Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Phát huy giá trị của Đặc sản hương cốm vùng cao

20/09/2019 07:57:40 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Đã từ lâu Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng bởi Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang cùng với cảnh quan thiên nhiên nơi có đèo Khau Phạ mây mù bao phủ quanh năm, mà còn nổi tiếng bởi đặc sản của hương cốm được nhiều du khách trong nước và Quốc tế biết đến và rất ưa chuộng thứ đặc sản này.

Công đoạn tuốt lúa chuẩn bị làm cốm

Để chuẩn bị tốt các sản phẩm đặc sản của địa phương mình, nhất là đặc sản hương cốm để phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải nhân dịp Festival dù lượn “bay trên mùa vàng” năm 2019. Những ngày này, gia đình anh Lò Văn Ngoai ở bản Lìm Thái xã Cao Phạ đang tích cực làm cốm, một loại đặc sản của địa phương mình để phục vụ nhu cầu của du khách. Công đoạn để cho ra thành phẩm là những hạt cốm dẻo thơm thực sự không đơn giản. Những người dân tộc Thái ra ruộng từ sáng sớm, hái những bông lúa còn đẫm sương đêm mang về tuốt. Lúa tuốt xong sẽ được rang ngay, nếu để cách ngày thì hạt cốm không còn xanh và ngon nữa. Bếp lò để rang cốm phải dùng củi để rang, chảo rang làm bằng gang đúc, chỉ có sử dụng những công cụ ấy thì hạt cốm mới không bị cháy mà mềm dẻo thơm ngon. Và điều quan trọng nhất là kỹ năng rang của người làm cốm, phải điều chỉnh lửa nhỏ vừa phải, đảo liên tục để thóc nóng đều và căn thời gian để nguội rồi cho vào giã. Trong thời gian giã cốm, nhịp giã phải đều đặn, lực giã vừa phải và phải liên tục đảo thóc trong cối, khi có vỏ trấu thì phải sảy ra rồi tiếp tục giã. Tùy theo độ non của hạt lúa mà số lần giã cốm sẽ thay đổi, thông thường sẽ khoảng 10 lần giã mới cho ra một mẻ cốm ngon, sạch nhất. Anh Lò Văn Ngoai ở bản Lìm Thái - xã Cao Phạ - Huyện Mù Cang Chải cho biết. “Năm nào cũng vậy cứ đến tháng 9 tháng 10 gia đình tôi lại làm cốm để bán cho khách du lịch, bởi cốm là một trong những đặc sản của địa phương mình nên nhiều du khách rất thích. Họ thường mua để ăn và làm quà cho bạn bè vì vậy năm nào gia đình tôi cũng làm 4 - 5 tạ cốm/năm để đem lại nguồn thu cho gia đình”. 

Công đoạn rang thóc để làm cốm

Ngoài gia đình anh Lò Văn Ngoai thì hầu hết các hộ gia đình ở bản Lìm Thái trong thời gian này đều tấp nập ra đồng để chọn những bông lúa bắt đầu khum ngọn, còn nguyên hương lúa thơm đây là thời điểm thích hợp nhất để đem về  làm cốm. Nguyên liệu làm cốm là giống lúa nếp tan đặc sản của địa phương nên có hương vị đặc trưng chỉ có ở vùng cao Tây Bắc, đặc biệt là khu vực xã Tú Lệ - huyện Văn Chấn và xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải. Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng số lần giã để hoàn tất mẻ cốm. Cốm giã xong được gói trong lá dong xanh, vừa tăng thêm màu xanh của cốm, vừa lưu giữ mùi thơm của lúa. Theo ghi nhận và đánh giá của các hộ gia đình làm cốm ở bản Lìm Thái, xã Cao Phạ thì từ đầu mùa vụ đến nay, trung bình mỗi hộ làm được 2 -3 tạ cốm để bán cho du khách. Với giá bán ra thị trường từ 75 - 80 nghìn đồng/kg, so với giá bán thóc thì làm cốm được giá cao hơn. Anh Lù Văn Sán ở bản Lìm Thái - xã Cao Phạ chia sẻ. “Hiện nay đang trong mùa du lịch nên du khách đến đây rất đông và du khách rất thích đặc sản của hương cốm, vì cốm rất thơm, dẻo và ngon. Do đó, năm nay gia đình tôi cũng như bao hộ gia đình khác trong bản đều làm cốm để bán. Ngoài làm cốm ra, gia đình tôi cũng đi cắt những bông lúa đã khum ngọn, còn nguyên hương lúa thơm để về rang và làm gạo non. Đây là sản phẩm cũng được du khách rất thích và ưa chuộng”. 

Quy trình làm cốm

Cao Phạ là một trong những địa điểm đẹp của huyện Mù Cang Chải nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung và được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc. Hàng năm đã thu hút gần 30 nghìn lượt du khách trong nước và Quốc tế đến tham quan chụp ảnh và chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi đây. Theo đó, trong những năm qua cấp ủy chính quyền xã Cao Phạ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo và tìm nhiều hướng đi mới cho người dân trên địa bàn để phát triển kinh tế, đem lại nguồn thu nhập cho người dân. Đặc biệt là phát huy tiềm năm thế mạnh của địa phương để sản xuất, chế biến các mặt hàng, sản phẩm đặc trưng để quảng bá giới thiệu đến với du khách, nhất là đặc sản hương cốm được du khách ưu chuộng, lựa chọn để làm quà. Anh Tô Văn Học - Phó Chủ UBND xã Cao Phạ - huyện Mù Cang Chải cho biết: “Cao Phạ là xã được rất nhiều du khách biết đến bởi cảnh đẹp được thiên nhiên ban tặng và Cao Phạ nổi tiếng bởi đặc sản của hương cốm, một loại đặc sản được làm bằng lúa nếp thơm của địa phương, có vị rất thơm và dẻo nên rất thích hợp cho việc làm cốm. Hiện nay xã Cao Phạ đang chỉ đạo các hộ gia đình của bản Lìm Thái tập trung làm cốm để phục vụ và đảm bảo nhu cầu của du khách trong dịp Lễ hội khám phá Danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang và Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng" nhằm để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương mình đến với du khách trong nước và Quốc tế”.

Đặc sản hương cốm Cao Phạ

Đến với Mù Cang Chải mùa này, du khách sẽ được thưởng thức hương vị dẻo thơm của cốm và là món quà ý nghĩa mua về tặng cho bạn bè và người thân sau một chuyến du ngoạn tại vùng cao Mù Cang Chải. Hương cốm đã trở thành một món hàng thương phẩm được du khách ưa chuộng, một thứ quà quê mang đậm hương vị núi rừng giản dị và ý nghĩa./.

1384 lượt xem
Theo Trang TTĐT huyện Mù Cang Chải

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h