Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

DĐC Huyện Trạm Tấu >> Văn hóa - Xã hội

DƯ ĐỊA CHÍ HUYỆN TRẠM TẤU, TỈNH YÊN BÁI

07/03/2019 10:34:45 Xem cỡ chữ Google
Huyện Trạm Tấu có tổng diện tích tự nhiên là 743,34 km2, nằm trên tọa độ địa lý: từ 20º21’ đến 21º40’ vĩ độ Bắc; từ 104º17’ đến 104º40’ kinh độ Đông. Phía Đông, Đông Bắc và Đông Nam giáp với huyện Văn Chấn, phía Tây và Tây Nam giáp với huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Toàn cảnh huyện Trạm Tấu - ảnh Hoàng Đô

1. Địa lý tự nhiên

Trạm Tấu là huyện vùng cao nằm phía Tây tỉnh Yên Bái, cách trung tâm tỉnh lỵ 114 km. Trạm Tấu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Độ cao trung bình so với mặt biển khoảng 800m. Đỉnh núi cao nhất là đỉnh Tà Chì Nhù thuộc xã Xà Hồ cao 2.979m so với mực nước biển là núi cao thứ 6 của Việt Nam, nằm trong khối núi Pú Luông thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Đỉnh núi này có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo từng dân tộc, người dân tộc Thái thì gọi Tà Chì Nhù là Phu Song Sung, người dân tộc Mông sẽ gọi là Chung Chua Nhà. Tiếp đến là đỉnh núi Tà Xùa, thôn Tà Xùa, xã Bản Công có đỉnh cao nhất 2.865m xếp thứ 10 trong những ngọn núi cao nhất Việt Nam, là nơi có “sống lưng khủng long”, một cung đường đầy thử thách. Từ trung tâm huyện vào bản Tà Xùa là quãng đường dài chừng 7km, nhưng để lên tới đỉnh cao nhất chỉ có một con đường đất độc đạo có độ dốc rất lớn là thử thách không dễ vượt qua dành cho bất kỳ ai muốn chinh phục. Dãy Tà Xùa mọc lên sừng sững tạo nên ranh giới tự nhiên giữa Yên Bái và Sơn La, với ba đỉnh hợp thành một kỳ quan vô cùng hùng vĩ. Đỉnh cao nhất chính là nơi dựng cột cờ Việt Nam trên độ cao 2.850m, tại đỉnh thứ hai hiện vẫn còn dấu tích của cột cờ cũ vốn được dựng từ thời Pháp thuộc. Đỉnh cao thứ ba nằm ở giữa, nó giống như vạch nối tạo thành sống lưng của một con khủng long thời tiền sử. Do địa hình núi cao nên nhiệt độ về mùa hè không cao. Mùa đông giá rét, có năm nhiệt độ về mùa đông xuống tới 0oC, tuyết phủ trên các cành cây và núi cao.

Địa hình cao dần từ Đông sang Tây thuộc hệ thống núi trẻ, đỉnh nhọn, vách đứng, có độ dốc lớn, hệ số xâm thực cao trên địa hình cắt xẻ mạnh mẽ. Diện tích đất có độ dốc trên 250 chiếm 84,5% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện nên huyện Trạm Tấu cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình khai thác lãnh thổ.

Suối khe ở Trạm Tấu có mật độ khá dầy đặc, chảy chằng chịt gấp khúc, bắt nguồn từ nhiều đỉnh cao trong vùng: Suối Nậm Tung gồm 2 nhánh. Một nhánh khởi từ vùng rừng núi Tà Xùa. Một nhánh từ Kháo Chu. Hai nhánh này chảy đến gần huyện lỵ thì nhập lại thành suối Nậm Tung. Suối Nậm Hát cũng hợp thành hai nhánh (một nhánh phát sinh từ Căng Chua Khúa, một nhánh từ Sán Chá) tại Bản Hát. Suối Nậm Lìu bắt nguồn từ Cảu Sóng nhập với Nậm Tung, Nậm Hát. Suối Nậm Tăng có 3 nhánh bắt nguồn lần lượt ở Háng Chi Mua, Tàng Ghềnh và Mù Nước rồi hợp nhau ở Mảnh Tâu gọi là Nậm Mù. Khi dòng chảy theo hướng xuống Ngòi Thia mới gọi là Nậm Tăng. Suối Nậm Nhì phát nguyên từ Go Làng Sáng giữa hai xã Tà Xi Lãng và Làng Nhì. Suối Nậm Đông có 2 nhánh bắt nguồn từ Cao Pá Lau, Điểm Cao chảy qua Túc Đán,... và nhiều suối nhỏ độ dốc cao rất phù hợp với việc khai thác thủy điện vừa và nhỏ. Các suối khe của huyện đều chảy theo hướng Đông - Tây, tuy có gây cách trở cho giao thông đi lại nhưng lại là một nguồn thủy năng rất lớn. Các suối khe này còn cung cấp cho con người một lượng cá phong phú như cá sậu dưa, rùa.

