Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Viễn Sơn bảo tồn và phát triển cây dược liệu của người Dao

29/10/2017 04:44:09 Xem cỡ chữ Google
Viễn Sơn là địa phương có 75% đồng bào dân tộc Dao sinh sống với đặc điểm tự nhiên thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với nhiều loại cây thuốc quý. Phát huy thế mạnh này, một nhóm phụ nữ gồm 15 thành viên đã tham gia nhóm bảo tồn và phát triển cây dược liệu của người Dao thuộc Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 huyện Văn Yên với tổng diện tích gần 12 ha.

Bà Hoàng Thị Von (bên trái) giới thiệu các vị thuốc trong bài thuốc tắm gia truyền.

 

Đã từ lâu, người Dao nói chung và người Dao Viễn Sơn nói riêng đã biết khai thác, sử dụng nguồn dược liệu tự nhiên sẵn có để chữa bệnh và phục vụ đời sống. Tuy nhiên, nguồn dược liệu đó không phải là bất tận nếu người dân không biết cách khai thác bền vững.

Bà Hoàng Thị Von - Trưởng nhóm bảo tồn và phát triển cây dược liệu của người Dao cho biết: "Trước kia, gia đình tôi phải vào tận rừng sâu để tìm nguyên liệu để chế biến các bài thuốc nam. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu không phải lúc nào cũng sẵn có. 

Từ khi tham gia vào nhóm, tôi và các thành viên đã mang những giống thuốc quý về trồng ở vườn nhà tùy vào tập tính sinh trưởng của cây. Có những cây thuốc không ưa đất vườn thì phải trồng trên đồi dưới tán các cây cao. Nhờ vậy, gia đình tôi luôn chủ động được nguồn dược liệu”.

Đến thăm vườn dược liệu đang lên xanh tốt của gia đình bà Lý Thị Sính ở thôn Khe Dứa có thể thấy, các loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây.

Bà Sính cho biết: "Mỗi loại cây dược liệu đều có điều kiện sống, ưa ẩm, ánh sáng khác nhau nên nếu đưa hết về vườn nhà, một vài loại cây không thích ứng được sẽ chết. Sau khi tham gia nhóm, chúng tôi được tập huấn các kỹ thuật canh tác như làm đất, bón phân, tưới tiêu, chăm sóc, thu hoạch, xác định lịch mùa vụ… từ đó, có thêm kiến thức để trồng cây dược liệu tốt hơn”. 

Bà Sính cũng cho biết thêm, khác với các loại cây trồng khác, cây dược liệu không mất quá nhiều công chăm sóc, không lo dịch bệnh và cũng không bị rủi ro, bấp bênh mùa vụ, để lâu cũng không bị hỏng, thậm chí lại càng có giá trị cao hơn.

Việc đưa các giống cây dược liệu về trồng tại vườn vừa góp phần bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu vừa rút ngắn thời gian, công sức, tăng thu nhập cho người dân. Bài thuốc gia truyền lá tắm của người Dao đã trở thành những gói thuốc bán cho khách du lịch và người dân khắp cả nước.

Được biết, theo dân gian, thuốc lá tắm người Dao có trên 50 loại lá thuốc khác nhau. Lá tắm này giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, tê bì chân tay… đặc biệt tác dụng với phụ nữ sau sinh và người mới ốm dậy. Trẻ sơ sinh tắm lá thuốc không mụn nhọt, rôm sảy, lớn lên ít ốm vặt, khỏe mạnh.

Lá thuốc thu hái về được rửa sạch, băm nhỏ, phơi khô rồi mới chế biến thành các sản phẩm như lá tắm, lá ăn, lá uống hàng ngày. Mỗi tháng, nhóm cung cấp ra thị trường trên 120 kg lá thuốc với gần 500 sản phẩm, trị giá khoảng 20 triệu đồng, bình quân mỗi hộ thu nhập từ 1,5 – 2,5 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động. Năm 2012, 15 hộ tham gia nhóm với 70% là hộ nghèo thì đến nay sau 5 năm duy trì, số hộ nghèo giảm xuống còn 40%, hộ khá giàu chiếm 60%.

Ông Bàn Phúc Hín - Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn chia sẻ: "Cây dược liệu đã và đang góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi còn đang gặp nhiều khó khăn khi chưa có địa điểm bán, giới thiệu sản phẩm để phổ biến rộng rãi trên thị trường; chưa được thẩm định chất lượng, đăng ký nhãn hiệu để bảo đảm uy tín, chất lượng, giúp ổn định đầu ra. Chính quyền xã mong muốn tỉnh và huyện trợ giúp để tháo gỡ khó khăn trên, để bà con vùng cao nâng cao thu nhập”.

Việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu của người Dao ở xã Viễn Sơn không những phát huy thế mạnh của vùng, bảo tồn được các cây dược liệu quý mà còn mở ra một hướng thoát nghèo mới cho nhân dân.

 

1202 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h