CTTĐT - Cứ mỗi độ xuân về, người dân lại nô nức đi lễ hội đình, đền, chùa, để thể hiện lòng thành, cầu mong một năm bình an, may mắn. Đồng thời, cũng là dịp để được hòa mình vào những nghi lễ đậm đà bản sắc văn hóa của mỗi vùng quê, đất nước. Lễ hội Cầu Đình, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được các thế hệ người dân xã An Lương duy trì qua 8 đời thầy mo, với lịch sử hơn 400 năm, lễ hội được tổ chức 3 lần/năm vào trung tuần tháng giêng, tháng 3 và tháng 7 âm lịch thu hút nhiều du khách.
Hình ảnh lễ hội Cầu Đình, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
1. Nguồn gốc Lễ hội
Lễ hội cầu đình của người Tày xã An Lương, huyện Văn Chấn là một di sản văn hóa phi vật thể mang tính truyền thống của cư dân nông nghiệp xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất mới. Lễ hội được ra đời gắn với những yếu tố lịch sử như sau: Người Tày di cư đến vùng đất An Lương, định cư ven suối Thia, sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cuộc sống của họ gắn liền với đồng ruộng ven suối, trước núi mà nguồn lương thực chính là cây lúa nước. Để có được cuộc sống bình an trên vùng đất mới, để sản xuất ra cây lúa nhằm đảm bảo cuộc sống của cộng đồng trong điều kiện khoa học kỹ thuật chưa phát triển, con người chưa chế ngự được tự nhiên, cuộc sống cũng như các hoạt động sản xuất phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, đã hình thành nên "niềm tin" vào một lực lượng siêu nhiên mà đồng bào cho rằng có khả năng khai phá, chế ngự và "điều khiển" được tự nhiên. Từ đó, cũng hình thành nên cách ứng xử của cộng đồng với lực lượng siêu nhiên đó để cầu mong một cuộc sống bình an, no đủ. Lễ hội cầu đình của người Tày là một dạng thức văn hóa được ra đời như vậy gắn với thiết chế đình, một không gian sinh hoạt văn hóa của cộng đồng tộc người.
Lễ hội Cầu Đình, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được các thế hệ người dân xã An Lương duy trì qua 8 đời thầy mo, với lịch sử hơn 400 năm. Trong lễ hội có thỉnh, mời những vị thần có công khai khẩn vùng đất, thần sông, thần suối, thần núi đồi để tạ ơn đã che chở cho dân bản một năm bình an, no đủ đồng thời cầu các vị thần phù hộ cho một năm mới mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là một sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian mang bản sắc văn hóa đặc trưng của tộc người, sau một năm lao động vất vả, lễ hội mở ra mang lại những giờ phút nghỉ ngơi, thanh thản, mọi người có điều kiện gặp gỡ thăm hỏi, chúc tụng nhau, đồng thời cũng là dịp giao lưu giữa mọi người, mọi nhà trong cộng đồng, gắn kết cộng đồng bằng những món ăn truyền thống, những chén rượu thơm, những lời hát then, hát khắp, những trò chơi dân gian cần sức mạnh của cả một tập thể…
2. Thời gian tổ chức Lễ hội
Lễ hội Cầu Đình, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được tổ chức 3 lần/năm, trong khoảng thời gian từ mùng 10 - 16 tháng giêng, tháng 3 và tháng 7 âm lịch.
3. Địa điểm tổ chức Lễ hội
Xã An lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
4. Phần Lễ hội
Lễ hội cầu đình của người Tày xã An Lương được tổ chức với phần lễ và phần hội.