Về tài nguyên thiên nhiên: Huyện Trạm Tấu có 57.799,2 ha đất lâm nghiệp; 5.117,5 ha đất nông nghiệp; Đất trồng cây hàng năm 4.302,44 ha còn lại là các loại đất khác. Đất chưa sử dụng là 10. 525,63 ha rất phù hợp với việc trồng rừng, trồng cỏ chăn nuôi và phát triển cây hàng năm.

Hiện nay Trạm Tấu có 38.361,1 ha đất có rừng. Trong đó rừng phòng hộ 36.504,3 ha, rừng khoanh nuôi tái sinh 9.829,7 ha. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt khoảng 51,4 %.

Trạm Tấu có 02 con suối lớn và nhiều suối nhỏ, độ dốc cao rất phù hợp với việc khai thác thuỷ điện vừa và nhỏ. Trạm Tấu có nguồn nước khoáng tự nhiên thuộc nhóm Sunf canxi - Magiê có hàm lượng Silic và lưu huỳnh cao có tác dụng chữa bệnh. Đặc biệt, những cánh đồng lớn còn tạo ra cảnh quan hấp dẫn cho du lịch sinh thái…

Theo khảo sát ban đầu Trạm Tấu có một số loại quặng như chì, kẽm, sắt, đá xây dựng …

2. Lịch sử hình thành

Huyện Trạm Tấu được thành lập theo Quyết định số 128/CP ngày 17/8/1964. Hội đồng Chính Phủ phân chia huyện Văn Chấn thành 2 huyện Văn Chấn và Trạm Tấu thuộc tỉnh Nghĩa Lộ.

Trong các cuộc kháng chiến trước kia cũng như ngày nay. Đồng bào các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết sát cánh bên nhau xây dựng và phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị. Tham gia tích cực phong trào xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

3. Địa lý hành chính

Toàn huyện có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 1 thị trấn và 11 xã gồm: Thị trấn Trạm Tấu; xã Bản Mù, xã Bản Công, xã Hát Lừu, xã Xà Hồ, xã Trạm Tấu, xã Pá Hu, xã Pá Lau, xã Túc Đán, xã Phình Hồ, xã Làng Nhì và xã Tà Si Láng.

4. Địa lý nhân văn

Trạm Tấu có tổng diện tích tự nhiên là 743,34 km2, dân số 33.438 người (năm 2018). Toàn huyện có 11 dân tộc anh em đoàn kết chung sống trên các triền núi cao. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 77%, dân tộc Thái chiếm 16% còn lại là các dân tộc khác như Khơ Mú, Tày, Mường...  Con người huyện Trạm Tấu thân thiện và rất yêu mến nghệ thuật, có nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc đặc sắc như Khèn Mông, khèn môi của đồng bào Mông; Sáo Pí ló, Pí thiu của đồng bào Thái; múa Cồng chiêng, múa Tăng bu của đồng bào Khơ Mú và các loại hình hát dân ca, giao duyên, hát đối của các dân tộc v.v..

5. Tiềm năng kinh tế

Nằm ở độ cao trung bình từ 800m so với mực nước biển, huyện vùng cao Trạm Tấu là nơi có những tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất, chế biến nông - lâm đặc sản, tài nguyên khoáng sản, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với những lợi thế riêng có về bề dày văn hóa của cộng đồng các dân tộc, nhất là dân tộc Mông, Thái.

Trong tổng số diện tích tự nhiên của huyện còn tới trên 10.000 ha đất lâm nghiệp chưa được sử dụng. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển nghề rừng và chăn nuôi đại gia súc. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có mỏ quặng chì kẽm (chưa đánh giá được trữ lượng); nhiều điểm nước khoáng nóng tại trung tâm huyện được dùng để tắm và chữa bệnh; nhiều suối khe có độ dốc lớn là nguồn thủy năng vô tận để xây dựng các nhà máy thủy điện.

Hiện này 12/12 xã thị trấn đã có đường ô tô đến trung tâm các xã, một số thôn, bản đã có đường đi được xe máy và điện lưới quốc gia. Hệ thống truyền thanh, truyền hình quốc gia đã phủ sóng tới các khu dân cư. Hết năm 2009 tuyến đường từ huyện Trạm Tấu  đến huyện Bắc Yên, Tỉnh Sơn La được thông tuyến và đây là con đường liên tỉnh và mở ra tiềm năng du lịch và giao thương rất thuận tiện cho nhân dân hai huyện và hai tỉnh Yên Bái - Sơn La.

