Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Trải nghiệm miền di sản

01/01/2024 07:43:45 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải mang vẻ đẹp nao lòng người không chỉ được du khách biết đến qua xứ sở của Ruộng bậc thang mà còn mang một dấu ấn văn hóa riêng có qua các phong tục, lễ hội như: Lễ mừng cơm mới, tiếng Khèn, vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông, Lễ hội hoa Sơn Tra, hoa tớ Dày… Để rồi, phong cảnh hữu tình cùng bản sắc văn hóa ấy như có một sức hút kì lạ luôn níu chân biết bao du khách thập phương đến và nhớ mãi không muốn rời xa.

Du khách trải nghiệm tại Ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Qua miền di sản

Huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái là địa phương được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiều cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp cùng nhiều nét văn hóa đặc trưng, riêng có, được hình thành từ lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống về lễ hội, phong tục, tập quán, trang phục, nghề truyền thống, văn nghệ, ẩm thực, nhà ở...

Mù Cang Chải nổi tiếng với vẻ đẹp kỳ vĩ của Ruộng bậc thang. Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1954/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Vùng danh thắng đặc biệt có diện tích hơn 800 ha ruộng bậc thang, tập trung ở các xã La Pán Tẩn, Chế Chu Nha, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải. Đây là di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của tỉnh Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ trao cho cộng đồng người Mông huyện Mù Cang Chải, tôn vinh sự lao động cần cù, sáng tạo của của bao lớp người Mông nơi đây. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là sự kết tinh những sáng tạo của người dân miền núi với tập quán canh tác lúa nước cộng đồng các dân tộc vùng núi cao. Chỉ với đôi bàn tay và cái cuốc, không bản vẽ hay thước đo nhưng người dân đã làm nên những thửa ruộng bậc thang ở mọi độ cao, mọi ngóc ngách của các hẻm núi. Bất kể nơi nào có nước thì nơi đó có thể làm được ruộng.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng khắp thế giới, bất kỳ ai đặt chân tới đây vào mùa lúa chín hay mùa nước đổ đều phải thản phục và kinh ngạc kêu lên: Một tuyệt tác do con người tạo ra. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được rất nhiều báo và tạp chí các nước trên thế giới hết lời ca ngợi và bình chọn là: Đệ nhất ruộng bậc thang đất Việt, Top 20 điểm đến sắc màu nhất trên thế giới, 50 điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2020…

Đặc biệt, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải là nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ (thành lập tháng 10/1946). Với những thành tích, chiến công trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đội du kích Khau Phạ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Cao Phạ được Đảng, Nhà nước phong trặng danh hiệu "Anh hùng lực lược vũ trang" trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 2013, nơi đây được nhà nước công nhận "Di tích lịch sử cấp Quốc gia nơi thành lập đội du kích Khau Phạ" để vinh danh công lao, tinh thần dũng cảm của đội du kích Khau Phạ và cũng là để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ con cháu ngàn đời sau.

Cùng với Danh lam thắng cảnh Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được công nhận năm 2019, “Lễ mừng cơm mới đồng bào Mông” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2021.  Đối với người Mông Mù Cang Chải, lễ mừng cơm mới là một nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng nông nghiệp, mang đậm sắc thái văn hóa riêng có. Đây là nghi lễ được tổ chức để tỏ lòng thành kính, cảm ơn tổ tiên, các vị thần linh. Đồng thời, cũng mời gọi hồn lúa sau một năm ở đồng ruộng về nhà để nghỉ ngơi và cầu mong vụ mới lại tiếp tục nhận được sự phù hộ của tổ tiên, thần linh để mùa màng bội thu. Ngoài ý nghĩa tâm linh, Lễ mừng cơm mới còn là dịp để các thành viên trong gia đình, dòng họ, láng giềng đoàn tụ thể hiện sự gắn bó, tình đoàn kết. 

Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Mới đây nhất, toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải lại vui mừng đón nhận thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Nghệ thuật Khèn; Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông. Đây là dịp để tôn vinh giá trị văn hóa của di sản, cũng như tri ân những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng, của các nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong cộng đồng, để di sản tiếp tục được lan tỏa hôm nay và mai sau; “biến di sản thành tài sản” phục vụ quá trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, huyện Mù Cang Chải có 39 di sản văn hóa vật thể, 142 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, 1 di sản được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích lịch sử cấp quốc gia, 3 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, huyện đã tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các di sản văn hóa, phong tục tập quán địa phương như du lịch văn hóa tâm linh với quần thể Di tích lịch sử đèo Khau Phạ, tham quan Di tích lịch sử bãi đá cổ tại xã Lao Chải; khôi phục, tái hiện Lễ hội Múa khèn Mông, đám cưới của người Mông phục vụ nhu cầu du lịch khám phá văn hóa của du khách. Đồng thời, thành lập Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. 

Trải nghiệm các hoạt động du lịch trên miền di sản

Phát huy thế mạnh về du lịch du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch trải nghiệm, trong thời gian qua, huyện đã phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức quảng bá sản phẩm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. Các cơ sở lưu trú, homestay trên địa bàn huyện đểu được bố trí hợp lý, hài hòa; các món ăn truyền thống được chế biến hợp khẩu vị; đặc biệt con người nơi đây luôn thân thiện nên để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách thập phương. Để thu hút du khách vào cả 4 mùa, huyện Mù Cang Chải đã tổ chức rất nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn bằng cách tổ chức các lễ hội như Lễ hội khám phá danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang, Lễ hội hoa Sơn tra, Lễ hội hoa Tớ Dày… Đồng thời, tổ chức cho bà con đồng bào vùng cao tham gia các hoạt động văn hóa, các hội chợ, hội thi quảng bá sản phẩm... để phát triển các sản phẩm du lịch truyền thống.

Trình diễn Khèn Mông tại buổi diễu diễn đường phố huyện Mù Cang Chải

Để phát huy thế mạnh của du lịch tại ruộng bậc thang, Mù Cang Chải đã kết hợp loại hình du lịch trải nghiệm và du lịch mạo hiểm, trong đó gắn thăm quan di tích Quốc gia Ruộng bậc thang với bay dù lượn. Xác định được lợi thế vốn có, thời gian qua huyện đã tăng cường chỉ đạo để phát triển loại hình du lịch này trở thành thế mạnh riêng. Cụ thể, huyện đã chỉ đạo ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TU ngày 18/10/2016 của Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; xây dựng và ban hành Đề án "Phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ gắn với Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang và Di tích Lịch sử nơi thành lập Đội Du kích Khau Phạ huyện Mù Cang Chải  năm 2016 và định hướng đến năm 2020”; đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm để triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đó, huyện đã tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang, cụ thể, huyện đã tổ chức các hoạt động du lịch theo mùa, trong đó mùa nước đổ vào tháng 5 và tháng 6; Tuần Văn hóa, Du lịch, khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang tổ chức vào mùa lúa chín tháng 9 và tháng 10 gắn với các hoạt động Tết độc lập 2/9. Huyện có chủ trương mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng các dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hình thức du lịch cộng đồng, tập trung tại các xã La Pán Tẩn, Nậm Khắt, thị trấn Mù Cang Chải; chú trọng quy hoạch các sản phẩm du lịch như du lịch chinh phục, khám phá với các hoạt động: du lịch leo núi thể thao đỉnh núi Tháp trời xã La Pán Tẩn, du lịch thám hiểm rừng nguyên sinh Chế Tạo, du lịch mạo hiểm bay dù lượn đèo Khau Phạ; khôi phục và tái hiện các lễ hội truyền thống của người Mông và người Thái phục vụ nhu cầu du lịch khám phá văn hóa của du khách như: lễ hội múa khèn Mông, đám cưới Mông và đặc biệt là huyện tổ chức các đêm văn nghệ đặc sắc vào các tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần, nhất là vào mùa du lịch nước đổ và lúa chín. Sản phẩm du lịch theo mùa và du lịch nông nghiệp - làng nghề tập trung phát triển các sản vật nổi tiếng của địa phương như dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong, rượu thóc La Pán Tẩn, gạo Séng cù, nếp Tan Cao Phạ, sơn tra, mật ong... đưa các sản phẩm này trở thành các sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu riêng Mù Cang Chải.