Phần lễ là các nghi thức truyền thống, từ việc chuẩn bị lễ vật, trang phục, không gian thực hành, con người thực hành đến việc thực hành các nghi thức dâng lễ, cúng tế. Công tác chuẩn bị lễ hội được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước khi tổ chức lễ hội khoảng 20 ngày, tại nhà thầy mo, tiến hành họp những người có uy tín trong các thôn để thống nhất các nội dung tổ chức lễ hội như: Phân công các gia đình dọn dẹp, tu sửa ngôi đình để chuẩn bị cho lễ hội; Chọn ra một đội ngũ những người phục vụ tại lễ hội như: người rước các mâm cúng, người cầm cờ, người khiêng trống, đánh trống, đánh chiêng, … Những người được phân công thực hiện các nhiệm vụ phải đảm bảo các yêu cầu sau: Gia đình không có tang hay những việc rủi ro khác; Bố mẹ song toàn, gia đình yên ấm, hạnh phúc; Bản thân những người phục vụ phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không dị tật, vợ chồng song toàn, được dân làng yêu quý, kính nể và có vóc dáng đều nhau. Tất cả những người phục vụ trong nghi thức này đều phải được luyện tập và duyệt trước ngày diễn ra lễ hội. Trước ngày mở hội một tuần, thầy mo phải kiêng, kị “gần vợ” vì quan niệm như vậy sẽ không gọi, mời được thần linh, tổ tiên về dự lễ và không xin được âm dương (tức là các thần không chấp nhận, không đồng ý, không hài lòng).
Chuẩn bị địa điểm thực hành lễ hội, địa điểm diễn ra lễ hội là toàn bộ khu vực đình An Lương và đoạn suối trước cửa đình. Một ngày trước khi diễn ra lễ hội, nhân dân trong vùng cùng nhau đến dọn vệ sinh, quét dọn khuôn viên trong và ngoài đình sạch sẽ, ông mo lau dọn các ban thờ, bát hương bằng nước thơm để chuẩn bị cho ngày làm lễ hôm sau. Công tác chuẩn bị lễ vật dâng cúng trong lễ hội cầu đình được biểu hiện là những mâm cúng của các gia đình trong các bản, mỗi gia đình tùy điều kiện và lượng khách mà gia đình mình mời đến có thể chuẩn bị 1, 2 hoặc 3 mâm cúng. Riêng nhà thầy mo phải chuẩn bị mâm cúng lớn, đẹp của gia đình mình để làm mâm cỗ rước đi đầu và đặt ở vị trí trung tâm trong đình làng. Các lễ vật trong mâm cúng gồm có: một con gà luộc, một thủ lợn luộc, cá suối hấp, cá suối nướng, bánh phồng, bánh ít, bỏng gạo, măng đắng, rau dớn nộm, thịt lợn sấy, trâu sấy, bánh chưng, bánh đôi, chè lam, xôi trắng, xôi đỏ, cơm lam, rượu, …
Sáng ngày tổ chức lễ hội, các gia đình người Tày trong các thôn, bản đều dậy từ rất sớm để chuẩn bị mâm cúng theo khả năng, điều kiện kinh tế của gia đình mình. Thông thường các mâm cúng phải có các món ăn đặc sắc, mang đậm bản sắc truyền thống như cá suối nướng, thịt sấy, măng luộc, các loại xôi màu, … cùng các loại bánh cúng không thể thiếu trong mâm cỗ như: Trà lam, khảu lố, bánh đôi, bánh ít, bỏng gạo với mong muốn sang năm mới, gia đình luôn no đủ, sung túc, an khang. Mâm cúng của thầy mo bao giờ cũng được đặt trên một cái mâm mới, xung quanh được đan bằng tre hoặc nứa hình tròn. Các lễ vật trên mâm cúng gồm có: Một con gà luộc, một cái thủ lợn luộc cùng 4 chân lợn, bánh bỏng gạo, xôi nếp và chai rượu và một cây hoa được trang trí đẹp mắt đặt giữa mâm cúng.
Tất cả các mâm cúng trên đều phải chuẩn bị sẵn từ nhà khi có tiếng trống hội vang lên từ đầu làng các chủ hộ sẽ đội mâm cúng của gia đình mình lên đầu để tham gia đoàn rước. Riêng mâm cúng của gia đình ông mo và của tập thể chính quyền xã, dân bản sẽ cử người đến rước ra đình làng.
Lễ rước mâm cúng của gia đình ông mo và của tập thể chính quyền xã được dân làng tổ chức long trọng. Những người được tuyển chọn tham gia đội rước lễ phải mặc trang phục truyền thống của lễ hội nơi đây (quần, áo bằng lụa vàng, thắt lưng bằng vải màu đỏ). Đi đầu đám rước là hai người cầm cờ hội truyền thống.
