Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện

04/01/2016 12:15:07 Xem cỡ chữ Google
Năm 2015, nông nghiệp Yên Bái tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất lương thực tiếp tục có thêm một năm được mùa với tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 300.611 tấn.

Cây ngô được quy hoạch diện tích trên 6.500 ha ở các huyện vùng thấp.

Quan trọng hơn là đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, ứng dụng khoa học công nghệ vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, huy động nguồn lực phát triển nhanh kinh tế nông - lâm nghiệp, thủy sản…

Bức tranh nhiều mảng sáng

Năm 2015, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp khó dự báo nhưng sản xuất lương thực vẫn đạt kết quả toàn diện về diện tích, năng suất, sản lượng. Lần đầu tiên, tổng sản lượng lương thực đạt trên 300.611 tấn, tăng 14.691 tấn so với năm 2014.

Đây chính là kết quả của việc tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống, thời vụ và phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả trên cây trồng. “Lúa tránh rầy, các loại cây trồng chống hạn” - đó là tư duy của nhà nông kiểu mới. Nông dân không chỉ lo có đủ hạt thóc để bảo đảm an ninh lương thực mà còn hướng tới sản xuất hàng hóa. Tỉnh đã quy hoạch vùng trồng lúa chất lượng cao với 5.000 ha, năng suất đạt trên 5 tấn/ha, sản lượng trên 50.000 tấn, tập trung tại các cánh đồng Mường Lò, Đại - Phú - An, Đông Cuông, Mường Lai, Liễu Đô.

Việc chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã góp phần đem lại hiệu quả tích cực cho đồng bào vùng cao. Nhà nông bây giờ không còn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà thực sự đã thành chủ thể của quá trình sản xuất. Đó là thành quả của đưa cơ giới hóa trên đồng ruộng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Mô hình sử dụng phân viên nén dúi sâu, mô hình ứng dụng máy gieo sạ lúa, mô hình sản xuất chè, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, cơ giới hoá và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp triển khai rộng. Nông dân không chỉ bớt đi nỗi vất vả mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động, chủ động về thời vụ. Gương mặt rạng rỡ của những nông dân xã nông thôn mới Đại Phác (Văn Yên) bên chiếc máy gặt đập liên hợp và những chiếc bao tải căng đầy thóc vàng thu hoạch, niềm vui về thành quả lao động của họ có lẽ là hình ảnh tiêu biểu nhất cho sản xuất nông nghiệp (SXNN) năm qua.

Cùng với lĩnh vực trồng trọt, năm 2015, ngành chăn nuôi cũng vượt qua nhiều thách thức, tổng đàn gia súc chính tăng 3,46%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 35.293 tấn, đưa giá trị sản xuất chăn nuôi đạt ngưỡng 2.000 tỷ đồng. Chăn nuôi trang trại theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp ngày càng mở rộng. Hiện, toàn tỉnh có 1.376 cơ sở chăn nuôi hàng hóa. Tết này, hàng nghìn chủ hộ chăn nuôi có một cái tết “ấm” khi giá cả đầu ra ổn định.

Nổi bật trong bức tranh SXNN là đã quy hoạch được các vùng sản xuất hàng hóa nông - lâm sản tập trung với quy mô lớn như: vùng sắn công nghiệp hàng ngàn héc-ta ở huyện Văn Yên, Yên Bình; vùng sản xuất chè; vùng cây ăn quả; vùng cây nguyên liệu giấy, vùng quế, vùng tre măng Bát độ. Tương tự, kinh tế lâm nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn tỉnh trồng mới trên 15.497 ha rừng.

Hàng năm, cung cấp trên 400.000 m3 gỗ rừng trồng các loại, 110 ngàn tấn tre nứa, vầu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Năm 2015 khép lại, ghi những con số nêu trên để thấy nhiều lĩnh vực nông - lâm - thủy sản của ngành nông nghiệp trở thành điểm sáng đóng góp vào sự phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Chăn nuôi thủy sản ngày càng phát triển.

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Năm 2016, mục tiêu của tỉnh là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng.

Để thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Ngành tiếp tục đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh như: lúa cao sản, chè sắn, nguyên liệu giấy, gỗ rừng trồng, chè, quế, măng tre, cây ăn quả có quy mô lớn về diện tích và sản lượng; tiếp tục xây dựng các mô hình tổ chức mới trong nông nghiệp trọng tâm là mô hình cánh đồng mẫu lớn; xây dựng các cơ sở chế biến nông - lâm sản gắn với các vùng sản xuất chuyên canh; đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tiếp tục đầu tư nâng cấp  và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư nâng cao giá trị nông - lâm sản.

Chú trọng ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, về quy trình công nghệ, biện pháp canh tác vào đồng ruộng.

Đối với chăn nuôi, phát triển theo hướng tập trung, trang trại, gia trại; hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư gắn với sản xuất an toàn dịch bệnh; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn... đến chế biến, tiêu thụ. Ngành cũng tập trung nâng cao chất lượng rừng, bảo đảm chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học.

Đồng thời, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng đất rừng sản xuất; nâng tỷ lệ che phủ chung toàn tỉnh lên 62,5%. Để thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung tỉnh đã xây dựng 8 đề án hỗ trợ sản xuất tập trung vào các sản phẩm thế mạnh: hỗ trợ sản xuất cây ăn quả có múi, hỗ trợ cây quế, tre măng Bát độ, chè Shan tuyết, sơn tra…

Với việc quy hoạch vùng cho sản xuất nông nghiệp phù hợp với lợi thế từng vùng và nhiều chính sách thúc đẩy SXNN theo hướng hàng hóa tập trung, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông - lâm sản cho nông dân, đây sẽ là tiền đề để nông nghiệp thêm những mùa vàng bội thu.

 

662 lượt xem
Theo Văn Thông/Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h