Chị Nguyễn Thanh Thủy - du khách đến từ Thủ đô Hà Nội cho biết: thông thường du khách khi đến tham quan tại một địa danh nào đó, họ muốn thưởng thức ẩm thực và mua đồ về làm quà. Tôi đã đến Mù Cang Chải 2 lần rồi, nơi đây không chỉ có cảnh quan, văn hóa hấp dẫn mà ẩm thực ở đây rất phong phú và ngon. Đó cũng là nét văn hóa mà Mù Cang Chải tạo nên sự khác biệt với nhiều nơi khác.

Thêm một loại hình du lịch được du khách quốc tế yêu thích là du lịch homestay. Toàn huyện Mù Cang Chải hiện có trên 100 cơ sở lưu trú đã được cấp phép đăng ký hoạt động, trong đó chủ yếu là các homestay với sức chứa lên tới hàng nghìn khách mỗi đêm, trong đó, tập trung chủ yếu ở thị trấn Mù Cang Chải. Đây là loại hình du lịch mà du khách quốc tế rất thích thú, nó giúp cho du khách trải nghiệm thực tế cuộc sống, cùng làm người nông dân thật sự, tự mình chế biến món ăn, tự khám phá những nét đẹp dân dã của vùng cao. Du khách có thể trải nghiệm các hoạt động bắt cá suối, trực tiếp cày bừa, cấy gặt trên cánh đồng ruộng bậc thang. 

Anh Sebastian Morhar - một du khách đến từ Đức cho biết: "Đến với Mù Cang Chải, tôi được tham gia loại hình du lịch homestay này, được sinh hoạt, làm ruộng cùng với người dân địa phương thật là thú vị. Tôi cảm nhận được cuộc sống yên bình, con người nơi đây thì thân thiện và hiếu khách. Đặc biệt, chúng tôi được cùng tham gia với mọi người trong gia đình nấu các món ăn dân dã cho bữa cơm gia đình, thưởng thức các món đặc trưng của vùng đất nơi đây thật ngon. Mọi người xem tôi như một thành viên trong nhà, đi du lịch nhiều nơi, nhưng tôi thấy loại hình du lịch này rất đặc biệt và mới lạ, tôi nghĩ tiềm năng để phát triển du lịch của Mù Cang Chải là rất lớn".

Có thể thấy, du lịch Mù Cang Chải nhiều năm qua đã và đang có sức hút vô cùng lớn. Riêng 9 tháng năm 2023, huyện đã đón gần 250.000 lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt 245 tỷ đồng. Con số hàng trăm nghìn lượt du khách và hàng trăm tỷ đồng doanh thu từ du lịch, không chỉ là kết quả của hàng loạt các chính sách vĩ mô, những dự án đầu tư, những công trình hạ tầng kỹ thuật..., mà còn từ sự nỗ lực trong tất cả các khâu và một trong số đó là sự tận tình, chu đáo, kỹ năng chuyên nghiệp của các cán bộ, nhân viên, hướng dẫn viên du lịch, cùng sự thân thiện thể hiện qua cử chỉ, ánh mắt, nụ cười của mỗi người dân Mù Cang Chải. 

Ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mù Cang Chải phấn khởi cho biết: Huyện Mù Cang Chải gần đây đã được du khách trong và ngoài nước biết tới với nhiều cảnh đẹp như: Mâm xôi, Võng Lúa, Rừng Trúc, Sống Khủng Long, khu bảo tồn là và sinh cảnh Chế Tạo, đèo Khau Phạ… Du khách đến đây mùa nào cũng được tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp cùng với đó là những nét văn hóa riêng, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc: Mông, Thái. Trong thời gian tới, huyện sẽ bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, tận dụng tài nguyên thiên nhiên sẵn có để tiếp tục thu hút khách du lịch tới đây. 

Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 23 chỉ tiêu trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xác định tập trung triển khai thực hiện 3 đột phá, 4 chương trình trọng điểm, trong đó xác định mục tiêu trong thời gian tới, huyện Mù Cang Chải sẽ giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển kinh tế du lịch là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt mục tiêu này sẽ góp phần đưa Mù Cang Chải trở thành điểm đến Xanh - Bản sắc - An toàn - Thân thiện.

1096 lượt xem
Lan Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h