Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

DĐC Huyện Yên Bình >> Văn hóa - Xã hội

DƯ ĐỊA CHÍ HUYỆN YÊN BÌNH, TỈNH YÊN BÁI

15/03/2019 16:15:30 Xem cỡ chữ Google
Yên Bình là huyện vùng thấp của tỉnh Yên Bái, nằm trên tọa độ địa lý từ 21º44’30’’ đến 21º54’25’’ vĩ độ Bắc, từ 104º00’ kinh độ Đông, có tổng diện tích tự nhiên 77.261,79 ha bao kín ba mặt hồ Thác Bà, phía Bắc giáp huyện Lục Yên; phía Tây giáp Văn Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía Đông là tỉnh Tuyên Quang. Trung tâm huyện cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái 4,5km và cách thủ đô Hà Nội 170 km.

Yên Bình có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

1. Địa lý tự nhiên

Nằm giữa giao điểm trung du - núi rừng Tây Bắc và cửa ngõ của tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình có một vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa của tỉnh Yên Bái. Là địa phương có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý, là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh Yên Bái với Lào Cai và Hà Nội, là cửa ngõ của vùng Tây Bắc. Huyện là đầu mối giao thông quan trọng, có tuyến Quốc lộ 70 chạy suốt dọc trung tâm huyện lỵ,  có tuyến đường Vĩnh Kiên - Yên Thế chạy dọc các xã vùng đông hồ và  từ Yên Bình đến tuyến đường cao tốc nội Bài - Lào Cai cũng chỉ hơn 10 Km.

Yên Bình nằm trong một quần thể bao gồm nhiều đồi và núi thấp thuộc thung lũng sông Chảy, ở đây đỉnh cao trên 1.000m rất ít, đa số chỉ cao khoảng 500 - 600m. Sự giảm độ cao đột ngột này được giải thích bằng việc do địa khối nâng lên và là nhân cấu trúc của toàn miền Đông Bắc được cấu tạo chủ yếu bằng đá phiến, đá cát kết, đá phiến kết tinh và các đá biến chất khác. Trải qua một thời kỳ bào mòn lâu dài đỉnh núi bị san bằng, sườn núi không còn độ dốc lớn nữa. Tại đây một số dãy núi đá vôi có hóa thạch thành đá hoa ven sông Chảy; ở một số vùng hình thành thung lũng lộ ra những khoảng đất rất rộng và gò đồi thấp với nhiều mặt bằng được nhân dân khai phá canh tác thành ruộng lúa hoặc nương ngô. Từ thung lũng sông Chảy muốn ra thung lũng sông Hồng phải vượt qua dãy núi Con Voi có độ cao trung bình trên 1.000 mét. Trong phạm vi của huyện, đáng kế nhất chỉ có núi Cao Biền (Biền Sơn), ở cách ly sở phủ Yên Bình 5 dặm về phía đông (theo đường chim bay), hai ngọn song song nổi cao theo một dãy, trên có đền thờ Cao Vương.

Đặc trưng khí hậu của huyện là nhiệt đới gió mùa (nóng, ẩm, thay đổi theo mùa). Địa hình, khí hậu thuận lợi là điều kiện tốt cho các loài động, thực vật sinh sôi phát triển, tạo nên tính đa dạng sinh học trong vùng. Tuy nhiên thời tiết ở đây cũng có những nét cục bộ đặc trưng như: Mùa đông nhiều đợt rét buốt hình thành sương muối có hại cho cây trồng, vật nuôi và sức khỏe con người; mùa hè đôi khi xuất hiện gió lốc tàn phá mùa màng và nhà cửa của nhân dân.

Chế độ thủy văn của huyện đặc biệt phong phú nhờ có sông Chảy, hồ Thác Bà cùng hệ thống sông suối dày đặc. Sông Chảy là một phụ lưu lớn của sông Lô - còn gọi là Trôi Thủy hoặc Lôi Giang, hàng năm sông Chảy vận chuyển gần 4 tỷ mét khối nước từ Minh Chuẩn (Lục Yên) qua hồ Thác Bà tới Hán Đà, Đại Minh với nhiều ghềnh thác tạo nguồn thủy năng lớn.

