Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Hướng phát triển cây ăn quả ở Yên Bái

06/01/2016 07:50:56 Xem cỡ chữ Google
Yên Bái phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 trồng mới 2.300 ha cam, quýt, bưởi; giữ vững vùng cây có múi hơn 4.000 ha; phấn đấu đưa diện tích cây ăn quả của tỉnh lên 9.000 ha.

Gia đình anh Trần Minh Quyền thôn 5, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) thu hoạch cam Đường canh. (Ảnh: Văn Tuấn)

Yên Bái có 6.567 ha trồng cây ăn quả, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất mang đặc thù như: cam, hồng không hạt Lục Yên; bưởi Yên Bình; cam, quýt Văn Chấn, sản lượng hàng năm đạt khoảng hơn 29.000 tấn, đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân. 

Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả thường dựa vào quỹ đất của kinh tế hộ, trồng theo kinh nghiệm hoặc nhu cầu tự phát của từng chủ hộ, nên mức độ tập trung, sản lượng chưa cao chưa xây dựng được cơ sở chế biến trái cây hay bảo quản đơn giản mà thường bán ngay sau khi thu hoạch, giá trị thương phẩm thấp...

Lục Yên là huyện có truyền thống trồng cây ăn quả lâu đời, với thương hiệu cam Lục Yên nổi tiếng từ lâu, có thời điểm cây cam sành phát triển mạnh lên tới 500 ha.

Tuy vậy, cách đây khoảng 15 năm, nhiều vườn cam chết hàng loạt làm điêu đứng các nhà vườn, qua đánh giá của các nhà khoa học đây là bệnh gân xanh lá vàng (do vi rút Greenning gây bệnh) không có thuốc kháng chữa trị đặc hiệu.

Không bó tay trước dịch bệnh, nhiều nông dân học qua sách báo, được cán bộ khuyến nông "cầm tay chỉ việc" người dân đã đưa vào trồng thử nghiệm các giống mới như: cam Vinh, quýt vỏ giòn, quýt sen ngọt đến nay đã bén duyên vùng đất này.

Từ cầu Bến Lăn, dưới chân dãy núi Hắc Y theo khe núi đá vôi chạy dài, chúng tôi về trang trại cam của ông Trần Văn Thạch ở xã Tân Lĩnh. Chỉ với hơn 200 gốc cam Vinh, quýt sen hơn 6 năm tuổi nằm trọn trong một thung lũng có ao cá, gà vườn, ngan đàn thả, năm 2014 cho thu nhập 60 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí.

Bên ngôi nhà sàn đang đổ cột xây ba gian, hai chái rộng cả trăm mét vuông giữa khuôn viên tuyệt vời: lưng tựa núi, mặt là ao cá rộng ba sào, hai bên là vườn quả cam quýt đỏ ối.

Ông Thạch bộc bạch: “Cái giống cam Vinh chín sớm, cho thu hoạch từ cuối năm, giá tại vườn là 25.000 đồng/kg; quýt (cam sen hay còn gọi quýt vỏ giòn) giá 35.000 đồng/kg, vườn có bao nhiêu cũng bán hết. Riêng cam sành thì do rét chín muộn, nhưng được cái mã đỏ tươi, hương thơm sắc ngọt, đến tết Nguyên đán mới bán, giá thấp hơn chỉ độ 18.000 đồng/kg, năm nay tính tổng thể cũng thu được chừng 80 triệu đồng từ vườn cây này đấy!”.

Xã Khánh Hòa (Lục Yên) nằm dọc quốc lộ 70, ruộng ít, đất đồi rừng là chủ yếu, lợi thế thương mại đã giúp đồng bào trồng cam, quýt có đầu ra ổn định.

Vậy nên, trong 8 thôn đã có 131 hộ trồng cam đạt hơn 100ha, trong đó có 74 ha cho thu hoạch, sản lượng năm trước đạt gần 700 tấn, nhiều hộ trồng cam đã có cuộc sống khấm khá.

