Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Về nơi thờ ông tổ của cây Quế Văn Yên

08/10/2019 10:04:07 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Nhắc đến Văn Yên là nhắc về địa danh nổi tiếng với bạt ngàn những rừng quế xanh tươi. Song nếu có dịp đến thăm vùng quế Văn Yên mà chưa đặt chân đến Viễn Sơn thì cũng sẽ được coi như là vẫn chưa từng đến bởi nơi đây mới chính là cội nguồn của đất quế... và cũng là nơi quần tụ lâu đời của cộng đồng người Dao đỏ với nhiều nét văn hóa truyền thống còn được bảo tồn và lưu giữ.

Đông đảo du khách thập phương và người dân trong xã, trong vùng đến đình Tháp Cái thắp hương để cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa

Là xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, Viễn Sơn hiện có 754 hộ với gần 3.600 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm 75%. Được ví là cây “vàng xanh trên núi”, cây Quế gắn bó thủy chung với người Dao Viễn Sơn từ trong tâm tưởng, ký ức đến đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất. Đây được coi là nơi đầu tiên xuất phát nghề trồng quế, cũng là một trong những xã có diện tích quế lớn nhất ở Văn Yên hiện nay với diện tích trên 2.600 ha. Đây cũng là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở Viễn Sơn, hàng trăm hộ đã thoát nghèo từ cây quế, nhiều nhà có thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng từ quế.

Tại thôn Tháp Cái xã Viễn Sơn có Đình Tháp Cái, tên đình gắn với thờ ông Bàn Phú Sáu, người đầu tiên tìm ra cây quế đưa về trồng và dạy dân cách trồng cây quế, dân bản gọi ông là “Ông tổ” cây quế và suy tôn Thành Hoàng (Thần bản mệnh của cộng đồng). Tương truyền ông Phú Sáu là một trong những người đầu tiên đưa gia đình về khai khẩn, lập làng bản ở Viễn Sơn và là người khởi dựng, chủ đình Quế Sơn Tháp Cái (đình Tháp Cái), là người biết chữ, thầy cúng, hiểu biết phong thủy, địa lý và đi nhiều nơi. Ngày xưa cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao xã Viễn Sơn rất nghèo khổ, chủ yếu sống bằng nghề làm nương, săn bắn thú trên rừng, bắt cá dưới suối Tháp Cái, lên rừng lấy măng, đào củ mài về ăn. Một hôm, ông Phú Sáu vào rừng săn thú, đuổi theo một con hươu, vào rừng sâu, ông nhìn thấy một cây to, có rất nhiều quả, trên cây có đàn chim đang ăn quả. Lại gần cây lạ, ông thấy từ cây tỏa ra mùi thơm mát lạ thường, lấy lá cây ăn thử thấy có vị vừa cay vừa thơm, khi nuốt lại có vị ngọt. Ông nghĩ chắc đây là cây quý nên tìm kiếm xung quanh xem có cây con nào không để đem về trồng. Sau nhiều ngày dày công tìm kiếm, ông đã tìm thấy 3 cây con, đào mang về trồng. Hằng ngày, ông Phú Sáu dành thời gian để chăm sóc cho cây lạ đó. Do chưa biết cách chăm sóc nên 2 cây bị chết. Một cây còn lại, ông đổi cách chăm sóc nên cây lớn nhanh, tốt tươi, hương thơm tỏa ra khắp bản làng. Cây lớn lên cho ra rất nhiều quả, ông lấy hạt ươm cây giống trồng quanh nhà, trên nương và vận động, dạy dân bản cách trồng. Mới đầu người dân chỉ dùng loại cây này để làm thuốc chữa bệnh và hương liệu. Sau một thời gian, có nhiều người miền xuôi lên mua bán, trao đổi hàng hóa với đồng bào Dao lấy vỏ mang về xuôi. Thấy cây lạ vừa chữa bệnh, lại bán, trao đổi hàng hóa nên dân bản trồng khắp núi đồi và gọi là “Phinh gia húa” (có nghĩa là: cây của tiên gia). Sau này gọi là cây quế và được người Dao cùng các dân tộc trong vùng trồng ngày càng nhiều. Cây quế đã giúp cho cuộc sống của đồng bào Dao và các dân tộc trong vùng ngày càng ấm no, đầy đủ, hạnh phúc hơn.