Hồ Thác Bà có diện tích 23.400ha; trong đó mặt nước chiếm tới 19.050ha; 1.334 đồi và đảo lớn, nhỏ chiếm đến 4.350ha; chiều dài của hồ là 80km, chiều rộng từ 5 - 15km, sâu từ 15 - 34m, chứa được 3 - 3,9 tỷ mét khối nước. Ngoài sông Chảy, còn có hệ thống suối ngòi lớn nhỏ đổ vào hồ như ngòi Hành, ngòi Tráng, ngòi Bích Đà, ngòi Lòi, ngòi Dầu, ngòi Cát, ngòi Úc, ngòi Biệc... chứa lượng phù sa và thức ăn cho thủy sinh vật phát triển. Hồ có 130 loài cá tự nhiên có giá trị kinh tế cao (trôi, chép, măng, ngão, quả, vền, ngạnh, chiên, lăng, quất, bống tượng, dưng...) tạo nguồn đặc sản xuất khẩu (ba ba, trê phi, trê lai, lươn, ếch). Hồ Thác Bà còn có tác dụng rất lớn trong việc cải tạo môi trường, làm giảm nhiệt độ mùa hè xuống 1 - 2°C, tăng độ ẩm tuyệt đối mùa khô lên 20% và lượng mưa từ 1.700mm lên 2.000mm, tạo điều kiện cho thảm thực vật xanh tốt thích nghi cho nghề trồng chè năng suất cao. Đây còn là nguồn thủy năng chính cung cấp cho Nhà máy thủy điện Thác Bà khai thác với công suất 120.000 KW.

Địa hình của vùng thung lũng sông Chảy bị chia cắt nhiều do mạng lưới sông suối dày đặc. Vào mùa mưa, nước ồ ạt từ các đồi núi chảy tràn xuống các sông suối làm nước lũ dâng lên rất đột ngột. Khi mùa khô hanh đến, nhiều suối nhỏ bị khô cạn, trơ lại đá tảng và cuội sỏi.

Nhà máy Thủy điện Thác Bà hòa chung vào mạng lưới điện quốc gia, hàng năm sản xuất được trên 400 triệu kWh

2. Lịch sử hình thành

Theo sách Khải Định dư địa chí, huyện Yên Bình ngày nay từ thời Minh được đặt là Châu Thu. Thời Trần là Châu Thu Vật, qua các đời cho đến đầu thời Nguyễn vẫn không đổi. Năm Minh Mệnh thứ ba (1822) đổi là Thu Châu và vẫn đặt là phủ An Bình (Yên Bình hay Phủ Bình) Vào thời Lê, trong giai đoạn lịch sử Nam - Bắc triều và cuộc nội chiến giữa nhà Mạc với nhà Lê (trong khoảng từ năm 1527 đến năm 1672), Châu Thu được đặt dưới quyền cai trị của anh em Vũ Văn Mật, Vũ Văn Uyên.

Cuối thời Lê, Yên Bình không còn giữ được vẻ phồn thịnh như trước nữa. Theo Lê Quý Đôn ghi lại trong Kiến văn tiểu lục thì khi đó châu Thu Vật địa phận nhỏ hẹp, xã thôn nhỏ, nhân dân phần nhiều nghèo túng.

Một thời của châu Thu Vật được ghi đậm nét trong Đại Việt sử ký toàn thư, Kiến văn tiểu lục, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt sử thống giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí.

Sang thời Nguyễn, Châu Thu Vật đổi gọi là Châu Thu thuộc tỉnh Tuyên Quang. Theo Khải Định dư địa chí, toàn phủ lúc đó có 8 tổng 40 xã như sau: 1. Tổng Ẩm Phúc, gồm 4 xã Ẩm Phúc, Dương Liễu, Kế Khê, Võ Tha; 2. Tổng Cảm Ân, gồm 4 xã: Cảm Ân, Đồng Lượng, Bảo Ái, Phụ Thành; 3. Tổng Cảm Nhân gồm 5 xã: Bình Hanh, Cảm Nhân, Mỹ Gia, Tích Cốc, Xuân Lai; 4. Tổng Đại Đồng gồm 7 xã, phường: Đại Đồng, Đại Đồng phường, Điền Loan Hạ, Điền Loan Thượng, Điền Loan Trung, Khuôn Sơn, Vũ Khê; 5.Tổng Đạo Ngạn gồm 4 xã: Diên Gia, Đông Lý, Ký Mã, Đạo Ngạn; 6. Tổng Mông Sơn gồm 5 xã: Lãnh Thủy, Mông Sơn, Vạn Lại, Xuân Lôi, Phúc Lâm; 7. Tổng Ngọc Chấn gồm 6 xã : Bình Mục, Hướng Dương, Ngọc Chấn, Dịch Dương, Thu Vật, Xuân Sinh; 8. Tổng Vĩnh Kiên gồm 5 xã: Bạch Hà, Vĩnh Kiên, Phục Lễ, Vũ Linh, Yên Thịnh.

