Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Thêm một vụ măng thắng lợi ở Trấn Yên

22/10/2017 06:05:29 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Đến cuối tháng 10 này, vụ thu hoạch măng tre Bát Độ sẽ chính thức khép lại, tuy nhiên đến thời điểm này có thể khẳng định rằng năm 2017 Trấn Yên sẽ có vụ măng Bát Độ thắng lợi nhất từ trước tới nay.

Người dân xã Hồng Ca thu hoạch măng Bát Độ

Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 7 dương lịch là người dân trong vùng trồng tre măng hàng hóa tại các xã Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Y Can, Lương Thịnh lại tấp nập bước vào mùa thu hoạch măng Bát Độ. Mấy năm trở lại đây không khí thu hoạch măng lại càng thêm phấn khởi bởi diện tích tre Bát Độ ngày càng được mở rộng, sản lượng măng tăng, đặc biệt là những diện tích tre trong độ tuổi vàng từ 5 - 7 năm cho năng suất cao. Đến nay, tổng diện tích măng của toàn huyện là 2.476 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là gần 2.000 ha. Năm 2016 sản lượng măng của toàn huyện đạt hơn 25.000 tấn, giá trị thu nhập gần 40 tỷ đồng. Vụ măng Bát Độ năm 2017 này là vụ măng thắng lợi nhất từ trước tới nay, dự ước sản lượng đạt 31.400 tấn măng vỏ tươi, giá trị thu nhập hơn 45 tỷ đồng.

Gia đình anh Nguyễn Thành Long, thôn Chi Vụ, xã Hồng Ca được Nhà nước đầu tư hỗ trợ củ giống và bắt đầu trồng tre măng Bát Độ từ năm 2007 thay cho diện tích cây keo đã khai thác, đến nay tổng diện tích tre măng của gia đình anh có 2,5 ha. Trồng loại cây này không tốn công chăm sóc, nhanh được thu hoạch, hiệu quả cao hơn so với trồng rừng. Thu nhập từ trồng tre măng Bát Độ mỗi năm từ 60 - 70 triệu đồng đã giúp gia đình mình thoát nghèo, có điều kiện cho con cái học hành. Anh Nguyễn Thành Long chia sẻ: “Vụ này, gia đình tôi thu được gần 20 tấn măng, giá bán măng ngọn đã luộc 4.700 đồng/kg, măng ống 4.200 đồng, măng tươi 3.500 - 4.000 đồng/kg, đem lại thu nhập trên 70 triệu đồng”.

Hồng Ca là một xã đặc biệt khó khăn ở huyện Trấn Yên, hiện nay nơi đây đã trở thành một trong hai xã thuộc vùng chuyên canh tre măng Bát Độ hàng hóa lớn nhất của huyện Trấn Yên. Gần 70% số hộ trong xã đã trồng tre măng Bát Độ với diện tích trên 720 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Nam Hồng, Liên Hiệp, Chi Vụ, Đồng Đình. Đặc biệt hơn, loại cây trồng này đang mở ra hướng thoát nghèo bền vũng cho đồng bào Mông ở các thôn Khuôn Bổ, Hồng Lâu, Khe Ron, Khe Tiến. Đến nay hơn 100 hộ đồng bào Mông tham gia trồng măng Bát Độ với diện tích trên 150 ha. Anh Phạm Xuân Toàn - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: “Nhờ tre măng Bát độ, mỗi năm Hồng Ca có trên 90 hộ thoát nghèo, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu chính đáng. Hơn nữa, việc tập trung mở rộng diện tích ở các thôn, bản người Mông đã góp phần hạn chế được tình trạng du canh du cư và phá rừng làm nương rẫy. Vụ thu hoạch 2017 này, sản lượng măng tươi của xã dự ước đạt trên 5.000 tấn đem lại thu nhập gần 10 tỷ đồng.”

Xã Kiên Thành được mệnh danh là “thủ phủ” của vùng tre măng Bát Độ của huyện Trấn Yên, vào vụ thu hoạch mỗi ngày người dân nơi đây thu hoạch vài chục tấn măng tươi, khắp các con đường trong xã ô tô, xe máy chuyên chở măng tấp nập tới các điểm thu mua. Vài năm trước Kiên Thành được đánh giá là một xã vùng sâu, vùng xa khó khăn và nghèo đói bậc nhất của huyện, nhưng hôm nay đã có bước phát triển vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, hiện chỉ còn 27%, nhiều hộ đã trở nên khá giàu. Toàn xã có hơn 900 hộ dân thì đã có trên 500 hộ trồng tre măng Bát Độ. Anh Hoàng Văn Đà - Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết thêm: “Hiện nay tổng diện tích tre Bát Độ của xã trên 1.500 ha, trong đó có hơn 1.100 ha trong thời kỳ thu hoạch măng, một số thôn, bản có diện tích lớn như Đồng Cát, Cát Tường, Khe Rộng, Khe Tối, Yên Thịnh và Đồng Ruộng. Dự ước sản lượng măng vỏ tươi của xã năm nay có thể tăng 1,2 lần so với năm 2016, đạt gần 25.000 tấn đem lại thu nhập trên 30 tỷ đồng cho người dân”.

Điểm thu mua măng của Công ty TNHH Vạn Đạt tại xã Kiên Thành

Mỗi vụ thu hoạch măng tre Bát Độ kéo dài 3 đến 4 tháng, cho thu từ 10 - 11 lứa măng, vào thời điểm thu hoạch rộ, có ngày người dân các xã trên địa bàn thu hoạch vài chục tấn măng tươi. Nhờ thực hiện tốt mối liên kết “4 nhà”, đặc biệt là giữa doanh nghiệp và người nông dân, đến nay huyện Trấn Yên đã định hình được 3 vùng sản xuất măng Bát Độ hàng hóa tập trung với tổng diện tích gần 2.500 ha.  Thời gian qua Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng măng tại các xã vùng trọng điểm trồng tre Bát Độ. Ngoài ra, để đảm bảo có vùng nguyên liệu ổn định, sản phẩm có thị trường tiêu thụ lâu dài, Ban Quản lý chương trình tre Bát Độ của huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Vạn Đạt tổ chức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân. Ông Lò Văn Phú - Cán bộ thu mua của công ty TNHH Vạn Đạt tại xã Kiên Thành cho biết: “Năm 2017 này, Công ty TNHH Vạn Đạt đã đặt nhiều điểm thu mua và sơ chế măng ở các thôn, bản trong vùng trồng tre, riêng tại xã Kiên Thành có 12 điểm và tại xã Hồng Ca có 9 điểm, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiêu thụ sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng măng trước khi sơ chế, mỗi điểm sơ chế này có thể thu mua từ 10 - 15 tấn măng tươi/ngày cho nhân dân”

Hiệu quả kinh tế trong những năm qua đã khẳng định rằng cây tre Bát Độ đã khai thác được tiềm năng về đất đai, lao động ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trấn Yên. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển các vùng tre măng hàng hóa chuyên canh theo hướng mở rộng quy mô diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, phấn đấu trồng mới 1.000 ha, nâng tổng diện tích tre Bát Độ của huyện lên hơn 3.500 ha. Đồng thời, chú trọng hơn nữa việc xây dựng mối liên kết bền vững giữa “4 nhà” trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm măng tre để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm măng Bát Độ./.

961 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h