Ví như ông Nguyễn Thanh Sơn, thôn 5 có 30ha cam, trong đó, 17 ha cho thu hoạch, năm nay trừ các chi phí thu ước đạt hơn 1 tỷ đồng; ông Trịnh Văn Hưng, thôn 6 mạnh dạn chuyển đổi đất rừng 4,5 ha sang trồng cam từ năm 2004, đến nay có 2,5 ha cho thu hoạch với số thu năm 2013 đạt 70 tấn, trừ chi phí còn hơn 900 triệu đồng. Ông Hưng tâm sự: “Chi phí trồng mới một héc-ta cam tính chi ly chừng 60 triệu đồng.

Kỹ sư Trần Đức Lâm - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả ở Yên Bái như cam Lục Yên, cam Văn Chấn, bưởi Đại Minh cần song song với việc sản xuất theo quy trình VietGAP đang được xúc tiến. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, tuyển chọn các cây đầu dòng có năng suất cao, chất lượng tốt nhằm nhân giống phục vụ phát triển cây ăn quả giai đoạn trong và sau năm 2020.

Trong đó, công lao động đào hố, trồng, chăm sóc cây chừng một nửa, còn lại là mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ mong Nhà nước đầu tư giao thông nông thôn, để vận chuyển sản phẩm đến tay người dùng, không bị tư thương ép giá. Mặt khác, chính quyền sớm quy hoạch, xây dựng thương hiệu cam sành Lục Yên để sản phẩm đến tay người tiêu dùng cả nước.

Ngoài ra, một cách chuyển đổi của nông dân xã Mường Lai là đưa cây phật thủ vào trồng trên đất ruộng, bước đầu có hiệu quả.

Với 4 sào ruộng chuyển đổi, gia đình bà Nông Thị Thanh, thôn Nà Chùa đưa 70 gốc phật thủ vào trồng được 3 năm, vụ trước thu được hơn 60 triệu đồng, giá trị gấp 10 lần trồng lúa. Có nhiều quả mã đẹp, được tư thương đến tận vườn mua với giá từ 300 - 400 nghìn đồng/quả.

Năm nay, nhờ có kinh nghiệm chăm sóc từ việc bón thúc phân, làm cỏ, tỉa bỏ quả xấu... nên mỗi gốc đều đạt từ 100 quả trở lên, hứa hẹn một mùa thu hoạch lớn.

Chị Thanh băn khoăn: “Em cũng lo lại bước vào thời "được mùa mất giá", bởi nhẽ cả xã có cả 100 hộ dân trồng hơn 6 ha phật thủ, vườn nào cũng sai quả. Không biết tết này vui hay buồn nữa, ước gì huyện Lục Yên có ngay việc quảng bá thương hiệu loại quả này, để nhiều người dân cả nước biết đến, bởi ngày tết các gia đình có hương phật thủ trên mâm ngũ quả thì còn gì bằng”.

Yên Bái phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 trồng mới 2.300 ha cam, quýt, bưởi; giữ vững vùng cây có múi hơn 4.000 ha; phấn đấu đưa diện tích cây ăn quả của tỉnh lên 9.000 ha.

Thời gian gần đây, lãnh đạo các huyện Văn Chấn, Lục Yên đã cử các đoàn cán bộ về huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) học cách tạo lập thương hiệu cho cây có múi ở địa phương mình.

Một việc mang tính đột phá, là UBND tỉnh thông qua Đề án Phát triển cây ăn quả tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, theo đó diện tích quy hoạch, trồng mới mới cam, quýt ở Văn Chấn 1.100 ha (chủ yếu giống cam Đường canh, cam sen, cam V2, cam sành); Lục Yên 400 ha; Trấn Yên 150 ha; Yên Bình 200 ha; cây bưởi trồng mới ở Yên Bình 300ha; Trấn Yên 150 ha.

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người nông dân miền núi, hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả là bước chuyển quan trọng, góp phần nâng cao đời sống người dân Yên Bái thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

 

806 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h