Dưới thời Pháp thuộc, địa phương có một năm nằm trong chế độ quân quản, khi thì ở quân khu miền Tây (1885 - 1890), lúc thì thuộc đạo quan binh thứ ba Yên Bái (1891 - 1900). Nhìn chung, các đơn vị hành chính cấp tổng và xã không đổi, chỉ có tên Châu Thu đổi là phủ Yên Bình.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cùng với việc đổi phủ thành huyện giải tán cấp tổng; huyện Yên Bình lúc bấy giờ có 39 xã. Sau khi hòa bình lập lại, do việc thành lập khu tự trị Việt Bắc, ngày 1/7/1956 Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 268 - SL chuyển Yên Bình sáp nhập vào tỉnh Yên Bái khi đó nằm ở khu Lao - Hà - Yên.

Đến ngày 16/2/1967, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 51/NV chia xã Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Cảm Nhân thành các xã Bạch Hà, Vĩnh Kiên, Vũ Linh, Tích Cốc, Cảm Nhân. Đồng thời, hai xã Hán Đà, Đại Minh của huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ được bàn giao sang huyện Yên Bình.

Ngày 23/2/1977, Bộ trưởng Văn phòng phủ Thủ tướng ra Quyết định 661-VP18 về việc thành lập thị trấn Thác Bà. Năm 1981, huyện lỵ Yên Bình được chuyển từ thị trấn Thác Bà đến xã Phú Thịnh. Ngày 4/8/2008, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 87/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Trấn Yên để mở rộng thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình. Theo đó xã Văn Lãng, huyện Trấn Yên được chuyển về huyện Yên Bình, toàn huyện bao gồm 26 đơn vị hành chính;

1. Thị trấn: Yên Bình, Thác Bà.

2. Các xã: Xuân Long, Ngọc Chấn, Tích Cốc, Tân Nguyên, Phúc Ninh, Mỹ Gia, Cảm Nhân, Bảo Ái, Cẩm Ân, Xuân Lai, Tân Hương, Mông Sơn, Yên Thành, Đại Đồng, Phúc An, Phú Thịnh, Vũ Linh, Bạch Hà, Thịnh Hưng, Vĩnh Kiên, Yên Bình, Hán Đà, Đại Minh, Văn Lãng.

Toàn huyện có 9 xã giữ được tên cũ, còn lại do việc thực hiện di dân lập xã mới để giải phóng lòng hồ một số địa danh bị hủy bỏ, một số địa danh còn được bảo lưu nhưng vị trí đã bị dịch chuyển; nhiều dấu vết về thành lũy, đền chùa cũng không còn tồn tại trên thực tế.

Ngày 10/01/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 871/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Yên Bình như sau: Nhập xã Tích Cốc vào xã Cảm nhân; Nhập xã Văn Lãng vào xã Phú Thịnh. Sau khi sắp xếp, huyện Yên Bình có 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 02 thị trấn.

3. Địa lý hành chính

Huyện Yên Bình có 24 đơn vị hành chính cấp xã, có diện tích tự nhiên là 772,13 km2, dân số 112.046 người (Theo số liệu cuộc Tổng điều tra dân số năm 2019), gồm 5 cộng đồng dân tộc cơ bản chung sống xen kẽ với nhau là Kinh, Tày, Nùng, Dao và Cao Lan.

Hiện nay, Yên Bình vẫn là một huyện có đông các dân tộc cùng chung sống. Người Kinh chiếm khoảng 52% cư dân của huyện, cư trú chủ yếu ở các xã vùng thấp, thị tứ và thị trấn, sống bằng nghề trồng trọt, buôn bán, thợ thủ công, công nhân viên chức trong các cơ quan Nhà nước, các xí nghiệp và lâm trường. Họ đến địa phương muộn nhất từ thế kỷ XII, mang theo những đặc trưng văn hóa của miền châu thổ đồng bằng và trung du Bắc Bộ; dựng nhiều đình, đền để thờ người có công với xóm làng.