Tiếp theo đội cờ thì đến trống cái có hai người khiêng, người đi sau cầm dùi đánh trống gọi là người thủ hiệu, bên cạnh trống có chiêng, người đi trước cầm dùi đánh chiêng. Cứ mỗi tiếng trống thì xen vào một tiếng chiêng. Tiếp theo là mâm cúng của gia đình thầy mo được đặt trên một cái kiệu do 4 thanh niên mặc quần, áo lễ hội khiêng. Tiếp đến là mâm cúng của tập thể chính quyền xã, gia đình những người có uy tín trong xã được đặt trên kiệu do 8 người khiêng. Các gia đình trong thôn đội mâm cúng của mình lên đầu đi theo một hàng dài trong nhịp trống, chiêng dẫn đường đến đình làng. Nghe trống hiệu thôi thúc, các gia đình, dòng họ trong thôn “cửa đóng, then cài”, tất cả đến đình làng tham gia lễ hội. Các gia đình tham gia lễ hội đều phải mang theo chiếu mới, bản thân mỗi người đi dự lễ hội đều mặc những bộ đồ trang phục dân tộc Tày truyền thống mới nhất.
Lễ rước các mâm cúng là một nghi thức quan trọng, không thể thiếu của lễ hội cầu đình của người Tày xã An Lương, huyện Văn Chấn. Thông qua lễ rước đã đem lại cho dân làng lòng tự tin hơn, tự hào hơn và yêu quý quê hương làng xóm của mình hơn, cũng thể hiện yếu tố thẩm mỹ, giữ gìn truyền thống của dân tộc thông qua cách bày các mâm cúng, những món ăn truyền thống, cờ, trống, mầu sắc, âm thanh… đặc biệt là cách ứng xử giữa người với người, giữa dân làng với thần linh…
Khi các mâm cúng được rước đến đình, ông mo sẽ tiến hành sắp xếp các mâm cúng ở những vị trí như sau: ở chính giữa đình là 03 mâm cúng (ở giữa là mâm cúng của thầy mo, hai bên là của tập thể chính quyền xã), đặt bên dưới là mâm cúng của các gia đình già làng, trưởng thôn, bản và những người có uy tín trong xã, mâm của các gia đình, dòng họ được xếp thành hai bên theo hình chữ U được gọi là “phe đông”, “phe tây” và đều được đặt trên chiếu. Khi thầy cúng lên hương tại ban thờ chính thì các mâm cỗ của gia đình cũng được những người giúp việc thắp hương (mỗi mâm cỗ một nén hương).
Sau khi đã lên hương, rót rượu đầy đủ ở tất cả các mâm cúng, thầy mo đứng trước gian thờ chính giữa đình, cung kính đọc bài cúng bằng tiếng Tày to, rõ trong tiếng trống, chiêng của lễ hội.
Sau khi kết thúc phần lễ đến phần hội, các chương trình văn nghệ, các trò chơi dân gian đặc sắc như: đua mảng, kéo co, bịt mắt bắt lợn, …
Sau chương trình văn nghệ, thầy mo khấn xin thụ lộc, dân làng chuyển các mâm cúng của gia đình mình xuống, chọn một vị trí thuận tiện, chải chiếu và mời mọi người ăn uống vui vẻ ngay tại sân đình.
Lễ hội Cầu Đình là một lễ hội truyền thống của tộc người Tày ở xã An Lương, huyện Văn Chấn. Từ lâu, lễ hội đã trở thành nơi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng tộc người Tày trong vùng, di sản được xem là một "bảo tàng sống" hội tụ nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cả phần lễ và phần hội đều tập trung phản ánh ước nguyện của dân làng là một năm mới được mùa, người người khoẻ mạnh, sinh nhiều con cháu.
