Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về khảo sát xây dựng hồ sơ khu dự trữ sinh quyển thế giới tại tỉnh Yên Bái

20/09/2019 14:36:22 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sáng 20/9, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về khảo sát xây dựng hồ sơ khu dự trữ sinh quyển thế giới tại tỉnh Yên Bái.

Quang cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đàu tư, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Công thương, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Mù Cang Chải, lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh.

Từ ngày 16-20/9, Đoàn công tác của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam do ông Cung Đức Hân - Trợ lý Vụ trưởng Vụ ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Ủy viên Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam làm Trưởng đoàn đã tiến hành làm việc và khảo sát thực địa để đánh giá sơ bộ tiềm năng xây dựng khu dự trữ sinh quyển thế giới của tỉnh Yên Bái bao gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên và Khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có diện tích trên 16.000ha với hệ thực vật có tính đa dạng khá cao về thành phần loài, về yếu tố địa lý, về dạng sống và về giá trị sử dụng với khoảng 516 loài thuộc 332 chi và 126 họ thuộc 5 ngành; hệ động vật đã ghi nhận được 129 loài thuộc 54 họ, 17 bộ của 4 lớp động vật có xương sống với tính đa dạng phân loại cao, bình quân 1 bộ có 3,18 họ, 1 họ có 2,39 loài. Có nhiều nguồn gen quí hiếm có giá trị bảo tồn cao không chỉ trong nước mà trên phạm vi quốc tế. Trong đó có 28 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam 2007 và 30 loài trong Nghị định 32 của Chính phủ.

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có diện tích trên 20.000ha, bước đầu thống kê được 788 loài thực vật bậc cao. Trong đó có tổng số 33 loài cây thuộc diện quý hiếm có giá trị bảo tồn cao được xếp vào sách đỏ. Trong đó có 2 loài thuộc nguy cấp, 4 loài thuộc cấp bị đe dọa nguy cấp, 7 loài thuộc cấp quí hiếm; hệ động vật thống kê được 241 loài, 74 họ, 24 bộ động vật có xương sống. Có 42 loài quí hiếm của Việt Nam và 28 loài ở mức độ bị đe dọa toàn cầu. Đặc biệt có 4 loài: Niệc cổ hung, Gà lôi tía, Vượn đen, Voọc xám đang có nguy cơ bị đe dọa tiêu diệt ở mức toàn cầu.

Trên cơ sở đi kiểm tra thực địa và nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu liên quan đến 2 khu bảo tồn, đoàn đã đánh giá cao sự đa dạng sinh học cũng như kết quả bảo tồn đa dạng sinh học và văn hóa với phát triển kinh tế và xã hội của 2 khu bảo tồn nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung. Đây là địa bàn lý tưởng để thử nghiệm và áp dụng những phương pháp tiếp cận sáng tạo cho phát triển bền vững từ cấp địa phương tới quy mô toàn cầu nếu được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tại buổi làm việc Đoàn công tác của Đoàn công tác của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã trao đổi, làm rõ hơn về một số yêu cầu trong việc lập hồ sơ đề cử như các chủ trương, chỉ đạo của UBND tỉnh; các loại bản đồ GIS, bản đồ chủ đề; các báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề; hồ sơ và các quyết định thành lập khu bảo tồn thiên nhiên; các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ về các chuyên đề sâu; các mô tả chi tiết, phân tích sâu về lễ hội, văn hóa truyền thống …

Thay mặt UBND tỉnh đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn Đoàn công tác của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã hỗ trợ, tư vấn của Đoàn về các bước triển khai lập hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đồng thời thống nhất về phương pháp, các bước triển khai trong thời gian tiếp theo. Tỉnh Yên Bái sẽ báo cáo và xin chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy về việc xây dựng hồ sơ đề xuất. Tỉnh cũng mong muốn Đoàn công tác của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và hướng dẫn chi tiết để Yên Bái triển khai các bước tiếp theo được thuận lợi và đúng trình tự.  

Khu dự trữ sinh quyển thế giới là khu vực do một quốc gia thành lập và được công nhận bởi Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

Mỗi Khu dự trữ sinh quyển thế giới đều có 3 chức năng: (1) Bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm đa dạng di truyền, loài, hệ sinh thái, cảnh quan cũng như duy trì các dịch vụ hệ sinh thái cung cấp bởi sự đa dạng trên; (2) Phát triển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững trên các mặt môi trường và xã hội, phát huy bản sắc văn hóa địa phương trong quá trình phát triển; (3) Hỗ trợ nhằm tạo điều kiện và cùng tham gia phát triển các dự án nghiên cứu và phát triển, giáo dục môi trường và giáo dục vì phát triển bền vững, đào tạo, tuyên truyền và giám sát.

Khu dự trữ sinh quyển quốc gia có thể được sử dụng như một khung cơ cấu để hướng dẫn và thu hút các dự án nhằm cải thiện mức sống của người dân, đảm bảo sự bền vững của môi trường. Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương, các tầng lớp xã hội và các nhà lãnh đạo địa phương, trung ương về các vấn đề môi trường và phát triển. Nó cũng giúp thu hút tài trợ từ các nguồn quốc tế khác.

1202 lượt xem
Thanh Bình

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h