Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái chú trọng đào tạo lao động chất lượng cao

15/08/2016 07:37:20 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT- Chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh qua các năm đã có sự cải thiện đáng kể và không có sự chênh lệch nhiều so với các tỉnh trong khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Quy mô đào tạo nghề ngày càng tăng, chất lượng và hiệu quả dạy nghề có bước chuyển biến tích cực, đào tạo nghề đã gắn với nhu cầu thị trường lao động.

Yên Bái có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng nguồn nhân lực ngày được nâng lên đáp ứng nhu cầu của các dự án đầu tư sử dụng nhiều lao động như dệt, may xuất khẩu, da giầy, lắp ráp ô tô, xe máy, lắp ráp linh kiện điện tử… Với nhiều chuyển biến trong thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh trong thời gian gần đây tỉnh Yên Bái đã đã chủ động, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực tăng về số lượng, bảo đảm về chất lượng, có kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trên địa bàn, kết hợp các loại hình đào tạo ngắn hạn và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu và yêu cầu ngày càng cao của thị trường về nguồn nhân lực. Nhờ đó, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp và xu thế hội nhập, phát triển trong thời đại mới.

Tỉnh Yên Bái đã đầu tư xây dựng mạng lưới đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đảm bảo đáp ứng yêu cầu đào tạo lao động có chất lượng cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 24 cơ sở đào tạo nghề, trong đó, có 2 trường cao đẳng nghề, 2 trường trung cấp nghề, 9 trung tâm dạy nghề và 11 cơ sở khác tham gia hoạt động dạy nghề.

Đặc biệt, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã được Chính phủ phê duyệt và đầu tư xây dựng trở thành trường chất lượng cao của cả nước vào năm 2020 với 1 nghề có cấp độ quốc tế, 4 nghề đạt cấp độ ASEAN. Hiện nay, nhà trường có 160 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, trong đó cán bộ, giáo viên có trình độ đại học và trên đại học chiếm phần lớn. Với 14 phòng, khoa, trung tâm, nhà trường phát triển đào tạo 12 ngành nghề của hệ trung cấp, cao đẳng: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, công nghệ thông tin - điện tử, cơ khí… Trước nhu cầu cấp bách hiện nay về đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, nhà trường tập trung lãnh đạo và thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên làm nền tảng và đào tạo lao động kỹ thuật cao làm khâu đột phá. Nhận thức rõ sự nghiệp dạy nghề hiện nay đang đứng trước những cơ hội và thách thức, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, sự nghiệp dạy nghề, đào tạo lao động kỹ thuật trình độ cao của thị trường lao động, công tác đào tạo lao động cần được phát triển trên cơ sở đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng tiếp cận nền kinh tế thị trường, sự thay đổi nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, công nghệ và hội nhập.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó trưởng Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong  thời gian qua, khi Yên Bái mở cửa thu hút đầu tư đã có nhiều doanh nghiệp “dừng chân” xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ riêng trong năm 2015, các cơ sở đào tạo nghề đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề theo địa chỉ và đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, qua đó đã góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương như: đào tạo và cung ứng 1.173 lao động nghề may công nghiệp (Công ty TNHH Quốc tế ViNa KNF huyện Trấn Yên (476 người); Công ty TNHH Daeseung Global (697 người).

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, từ 2011 - 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 60 ngàn người, trong đó có trên 31 ngàn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956, đã có trên 70% lao động có việc làm sau học nghề. Quy mô đào tạo nghề ngày càng tăng, chất lượng và hiệu quả dạy nghề có bước chuyển biến tích cực, đào tạo nghề đã gắn với nhu cầu thị trường lao động. Hết năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 45%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh qua các năm đã có sự cải thiện đáng kể và không có sự chênh lệch nhiều so với các tỉnh trong khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề theo địa chỉ và đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, qua đó đã góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.  Tỉnh Yên Bái đã xây dựng 37 chương trình đào tạo nghề để áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó, các ngành nghề như: may công nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật máy nông nghiệp… được tập trung đào tạo để tạo nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư lớn của tỉnh”.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dạy nghề, hàng năm toàn tỉnh đều tổ chức rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch đào tạo cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở từng địa phương. Sở LĐ-TB&XH đã hướng dẫn các địa phương căn cứ quy hoạch phát triển ngành nghề, nhu cầu sử dụng của nền kinh tế, mô hình xây dựng nông thôn mới, mục tiêu giải quyết việc làm để xác định kế hoạch đào tạo cho phù hợp. Qua đó, việc tổ chức dạy nghề đã gắn với nhu cầu sử dụng của nền kinh tế và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở từng địa phương.

Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Yên Bái thực hiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, dạy nghề gắn với sử dụng nguồn nhân lực sau khi đào tạo xong. Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện phân cấp cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đặt hàng đào tạo, dạy nghề cho các đối tượng thuộc phạm vi cấp huyện quản lý…

Có thể nói, với việc đẩy mạnh các giải pháp đào tạo, dạy nghề, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn đã từng bước được nâng lên. Qua đó, góp phần thu hút đầu tư và từng bước đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

486 lượt xem
Thanh Thủy

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h