221 lượt xem
Ban Biên tập
Cổng thông tin điện tử tỉnh - Cứ mỗi độ xuân về, người dân lại nô nức đi lễ hội đình, đền, chùa, để thể hiện lòng thành, cầu mong một năm bình an, may mắn. Đồng thời, cũng là dịp để được hòa mình vào những nghi lễ đậm đà bản sắc văn hóa của mỗi vùng quê, đất nước. Lễ hội Cầu Đình, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được các thế hệ người dân xã An Lương duy trì qua 8 đời thầy mo, với lịch sử hơn 400 năm, lễ hội được tổ chức 3 lần/năm vào trung tuần tháng giêng, tháng 3 và tháng 7 âm lịch thu hút nhiều du khách.1. Nguồn gốc Lễ hội
Lễ hội cầu đình của người Tày xã An Lương, huyện Văn Chấn là một di sản văn hóa phi vật thể mang tính truyền thống của cư dân nông nghiệp xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất mới. Lễ hội được ra đời gắn với những yếu tố lịch sử như sau: Người Tày di cư đến vùng đất An Lương, định cư ven suối Thia, sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cuộc sống của họ gắn liền với đồng ruộng ven suối, trước núi mà nguồn lương thực chính là cây lúa nước. Để có được cuộc sống bình an trên vùng đất mới, để sản xuất ra cây lúa nhằm đảm bảo cuộc sống của cộng đồng trong điều kiện khoa học kỹ thuật chưa phát triển, con người chưa chế ngự được tự nhiên, cuộc sống cũng như các hoạt động sản xuất phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, đã hình thành nên "niềm tin" vào một lực lượng siêu nhiên mà đồng bào cho rằng có khả năng khai phá, chế ngự và "điều khiển" được tự nhiên. Từ đó, cũng hình thành nên cách ứng xử của cộng đồng với lực lượng siêu nhiên đó để cầu mong một cuộc sống bình an, no đủ. Lễ hội cầu đình của người Tày là một dạng thức văn hóa được ra đời như vậy gắn với thiết chế đình, một không gian sinh hoạt văn hóa của cộng đồng tộc người.
Lễ hội Cầu Đình, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được các thế hệ người dân xã An Lương duy trì qua 8 đời thầy mo, với lịch sử hơn 400 năm. Trong lễ hội có thỉnh, mời những vị thần có công khai khẩn vùng đất, thần sông, thần suối, thần núi đồi để tạ ơn đã che chở cho dân bản một năm bình an, no đủ đồng thời cầu các vị thần phù hộ cho một năm mới mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là một sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian mang bản sắc văn hóa đặc trưng của tộc người, sau một năm lao động vất vả, lễ hội mở ra mang lại những giờ phút nghỉ ngơi, thanh thản, mọi người có điều kiện gặp gỡ thăm hỏi, chúc tụng nhau, đồng thời cũng là dịp giao lưu giữa mọi người, mọi nhà trong cộng đồng, gắn kết cộng đồng bằng những món ăn truyền thống, những chén rượu thơm, những lời hát then, hát khắp, những trò chơi dân gian cần sức mạnh của cả một tập thể…
2. Thời gian tổ chức Lễ hội
Lễ hội Cầu Đình, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được tổ chức 3 lần/năm, trong khoảng thời gian từ mùng 10 - 16 tháng giêng, tháng 3 và tháng 7 âm lịch.
3. Địa điểm tổ chức Lễ hội
Xã An lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
4. Phần Lễ hội
Lễ hội cầu đình của người Tày xã An Lương được tổ chức với phần lễ và phần hội.
Phần lễ là các nghi thức truyền thống, từ việc chuẩn bị lễ vật, trang phục, không gian thực hành, con người thực hành đến việc thực hành các nghi thức dâng lễ, cúng tế. Công tác chuẩn bị lễ hội được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước khi tổ chức lễ hội khoảng 20 ngày, tại nhà thầy mo, tiến hành họp những người có uy tín trong các thôn để thống nhất các nội dung tổ chức lễ hội như: Phân công các gia đình dọn dẹp, tu sửa ngôi đình để chuẩn bị cho lễ hội; Chọn ra một đội ngũ những người phục vụ tại lễ hội như: người rước các mâm cúng, người cầm cờ, người khiêng trống, đánh trống, đánh chiêng, … Những người được phân công thực hiện các nhiệm vụ phải đảm bảo các yêu cầu sau: Gia đình không có tang hay những việc rủi ro khác; Bố mẹ song toàn, gia đình yên ấm, hạnh phúc; Bản thân những người phục vụ phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không dị tật, vợ chồng song toàn, được dân làng yêu quý, kính nể và có vóc dáng đều nhau. Tất cả những người phục vụ trong nghi thức này đều phải được luyện tập và duyệt trước ngày diễn ra lễ hội. Trước ngày mở hội một tuần, thầy mo phải kiêng, kị “gần vợ” vì quan niệm như vậy sẽ không gọi, mời được thần linh, tổ tiên về dự lễ và không xin được âm dương (tức là các thần không chấp nhận, không đồng ý, không hài lòng).
