Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Đề án Phát triển cây ăn quả tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020

16/03/2016 08:32:58 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng mới trên 2.300 ha cam, quýt, bưởi để hình thành các vùng trồng cây ăn quả có múi trên 4.000 ha, nâng tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh lên trên 9.000 ha.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng mới trên 2.300 ha cam, quýt, bưởi để hình thành các vùng trồng cây ăn quả có múi trên 4.000 ha

Theo Đề án Phát triển cây ăn quả tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái sẽ dành 129 tỷ đồng để hỗ trợ trồng mới, cải tạo 2.300 ha bằng các loại cây ăn quả có múi. Trong đó, trồng mới, cải tạo 1.850 ha cây cam, quýt tại các huyện Văn Chấn (1.100 ha), Lục Yên (400 ha), Trấn Yên (150 ha), Yên Bình (200 ha); trồng mới, cải tạo 450 ha cây bưởi tại các huyện Trấn Yên (150 ha), Yên Bình (300 ha).

Tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó có giải pháp về giống, sẽ tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất giống bằng phương pháp nhân giống từ cây đầu dòng đã được tuyển chọn, tạo cây sạch bệnh để sản xuất cây giống sạch bệnh trong nhà lưới từ cây hạn chế bệnh Greening và Tristeza trên cây cam.

Tiếp tục nghiên cứu, bình tuyển lựa chọn ra các cây đầu dòng có năng suất cao, chất lượng tốt hơn để tạo cây sạch bệnh, đưa vào nhân giống phục vụ phát triển cây ăn quả trong và sau giai đoạn 2020. Tổ chức nghiệm thu vườn sản xuất giống theo quy định của pháp luật.

Về sản xuất, chỉ sử dụng giống có nguồn gốc lý lịch rõ ràng do các trung tâm nghiên cứu và các cơ sở sản xuất giống được cấp phép sản xuất và cung ứng có đảm bảo yêu cầu chất lượng giống. Không sử dụng các giống cây do người dân tự nhân giống bằng biện pháp chiết ghép mà không qua tuyển chọn. Áp dụng quy trình trồng mới, trồng cải tạo và các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để nâng cao phẩm cấp và chất lượng quả, đáp ứng yêu cầu thị trường. Hướng dẫn các biện pháp thu hoạch, bảo quản theo quy trình kỹ thuật nhằm giảm tỷ lệ dập nát, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và ảnh hưởng đến sản lượng của năm sau. Duy trì và bảo tồn các cây ăn quả đầu dòng, vườn cây đầu dòng đã bình tuyển làm vật liệu nhân giống cho các cơ sở sản xuất giống cây ăn quả. Hàng năm, bình tuyển bổ sung thêm số lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng các loại, ưu tiên các loại cây có múi và cây có nguồn gốc địa phương mang tính đặc sản.

Về thực hiện các đề tài khoa học, ưu tiên nguồn vốn thực hiện các đề tài khoa học để tạo giống cây ăn quả có chất lượng tốt, ít hạt hoặc không hạt, chống chịu sâu bệnh đặc biệt là bệnh Greening trên cây ăn quả có múi và bảo tồn nguồn gen cây ăn quả; nghiên cứu, ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng; công nghệ trong thu hái, bảo quản gắn với chế biến; xây dựng và tạo lập và quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cây ăn quả có thế mạnh của từng vùng.

Về xây dựng các mô hình trang trại, lựa chọn một số trang trại trồng và thâm canh cây ăn quả điển hình (có năng suất, chất lượng, giá trị lợi nhuận cao áp dụng sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGap), xây dựng mô hình điểm để tổ chức cho hộ nông dân đến học tập, lựa chọn một số trang trại xây dựng mô hình trồng cây ăn quả gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm, thuỷ sản, trồng xen canh các cây trồng khác như: Ổi, Ngô, Đậu, lạc… tuyên truyền nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao.

Về xúc tiến thương mại, chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngay tại các chợ đầu mối nông sản; tham gia các hội chợ về cây ăn quả; tham gia vào hệ thống phân phối tại các thành phố lớn để giới thiệu, quảng bá từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm quả của tỉnh.

Vận động nông dân liên kết thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Trên cơ sở đó sẽ tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tiêu thụ gắn với vùng sản xuất theo hướng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.Tăng cường các hình thức liên doanh, liên kết, mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào phát triển sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm quả, trong đó thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra việc sản xuất kinh doanh giống cây ăn quả, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV…để hạn chế các loại giống cây ăn quả, phân bón, thuốc BVTV chất lượng kém, ngoài danh mục lưu thông trên thị trường làm thiệt hại cho người sản xuất. Kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến, bảo quản, ngăn chặn tình trạng đưa các loại quả kém chất lượng, bảo quản bao gói không đúng quy cách, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng thuốc bảo quản ngoài danh mục, quá liều lượng lưu thông vào thị trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng thời tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình và nhóm hộ tham gia trồng cây ăn quả có múi. Trong đó, hỗ trợ một lần cho hộ gia đình tham gia trồng mới cây ăn quả có múi với diện tích từ 0,5 ha trở lên với mức hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/ha; Hỗ trợ một lần cho nhóm hộ (có diện tích liền khoảnh) tham gia trồng mới  cây ăn quả có múi với diện tích từ 3,0 ha trở lên với  mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha, tối đa không quá 100 triệu đồng/nhóm hộ.

Với việc triển khai đồng bộ các biện pháp trong khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, khí hậu, phát triển vùng cây ăn quả có múi với quy mô đủ lớn, có sản phẩm hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người trồng cây ăn quả, góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

722 lượt xem
Nguyễn Hiên (Nguồn: Quyết định 115/QĐ-UBND của UBND tỉnh)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h