Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh

13/10/2020 13:34:10 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế... nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái đạt và duy trì ở mức khá, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm); tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. 

Ảnh minh họa

Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Yên Bái đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn, với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, gồm: Vùng quế gần 78.000 ha; măng tre Bát Độ trên 6.600 ha; Sơn tra gần 10.000 ha; lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, ngô 15.000 ha; cây ăn quả gần 10.000 ha; Chè 8.000 ha (chè Shan trên 1.700 ha, chè giống tiến bộ kỹ thuật trên 3.500 ha); dâu tằm gần 1.000 ha; nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 220.000 ha; đàn trâu, bò gần 130.000 con; vùng nuôi thủy sản trên 2.600 ha và trên 2.000 lồng cá. Cùng với việc phát triển 10 nhóm sản phẩm chủ lực, tỉnh ưu tiên phát triển 10 sản phẩm đặc sản, gồm: Gạo nếp Tú Lệ, bưởi Đại Minh, cam sành Lục Yên, sơn tra, chè Shan hữu cơ, gà đen đặc sản vùng cao, lợn bản địa, vịt bầu Lâm Thượng, quế hữu cơ, cây dược liệu theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. Nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: quế, chè, tinh bột sắn, măng và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 30 - 40 triệu USD/năm (chiếm từ 30 - 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).

Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ thông qua việc triển khai các nhiệm vụ khoa học đã góp phần tích cực thay đổi nhận thức của người dân trong tỉnh từ sản xuất quảng canh, quy mô nhỏ, lẻ sang sản xuất thâm canh quy mô lớn, tập trung, hình thành các vùng sản xuất sản phẩm hàng sản phẩm nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất đảm bảo ATTP, VietGap, GAP. Các hình thức sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu đi theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... đã được các tổ chức, cá nhân quan tâm, áp dụng. Giai đoạn 2012 - 2020, đã thực hiện hỗ trợ cho 45 cơ sở được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ (03 cơ sở được cấp năm 2015; 11 cơ sở được cấp năm 2019; 04 cơ sở được cấp đến tháng 9 năm 2020 và 27 cơ sở còn lại trong quý I năm 2021).

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và những điều kiện sẵn có, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu thu được kết quả khả quan, tiêu biểu là Dự án chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao có vốn đầu tư 78,6 triệu đô la Mỹ. Các trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao, khép kín, an toàn sinh học đã được phát triển ở các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn. Một số mô hình sản xuất rau thủy canh, rau an toàn trong nhà lưới tưới tiết kiệm nước đối với rau, chè, cam, quýt, bưởi; chương trình cải tạo đàn trâu bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo; nuôi cá lồng thâm canh trên hồ Thác Bà; sản xuất quế hữu cơ, chế biến tinh dầu quế; một số nhà máy chế biến gỗ rừng trồng với công nghệ tiên tiến đã và đang được triển khai xây dựng.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã bố trí, phân bổ từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học hàng năm để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó đã đóng góp cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân tại địa phương. Giai đoạn 2012 - 2020, đã hỗ trợ kinh phí cho 23 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua nguồn vốn được hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đã nâng cấp thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại, đã tạo ra một số sản phẩm có khối lượng lớn, chất lượng ngày càng ổn định, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh, trong giai đoạn tới, tỉnh tập trung phát triển sản xuất các nhóm sản phẩm chủ lực gắn với phát triển các khu, cụm công nghiệp chế biến để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đồng thời phát triển các nhóm sản phẩm đặc sản của tỉnh Yên Bái theo chương trình OCOP, có cấp mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP) để phục vụ người tiêu dùng có thu nhập khá. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản phẩm sạch, an toàn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập cho người dân một cách bền vững; Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 4,5%/năm; giá trị thu nhập bình quân trên diện tích đất canh tác nông nghiệp tập trung tăng lên 150 triệu đồng/ha.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh tập trung khuyến khích ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu của tỉnh bao gồm: Chè, quế, măng tre Bát độ, tinh bột sắn, sản phẩm gỗ rừng trồng, kén tằm.... và các sản phẩm tiêu dùng nội địa của tỉnh Yên Bái như: Gạo nếp Tú Lệ, rau, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản hồ Thác Bà... đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông sản hàng hóa nguyên liệu theo quy trình, tiêu chuẩn quản lý chất lượng của Việt Nam (VietGAP), quốc tế (GlobalGAP), gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể; đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến. Hướng dẫn, khuyến khích mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), phát triển cây dược liệu.

Tiếp tục đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, thuỷ lợi đồng bộ hiện đại để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn, trong đó, đầu tư hỗ trợ hình thành các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, chế biến bảo quản nông sản; đường giao thông trục chính nội đồng; hệ thống tưới, tiêu, xử lý môi trường, tưới tiết kiệm nước.

Ưu tiên triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tập trung vào lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh Yên Bái như: chăn nuôi lợn, chế biến gỗ, nuôi thuỷ sản; sản xuất giống cây, con, trong đó nghiên cứu ứng dụng loại công nghệ phù hợp, phát huy thế mạnh về cơ sở hạ tầng, kết nối vùng để gắn kết sản xuất với chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản có khối lượng hàng hóa lớn, hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã tổ hợp tác, liên kết hộ sản xuất với các doanh nghiệp, các cửa hàng siêu thị để cung ứng các dịch vụ đầu vào cho sản xuất, hoặc tiêu thụ nông sản, thực phẩm.

777 lượt xem
Nguyễn Hiên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h