Vị trí địa lý và địa hình phức tạp đã tạo ra những tiềm năng riêng để Trạm Tấu (Yên Bái) phát triển thủy điện nhỏ, trồng rừng, chế biến gỗ và phát triển du lịch. Suối Hát Lừu, Nậm Đông, Nậm Tung... mấy năm trở lại đây trở thành mối quan tâm của các nhà đầu tư trên lĩnh vực thủy điện nhỏ. Theo đánh giá sơ bộ của ngành công thương, huyện Trạm Tấu có 21 điểm có thể xây dựng được các nhà máy thủy điện với tổng công suất trên 90MW, đó thực sự là con số ấn tượng bởi với công suất ấy đã gấp đôi tổng sản lượng tiêu thụ điện của cả tỉnh Yên Bái.

Huyện Trạm Tấu đã đưa vào sử dụng 3 nhà máy thủy điện là Hát Lìu, Nậm Đông 3, Nậm Đông 4. Một số dự án thủy điện khác đang được thi công.

Với khí hậu đặc thù của vùng núi, mùa hè nhiệt độ không cao, mùa đông nhiệt độ khá thấp nên các giống cây lâm nghiệp ôn đới phát triển rất tốt. Nhiều cây trồng đã được đưa vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế như thông Mã vĩ, Chè Shan tuyết Phình Hồ, Sơn tra...  sẽ là những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao ở Trạm Tấu.

Chè Shan tuyết Phình Hồ: Cây chè phát triển hoàn toàn tự nhiên, sống ở độ cao từ 900 - 1.500 m so với mực nước biển, quanh năm mây mù, khí hậu ôn hòa, chắt lọc những tinh tuý của đất trời tạo nên một loại chè thơm ngon tinh khiết. Chè Shan tuyết Phình Hồ nhiều cây trăm năm tuổi, tán rộng, xum xuê, lá to dày, búp mẩy, có nhiều lông tơ trắng mịn. Xã Phình Hồ hiện có 150 ha chè Shan tuyết cổ thụ, tập trung ở các bản: Tà Chử, Phình Hồ, Chí Lư.

Sơn tra (táo Mèo): Sinh trưởng tự nhiên và được người Mông trồng nhiều ở những triền núi cao giá lạnh thuộc các xã: Xà Hồ, Bản Mù, Bản Công. Táo Mèo thường ra hoa vào mùa xuân, cho thu hoạch vào mùa thu. Hàng năm, cứ khoảng tháng 9, tháng 10, táo Mèo chín rộ khắp những triền núi. Sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nên táo Mèo có nhiều tính năng, công dụng đặc biệt quý với sức khỏe con người. Táo có vị chua ngọt thuộc nhóm tiêu thực hóa tích, giúp dịch vị tăng bài tiết acid mật và pepsin dịch vị, chủ yếu điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa do ăn nhiều thịt, dầu mỡ, trẻ em ăn sữa không tiêu, giúp ăn ngon miệng.

Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa: Trạm Tấu có tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng về mùa hè, tắm nước khoáng nóng về mùa đông hoặc thưởng thức và tìm hiểu các loại hình văn hóa đặc sắc của các dân tộc, như: Lễ hội Gầu Tào, múa khèn Mông, thổi khèn lá, khèn môi của đồng bào Mông; Lễ cúng đặt tên, múa xòe, múa bên suối của dân tộc Thái; múa Tăng Bu của dân tộc Khơ Mú; ẩm thực của dân tộc Thái, dân tộc Mông và các sản phẩm như Mật ong, khoai sọ, dưa, măng sặt, gạo tẻ, gạo nếp nương…

Đỉnh Tà Chì Nhù còn gọi là Phu Song Sung ở xã Xà Hồ là đỉnh núi cao thứ 6 Việt Nam với độ cao 2.979 m, nằm trong khối núi Pú Luông cao 2.985m thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Đứng trên đỉnh núi này, du khách chắc chắn không chán mắt khi ngắm nhìn biển mây trắng mềm mại ở ngang tầm mắt. Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa là một trong những thế mạnh của vùng cao Trạm Tấu đang mời gọi du khách và các nhà đầu tư. Đỉnh Tà Xùa, thôn Tà Xùa, xã Bản Công xếp thứ 10 trong những ngọn núi cao nhất Việt Nam, là nơi có “sống lưng khủng long”, một cung đường đầy thử thách.

Tiềm năng của Trạm Tấu khá rõ nét. Với cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của Chính phủ, của tỉnh và sự hợp tác của địa phương, sẽ mở ra hướng phát triển mới cho huyện vùng cao Trạm Tấu.

(Bài viết có sử dụng tài liệu Phòng Văn hóa thông tin huyện Trạm Tấu  cung cấp và tham khảo trên trang Thông tin điện tử UBND huyện Trạm Tấu)

36800 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h