Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Thời cơ và thách thức

29/03/2016 14:13:55 Xem cỡ chữ Google
Để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, điều kiện cần là phải có thị trường; điều kiện đủ là năng lực quản lý, tổ chức sản xuất cho tương xứng với quá trình triển khai.

Tỉnh Yên Bái đã hình thành ổn định vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 2.500 ha. (Ảnh: Thanh Miền)

L.T.S: Nhằm phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng các giải pháp điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về những vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Báo Yên Bái năm 2016, từ tháng 3/2016, Báo Yên Bái mở chuyên trang “Nông nghiệp và Hội nhập” trên trang 5, tuần 2 và tuần 4 hàng tháng. BBT Báo Yên Bái trân trọng các góp ý của bạn đọc.

Sản xuất nông nghiệp Yên Bái những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng trước ngưỡng cửa hội nhập cần có những hướng đi phù hợp. Từ một tỉnh thiếu lương thực trầm trọng nay đã bảo đảm an ninh lương thực ở vùng cao, vùng thấp sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường.

Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt năm 2015 đạt 69.461 ha; trong đó, lúa 41.113 ha, ngô 28.348 ha; đồng thời bằng các biện pháp đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất, từng bước áp dụng cơ giới hóa vào canh tác nên năng suất lúa, ngô tăng trưởng khá, hình thành ổn định vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 2.500 ha; trong đó, cánh đồng Mường Lò 1.200 ha, cánh đồng Đại - Phú - An (Văn Yên) 600 ha, cánh đồng Mường Lai, Vĩnh Lạc (Lục Yên) 600 ha, vùng trồng lúa nếp đặc sản Tú Lệ, huyện Văn Chấn 100 ha.

Ngoài ra, còn chuyển đổi hơn 3.000 ha đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô hàng hóa đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Diện tích cây ăn quả ngày càng được mở rộng cả về diện tích và nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, diện tích cây ăn quả đạt trên gần 7.000 ha, giá trị thu nhập đạt gần 300 tỷ đồng. Vùng sản xuất kinh doanh chè đã được cải tạo bằng các giống chè lai LDP và các giống chè nhập nội chất lượng cao, đáp ứng cho chế biến.

Cần xây dựng những cánh đồng mẫu lớn sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Vùng cao được trồng bằng giống chè Shan để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Trong sản xuất lâm nghiệp, phát triển mạnh cả khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng phòng hộ và trồng rừng mới, đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt 62%. Hàng năm, cung cấp từ 350.000 - 450.000 m3 gỗ rừng trồng các loại, 120 ngàn tấn nguyên liệu tre, nứa, vầu và 3.000 tấn vỏ quế khô cho các cơ sở chế biến lâm sản. Chăn nuôi, thủy sản phát triển không ngừng, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc chính bình quân hàng năm đạt 3%; đưa tổng đàn đạt trên 635.000 con; sản lượng thịt hơi đạt trên 33.500 tấn mỗi năm.

Đó là những kết quả tốt nhưng để nông nghiệp Yên Bái hội nhập thành công, chúng ta cần tổ chức lại sản xuất theo hướng lấy chất lượng sản phẩm làm trọng tâm, lấy khoa học kỹ thuật làm khâu then chốt, nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác. Sản xuất hàng hóa buộc phải theo tín hiệu của thị trường và với quy mô lớn. Doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt của quá trình tổ chức lại sản xuất. Chúng ta đang đi vào một sân chơi lớn mang tính toàn cầu, không thể nào một mình người nông dân hay Nhà nước, nhà khoa học làm được việc mang sản phẩm hàng hóa ra thị trường trong và ngoài nước mà cần có sự hợp tác tích cực của “4 nhà”.

Việt Nam đã chính thức gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). TPP sẽ mở ra cơ hội mới cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa nông - lâm sản và sản xuất nông hộ song nông nghiệp cũng được đánh giá là gặp không ít khó khăn và cần nỗ lực cao để hội nhập.

Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo, tỉnh, ngành tạo ra cơ chế mang tính chiến lược, tạo đòn bẩy để kích thích mọi người tham gia. Diện tích, năng suất, sản lượng lúa ở các vùng trọng điểm như cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ), vùng Đại - Phú - An (Văn Yên)... đều đã đạt ngưỡng. Chè là cây trồng chủ lực với diện tích 12.000 ha, mỗi năm, chế biến trên 25.000 tấn chè thành phẩm nhưng sản phẩm chè Yên Bái vẫn ở phân khúc thấp, bình quân giá chè đen khoảng 1.600 USD/tấn.

Chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, thậm chí còn chưa đáp ứng nổi thị trường nội tỉnh, sản phẩm hoa quả cung vẫn chưa đủ cầu... trong khi tiềm năng lợi thế rất lớn. Sản xuất mang nặng manh mún nhỏ lẻ, sản xuất tự cung tự cấp, tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng không đồng bộ, vùng sản xuất hàng hóa chưa theo chuỗi giá trị... dẫn tới cuộc sống người nông dân vẫn còn nghèo. Trước thực tế đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và nội ngành nông nghiệp nói riêng là việc cấp bách.

Yên Bái, nhất là ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai việc tái cơ cấu với việc xác định các cây, con chủ lực và xây dựng từng đề án rất cụ thể kèm theo đó là các cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất. Nhưng có một thực tế là để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, điều kiện cần ở đây là phải có thị trường; điều kiện đủ là năng lực quản lý, tổ chức sản xuất cho tương xứng với quá trình triển khai. Lúc này, sản xuất không chỉ để lấy lương thực mà phải đi lên sản xuất hàng hóa lớn, như vậy phải có vai trò doanh nghiệp. Doanh nghiệp đi tìm thị trường, có thị trường, mới tổ chức sản xuất để đáp ứng.

Sau đó, nhà khoa học hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học đồng bộ vào sản xuất nâng cao năng suất, hiệu quả. Nhà nước kết hợp doanh nghiệp định hướng sản phẩm chiến lược là sản phẩm gì để nông dân thực hiện chứ không lại rơi vào tình trạng phát triển phong trào. Chẳng hạn, việc phát triển cây chè nói chung, nhất là cây chè vùng cao là phù hợp nhưng doanh nghiệp nào vào cuộc hay người dân vẫn sản xuất đơn lẻ. Chí ít các hộ dân cũng phải liên kết thành từng nhóm hộ, tổ hợp tác hay hợp tác xã để sản xuất tạo vùng hàng hóa lớn.

Hay nói cách khác là sản xuất thành công hay không, hiệu quả hay không phải phát triển được thị trường. Cần mở rộng thị trường tiềm năng, đẩy mạnh phát triển thị trường truyền thống, không bỏ qua thị trường nội địa. Xúc tiến thị trường không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả mỗi người dân trong việc vận động gia đình, người thân quảng bá hình ảnh, ủng hộ sản phẩm làm ra. Tranh thủ sự ủng hộ của người tiêu dùng, cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu sạch, an toàn, chất lượng cao.

Cần có nhiều cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp vào chế biến nông sản.

Các doanh nghiệp cần phải nỗ lực đổi mới một cách đầy trách nhiệm bởi bước vào sân chơi hội nhập rất nhiều cơ hội nhưng thách thức vô cùng lớn. Doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản Yên Bái nói riêng phần lớn là nhỏ nên không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật, của Mỹ. Do vậy, doanh nghiệp cũng cần phát huy các thế mạnh của mình và tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu.

Doanh nghiệp chăn nuôi khó cạnh tranh với các sản phẩm của xứ người, thay vì nuôi lợn công nghiệp, gà công nghiệp mà hãy nuôi giống bản địa. Người tiêu dùng sẽ chấp nhận giống bản địa chứ không chấp nhận giống lai. Hay trong lĩnh vực trồng trọt cũng vậy, sản xuất lúa gạo bằng những thương hiệu đặc sản như nếp tan Tú Lệ, lúa Chiêm Hương, Séng Cù chứ không sản xuất đại trà và tăng cường hàm lượng khoa học kỹ thuật vào mỗi sản phẩm.

Sản xuất kinh doanh chè cũng vậy, đi vào sản xuất chè tinh, chè đặc sản như giống chè nhập nội, chè Shan tuyết vùng cao... như vậy mới đứng vững và cạnh tranh được. Một vấn đề mấu chốt là không để nông dân đơn độc như thời gian vừa qua. Hiện đã có một số doanh nghiệp đang tìm hiểu, đã và đang đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn, công nghệ cao.

Đây là những dấu hiệu tích cực cho nông nghiệp Yên Bái. Muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp chúng ta phải có cơ sở hạ tầng, có lao động tay nghề cao, có môi trường thuận lợi, thủ tục thuận tiện... Một vấn đề nữa là giảm lao động nông thôn, đưa vào lao động công nghiệp và dịch vụ; đồng thời, tích tụ đất đai, nâng cao quy mô sản xuất - điều kiện tiên quyết giúp nông nghiệp phát triển hội nhập.

TPP- Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương là một hiệp định thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Chile, Brunei, Úc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản. Các quốc gia thành viên hiện tại của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu.  

649 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h