Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Phát triển sản xuất rau an toàn - nhu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại

12/05/2017 07:22:02 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Phát triển sản xuất rau an toàn là một trong những định hướng trọng điểm của thành phố Yên Bái nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất hiện đại, bền vững. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện bước đầu nhận thấy, đề án sản xuất rau an toàn thành phố Yên Bái đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, giải quyết hiệu quả vấn đề lao động, việc làm ở nông thôn. Tuy nhiên, do mô hình này vẫn khá mới nên trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn về quy hoạch vùng sản xuất cũng như việc liên kết tiêu thụ.

Nhân dân xã Văn Phú chăm sóc diện tích rau an toàn

Tiềm năng và thách thức

Thành phố Yên Bái có tổng dân số trên 100 nghìn người. Bình quân mỗi ngày thành phố tiêu thụ 20-25 tấn rau, trong khi mỗi năm thành phố mới chỉ sản xuất được 9.900 tấn rau tươi các loại, nên sản lượng sản xuất ra không đủ cung cấp cho tiêu dùng mà chủ yếu phải nhập từ các vùng lân cận và các tỉnh miền xuôi.Từ thực tế đó, để giúp nông dân nâng cao thu nhập từ trồng rau, tạo ra sản phẩm rau an toàn, đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đồng thời tạo đòn bẩy để thành phố hướng tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững. Tháng 7/2016 thành phố Yên Bái phê duyệt Đề án sản xuất rau an toàn thành phố Yên Bái và lựa chọn 3 xã Tuy Lộc, Âu Lâu, Văn Phú để thực hiện. Các xã đã thành lập các tổ hợp tác sản xuất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất như lắp đặt hệ thống tưới, khu sơ chế đóng gói sản phẩm, hệ thống thu gom rác thải...

Sản xuất rau là nghề truyền thống và thế mạnh của thôn 1 xã Văn Phú, thôn Minh Long, xã Tuy Lộc và thôn Đồng Đình xã Âu Lâu... nên việc quy hoạch lại vùng sản xuất rau thường sang sản xuất theo hướng rau an toàn được người dân trong vùng quy hoạch đồng tình ủng hộ. Các thành viên trong tổ hợp tác được hướng dẫn kỹ thuật làm đất, trồng rau theo đúng hướng dẫn kỹ thuật cũng như được hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất, bảo vệ thực vật, phân bón, thu hoạch sơ chế và bán sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Huyền ở Thôn 1, xã Văn Phú cho biết: “Tham gia đề án rau an toàn này chúng tôi rất vui mừng vì như vậy sản phẩm rau của chúng tôi sản xuất ra được đảm bảo về nguồn gốc. Đây cũng là cách thể hiện cái tâm của người trồng rau chúng tôi với người tiêu dùng. Nhưng hiện nay chúng tôi đang gặp khó khăn do đầu ra cho sản phẩm còn ít, người tiêu dùng lại chưa phân biệt được đâu là rau an toàn, đâu là rau sản xuất theo lối truyền thống. Nhiều lúc trúng vụ rau nhưng giá lại rẻ nên thu không đủ bù chi. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện để người nông dân chúng tôi tìm được thị trường cho sản phẩm.”