Người Tày chiếm khoảng 15% dân số, chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, khai thác lâm sản. Kho tàng văn hóa dân gian và tập tục có nhiều nét đặc trưng. Với trường ca Vuợt Biển (Khảm hải), ngày hội xuống đồng (lồng tồng), những điệu xòe (nhạc, khăn, thắt lưng, khăn đội đầu nhuộm chàm của người phụ nữ…đã chứng tỏ họ là cư dân bản địa từ hàng lâu đời và là một trong những dân tộc có mặt  đầu tiên ở vùng lưu vực sông Chảy.

Người Dao quần trắng chiếm 13% dân số, họ di cư đến địa phương cách đây khoảng 900 năm, sống tập trung ở vùng núi thấp hoặc dọc theo các suối, tổ chức thành các bản riêng ở rải rác các xã, trong đó tập trung đông ở các xã Yên Thành, Phúc An, Tích Cốc, Tân Hương, Bảo Ai, Tân Nguyên.... Họ có kho tàng truyện cổ cùng hệ thống lễ hội, các bài hát giao duyên, hát đám cưới hết sức phong phú. Phần lớn sinh sống nhờ làm nương rẫy.

Người Sán Chay (Cao Lan) chiếm 6% di cư đến địa phương khoảng 400 năm, cư trú ở 8 xã trong huyện, thành thạo trồng lúa nước mặc dù kinh tế nương rẫy vẫn chiếm vị trí quan trọng đối với họ. Cộng đồng dân tộc Cao Lan trên địa bàn hầu hết vẫn giữ được các nét sinh hoạt văn hóa truyền thống như hát Sình ca; múa phát nương, chỉa bắp, giá cốm, xúc tép, chim gâu… các lễ hội, trang phục truyền thống...

Người Nùng chiếm gần 3% di cư từ vùng Vân Nam - Trung Quốc đến địa phương khoảng 200 -  300 năm trước, ngoài lúa nước và nương rẫy họ còn trồng bông, trồng chàm, kéo sợi, dệt vải, rèn đúc, đan lát và làm đồ mộc. Ngoài ra, ở Yên bình còn có một số thành phần dân tộc ít người khác cùng sinh sống.

Về tôn giáo, tín ngưỡng, cư dân trên đất Yên Bình chịu ảnh hưởng của các loại tôn giáo sớm muộn có khác nhau. Đạo phật có ảnh hưởng mạnh tới địa phương sớm nhất vào thời Trần. Đến thế kỷ XVII, khi Vũ Văn Mật mở trường dạy học và lập văn chỉ ở Đại Đồng thì đạo Khổng mới bắt đầu tràn vào Yên Bình. Người Tày thờ Khổng Tử tại bàn thờ tổ tiên cùng phật bà Quan âm trong nhà hoặc xây dựng các điện phật trên đỉnh đèo có bóng cây râm mát, tĩnh mịch. Người Dao rất tôn sùng đạo Lão.

4. Địa lý nhân văn

Toàn huyện Yên Bình có 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 02 thị trấn: Thị trấn Yên Bình và Thị trấn Thác Bà; Các xã: Xuân Long, Ngọc Chấn, Tân Nguyên, Phúc Ninh, Mỹ Gia, Cảm Nhân, Bảo Ái, Cẩm Ân, Xuân Lai, Tân Hương, Mông Sơn, Yên Thành, Đại Đồng, Phúc An, Phú Thịnh, Vũ Linh, Bạch Hà, Thịnh Hưng, Vĩnh Kiên, Yên Bình, Hán Đà, Đại Minh.

5. Tiềm năng- Kinh tế

Tài nguyên thiên nhiên của huyện khá phong phú, ngoài tài nguyên nước và tài nguyên rừng, còn kể đến một số khoáng sản như: Mỏ Chì, Kẽm ở xã Xuân Lai, Cảm Nhân với diện tích có khả năng khai thác khoảng 350 ha; mỏ Felspat phân bố chủ yếu ở xã Hán Đà, thị trấn Thác Bà, trữ lượng khai thác khoảng 7,5 triệu m3; đá vôi làm vật liệu xây dựng phân bố chủ yếu ở xã Mỹ Gia, trữ lượng khai thác khoảng 20 triệu m3; đá vôi trắng phân bố chủ yếu ở Mông Sơn, trữ lượng khai thác khoảng 465 triệu m3; Cát, sỏi xây dựng ở lòng sông Chảy thuộc xã Hán Đà, Đại Minh và thị trấn Thác Bà, trữ lượng khai thác khoảng 313.352 m3; Đá quý phân bố ở các xã Tân Hương, Bảo Ái, Tân Nguyên… những loại tài nguyên này đều có trữ lượng khá lớn.

