Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Lễ hội Cầu yên của người Cao Lan ở Yên Bình

02/02/2025 07:14:01 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Lễ Cầu yên hay còn gọi là Cầu an, là nghi lễ phổ biến ở nhiều dân tộc thiểu số của miền Bắc nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng, trong đó có đồng bào Cao Lan. Đây là phong tục truyền thống tốt đẹp có từ xa xưa của cư dân nông nghiệp.

Lễ Cầu yên, với mong muốn cầu thần linh phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Để duy trì cuộc sống, đồng bào Cao Lan ở Tân Hương, huyện Yên Bình trồng nhiều loại cây lương thực, nhưng chủ yếu vẫn là cây lúa nước. Trong quá trình thiên di đến vùng đất mới, cuộc sống ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, mùa vụ phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nhiều hiện tượng như thiên tai, dịch bệnh xảy ra không thể lý giải đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất cấy trồng của bà con. Từ các hiện tượng tự nhiên đó, đồng bào Cao Lan dần hình thành niềm tin vào các đấng siêu nhiên, cho rằng ở mỗi vùng đất đều có các vị thần ngự trị cai quản. Vì vậy, mỗi khi chuẩn bị vào vụ mới hoặc sau khi kết thúc mùa vụ, bà con lại tổ chức Lễ Cầu yên, với mong muốn cầu (tạ ơn) thần linh sẽ (đã) phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đồng thời xua đuổi những điều không may mắn. Đây cũng là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian mang bản sắc văn hóa đặc trưng của người Cao Lan.

Bởi ý nghĩa là lễ cầu hoặc tạ ơn, cho nên Lễ Cầu yên không diễn ra cố định vào thời gian nào trong năm (có thể ngay đầu xuân mới hoặc cuối năm, sau khi thu hoạch vụ mùa). Khi làng thống nhất thời điểm tổ chức lễ, đồng bào sẽ chọn ra một ngày đẹp nhất, thường là từ mùng 2 đến mùng 9 trong tháng. Lễ được dân làng chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận. Trước ngày diễn ra buổi lễ, dân bản cùng nhau quét dọn nơi tổ chức lễ, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, đồng thời phân công nhau cùng chuẩn bị đầy đủ mọi thứ từ đàn cúng, cây nêu cho đến lễ vật dâng cúng.

Đàn cúng Lễ Cầu yên là một lán rộng khoảng 30m2 bằng tre, nứa, mái lợp cọ, bên trong có đàn cao chia thành 3 bậc. Bậc trên cùng là cúng Ngọc Hoàng Thượng đế. Bậc thứ 2 là cúng Thành hoàng làng (người sáng lập ra đình làng và những người có công với dân làng). Bậc dưới cùng là cúng các vị thần linh như thần núi, thần sông, thần nông, thần địa trạch… Phía trước lán cúng, bà con dựng một cây nêu làm bằng tre cao 3- 4 m, trên đỉnh cây nêu có biểu tượng hình tứ giác, trên mỗi mặt có các biểu tượng hình mặt trời, mặt trăng, hình sông núi tượng trưng cho vũ trụ. Dưới chân cây nêu đặt mâm cúng có con gà, ván xôi. Lễ vật dâng cúng gồm thịt lợn, thịt gà, rượu, chè, thuốc, xôi, hoa quả, bánh kẹo (1 con lợn to khoảng 80kg; 30 con gà cả trống và mái; tất cả đều là vật sống, chưa giết mổ; rượu gạo khoảng 10 lít, xôi ngũ sắc nấu bằng gạo nếp ngon cùng các màu từ lá cây). Người Cao Lan quan niệm, những mảnh giấy có màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành, sung túc, mùa màng bội thu; đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là xua đuổi ma quỷ, thú dữ, sâu bọ, do đó trong buổi lễ, các thầy cúng lấy giấy màu và tiền vàng gấp thành hình các con vật như chim, cá, trâu bò, hươu, nai và hình thuyền, bè, tất cả đặt trong 1 chiếc nia tượng trưng cho sự êm ấm, no đủ. Hình tượng chiếc thuyền sẽ chở đầy thóc lúa chờ đón một mùa màng bội thu cho dân bản. Chiếc thuyền ấy còn chở các vị thần linh, tổ tiên trở về dự lễ cùng con, cùng cháu cùng toàn thể dân bản.