Chuẩn bị địa điểm thực hành lễ hội, địa điểm diễn ra lễ hội là toàn bộ khu vực đình An Lương và đoạn suối trước cửa đình. Một ngày trước khi diễn ra lễ hội, nhân dân trong vùng cùng nhau đến dọn vệ sinh, quét dọn khuôn viên trong và ngoài đình sạch sẽ, ông mo lau dọn các ban thờ, bát hương bằng nước thơm để chuẩn bị cho ngày làm lễ hôm sau. Công tác chuẩn bị lễ vật dâng cúng trong lễ hội cầu đình được biểu hiện là những mâm cúng của các gia đình trong các bản, mỗi gia đình tùy điều kiện và lượng khách mà gia đình mình mời đến có thể chuẩn bị 1, 2 hoặc 3 mâm cúng. Riêng nhà thầy mo phải chuẩn bị mâm cúng lớn, đẹp của gia đình mình để làm mâm cỗ rước đi đầu và đặt ở vị trí trung tâm trong đình làng. Các lễ vật trong mâm cúng gồm có: một con gà luộc, một thủ lợn luộc, cá suối hấp, cá suối nướng, bánh phồng, bánh ít, bỏng gạo, măng đắng, rau dớn nộm, thịt lợn sấy, trâu sấy, bánh chưng, bánh đôi, chè lam, xôi trắng, xôi đỏ, cơm lam, rượu, …
Sáng ngày tổ chức lễ hội, các gia đình người Tày trong các thôn, bản đều dậy từ rất sớm để chuẩn bị mâm cúng theo khả năng, điều kiện kinh tế của gia đình mình. Thông thường các mâm cúng phải có các món ăn đặc sắc, mang đậm bản sắc truyền thống như cá suối nướng, thịt sấy, măng luộc, các loại xôi màu, … cùng các loại bánh cúng không thể thiếu trong mâm cỗ như: Trà lam, khảu lố, bánh đôi, bánh ít, bỏng gạo với mong muốn sang năm mới, gia đình luôn no đủ, sung túc, an khang. Mâm cúng của thầy mo bao giờ cũng được đặt trên một cái mâm mới, xung quanh được đan bằng tre hoặc nứa hình tròn. Các lễ vật trên mâm cúng gồm có: Một con gà luộc, một cái thủ lợn luộc cùng 4 chân lợn, bánh bỏng gạo, xôi nếp và chai rượu và một cây hoa được trang trí đẹp mắt đặt giữa mâm cúng.
Tất cả các mâm cúng trên đều phải chuẩn bị sẵn từ nhà khi có tiếng trống hội vang lên từ đầu làng các chủ hộ sẽ đội mâm cúng của gia đình mình lên đầu để tham gia đoàn rước. Riêng mâm cúng của gia đình ông mo và của tập thể chính quyền xã, dân bản sẽ cử người đến rước ra đình làng.
Lễ rước mâm cúng của gia đình ông mo và của tập thể chính quyền xã được dân làng tổ chức long trọng. Những người được tuyển chọn tham gia đội rước lễ phải mặc trang phục truyền thống của lễ hội nơi đây (quần, áo bằng lụa vàng, thắt lưng bằng vải màu đỏ). Đi đầu đám rước là hai người cầm cờ hội truyền thống.
