Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái: Phát triển giao thông nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

08/02/2016 09:58:30 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Xác định “Giao thông đi trước một bước”, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái quan tâm tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư bê tông hóa, cứng hóa mặt đường giao thông nông thôn. Sau 4 năm thực hiện Đề án Phát triển giao thông nông thôn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Chú trọng phát triển giao thông nông thôn

Xác định giao thông nông thôn (GTNT) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ và nhân dân thành phố Yên Bái đã có nhiều giải pháp để xây dựng hệ thống GTNT, giúp nhân dân đi lại giao thương hàng hóa. Nhằm hoàn thiện và nâng cấp hệ thống giao thông nội bộ còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là các xã ngoại thành, những năm qua, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất xây dựng nâng cấp và mở rộng các tuyến đường giao thông liên thôn.

Với lợi thế là xã có địa bàn rộng và nằm trong vùng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Yên Bái, năm 2015 xã Tân Thịnh đã được tỉnh và thành phố đầu tư xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng. Trong đó, mở mới và kiên cố hóa 4 tuyến đường GTNT với tổng chiều dài trên 2,7 km; xây dựng 2 cầu sắt từ thôn 3 Lương Thịnh đi thôn 2 Lương Thịnh và từ Thôn 3 Lương Thịnh đi xóm Chăn nuôi với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đến nay, các công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu. Ông Nguyễn Văn Tĩnh - Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: “Chúng tôi thực hiện hết sức dân chủ, triển khai đồng bộ trong hệ thống chính trị, phải nói rằng nhân dân trong xã rất đồng lòng, có những hộ dân đã hiến hàng nghìn mét vuông đất và các công trình xây dựng để làm đường. Đến nay, các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng và có hiệu quả thiết thực phục vụ cho đời sống của nhân dân địa phương”.

Thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn, từ năm 2012 đến năm 2015 thành phố Yên Bái đã kiên cố hóa mặt đường bê tông xi măng trên 101 km, với tổng mức đầu tư hơn 116 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 44 tỷ đồng. Thành phố cũng đã mở mới, mở rộng được trên 41 km đường GTNT. Điểm nổi bật trong công tác phát triển GTNT ở thành phố đó là đã tạo được sự đồng thuận và huy động được người dân cùng chung sức tham gia làm đường GTNT, từ đó góp phần từng bước cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông ở các khu dân cư. Bà Tô Thị Nguyên - thôn 2 xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái chia sẻ: Bây giờ mở đường ra thuận tiện cho người dân thuận tiện đi lại giao thương hàng hóa phát triển kinh tế, nên tôi cũng nhất trí hiến phần đất ruộng để làm đường và bà con trong thôn cũng đồng lòng ủng hộ chủ trương của Nhà nước.

Hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố Yên Bái được đầu tư đã góp phần nâng cấp bộ mặt đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo trật tự an tự an toàn giao thong.

Chung sức đồng lòng

Là địa phương nhiều năm dẫn đầu trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, từ năm 2012 đến nay huyện Lục Yên đã làm được trên 250 km đường giao thông nông thôn, trong đó mở mới và mở rộng trên 130 km, kiên cố mặt đường bê tông xi măng được trên 120 km.


Giao thông nông thôn "nối gần bản xa"

Được biết, để phong trào làm đường GTNT nhận được sự đồng thuận của người dân, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Việc làm này được thực hiện thường xuyên với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, sự tham gia nhiệt tình của ban, ngành, đoàn thể và lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp thôn, bản. Từ chủ trương đúng đắn đó, cộng với nhận thức cao về ý nghĩa của việc làm đường nên từ năm 2010 đến nay, việc làm đường GTNT trên địa bàn huyện đã được người dân hết sức ủng hộ. Chuyện người dân sẵn sàng hiến đất, phá bỏ cây cối, hoa màu để mở rộng con đường không còn xa lạ, trong đó, nhiều gia đình dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn năng nổ, nhiệt tình trong mọi hoạt động làm đường. Ông Trần Văn Bình, thôn Nà Khao, xã Yên Thắng cho biết: “Năm nay, tôi đã 77 tuổi nhưng từ khi thôn có chủ trương làm đường bê tông, tôi vẫn tham gia nhiệt tình, hiến đất mở đường”.

