Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

DĐC Tp Yên Bái >> Văn hóa - Xã hội

DƯ ĐỊA CHÍ THÀNH PHỐ YÊN BÁI, TỈNH YÊN BÁI

27/02/2019 17:02:43 Xem cỡ chữ Google
Nằm ở khu vực chuyển tiếp giữa miền Tây Bắc và trung du Bắc Bộ, thành phố Yên Bái nằm ở vị trí 21,42ºB, 104,52ºĐ. Phía Bắc giáp xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên; Phía Đông - Đông Bắc giáp xã Đại Đồng và thị trấn Yên Bình; Phía Nam giáp xã Văn Lãng, huyện Yên Bình; Phía Tây giáp xã Lương Thịnh huyện Trấn Yên. Địa hình tự nhiên có độ cao trung bình từ 50-75m so với mực nước biển với 3 địa hình chủ yếu: Địa hình bậc phù sa sông Hồng bằng phẳng; địa hình đồi bát úp đỉnh bằng, sườn dốc; địa hình thung lũng xen giữa các đồi.

Thành phố Yên Bái gồm 15 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm 9 phường và 6 xã.

1Địa lý tự nhiên

Thành phố Yên Bái có diện tích tự nhiên là 106.78 km2, nằm bên tả ngạn sông Hồng, với cấu tạo địa hình gồm dải phù sa ven sông, đồng bằng phù sa cổ thềm sông, các đồi núi thấp, đỉnh tròn hình bát úp, các thung lũng, khe suối len lỏi xen kẽ đồi núi và cánh đồng lượn sóng chạy dọc theo triền sông.

Đặc trưng của khí hậu Yên Bái là nhiệt đới gió mùa, nắng và mưa nhiều, nền nhiệt cao. Nhiệt độ trung bình ít biến động trong năm (khoảng 180C - 200C), cao nhất 370C - 390C, thấp nhất 20C - 40C. Gió thịnh hành là gió mùa đông bắc và gió mùa đông nam. Mưa nhiều nhưng phân bố không đều, lượng mưa trung bình 1.800 - 2.000mm/năm, cao nhất tới 2.204mm/năm và thấp nhất cũng đạt 1.106mm/năm. Một số vùng tiểu khí hậu vào tiết xuân thường có mưa dầm triền miên.

Các mùa chính trong năm, khí hậu Yên Bái có 2 mùa rõ rệt gồm:

 - Mùa lạnh: Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, vùng thấp lạnh kéo dài từ 115 -125 ngày, vùng cao mùa lạnh đến sớm và kết thúc muộn nên dài hơn vùng thấp, vùng cao từ 1.500m trở lên hầu như không có mùa nóng, nhiệt độ trung bình ổn định dưới 200C, cá biệt có nơi xuống 00C, có sương muối, băng tuyết; thường bị hạn hán đầu mùa lạnh (tháng 12 - tháng 1), cuối mùa thường có mưa phùn.

 - Mùa nóng: Từ 4 đến tháng 10 là thời kỳ nóng ẩm, nhiệt độ trung bình ổn định trên 250C, tháng nóng nhất 370C - 380C, mùa nóng cũng chính là mùa mưa nhiều, lượng mưa trung bình từ 1.500 - 2.200 mm/năm và thường kèm theo gió xoáy, mưa lũ gây ra lũ quét ngập lụt. Sự phân bố ngày mưa, lượng mưa tùy thuộc vào địa hình theo hướng giảm dần từ Đông sang Tây theo địa bàn tỉnh. Theo thung lũng sông Hồng giảm dần từ Đông Nam lên Tây Bắc.

Chế độ mưa: Yên Bái thuộc vùng có lượng mưa trung bình, theo số liệu của khí tượng thủy văn tỉnh, lượng mưa bình quân ở trạm Yên Bái là: 1.740,6 mm/năm. Phân bố lượng mưa theo xu hướng tăng dần từ vùng thấp đến vùng cao và lượng mưa phân bố không đồng đều các tháng trong năm, tháng mưa nhiều nhất là tháng 5 đến tháng 9 (từ 114,8 đến 429,4 mm), các tháng mưa ít nhất là tháng 12 đến tháng 3 (từ 1,1 đến 80,3 mm). Do lượng mưa không đều giữa các tháng (10,11,12) là mùa khô, lượng mưa trung bình chỉ đạt 16,7 mm/tháng nên gây ra hạn hán, thiếu nước cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Chế độ ẩm: Theo số liệu khí tượng thì độ ẩm tương đối, trung bình năm tại trạm Yên Bái là 86%. Sự chênh lệch về độ ẩm giữa các tháng trong năm của các vùng trong tỉnh lệch nhau không lớn, từ 30C - 50C, càng lên cao độ ẩm tương đối giảm xuống. Độ ẩm giữa các tháng có sự chênh lệch, do độ ẩm phụ thuộc vào lượng mưa và chế độ bốc hơi (chế độ nhiệt và chế độ gió), tháng có độ ẩm lớn nhất là tháng 2,3,4,5,6,7 từ 80% - 89%, những tháng có độ ẩm thấp nhất là tháng 11,12,1 có độ ẩm từ 77% - 85%.

Yên Bái có lượng mưa hàng năm lớn, độ ẩm tương đối cao nên thảm thực vật xannh tốt quanh năm, thể hiện rất rõ tính chất gió mùa.

Các hiện tượng thời tiết khác: Sương muối: Xuất hiện chủ yếu ở độ cao trên 600m, càng lên sao số ngày có sương muối càng nhiều; Mưa đá: Xuất hiện rải rác ở một số vùng, càng lên cao càng có nhiều mưa đá, thường xuất hiện vào cuối mùa xuân đầu mùa hạ và thường đi kèm với hiện tượng đông và gió xoáy cục bộ.