Yên Bình cũng là huyện có nhiều tiềm năng về rừng, sản vật và khoáng sản. Trên dãy Con Voi, núi Ngàng, núi Yến có nhiều gỗ quý như lát (Xuân Long, Bạch Hà), nghiến (Cảm Nhân), đinh, lim, sến, táu (Tân Nguyên, Bảo Ái, Tân Hương), lim xanh (Hán Đà); đây cũng là nơi sinh sống của các loài muông thú như: Hươu, nai, khỉ, lợn rừng, hổ, gấu, gà lôi, khiếu, vẹt, gâu... Hệ thống đồi gò thấp thích hợp cho việc trồng chè, cà phê, bồ đề. Các dãy núi đá vôi là nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất vôi, xi măng và đá xây dựng. Ngoài ra còn có cao lanh, đá Fenspát, đất sét ở Đại Minh và mỏ đá quý ở Tân Hương. Tài nguyên đất gồm hệ đất phù sa hình thành trên trầm tích sông suối bôi đắp và hệ Feralit phát triển trên nền địa chất đa dạng ở các địa hình miền đồi núi.

Công nghiệp và thủ công nghiệp đã có nền tảng để tạo đà cho sự phát triển. Nhà máy Thủy điện Thác Bà hòa chung vào mạng lưới điện quốc gia, hàng năm sản xuất được trên 400 triệu kWh. Yên Bình là mảnh đất giàu tiềm năng hấp dẫn các nhà đầu tư, ngoài các cụm công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản ở các xã Mông Sơn, Thịnh Hưng là hai nhà máy xi măng Yên Bình, Yên Bái cũng đang phát triển…Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hàng năm đã tạo ra nhiều sản phẩm như: Xi măng; bột cacbonatcanxi; chè khô; gỗ xẻ; sản phẩm may xuất khẩu...

Lâm nghiệp được tập trung đầu tư vào việc khoanh nuôi bảo vệ rừng trồng và rừng tự nhiên tại khu vực các núi: Cao Biền, Chàng Rể, Thái Bảo, Ngàng, Yến, núi Voi. Toàn huyện có khoảng 35000 ha đất rừng, chủ yếu trồng keo, bạch đàn, quế và một số loài cây bản địa nông nghiệp là thế mạnh, thu hút tới 90% cư dân trên địa bàn của huyện.

Là địa phương có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý, là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh Yên Bái với Lào Cai và Hà Nội, là cửa ngõ của vùng Tây Bắc.

Yên Bình còn có tiềm năng để phát triển du lịch: Hồ Thác Bà có diện tích 23.400ha; trong đó mặt nước chiếm tới chiếm tới 19.050ha; 1.334 đồi đảo lớn, nhỏ và hang động tự nhiên như Động Thủy Tiên (xã Tân Hương, Mông Sơn), Động Cẩu Quây (xã Xuân Long), trong tương lai khu du lịch sinh thái hồ Thác Bà sẽ là khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ Quốc gia, ngoài ra còn có các điểm di tích lịch sử văn hóa như đền thờ Mẫu Thác Bà, đình Khả Lĩnh…đó là những tiềm năng để đáp ứng cho phát triển du lịch.

Ngày 19 tháng 12 năm 2018 Thủ thướng Chính phủ ký Quyết định số 1775/QĐ-TTg  về việc Phê duyệt  Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mở ra triển vọng phát triển mạnh du lịch của huyện.

Với lợi thế về du lịch, huyện Yên Bình đang kêu gọi đầu tư vào các dự án khu nghỉ dưỡng và hệ thống khách sạn, nhà hàng phục vụ khách tham quan du lịch. Đặc biệt là đầu tư vào khu du lịch sinh thái Hồ Thác Bà. Đầu tư xây dựng các điểm du lịch sinh thái dọc tuyến đường Hoàng Thi và khu Hồng Bàng xã Đại Đồng; phát triển du lịch cộng đồng tại một số xã trong huyện như: Phúc An, Xuân Lai, Vũ Linh. Đầu tư xây dựng 01 Trung tâm Thương mại và Dịch vụ tổng hợp tại Km 14 thị trấn Yên Bình và 03 siêu thị tại thị trấn Yên Bình, thị trấn Thác Bà xã Đại Minh.  

(Bài viết có sử dụng tài liệu Phòng Văn hóa thông tin huyện Yên Bình cung cấp và tham khảo trên trang Thông tin điện tử UBND huyện Yên Bình)

51822 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h