Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Phục dựng di tích lịch sử đền Việt Thành (xã Việt Thành)

31/10/2017 13:35:43 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Đền Việt Thành, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, đền thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn (Quế Hoa công chúa) và những người có công đưa dân đến khai phá, lập làng. Trải qua hơn 100 năm lịch sử ngôi đền đã bị xuống cấp hư hỏng, thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương đến nay ngôi đền đã được phục dựng khang trang.

Đền Việt Thành (xã Việt Thành, Trấn Yên) mới được phục dựng

Di tích đền Việt Thành cách trung tâm huyện Trấn Yên 7km về phía Bắc. Trước kia, đền tọa lạc bên ngòi Phú Thọ (thuộc thôn 6), do chiến tranh và nguy cơ lũ lụt, năm 1976 chính quyền địa phương đã quyết định di chuyển ngôi đền đến thôn 4. Đền được xây dựng theo hình chữ Đinh với diện tích gần 60 m2, gồm 3 gian tiền bái và 1 gian hậu cung. Đền Việt Thành là hình ảnh thân quen thể hiện lòng tri ân, trọng nghĩa, trọng tài của mọi người dân với những người có công khai bản lập làng, những người có công với quê hương, đất nước; nơi đây còn chứng kiến, kế thừa lưu giữ những giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xã Việt Thành (trước đây có tên gọi là xã Phú thọ) là địa điểm tập kết bộ đội, du kích, dân công, lương thực, vũ khí... Trong các chiến dịch Nghĩa Lộ - Quang Huy (1948); chiến dịch sông Thao (1949); chiến dịch Lý Thường Kiệt (1951) và chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ (1952), đền Việt Thành là nơi dừng chân, nơi họp triển khai nhiệm vụ của bộ đội, dân công trước khi vượt sông Hồng ở bến Phú Thọ sang đánh đồn Đại Bục, Đại Phác và tiến vào giải phóng Nghĩa Lộ, góp phần giải phóng Tây Bắc (1952). Trước những giá trị về văn hóa và giá trị lịch sử, đền Việt Thành đã được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái quyết định xếp hạng và cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2014.

Đền Việt Thành thờ Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Ngàn), ngoài ra còn thờ những người có công đưa dân đến khai phá, lập làng, đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Đền Việt Thành là thiết chế tín ngưỡng, nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng các dân tộc xã Việt Thành. Thể hiện mong ước của con người luôn khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ; cầu cho quốc thái, dân an; nơi bảo tồn, lưu truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: “Trải qua hơn một trăm năm tồn tại, đền Việt Thành luôn là một điểm sinh hoạt quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng - tâm linh của nhân dân, góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân trong và ngoài địa phương. Nhân dân xã Việt Thành nói riêng, người dân trong vùng nói chung luôn thể hiện tinh thần trân trọng, nêu cao ý thức  tôn trọng, trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị của di tích đền Việt Thành, góp phần bảo tồn những giá trị tốt đẹp của quê hương.”

Hàng năm đền diễn ra 7 lễ hội lớn nhỏ; trong đó lễ chính được tổ chức vào rằm tháng Giêng hàng năm để cầu mong năm mới an lành, hạnh phúc đến với mọi nhà; lễ hội xuống đồng; lễ mừng cơm mới; lễ đóng cửa rừng… Trải qua thăng trầm, biến cố của lịch sử, đền Việt Thành đã tu sửa, xây dựng lại, không còn nguyên vẹn về kiến trúc, nhưng đền Việt Thành vẫn là di sản văn hóa tiêu biểu, là biểu tượng linh thiêng của nhân dân các dân tộc xã Việt Thành. Bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết thêm: “Thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, năm 2016, ngôi đền được khởi công phục dựng ngay tại vị trí của đền xưa nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng. Việc tổ chức trùng tu, tôn tạo, phục dựng lại ngôi đình hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa do nhân dân trong xã và du khách thập phương đóng góp với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Đến nay, ngôi đền đã cơ bản hoàn thành đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.”

Đền Việt Thành là một trong những di tích quan trọng nằm trong quần thể các di tích đình đền dọc 2 bờ sông Hồng của huyện Trấn Yên. Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên các dòng họ, gia đình trong xã nhiều con em đi làm ăn xa đã tự nguyện đóng góp số tiền lên tới hơn 5 tỷ đồng và hàng trăm ngày công lao động để tu tạo ngôi đình. Quy mô của công trình được thiết kế xây dựng kết hợp một cách hài hòa, phù hợp giữa hình khối ngôi đình với không gian, cảnh quan thiên nhiên. Kiến trúc công trình vừa tiếp thu được phong cách hiện đại vừa giữ gìn, phát huy và kế thừa những nét độc đáo, tinh xảo của ngôi đền cổ. Việc hoàn thành phục dựng ngôi đền khang trang, bề thế sẽ tạo nên nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho nhân dân địa phương và du khách thập phương góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và giáo dục truyền thống.

1106 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h