Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Văn Yên: Chế biến nông - lâm sản theo hướng bền vững

16/03/2016 15:36:17 Xem cỡ chữ Google
Với vùng nguyên liệu dồi dào, huyện Văn Yên có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản, đặc biệt là khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành và đưa vào khai thác.

Sản xuất ván ép tại Công ty TNHH Quế Lâm, thôn Cổng Trào, xã An Thịnh.

Chính vì vậy, huyện tích cực hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; mời gọi, thu hút đầu tư các doanh nghiệp chế biến sâu… nhằm phát triển và nâng cao giá trị công nghiệp chế biến nông - lâm sản theo hướng bền vững.

Những ngày này, về với Văn Yên, không khí lao động trong các phân xưởng, nhà máy chế biến nông - lâm sản diễn ra hối hả, khẩn trương. Từ nhà máy chế biến tinh bột sắn cho đến các xưởng ván bóc, gỗ thanh, tiếng máy hoạt động vang lên không dứt. Theo ông Lưu Trung Kiên - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong 2 tháng đầu năm đạt trên 231 tỷ đồng (giá so sánh 2010); trong đó, công nghiệp chế biến nông - lâm sản chiếm tỷ trọng lớn.

Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, số lượng và giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông - lâm sản có bước phát triển khá. Đến nay, huyện có 31 doanh nghiệp, hợp tác xã và 69 hộ tư nhân sản xuất, chế biến, sơ chế tinh dầu quế và quế vỏ; 6 doanh nghiệp, hợp tác xã, 1.069 hộ tư nhân thu mua, chế biến tinh bột sắn, sắn lát khô; 15 doanh nghiệp, hợp tác xã, 71 cơ sở tư nhân khai thác, chế biến gỗ rừng trồng…

Theo đánh giá của UBND huyện, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã phát triển đúng hướng, gắn kết giữa công nghiệp địa phương và công nghiệp quốc doanh, giữa công nghiệp chế biến và phát triển vùng nguyên liệu tập trung tương đối ổn định, bền vững.

Ông Lưu Trung Kiên cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn do việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông - lâm sản còn hạn chế; một số ngành nghề phát triển tự phát, không theo quy hoạch; sản phẩm chế biến thô, giá trị thấp... nhưng huyện quyết tâm đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 900 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 8,5%”.

Hiện nay, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng Đề án Phát triển công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; trong đó, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản theo hướng bền vững. Muốn vậy, huyện xác định phải xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa “4 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông).

Để làm được điều này, huyện đã và đang tiếp tục xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, phục vụ cho công nghiệp chế biến, đó là: vùng sắn 6.500 ha, vùng quế trên 15 nghìn héc-ta, vùng lúa hàng hóa 1 nghìn héc-ta. Trên cơ sở đó, huyện phát huy tối đa nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, mời gọi và tạo điều kiện thu hút những doanh nghiệp đầu tư vào địa phương để chế biến sản phẩm nông - lâm sản trở thành hàng hóa tinh; huy động và tập trung các nguồn vốn trung ương, địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư máy móc, kỹ thuật hiện đại; tăng cường xúc tiến, tìm kiếm thị trường…

Bên cạnh đó, huyện cũng đưa ra các giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực sản xuất thế mạnh. Theo đó, trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn, huyện chủ trương duy trì ổn định 2 dây chuyền chế biến tinh bột sắn của Nhà máy Sắn Văn Yên. Ngoài ra, huyện thực hiện thâm canh ổn định diện tích 6.500 ha, với sản lượng củ sắn tươi từ 143.000 - 145.000 tấn để cung cấp cho Nhà máy chế biến; đồng thời, khuyến khích Nhà máy mở rộng đầu tư chiều sâu để sản xuất ra một số sản phẩm mới có gá trị cao hơn như bột biến tính, cồn...

Trong lĩnh vực sản xuất tinh dầu quế, huyện không cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy mới để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong việc mua nguyên liệu, khai thác cành, lá ồ ạt ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây và chất lượng tinh dầu của quế; khuyến khích các cơ sở sản xuất chưng cất thủ công tại chân vùng nguyên liệu thay đổi công nghệ mới, hạn chế tác động đến môi trường, nâng sản lượng chưng cất hàng năm đạt từ 290 - 300 tấn.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục củng cố và duy trì các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn để sản xuất các sản phẩm: gỗ bao bì, ván bóc, ván thanh, đồ mộc dân dụng... cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu xuất khẩu, tiêu dùng, xây dựng cơ bản.

Để lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng phát triển đúng hướng, hiệu quả cao, huyện sẽ chỉ duy trì 3 nhà máy giấy đế xuất khẩu tại Mậu Đông, Yên Hợp, An Bình. Tuy nhiên, huyện sẽ hạn chế dần từng năm loại sản phẩm này và chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm khác có giá trị cao như: gỗ đúc nhân tạo, giấy bao bì; đồng thời, xúc tiến việc kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy giấy bao bì tại Cụm công nghiệp phía Tây cầu Mậu A.

 

609 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h