Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Xây dựng vùng cây ăn quả ở Văn Chấn

10/03/2016 16:41:02 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân huyện Văn Chấn khóa X đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Đề án "Phát triển vùng cam, quýt các xã, thị trấn vùng ngoài huyện Văn Chấn, giai đoạn 2016 - 2020". Đề án được thông qua là niềm vui, hy vọng lớn của người dân các xã vùng ngoài của huyện, nhằm thực hiện mong muốn phát triển, tăng về diện tích, sản lượng, chất lượng và thu nhập từ các trang trại cây ăn quả.

Đồng chí Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn kiểm tra vùng cam thực hiện Đề án.

Đề án của lòng dân     

Với gần 200 ha cam quýt các loại, nhiều năm qua Thượng Bằng La luôn được xác định là một trong 3 xã chủ lực của huyện Văn Chấn về diện tích, sản lượng, thu nhập từ cây cam. Chủ tịch UBND xã Hoàng Đình Mưu phấn khởi: "Phong trào trồng cam phát triển nhất tập trung chủ yếu ở thôn Thiên Tuế với gần 100 ha. Đã có hơn 80 hộ dân ở đây đầu tư rất lớn để hình thành những trang trại cam chất lượng, điển hình như gia đình bà Vũ Thị Lợi, Đỗ Xuân Việt, Trần Ngọc Bích, Vũ Văn Oản... Trung bình một năm, tổng thu từ cam của các gia đình dao động từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng". Chính việc quy hoạch, phát triển chuyên canh diện tích trồng cây ăn quả, vận động người dân hướng tới quy trình sản xuất an toàn đã giúp cam quýt của Thượng Bằng La càng khẳng định uy tín trên thị trường. Chỉ tính riêng vụ cam vừa rồi, người trồng cam toàn xã có nguồn thu không dưới 35 tỷ đồng. Ông Trần Ngọc Bích- người sở hữu gần 7ha cam sành, cam đường canh, chanh các loại phấn khởi: "Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư để mở rộng diện tích, và chỉ tập trung cho các giống có giá trị cao như đường canh, chanh đào, để nâng cao hơn nữa thu nhập cho gia đình".

Ông Bích và các hộ trồng cam ở Thượng Bằng La nói riêng và các xã vùng ngoài nói chung sẽ càng vui hơn khi Đề án phát triển vùng cam, quýt các xã, thị trấn vùng ngoài của huyện, giai đoạn 2016- 2020 đã được phê duyệt, và đang trong quá trình triển khai. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án này hơn 335 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 14,5 tỷ đồng, đầu tư hỗ trợ giá giống, tư vấn quy hoạch, đầu tư vườn ươm với các giống chất lượng, giá trị cao, phù hợp với thổ nhưỡng từng địa phương. Trong giai đoạn thực hiện Đề án, huyện Văn Chấn sẽ hỗ trợ các xã, thị trấn vùng ngoài, mở rộng, trồng mới 1.455 ha cam, quýt, từ đó hình thành vùng trồng cây ăn quả có múi toàn huyện với tổng diện tích trên 2.500 ha. Quan trọng nhất là hướng đến mục tiêu nâng sản lượng quả tươi lên 15.000- 20.000 tấn mỗi năm, tổng thu nhập đạt 300 tỷ đồng/năm.

Cơ hội cho vùng cam phát triển

Ông Nguyễn Văn Toản- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Chính giá trị kinh tế thực tế từ cây cam đã giúp chúng tôi tham mưu với UBND huyện để xây dựng và hiện thực hóa Đề án này. Tôi tin rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, giai đoạn 5 năm từ 2016 đến 2020, các xã vùng ngoài sẽ hoàn thành mục tiêu trồng mới 1.455ha cam, quýt. Đặc biệt là việc quy hoạch, xây dựng vườn ươm nhân giống tại xã Thượng Bằng La, quy mô 0,3ha, sản xuất 100.000 cây giống/năm sẽ góp phần hình thành địa chỉ tin cậy để người nông dân tìm mua được các giống cây đảm bảo chất lượng để trồng tại trang trại gia đình".