Ông Bàn Phúc Định, chủ đình Tháp Cái đang thực hiện nghi lễ Cầu đình

Tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân có công khai khẩn lập làng, lập bản, đưa cây quế về trồng, đồng bào Dao ở xã Viễn Sơn và cộng đồng các dân tộc trong vùng gọi ông Phú Sáu là “Ông tổ” cây quế và suy tôn ông là Thành Hoàng làng, xã (Thần bản mệnh của cộng đồng) và được thờ trong đình Tháp Cái. Đình thuộc địa phận thôn Tháp Cái nên gọi là đình Tháp Cái, người Dao gọi là Pèng on chía. Đình Tháp Cái ngoài thờ Thành Hoàng (nhân thần) còn thờ Thần Mặt trời, Thần đất, Thần núi, sông, suối, Thổ công, Thần nông… (nhiên thần) là một tín ngưỡng bản địa có từ lâu đời; là sự kế thừa, tiếp nối bản sắc, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao, thể hiện đạo lý tốt đẹp của cộng đồng “uống nước nhớ nguồn”, hướng về cội nguồn, tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân có công khai khẩn lập làng, lập bản, đưa cây quế về trồng ở Viễn Sơn và trong vùng; đánh giặc ngoại xâm bảo vệ Đất nước.

Từ khi khởi dựng đến nay, trải qua hơn 200 năm, đình Tháp Cái vẫn tồn tại gắn bó với cộng đồng người Dao, với vùng đất Viễn Sơn xưa và nay. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tuy đã có sự thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện từng giai đoạn lịch của đất nước và phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, sự phát triển, văn minh, tiến bộ của đồng bào Dao nhưng đình Tháp Cái và các hoạt động vẫn giữ nguyên các giá trị vốn có của di tích.Với những giá trị về lịch sử, văn hoá, ngày 26/12/2018 Đình Tháp Cái xã Viễn Sơn được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Đến Di tích đình Tháp Cái bằng đường bộ rất thuận lợi, từ thành phố Yên Bái đi theo đường tỉnh lộ 163 (Yên Bái-Khe Sang), đến thị trấn Mậu A, qua cầu đi tiếp đến xã Hoàng Thắng (17km), đi tiếp vào xã Viễn Sơn, đến thôn Tháp Cái là tới di tích. Đi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, xuống nút IC14, đi theo đường An Thịnh-Quy Mông đến xã Hoàng Thắng, đi tiếp vào xã Viễn Sơn, hoặc đi đường Âu Lâu-An Thịnh, đến xã Hoàng Thắng, đi tiếp vào xã Viễn Sơn, đến thôn Tháp Cái là tới di tích.

Vào mỗi dịp lễ tết, người dân trong xã, trong vùng đến đình Tháp Cái thắp hương để cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa; cầu Thành Hoàng, Thần linh che chở, phù hộ làng bản yên bình, mùa màng bội thu, cây quế tốt tươi, con người khỏe mạnh…Đây cũng là nơi giáo dục mọi người đoàn kết, yêu thương nhau, làm việc thiện, không làm điều ác, có trách nhiệm với ông bà, cha mẹ, gia đình, cộng đồng bảo vệ rừng, giúp người Dao đỏ trên vùng đất quế Văn Yên tin tưởng đi theo Đảng, Bác Hồ,  thêm tự tin và nghị lực trong xây dựng và phát triển gia đình, quê hương vươn đến một tương lai tươi đẹp, ấm no và hạnh phúc bình yên./.

2536 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h