Giao thông đi trước một bước

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Yên Bái luôn quan tâm xây dựng phát triển nông thôn, cải thiện, nâng cao mức sống của người dân. Trong đó, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư bê tông hóa, cứng hóa mặt đường giao thông nông thôn. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau 4 năm thực hiện Đề án phát triển Giao thông nông thôn trên địa bàn, đến nay mục tiêu của đề án đã được hoàn thành, đạt 138,7% so với kế hoạch giao, đối với kiên cố mặt đường và đạt 144,1% so với kế hoạch giao đối với đường đất so với kế hoạch giao. Giá trị thực hiện đến hết năm 2015 đạt 1.021 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư của Nhà nước là 448 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 573 tỷ đồng. Các địa phương trong tỉnh đã huy động được một nguồn lực rất lớn từ nhân dân thông qua việc đóng góp về vật liệu, ngày công, tiền. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã đóng góp bằng tiền, ca máy; nhiều gia đình tự nguyên tham gia ủng hộ tiền và tự nguyện hiến đất. Sự đóng góp thiết thực đó, đã và đang cùng với tỉnh đẩy mạnh phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã hoàn thành 7.218 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa là 1.908 Km chiếm 26,43%; đường đất và cấp phối là 5.310 km chiếm 73,56%. Tỉnh Yên Bái đã phát huy nội lực, vận động nhân dân dấy lên phong trào làm đường GTNT. Tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương để huy động, vận động nhân dân tham gia phù hợp, nơi có đá thì góp đá, có cát, sỏi thì góp cát sỏi, góp ngày công san nền, đánh đất rồi tiền mặt... Những giải pháp đó đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và tạo nên một phong trào làm đường GTNT rộng khắp. Những tuyến đường bê tông, đường nhựa đạt tiêu chuẩn đường miền núi ngày một nối dài và vươn đến tất cả các xã, các bản làng vùng cao.

Một trong những yếu tố tạo nên phong trào và sự đồng thuận của người dân là trong quá trình thi công các nguồn vốn được minh bạch, nhất là vốn đóng góp của nhân dân; 100% tuyến đường đều có sự giám sát chặt chẽ của người dân. Người dân đã tích cực góp công, góp của, sức lực làm đường. Đến nay 100% các địa phương đã có đường ô tô đến trung tâm xã, kể cả những xã vùng cao như: Phình Hồ, Tà Si Láng (huyện Trạm Tấu), An Lương, Suối Quyền, Suối Giàng (huyện Văn Chấn), Lao Chải, Mồ Dề, Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải)… Đường mở đến đâu, kinh tế phát triển đến đó. Một số địa phương thực hiện tốt công tác phát triển giao thông như thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên…

Tiếp tục kiên cố hóa giao thông nông thôn

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tạo động lực phát triển hơn nữa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo, tại kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVII đã ban hành Nghị quyết về phê duyệt Đề án phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đến hết năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu kiên cố hóa ít nhất 450 km mặt đường giao thông liên xã, liên thôn và nội thôn. Trong đó có 300 km loại đường có bề rộng mặt đường 3,5m và 150 km đường có bề rộng từ 2,0 m đến dưới 3,0m; Mở mới, mở rộng ít nhất 600 km đường thôn bản loại 3,5m, trong đó mở mới nền đường 300 km bề rộng tối thiểu là 3,5 m, mở rộng nền đường tới 3,5 m là 300 km. Tổng nhu cầu vốn Nhà nước hỗ trợ cho giai đoạn 2015 - 2020 trên 270 tỷ đồng, cùng với nguồn vốn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp và các nguồn vốn vay, hỗ trợ giao thông nông thôn hợp pháp khác.

Ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai giai đoạn tiếp theo và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020. Chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh mong muốn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ sở và người dân trong quá trình tổ chức thực hiện, giảm mức huy động đóng góp của người dân trên địa bàn. Đề án đưa ra cơ chế rõ ràng, dễ làm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các xã, phường trong việc lập dự toán thanh quyết toán. Về cơ chế đầu tư thì Nhà nước hỗ trợ toàn bộ vật liệu chính như: Xi măng, cát, đá và tỷ lệ hỗ trợ cao hơn giai đoạn 2010 - 2015.

Để hoàn thành các mục tiêu này, tỉnh Yên Bái tiếp tục quán triệt và vận dụng các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, và sự chỉ đạo của các Bộ, Ngành Trung ương trong công tác phát triển hạ tầng GTNT. Chỉ đạo các địa phương trong tỉnh thực hiện phát triển GTNT gắn với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn diện như: Xoá đói, giảm nghèo, các dịch vụ và kế hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần cho người dân, giảm bớt sự chênh lệch, cách biệt giữa nông thôn và thành thị. Thực hiện tốt công tác quản lý bảo trì và khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng GTNT hiện có. Phát triển giao thông nông thôn phải phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia với đường tình, đường huyện, đường xã, đường thôn bản, giữa các vùng kinh tế đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương.

Phát huy nội lực, có cơ chế chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển GTNT với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhân dân làm là chính. Việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn phải phù hợp với Quy hoạch đã được phê duyệt, kết hợp lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức Quốc tế. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, vật liệu mới, công nghệ tiên tiến kết hợp với sử dụng vật liệu tại chỗ nhằm giảm chi phí xây dựng cho các công trình giao thông nông thôn. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư phát triển GTNT, tiếp tục phân cấp cho các địa phương theo đúng quy định của Luật Ngân sách, và các quy định hiện hành.

Bằng những giải pháp đồng bộ, tin rằng những con đường của “ý Đảng lòng dân” sẽ tiếp tục được nối dài, hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh ngày càng hoàn thiện. Để niềm vui của mỗi người dân như được nhân lên, qua đó củng cố niềm tin vào Đảng và mỗi cấp ủy chính quyền, đồng thời tạo cho diện mạo nông thôn thêm khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

621 lượt xem
Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h