Theo tính toán, với mỗi ha cam mới trồng, mỗi gia đình sẽ phải đầu tư nguồn vốn ít nhất 150 triệu đồng/ha để đầu tư cây giống, phân bón, thuê máy san đất, tạo tầng, tạo hố để trồng cam. Quá trình phân cấp từng tầng cam, chia đều khoảng cách từng hố trồng càng chi tiết, phù hợp, sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho mỗi gia đình. Tuy nhiên để có nguồn vốn này đối với những hộ trồng mới là khá khó khăn, đòi hỏi mỗi gia đình phải có một quá trình tích lũy kinh phí, đồng thời học hỏi kinh nghiệm để tránh rủi ro cho chính mình. Thậm chí, khi chưa có đủ tiền đầu tư, các nhân lực trong gia đình phải tự mình phân tầng, đào hố, tiêu tốn nhiều công sức lao động và thời gian trong một thời gian dài.

Hiểu được những vấn đề trên, Đề án của huyện sẽ hỗ trợ đối với quy mô hộ gia đình 10 triệu đồng/ha khi tham gia trồng mới cây cam quýt, hỗ trợ nhóm hộ tham gia trồng mới với quy mô 3ha trở lên (diện tích liền khoảnh) tối đa không quá 100 triệu đồng/ nhóm hộ. Cùng với đó, huyện cũng yêu cầu các địa phương rà soát nhu cầu của người dân, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay, đầu tư phát triển các diện tích mới trồng. Ông Đỗ Anh Thiện- Chủ tịch UBND Thị trấn Nông trường Trần Phú khẳng định: "Mức hỗ trợ này sẽ là động lực, là cơ hội để nhiều hộ gia đình đầu tư tiềm lực, tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương để hình thành vùng cây ăn quả có múi lớn hơn, giá trị kinh tế cao hơn trong tương lai"

Ngoài hiệu quả kinh tế từ Đề án, huyện cũng yêu cầu các địa phương sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các sản phẩm sinh học, thân thiện với môi trường, nhằm bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái. Đồng thời đẩy nhanh tốc độ che phủ đất, hạn chế, chống xói mòn, rửa trôi, tạo cảnh quan xanh cho vùng sinh thái.

Điều cần nhất ở người nông dân thời hội nhập

Nỗ lực mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập - đó chính là thành quả lớn nhất đối với mỗi gia đình trồng cam ở Văn Chấn. Sự mạnh dạn, thay đổi tư duy làm giàu đã tạo nên ngày càng nhiều thế hệ "nông dân thời hội nhập" tại các địa phương. Từ các gốc cây ăn quả ban đầu của những người cha, đã được các con tiếp thu, nhân rộng. Và hiện nay đã được truyền đạt kinh nghiệm lại cho các cháu tiếp tục thực hiện. Vùng cây ăn quả tiềm năng, thu nhập lớn hiện nay, không chỉ được hình thành ở các xã, thị trấn vùng ngoài, mà còn được một số hộ gia đình ở Sơn Thịnh, Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ... mở rộng. Khi diện tích, sản lượng, thu nhập ngày càng ổn định, thì mối quan tâm lớn nhất đối với các gia đình chính là đầu ra cho sản phẩm cam quýt, khi mà diện tích tiếp tục được nhân rộng, phát triển như hiện nay. Có lẽ, chính bản thân những gia đình trồng cam cũng chưa định hình rõ giải pháp đối phó của mình, nhưng chính việc mở rộng diện tích giống cây giá trị, chất lượng, như cam đường canh, cam chín muộn (bằng các giống cam chanh, cam sành) lại đang thể hiện hướng đi đúng của mỗi hộ. Trong khi Nhà nước đã và đang có cơ chế hỗ trợ để phát triển diện tích, thì điều cần nhất ở những hộ gia đình trồng cam là sự đoàn kết, tham gia thành lập những tổ hợp tác, những nhóm hộ cùng mục đích để thống nhất về giá thành, khu vực, thị trường tiêu thụ, cạnh tranh. Có như vậy mới tránh được tình trạng tư thương ép giá, thu hẹp thị trường thu mua. Đồng thời khẳng định bản lĩnh, tư duy làm kinh tế của mỗi người nông dân thời hội nhập ở Văn Chấn./.

681 lượt xem
Theo Trang TTĐT Văn Chấn

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h