Theo nhận xét của nhiều hộ trong nghề, trồng rau cho thu nhập khá so với một số loại cây trồng khác như: lúa, ngô…chuyển sang trồng rau an toàn, mặc dù cần phải đầu tư nhiều hơn, yêu cầu về kỹ thuật cũng cao hơn... nhưng đối với các hộ nông dân tại thôn 1, xã Văn Phú; thôn Đồng Đình, xã Âu Lâu; thôn Minh Long, xã Tuy Lộc thì vấn đề này được bà con chuyển giao, ứng dụng rất tốt. Việc thực hiện đề án sản xuất rau an toàn bước đầu đã hình thành vùng sản xuất rau chuyên canh đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tổng diện tích trồng rau an toàn của 3 xã năm 2016 đạt trên 8 ha đạt sản lượng trên 89 tấn. Vụ Xuân hè 2017 các hộ trong tổ hợp tác đăng ký trồng hơn 6 ha. Đặc biệt năm 2017, nhận thấy hiệu quả của Đề án sản xuất rau an toàn, một số hộ của thôn Đầm Vông xã Âu Lâu đã đăng ký tham gia sản xuất rau an toàn với diện tích 1,5 ha. Ông Nguyễn Xuân Hùng ở Thôn Đầm Vông, xã Âu Lâu chia sẻ: “Gia đình tôi trồng rau từ rất lâu rồi nhưng từ trước tới nay chúng tôi sản xuất ra rồi đem bán trên thị trường đều chỉ dựa vào chữ tín. Nhưng hiện nay gia đình tôi cũng mong muốn sản phẩm rau của mình được cấp giấy chứng nhận để đảm bảo tính pháp lý cũng như đảm bảo sự tin cậy của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau của mình. Chính vì vậy, nên gia đình tôi tham gia vào đề án rau an toàn. Tuy đến vụ Xuân hè này gia đình tôi cùng hai gia đình khác ở thôn Đầm Vông mới tham gia sản xuất rau an toàn nhưng chúng tôi đã có đủ máy cày, máy đánh bờ. Đồng thời nhóm chúng tôi cũng chuẩn bị đổ cột bê tông để xây dựng nhà lưới và dựng cột phủ túi nilon các khu vực thấp.”

Rau an toàn của thành phố Yên Bái dần tiếp cận thị trường

Nhu cầu của người tiêu dùng về rau sạch ngày càng cao; nhiều giống rau mới có giá trị kinh tế được đưa vào thâm canh. Bên cạnh đó, nhu cầu về các sản phẩm rau an toàn ở các bếp ăn tập thể phục vụ các công ty, bệnh viện, trường học, nhà hàng... cũng là những thị trường tiềm năng và là đích đến cho rau an toàn của thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì phát triển rau an toàn ở thành phố Yên Bái hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, do đặc thù canh tác từ lâu đời của bà con nông dân theo dạng nhỏ lẻ, manh mún; nhiều khu vực sản xuất rau an toàn nằm xen lẫn với diện tích trồng lúa, ngô…nên dễ dẫn đến tình trạng nguồn nước tưới bị nhiễm vi sinh vật, không đảm bảo yêu cầu cho sản xuất rau an toàn. Một khó khăn mà người nông dân sản xuất rau an toàn đang đối mặt là vấn đề tiêu thụ. Hiện tại, chỉ có xã Âu Lâu là ký kết hợp đồng cung ứng rau cho công ty TNHH nông nghiệp Thành Nam và tổ hợp tác thôn Minh Long xã Tuy Lộc mở hai điểm bán lẻ tại phường Nguyễn Thái Học và phường Yên Ninh còn lại là các hộ tự tiêu thụ.

Một số nông dân sản xuất rau an toàn cho biết: Các sản phẩm rau an toàn của bà con cũng được thu mua với giá cả như các loại rau thông thường. Và rau an toàn được bày bán ở các chợ cũng giống như các loại rau khác, do chưa xây dựng được thương hiệu nên các sản phẩm rau an toàn chưa tìm được chỗ đứng trong các siêu thị. Vấn đề liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn phải giải quyết nên niềm mong mỏi của nhiều nông dân vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Đây là thách thức đang đặt ra cho các địa phương có vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn. Trao đổi với chúng tôi ông Lê Toàn Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Âu Lâu cho biết: “Trên địa bàn xã Âu Lâu có hai vùng tham gia đề án sản xuất rau an toàn nằm ở thôn Đồng Đình và thôn Đầm Vông. Chúng tôi cho rằng việc mở rộng và giữ được chất lượng rau an toàn trước hết là phải nâng cao nhận thức của người dân về cơ cấu giống cây trồng cũng như liên hệ tìm kiếm thị trường tiêu thụ rau an toàn cho người dân. Địa phương cũng  rất trăn trở trong việc phát triển vùng rau và giữ thương hiệu rau an toàn khi được các cấp công nhận.  Điều quan trọng chúng tôi nghĩ để duy trì và phát triển vùng rau ngoài việc đồng thuận người dân cũng cần phát huy vai trò chủ thể của mình trong sản xuất rau an toàn để từ đó người tiêu dùng thành phố biết đến nhiều hơn sản phẩm rau an toàn của Âu Lâu.”