Lễ rước mời các thần từ đình Khuôn La về nơi tổ chức để dự lễ (ảnh Báo Yên Bái)

Bước vào phần lễ, 8 vị thầy cúng (gồm 1 thầy cúng chính và 7 thầy phụ) sẽ tiến hành lễ khấn, thỉnh mời các thần về nơi tổ chức lễ hội và cùng đoàn người rước các thần từ đình Khuôn La về nơi tổ chức để dự lễ. Phần lễ chính được diễn ra với nghi thức cúng tế trang trọng, thể hiện lòng biết ơn của dân làng đối với Thành hoàng làng và các vị thần trong vùng như: thần núi, thần sông và tổ tiên các dòng họ để cầu cho dân làng được ấm no, bình yên, hạnh phúc, mùa màng bội thu, người an, vật thịnh. Mở đầu là lễ Tế chay, lễ vật gồm hoa quả, vàng hương, bánh kẹo, trầu cau, cơm xôi đường. Sau lễ này, các con vật dâng cúng mới được đem đi giết mổ, đảm bảo tính linh thiêng cho buổi lễ. Trong lúc chờ chế biến lợn, gà, các thầy cúng vẫn tiến hành cúng tế kêum gọi âm binh thu các loại sâu bọ, phá hoại mùa màng vong tà, ma quỷ nhốt vào ống tre rồi mang ra sông, ra ngòi thả. Sau đó kiệu hồn vía lúa, ngô, khoai, sắn, trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng về cho dân làng mùa màng bội thu chăn nuôi phát triển, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Gà, lợn đã được luộc chín, thầy cúng xin đài âm dương để xin phép các thần linh để bày lên các đàn tế. Trên tầng đàn cao nhất được đặt 1 con gà trống và 1 ván xôi; tầng thứ 2 đặt 1 thủ lợn và 5 con gà và 1 con gà vào mâm cúng người sáng lập ra đình; tầng thấp nhất có 5 mâm cúng, trong đó mâm nữ thần chóp dù đặt 1 con gà, mâm cúng thần Thạch hang (cai quản vàng bạc cho dân làng) đặt 1 con gà, mâm cúng Thần Nông đặt 5 con gà và bánh chay, mâm cúng Địa trạch đặt 5 con gà và bánh chay, mâm cúng thần linh thổ địa và các chúng sinh đặt 3 con gà và bánh kẹo, bỏng, gạo, muối, cháo. Ngoài ra, trên mâm cúng thần cây nêu có 1 con gà và 1 ván xôi, hoa quả, trầu cau, nước, rượu, vàng hương, sớ. Sau khi lễ vật đã đầy đủ, giờ đẹp đến, các thầy cúng bắt đầu ngồi vào làm lễ, dân làng tập trung phía sau, các cụ cao niên trong thôn được xếp ngồi gần thầy cúng.

Kết thúc lễ cúng tế là lễ Hóa vàng, đây là nghi thức hóa hương vàng và các vật phẩm tượng trưng trong lễ cúng, để tiễn các vị thần về nơi ở cũ, thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thần và các bậc tiền nhân đã phù hộ cho dân làng một năm mạnh khỏe, may mắn. Sau các nghi thức của phần lễ này, thầy cúng phát cho dân làng, bà con mỗi nhà một ít thóc gạo về cho vào bồ và 1 cái lồng đựng gà, trong lồng có kẹp 1 chiếc lông gà mang về cho vào chuồng gà, theo quan niệm của đồng bào điều này sẽ giúp chăn nuôi phát triển, mùa màng bội thu. Sau bữa liên hoan vui vẻ, cùng nhau thụ hưởng lộc của các thần linh, đồng bào chuyển sang phần hội với các câu hát, điệu múa, các trò chơi dân gian của người Cao Lan. Trong Lễ hội Cầu yên nói riêng, các lễ hội truyền thống của đồng bào Cao Lan nói chung luôn không thể thiếu các điệu múa cổ như: Múa khai đèn, múa Tam thanh, múa giã cốm, các làn điệu Xịnh ca mượt mà, ấm áp và các trò chơi dân gian như kéo co, ném còn…, tạo nên không khí sôi động trong những ngày đầu xuân mới.

Là một nghi lễ mang đậm dấu ấn tín ngưỡng văn minh nông nghiệp, thể hiện bề dày nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, Lễ Cầu yên của người Cao Lan không chỉ thể hiện thế giới nhân sinh, lịch sử hình thành, phát triển của một tộc người, mà còn thể hiện quan niệm của cộng đồng về thế giới tâm linh, tín ngưỡng, thể hiện các giá trị văn hóa văn nghệ, những phong tục tập quán, tính giáo dục của cộng đồng dân tộc; giúp đồng bào giải toả nhu cầu tâm linh, gửi gắm những hy vọng, mơ ước về cuộc sống no đủ, yên vui, hạnh phúc.

507 lượt xem
CTV: Nguyễn Tâm

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h