Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải đáp một số chính sách phát triển nông lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020

29/03/2016 08:11:38 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020. Trong chuyên mục “Giải đáp chính sách” trên Cổng Thông tin điện tử Yên Bái, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp giải đáp về những nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện chính sách.

*BTV: Xin ông cho biết Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 có điểm gì mới so với những Nghị quyết trước?

* Ông Mai Mộng Tuân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:

Ngày 15 tháng 12 năm 2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Nghị quyết số 15/2015/ND-HĐND về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020.

- Về điểm chung so với các Nghị quyết trước về chính sách hỗ trợ nông, lâm nghiệp đó là: Đều xác định 02 vùng hỗ trợ. Bao gồm: Hỗ trợ cho vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ cho vùng phát triển sản xuất hàng hóa.

- Về điểm khác biệt của Nghị quyết số 15/NQ-HĐND so với Nghị quyết trước đó là: Đối với việc hỗ trợ phát triển hàng hóa được thực hiện trên cơ sở tiến hành xây dựng các Đề án cho các lĩnh vực, cây, con cụ thể để gắn thực hiện với Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong các Đề án xây dựng, ngoài việc đề xuất về giải pháp chính sách, còn đề xuất tổng hợp nhiều giải pháp khác nữa (như: giải pháp về giống, về kỹ thuật, về tiêu thụ sản phẩm, về tổ chức thực hiện ...) mà trong các Nghị quyết trước không đề cập.

Hiện tại chính sách được quy định tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND được tập chung vào các cây con thế mạnh, có tiềm năng phát triển, có lợi thế, để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và được cụ thể hóa trong 08 Đề án: (1) Đề án phát triển chăn nuôi; (2) Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản; (3) Đề án phát triển cây ăn quả có múi; (4) Đề án phát triển chè vùng cao; (5) Đề án phát triển ngô Đông trên đất lúa 2 vụ; (6) Đề án phát triển cây sơn tra; (7) Đề án phát triển cây quế; (8) Đề án phát triển măng tre Bát Độ. Với mục tiêu chính là tăng thêm giá trị thu nhập cho sản phẩm nông lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích gieo trồng cho một loại, hay nhiều loại cây trồng, vật nuôi.

*BTV: Để tạo điều kiện cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất cho người dân, chính sách mới của tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ vào những lĩnh vực nào? Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2016 - 2020 là bao nhiêu? Mức hỗ trợ so với chính sách trước đây có gì thay đổi không? Thưa ông.

* Ông Mai Mộng Tuân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:

Đối với vùng thôn bản đặc biệt khó khăn với mục tiêu chính: Trước hết là đảm bảo an ninh lương thực; đồng thời từng bước phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Vì vậy chính sách hỗ trợ được xác định tập trung vào các lĩnh vực:

- Hỗ trợ giống cây lương thực (giống lúa, giống ngô).

- Hỗ trợ chuyển đổi những diện tích cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang sản xuất những mô hình có năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Hỗ trợ việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất cho người dân.

- Hỗ trợ các mô hình sản xuất sản xuất hàng hóa có quy mô nhỏ, phù hợp với người dân, để từng bước hình thành việc phát triển sản xuất hàng hóa tại địa phương.

Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 100 tỷ (bình quân 20 tỷ/năm).

Mức hỗ trợ một số hạng mục trong chính sách hỗ trợ có điều chỉnh tăng hơn so với chính sách cũ những quy định cụ thể hơn về đối tượng được hỗ trợ cũng như địa bàn được hỗ trợ với những hạng mục hỗ trợ; nhằm khuyến khích những hộ ở vùng đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo, từng bước giảm bớt kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.

*BTV: Thưa ông! Với những chính sách cụ thể như vậy thì tỉnh có phương thức hỗ trợ và cơ chế thực hiện như thế nào? Kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ bao gồm những nguồn vốn nào? Nguồn ngân sách địa phương dự kiến hỗ trợ bao nhiêu?

* Ông Mai Mộng Tuân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:

- Về phương thức hỗ trợ: Được thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cho nhóm hộ, cho các cơ sở sản xuất. Tùy theo các hạng mục, nội dung hỗ trợ mà các đối tượng hỗ trợ sẽ được nhận trực tiếp bằng kinh phí (bằng tiền mặt) hoặc bằng vật tư (cây giống, con giống, phân bón ...).

- Về cơ chế hỗ trợ:

+ Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ thông qua Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị. Khi kế hoạch được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị căn cứ nguồn kinh phí được giao, quyết định phê duyệt đối tượng, mức kinh phí và phương thức hỗ trợ cho các đối tượng hưởng lợi đảm bảo các quy định của pháp luật.

+ Đối tượng, đơn vị, cấp nào tiếp nhận kinh phí thì đối tượng, đơn vị, cấp đó có trách nhiệm thanh quyết toán nguồn vốn theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Nguồn vốn tiếp nhận từ nguồn vốn nào thì thanh quyết toán theo nguồn vốn đó.

+ Các vùng, các đối tượng nếu đang được hưởng những chính sách khác không trùng với những chính sách tại quy định này thì tiếp tục hưởng những chính sách đó; nếu trùng với những chính sách tại quy định này nhưng có mức hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng một chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.

+ Các nội dung không được đề cập trong chính sách này mà có trong các chính sách của các chương trình, dự án khác thì được thực hiện theo quy định hiện hành của các chương trình, dự án đó.

- Về nguồn vốn hỗ trợ:

Nguồn kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ được lồng ghép từ: Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, nguồn ngân sách địa phương; đồng thời khuyến khích các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác như: đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Việc lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu, tổng mức kinh phí được giao, phù hợp với các quy định của từng chương trình, chính sách của Trung ương.

- Riêng nguồn ngân sách địa phương dự kiến hỗ trợ hàng năm là 43 tỷ đồng/năm.

*BTV: Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Nghị quyết này, xin ông cho biết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện như thế nào để hỗ trợ kịp thời cho nông dân?

* Ông Mai Mộng Tuân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:

Ngay sau khi có Nghị Quyết số 15/2015/NQ-HDND ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng dân tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện thị, thành phố trong tỉnh triển khai ngay các chính sách của tỉnh để đưa ngay các chính sách vào cuộc sống, cụ thể:

- Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các huyện thị, thành phố và các ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND ngày 31/ 12/2015 Ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 và Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 19/02/2016 phê duyệt kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2016.

- Để triển khai thuận lợi trong quá trình thực hiện chính sách, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với các ngành: Tài chính, Kế hoạch ban hành hướng dẫn số 60/HDLN-NN-KHĐT-TC thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020.

- Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng hợp đề xuất của các địa phương, thông báo cụ thể danh mục các loại giống vật nuôi, giống cây trồng, vật tư hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Ngoài ra Sở đã thành lập các tổ công tác xuống cơ sở phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện đôn đốc hướng dẫn kỹ thuật cho người dân đảm bảo theo đúng kỹ thuật và tiến độ thời vụ. Thường xuyên nắm bắt, theo dõi, giải quyết những khó khăn vướng mắc ở địa phương, trên cơ sở ban hành các văn bản hướng dẫn bổ sung và đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời điều chỉnh các hạng mục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện chính sách.

*BTV: Vâng xin cảm ơn ông Mai Mộng Tuân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái.

Quý vị và các bạn có câu hỏi, ý kiến với cơ quan chức năng xin mời gửi đến mục “Giải đáp chính sách” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh qua địa chỉ thư điện tử banbientapcong@yenbai.gov.vn.

Xem video lãnh đạo Sở NN&PTNT giải đáp chính sách tại đây.

661 lượt xem
Thu Nga - Thanh Bình - Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h