Giải pháp phát triển bền vững

Thực tế, việc sản xuất rau an toàn ở thành phố Yên Bái hiện nay có nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức. Theo đó, nhân rộng các mô hình rau an toàn là hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại. Việc nhân rộng mô hình cũng là cách để làm phong phú các loại rau, củ, quả với sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Đó cũng chính là góp phần tạo phong trào trồng rau sạch chất lượng cao theo hướng hàng hóa, phá bỏ thói quen canh tác cũ cho sản phẩm kém chất lượng và gây nhiều hoài nghi cho người tiêu dùng. Bởi người dân khi tham gia sản xuất rau an toàn đòi hỏi phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu chuẩn bị đất trồng, chọn giống, gieo trồng và chăm sóc cho tới khi thu hoạch. Đặc biệt cái được lớn nhất của người trồng rau tham gia sản xuất rau an toàn đó là giữ được môi trường trong sạch, đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất và sản phẩm đầu ra an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, không tránh khỏi khó khăn khi hiện vẫn còn nhiều nội dung phải bàn xung quanh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tập quán canh tác nhỏ lẻ, thủ công của người dân cũng như khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Để rau an toàn vào được các siêu thị cũng như có thể cạnh tranh với các sản phẩm rau trên thị trường, trước hết phải làm tốt khâu liên kết tiêu thụ trước khi cho nông dân sản xuất đại trà, để tránh tình trạng hàng hóa sản xuất ra nhưng lại không có thị trường tiêu thụ. Đồng thời rà soát các vùng, qui hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia thu mua sản phẩm rau an toàn cũng như đầu tư vào sản xuất rau an toàn. Cùng với đó, phát triển kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh trong chương trình nông thôn mới tại các xã. Tập trung vào các giải pháp khoa học công nghệ về giống, về kỹ thuật canh tác cũng như đẩy mạnh các hoạt động về xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại cho các tổ hợp tác. Song song với đó, tiếp tục tăng cường năng lực để tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh rau an toàn tự vận hành hệ thống kiểm tra chất lượng nội bộ, xây dựng lộ trình và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về các tiêu chí an toàn thực phẩm cho sản phẩm và cơ sở sơ chế rau phù hợp.

Hiện thành phố Yên Bái  đang tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện dự án để nhân rộng sản xuất rau an toàn trên địa bàn. Đồng thời hướng dẫn các tổ hợp tác xây dựng cơ cấu rau cụ thể, hợp lý cũng như tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ký kết hợp đồng rau cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm rau an toàn. Ông Hoàng Quốc Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết: “Thành phố trực tiếp hỗ trợ người nông dân sản xuất rau bằng cơ sở vật chất bằng hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao nhận thức của người dân về cách làm theo đúng quy trình. Đặc biệt trong tổ hợp tác tự quản lý lẫn nhau và có quy chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và đội ngũ khuyến nông viên. Hiện nay đầu ra cho sản xuất rau an toàn vẫn còn gặp khó khăn do thói quen của người tiêu dùng. Mặc dù đã có một số doanh nghiệp, cơ sở bao tiêu song số lượng chưa nhiều. Nhưng vấn đề quan trọng hiện nay chính là quảng bá, tuyên truyền để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn trên địa bàn thành phố từ đó tạo thói quen dùng các sản phẩm rau an toàn. Dần dần nâng cao uy tín chất lượng cho sản phẩm rau an toàn từ đó nhân rộng đề án tới với người nông dân khác. Đồng thời đây cũng là sự thể hiện đạo đức của người sản xuất nông nghiệp khi cung cấp ra thị trường những sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng.”

Rau an toàn là thực phẩm sản xuất theo phương thức hợp vệ sinh, các dư lượng hóa chất trong thực phẩm không vượt ngưỡng cho phép, bảo đảm sức khỏe người sử dụng. Chính vì thế, nhu cầu về rau an toàn nói riêng và thực phẩm an toàn nói chung đối với người tiêu dùng ngày càng tăng. Đây là xu hướng tất yếu trong điều kiện nền kinh tế - xã hội, cũng như nhận thức về sức khỏe của người dân được nâng lên. Đầu tư sản xuất thực phẩm an toàn nói chung, rau an toàn nói riêng tại thành phố Yên Bái đã và đang hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, an toàn và vì quyền lợi của tất cả người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo thu nhập ổn định cho người nông dân thành phố cũng như tạo đà cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.

4773 lượt xem
Theo Trang TTĐT thành phố Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h