng quốc phòng trong tình hình mới, củng cố vững chắc hậu phương xã hội chủ nghĩa.

 Khi đế quốc Mỹ mở rộng phạm vi chiến tranh ra miền Bắc, với vị trí đặc biệt của tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài từ nước ngoài viện trợ vào Việt Nam; các thiết bị, máy móc xây dựng nhà máy thuỷ điện Thác Bà qua ga Yên Bái vì vậy Yên Bái là một trong những mục tiêu huỷ diệt cho nên chúng đánh đi đánh lại nhiều lần gây cho ta nhiều thiệt hại về người và của cải vật chất.

Sân bay Yên Bái, mục tiêu quân sự quan trọng nhằm khống chế hoạt động của không quân Mỹ ở vùng Tây bắc được xây dựng. Thực hiện nhiệm vụ này, gần 1.000 hộ dân Yên Bái phải di chuyển, giải phóng mặt bằng với diện tích trên 1.000ha. Sân bay Yên Bái là một trong 3 sân bay quân sự chiến lược của miền Bắc. Tại đây, năm 1972, phi công Phạm Tuân (sau này 2 lần được phong danh hiệu Anh hùng quân đội) đã cất cánh MIC.21 bắn rơi pháo đài bay B.52 của đế quốc Mỹ, khẳng định sức mạnh quân sự Việt Nam.

Hoà chung với khí thế thi đua của cả nước, lực lượng thanh niên hăng hái hưởng ứng phong trào "ba sẵn sàng". Trong nông nghiệp, thanh niên mở chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi giành danh hiệu "dũng sĩ 5 tấn". Trong công nghiệp, đã phát huy nhiều sáng kiến cải tạo kỹ thuật sản xuất. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đoàn viên, thanh niên là lực lượng chủ yếu tham gia dân quân tự vệ. Với tinh thần hăng hái của thanh niên, đã thành lập được 129 đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, huy động hàng ngàn  đoàn viên nhập ngũ.

Phong trào "Ba đảm đang" đã cuốn hút đông đảo chị em trong tỉnh tham gia  tích cực phục vụ chiến đấu, đẩy mạnh sản xuất  Lực lượng phụ nữ làm nòng cốt trong việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội, lo toan việc nước, đảm đang việc nhà, nuôi dạy con cái, động viên chồng con yên tâm chiến đấu. Đại hội “phụ nữ ba đảm đang của tỉnh đã tuyên dương hàng ngàn chị em đạt danh hiệu "Ba đảm đang" và "Chiến sĩ quyết thắng".

Phát huy tinh thần "tuổi cao ý chí càng cao", Mặt trận Tổ quốc Yên Bái, đã thu hút hàng vạn hội viên trong đó có  hơn 1 ngàn cụ tham gia "bạch đầu quân". Trong phong trào thi đua "ba giỏi", các cụ phụ lão đã góp phần đắc lực vào việc vận động con cháu xây dựng hợp tác xã, lao động sản xuất, làm tròn nghĩa vụ quân sự, xây dựng nếp sống văn hoá mới, vận động nhân dân lập "hũ gạo chống Mỹ".

Các em thiếu niên  Yên Bái  tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi như "nghìn việc tốt", "em yêu quý anh bộ đội", "căm thù giặc Mỹ xâm lược".  Phong trào "trâu là bạn quý, Mỹ là kẻ thù" của thiếu nhi xã Đại Phác (Văn Yên) được Bác Hồ gửi thư khen.

Trong khói lửa của cuộc chiến tranh ác liệt, nhân dân các dân tộc Yên Bái vẫn bám ruộng đồng, nhà máy, trường học để duy trì sản xuất, công tác và học tập, đảm bảo ổn định cuộc sống và tăng cường khả năng quốc phòng. Trong sản xuất nông nghiệp, mỗi xã viên thực sự là một chiến sỹ vững " tay cày, tay súng".

Nhằm đáp ứng nhu cầu của chiến trường, Yên Bái đã khẩn trương xây dựng lực lượng, thành lập 4 tiểu  đoàn  mang tên Yên Ninh với quân số gần 3.000 cán bộ, chiến sỹ, xẻ dọc Trường Sơn đi chiến đấu. Công tác huy động dân quân hoả tuyến được xúc tiến mạnh mẽ, huy động hàng ngàn thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến phục vụ cho chiến trường B, C.

Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” Đảng bộ, quân dân tỉnh Yên Bái đã huy động cao độ sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đóng góp 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm, gần 25.000 người nhập ngũ làm tròn vai trò, nghĩa vụ là hậu phương lớn với tiền tuyến lớn góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hoàn thành nhiệm vụ trọng đại là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

2972 lượt xem
Thanh Bình

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h