Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến trong phiên thảo luận tại Tổ của Kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội khoá XV

06/01/2023 16:30:26 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong phiên thảo luận tại Tổ của Kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đã tham gia ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung phát biểu ý kiến tham gia thảo luận tại Tổ

Nội dung chính như sau:

Liên quan đến quy hoạch tổng thể quốc gia, tôi cũng tán thành cao với ý kiến của đại biểu Dũng cũng như đại biểu Hòa. Có thể nói, việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ mới lần đầu tiên chúng ta triển khai thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Báo cáo của Chính phủ cũng đã được xây dựng sức công phu, chi tiết và cụ thể. Tuy nhiên, cũng như Báo cáo thẩm định của Ủy ban Kinh tế, mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch khác cũng chưa được nêu, chưa được xác định rõ. Còn một số vấn đề như các đại biểu trước đã nêu, tôi đề nghị là cơ quan soạn thảo cũng giải trình rõ để chúng ta có thể trình Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp này hay không.

Về các nội dung cụ thể:

Thứ nhất, về nội dung định hướng và tổ chức không gian các ngành quan trọng, báo cáo lựa chọn các ngành ưu tiên. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc lựa chọn này còn dàn trải, chưa thể hiện được định hướng ưu tiên. Do đó, đề nghị cần rà soát, thu hẹp danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Đề nghị cân nhắc, nghiên cứu, xem xét gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp cơ khí chế tạo là ngành công nghiệp mang tính nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp khác, quy hoạch công nghiệp gắn với các ngành mang lại giá trị cao, các ngành kinh tế mới như kinh tế số. Đối với định hướng phát triển và phân bổ không gian các ngành dịch vụ, Tôi đề nghị cũng rà soát làm rõ quy hoạch, định hướng phát triển trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Báo cáo của Chính phủ mới đề cập hai ngành quan trọng là du lịch và thương mại. Tôi đề nghị bổ sung làm rõ thêm đối với quy hoạch trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Thứ hai, về danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện. Trong Báo cáo của Chính phủ đang thể hiện danh mục các dự án quan trọng quốc gia gồm 38 chương trình, dự án. Tuy nhiên, đều mang tính định hướng chung, chưa dự kiến về thời gian, quy mô hay nguồn lực, chưa xác định thứ tự ưu tiên, chưa làm rõ sự cần thiết và ý nghĩa, vai trò, tác động đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, tầm nhìn, quy mô, tầm chiến lược quốc gia, liên kết vùng.

Đồng thời việc xây dựng danh mục dự án quan trọng quốc gia, tôi cho rằng phải phù hợp với khả năng bố trí nguồn kinh phí, đặc biệt là nguồn lực đầu tư công, nguồn lực xã hội hóa và việc bố trí cần phải đảm bảo tập trung, tránh dàn trải, lãng phí.

Do đó, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, nên giới hạn số lượng và xác định được thứ tự ưu tiên để đảm bảo tập trung nguồn lực thực hiện, bảo đảm chất lượng dự án, thể hiện được tầm nhìn, quy mô chiến lược liên kết vùng, phát triển các hành lang kinh tế vùng, động lực quốc gia.

Về giải pháp về huy động vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch, báo cáo cần nghiên cứu sâu, phân tích kỹ hơn về nội dung này. Có thể nói quy hoạch xây dựng có tốt bao nhiêu đi chăng nữa thì nguồn lực để thực hiện quy hoạch này mới là quan trọng.

Theo Báo cáo của Chính phủ, để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 7% trong giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến cần khoảng 48,3 triệu tỷ đồng, con số này gấp ba lần so với giai đoạn 10 năm trước, giai đoạn 2011- 2020. Đây là con số rất lớn, do đó cần phải tính toán thật kỹ để đảm bảo tính khả thi trong việc huy động nguồn lực.

Các giải pháp để huy động nguồn lực này trong báo cáo của Chính phủ cũng chưa đề ra giải pháp mang tính đột phá. Hầu hết những cơ chế chính sách hay các giải pháp huy động nguồn lực đều đang triển khai trong giai đoạn hiện nay. Tôi đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch này.  

Đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, báo cáo đã nêu là vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần huy động khoảng 9,7 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2030, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư, trong khi nguồn đầu tư công của chúng ta giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội xác định là 2,87 triệu tỷ đồng, cộng thêm các nguồn lực mà từ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế thì tổng nguồn lực của giai đoạn này khoảng hơn 3.000.000 tỷ đồng. Nếu trong 10 năm tới mà nguồn vốn đầu tư công khoảng gần 10.000.000 tỷ đồng, như vậy cả giai đoạn sau thì yêu cầu phải huy động khoảng hơn 6.000.000 tỷ đồng nữa. Tôi cho rằng con số này là rất khó khả thi, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt rất cao, đồng thời cũng cần đảm bảo an ninh tài chính rồi an toàn nợ công theo các nghị quyết của Trung ương cũng như Nghị quyết của Quốc hội.

Tham gia ý kiến về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh, tôi nhất trí cho tiếp tục thanh toán chế độ, chính sách cho người được điều động tham gia phòng, chống dịch của Covid -19 và chi phí phòng, chống dịch Covid - 19  theo lộ trình ghi tại dự thảo nghị quyết. Báo cáo các đồng chí, có thể nói đại dịch xảy ra tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có đất nước ta thì đây là đại dịch lần đầu tiên mà diện diễn biến rất rộng, khó lường.

Tuy nhiên, chúng ta đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tham gia phòng, chống dịch, rất nhiều lực lượng từ công an, quân đội, đội ngũ y, bác sĩ, sự tham gia của người dân. Khi tham gia phòng, chống dịch, chúng ta không màng đến việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng mà mục tiêu của chúng ta là làm sao để kiểm soát và phòng, chống dịch một cách tốt nhất. Do đó, tôi đề nghị Nhà nước cần phải có tiếp tục thực hiện các chế độ chi trả cho các đối tượng tham gia phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, qua giám sát một số địa phương thì việc thực hiện chi trả chế độ, chính sách còn khó khăn, khó khăn trong việc xác định đối tượng tham gia, khó khăn trong việc xác định ngày công tham gia của mỗi địa phương, cách thực hiện, cách tính quy định còn chưa thống nhất. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ cần sớm có hướng dẫn một cách thống nhất, rõ tiêu chí để dễ triển khai thực hiện thanh toán, quyết toán chi phí phòng, chống dịch cũng như để dễ kiểm tra, giám sát.

Về dự thảo nghị quyết, tôi cơ bản tán thành với dự thảo nghị quyết, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, rà soát lại Điều 4 về hiệu lực thi hành. Tại Khoản 2 quy định các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 30 tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Tôi đề nghị rà soát lại phụ lục đã liệt kê ra một số nghị quyết quy định hỗ trợ người lao động, quy định về hỗ trợ tiền thuế, tiền thuê đất hay các nghị quyết quy định về chuyển nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đã quy định về thời hạn áp dụng cụ thể trong nghị quyết đó. Ví dụ như Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH, Nghị quyết số 406 hay Nghị quyết 393 thì chúng ta đã quy định về đối tượng, thời gian áp dụng ngay trong nghị quyết rồi thì cần làm rõ có cần thiết quy định về hết thời hạn hiệu lực thi hành hay không?

3620 lượt xem
Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h