Tiếp theo đội cờ thì đến trống cái có hai người khiêng, người đi sau cầm dùi đánh trống gọi là người thủ hiệu, bên cạnh trống có chiêng, người đi trước cầm dùi đánh chiêng. Cứ mỗi tiếng trống thì xen vào một tiếng chiêng. Tiếp theo là mâm cúng của gia đình thầy mo được đặt trên một cái kiệu do 4 thanh niên mặc quần, áo lễ hội khiêng. Tiếp đến là mâm cúng của tập thể chính quyền xã, gia đình những người có uy tín trong xã được đặt trên kiệu do 8 người khiêng. Các gia đình trong thôn đội mâm cúng của mình lên đầu đi theo một hàng dài trong nhịp trống, chiêng dẫn đường đến đình làng. Nghe trống hiệu thôi thúc, các gia đình, dòng họ trong thôn “cửa đóng, then cài”, tất cả đến đình làng tham gia lễ hội. Các gia đình tham gia lễ hội đều phải mang theo chiếu mới, bản thân mỗi người đi dự lễ hội đều mặc những bộ đồ trang phục dân tộc Tày truyền thống mới nhất.
Lễ rước các mâm cúng là một nghi thức quan trọng, không thể thiếu của lễ hội cầu đình của người Tày xã An Lương, huyện Văn Chấn. Thông qua lễ rước đã đem lại cho dân làng lòng tự tin hơn, tự hào hơn và yêu quý quê hương làng xóm của mình hơn, cũng thể hiện yếu tố thẩm mỹ, giữ gìn truyền thống của dân tộc thông qua cách bày các mâm cúng, những món ăn truyền thống, cờ, trống, mầu sắc, âm thanh… đặc biệt là cách ứng xử giữa người với người, giữa dân làng với thần linh…
Khi các mâm cúng được rước đến đình, ông mo sẽ tiến hành sắp xếp các mâm cúng ở những vị trí như sau: ở chính giữa đình là 03 mâm cúng (ở giữa là mâm cúng của thầy mo, hai bên là của tập thể chính quyền xã), đặt bên dưới là mâm cúng của các gia đình già làng, trưởng thôn, bản và những người có uy tín trong xã, mâm của các gia đình, dòng họ được xếp thành hai bên theo hình chữ U được gọi là “phe đông”, “phe tây” và đều được đặt trên chiếu. Khi thầy cúng lên hương tại ban thờ chính thì các mâm cỗ của gia đình cũng được những người giúp việc thắp hương (mỗi mâm cỗ một nén hương).
Sau khi đã lên hương, rót rượu đầy đủ ở tất cả các mâm cúng, thầy mo đứng trước gian thờ chính giữa đình, cung kính đọc bài cúng bằng tiếng Tày to, rõ trong tiếng trống, chiêng của lễ hội.
Sau khi kết thúc phần lễ đến phần hội, các chương trình văn nghệ, các trò chơi dân gian đặc sắc như: đua mảng, kéo co, bịt mắt bắt lợn, …
Sau chương trình văn nghệ, thầy mo khấn xin thụ lộc, dân làng chuyển các mâm cúng của gia đình mình xuống, chọn một vị trí thuận tiện, chải chiếu và mời mọi người ăn uống vui vẻ ngay tại sân đình.
Lễ hội Cầu Đình là một lễ hội truyền thống của tộc người Tày ở xã An Lương, huyện Văn Chấn. Từ lâu, lễ hội đã trở thành nơi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng tộc người Tày trong vùng, di sản được xem là một "bảo tàng sống" hội tụ nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cả phần lễ và phần hội đều tập trung phản ánh ước nguyện của dân làng là một năm mới được mùa, người người khoẻ mạnh, sinh nhiều con cháu.
Các bài khác
- Lễ Hội Đình Bằng Là, xã Đại Lịch huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (29/02/2024)
- Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái (26/02/2024)
- Đám sênh - Lễ chay của người Cao Lan, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái (04/09/2019)
- Lễ hội bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái (04/09/2019)
- “Mơi" - Hồn dân vũ của người Mường, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (04/09/2019)
- Đặc sắc lễ hội “Nào Sồng” của đồng bào dân tộc Mông Yên Bái (04/09/2019)
- Lễ quét ma làng của tộc người Xá Phó - Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (04/09/2019)
- Lễ hội giã cốm - Tăm Khảu Mảu của người Tày, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (23/01/2019)
- Lễ tế tam vị Tản viên Sơn Thánh đình An Dũng, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (24/09/2018)
- Lễ hội đình và đền Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (19/09/2018)
Xem thêm »