Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Nỗ lực xây dựng nhãn hiệu bưởi Đại Minh

09/03/2016 14:36:54 Xem cỡ chữ Google
Từ nhiều đời nay, giống bưởi quí này đã được người dân địa phương lưu giữ, chăm bón, nhân rộng và trở thành loại cây ăn quả đặc sản có “một không hai” giúp người dân Đại Minh xóa đói giảm nghèo và hướng tới làm giàu.

Nhiều hộ dân trồng bưởi ở xã Đại Minh cho thu nhập cao.

Nằm cách trung tâm huyện lỵ chừng 20 km, xã Đại Minh, huyện Yên Bình là địa phương có tiềm năng về đất đai, thổ nhưỡng để phát triển các loại cây ăn quả có múi, nhất là cây bưởi đặc sản Khả Lĩnh.  Ông Phùng Xuân Thủy - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: "Nếu đem so sánh với các loại cây trồng khác thì cây bưởi cho thu nhập gấp khoảng 4 đến 5 lần. Hiện tại, loại cây ăn quả đặc sản này có giá trị chiếm khoảng trên 40% tổng thu nhập hàng năm của địa phương".

Tuy nhiên, do nhiều năm khai thác liên tục nhưng không đầu tư chăm sóc đúng mức cộng với sâu, bệnh gây hại nặng nên có một thời gian giống bưởi Đại Minh có biểu hiện thoái hóa nghiêm trọng. Nhiều vườn đã không cho quả, nhất là ở thời điểm năm 2010, một số hộ gia đình đã chặt bưởi để trồng các loại cây ăn quả khác.

Vùng bưởi tiến vua của xã Đại Minh có nguy cơ mất giống. Trước thực trạng đó, huyện đã chỉ đạo xã triển khai thực hiện Dự án "Phục tráng bảo tồn và phát triển giống bưởi quý Đại Minh" với sự cộng tác giúp đỡ tích cực của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu rau quả và các ngành chức năng của tỉnh, Dự án đã đi sâu phân tích, tìm rõ nguyên nhân mất mùa bưởi; đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thụ phấn bưởi cho nông dân. Nhờ vậy, từ đó đến nay, cây bưởi Đại Minh đã đơm hoa kết trái trở lại, năng suất tăng cao từ 3 đến 4 lần.

Là một trong những hộ có thâm niên trồng bưởi, vườn nhà ông Trần Quang Khải ở thôn Khả Lĩnh hiện có 60 gốc; trong đó, có 2 gốc bưởi đầu dòng hơn 100 năm tuổi. Những năm trước đây, bưởi mất mùa nên phập phù mỗi năm chỉ cho thu nhập trên dưới chục triệu đồng. Thế nhưng, kể từ khi ông được Dự án hỗ trợ về kỹ thuật thì năm nào vườn bưởi nhà ông cũng sai trĩu quả, riêng năm 2015, thu trên 100 triệu đồng.

Ông Khải chia sẻ: "Ở nông thôn mà có mức thu nhập này thì khấm khá lắm, xây dựng nhà cửa rồi nuôi con cái học hành không phải vay mượn. Hơn thế, cây bưởi dễ trồng, dễ chăm sóc lại không phải đầu tư nhiều, rất phù hợp với đồng đất Đại Minh". 

Đặc điểm của giống bưởi Đại Minh là cây thấp, lá tròn, tán rộng cho quả sai, hình cầu dẹt, vỏ vàng, múi mọng, ăn ngọt và có mùi thơm dịu khiến ai đã một lần thưởng thức không thể nào quên. Bưởi trồng chủ yếu bằng phương pháp chiết cành hoặc ghép cây, sau từ 3 đến 4 năm bắt đầu cho quả, từ năm thứ 5, sản lượng tăng dần và đến năm thứ 10 - 12 sẽ cho năng suất cao nhất. Năm nào được mùa có cây cho thu hoạch tới vài trăm quả.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn bưởi rộng vút tầm mắt của gia đình, anh Đỗ Tuấn Anh ở thôn Làng Cần kể: "Vườn bưởi này, cây có tuổi đời ít nhất là 50 năm và nhiều nhất là 120 năm. Nhờ thâm canh tốt và áp dụng phương pháp thụ phấn nhân tạo theo đúng kỹ thuật nên năm nào nhà tôi cũng được mùa".

Vụ bưởi năm 2015 - 2016, thu hoạch hơn 1 vạn quả, với giá bán tại vườn dao động từ 15 đến 20 nghìn đồng/quả đã đem về cho gia đình anh nguồn thu trên 170 triệu đồng, làm được nhà cửa khang trang và mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Vụ xuân năm 2016 này, anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi của gia đình lên khoảng hơn 2.000 m2 nữa.

Ở Đại Minh giờ đây nhà nào cũng trồng bưởi nhưng tập trung nhiều ở các thôn: Khả Lĩnh, Làng Cần, Cát Lem, Quyết Tiến 12, Cầu 17, Minh Thân, Đại Thân..., hộ trồng ít 20 cây, trồng nhiều có tới vài trăm cây.

Nhiều nơi cả thôn đều trồng bưởi như thôn Quyết Tiến 11. Toàn thôn có 50 hộ trồng với diện tích hơn 10 ha. Ông Nguyễn Văn Đông - Trưởng thôn bộc bạch: "Vụ bưởi vừa qua, thôn thu trên 2 tỷ đồng tiền bưởi, hiện tại gần 70% số hộ trong thôn có mức sống khá, giàu".    

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh và tiến tới xây dựng nhãn hiệu cho loại cây ăn quả đặc sản này, trong chương trình hành động phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2016, huyện đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng vùng bưởi Đại Minh, giai đoạn 2013 - 2016 và các năm tiếp theo tại 2 xã Đại Minh và Hán Đà.

Đề án triển khai, đã giúp người dân tiếp tục được chuyển giao khoa học kỹ thuật từ việc trồng, chăm sóc, thụ phấn đến lựa chọn cây giống chất lượng cao, sạch bệnh để nhân ra diện rộng. Đến nay, sau 2 năm thực hiện, toàn huyện đã trồng mới 60 ha bưởi; trong đó, riêng xã Đại Minh trồng 50 ha. Đặc biệt năng suất và sản lượng cũng ngày càng tăng cao.

Vụ bưởi năm 2015 - 2016, riêng xã Đại Minh đã thu trên 27 tỷ đồng tiền bưởi, bình quân mỗi hộ thu nhập từ 30 đến 35 triệu đồng/năm, nhiều hộ cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Đức Điển - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: "Cùng với việc khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng bưởi thành vùng, huyện còn chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc áp dụng quy trình sản xuất chuẩn đối với cây bưởi. Đồng thời, xây dựng các trang thông tin đáp ứng đầy đủ điều kiện cần thiết của Cục Sở hữu trí tuệ để sớm được xác lập nhãn hiệu bưởi Đại Minh trên thị trường, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi và nâng cao thu nhập cho bà con".

562 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h