Chế độ thủy văn của thành phố khá phong phú nhờ có sông Hồng chảy qua và hệ thống hồ, đầm, khe, suối. Sông Hồng có nhiều tên gọi khác nhau. Đoạn chảy qua thành phố Yên Bái được gọi là sông Thao. Từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm lưu lượng nước là 2.000m3/s, từ tháng 5 đến tháng 10 là 4.000m3/s. Thuyền bè có thể đi lại quanh năm, còn tàu thủy, canô chỉ đi lại trong khoảng 9 tháng vì có nhiều bãi cạn và nổi. Bắt đầu từ Yên Bái đã xuất hiện những đoạn đê đầu tiên của hệ thống đê sông Hồng.

Ngoài nguồn nước chính ở sông Hồng, thành phố còn có một hệ thống hồ, đầm, khe, suối tiêu biểu là hồ Hào Gia, hồ Bơi (hồ công viên Yên Hòa) là nguồn nước tự nhiên vừa có tác dụng làm cảnh đẹp và làm tăng nguồn nước tự nhiên.

2. Lịch sử hình thành

Thành phố Yên Bái trong suốt chiều dài lịch sử đã trải qua nhiều lần thay đổi về địa danh và địa giới hành chính. Thời các Vua Hùng, thị xã Yên Bái nằm trong bộ Tân Hưng, thời phong kiến Bắc thuộc nằm trong vùng đất Tượng Quân, Giao Chỉ rồi Phong Châu. Đến thế kỷ XI (thời nhà Lý) thuộc châu Đăng. Thế kỷ XVI (đời Lê Thành Tông) nằm trong lộ Quy Hóa thuộc tỉnh Hưng Hóa. Cuối thế kỷ XVI là một làng nhỏ bé trong tổng Bách Lẫm, phủ Quy Hóa thuộc tỉnh Hưng Hóa.

- Ngày 15 tháng 4 năm 1988, thực dân Pháp phân chia các địa bàn từ Thanh Hóa trở ra Bắc thành 14 quân khu. Địa bàn thành phố Yên Bái ngày nay thuộc Quân khu Yên Bái.

Sau một thời gian, toàn quyền Đông Dương Đờ-la-nét-xăng đã ra Nghị định bãi bỏ các quân khu để thiết lập các đạo quan binh hoàn toàn nằm trong chế độ quân quản. Dưới đạo quan binh là các tiểu quân khu. Ngày 9 tháng 9 năm 1891, toàn quyền Đông Dương quy định đạo lỵ quan binh Yên Bái đặt tại xóm Đồng Thị, xóm Gò Cau tại làng Yên Bái, tổng Bách Lẫm huyện Trấn Yên. Đứng đầu đạo quan binh là một viên trung tá.

- Ngày 11 tháng 4 năm 1900, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Yên Bái, tỉnh lỵ được đặt tại làng Yên Bái thuộc tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên. Thị xã Yên Bái được hình thành là trung tâm của tỉnh nằm ở chân đồn Cao - khu vực quân sự của thực dân Pháp (phường Nguyễn Phúc ngày nay) với diện tích chưa đầy 2km2. Năm 1905, một số làng thuộc tổng Bách Lẫm được đưa vào thị xã. Thị xã Yên Bái lúc đầu chỉ là một phố thuộc phủ Trấn Yên rồi dần dần hình thành 4 khu phố nhỏ là phố Hội Bình, Yên Lạc, Yên Hòa, Yên Thái (khu vực phường Hồng Hà ngày nay).

- Tháng 7 năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, thị xã Yên Bái được khôi phục và mở rộng. Ngày 7 tháng 4 năm 1956 theo Nghị định số 72/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tái lập thị xã Yên Bái. Thôn Lò Vôi thuộc xã Minh Bảo và xóm nhà thờ thuộc xã Nam Cường được đưa vào thị xã Yên Bái.

- Ngày 16 tháng 1 năm 1979, do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, thị xã Yên Bái cần được mở rộng, Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 15-CP/HĐBT quyết định sáp nhập các xã Tuy Lộc, Nam Cường, Tân Thịnh và Minh Bảo của huyện Trấn Yên vào thị xã Yên Bái.

- Ngày 6 tháng 6 năm 1988, tại Quyết định số 101-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định phát triển 4 phường của thị xã Yên Bái là phường Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Minh Tân, Yên Thịnh lên thành 7 phường cụ thể như sau: chia phường Hồng Hà thành 2 phường lấy tên là phường Hồng Hà và phường Nguyễn Phúc; chia phường Nguyễn Thái Học ra thành 2 phường lấy tên là phường Nguyễn Thái Học và phường Yên Ninh; chia phường Minh Tân thành 2 phường là phường Minh Tân và phường Đồng Tâm.

- Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn được tách thành 2 tỉnh là Yên Bái và Lào Cai, thị xã Yên Bái trở lại là tỉnh lỵ tỉnh Yên Bái.

- Năm 2001, thị xã Yên Bái được công nhận là đô thị loại III.

- Ngày 11 tháng 1 năm 2002, thị xã Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 05/2002/NĐ-CP thành lập thành phố Yên Bái trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Yên Bái.

- Theo Nghị quyết số 122/NQ-CP ngày 11/12/2013 Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thành lập phường Nam Cường và phường Hợp Minh thuộc thành phố Yên Bái. Như vậy theo quyết định này từ ngày 11/12/2013 thành phố Yên Bái có tổng số 9 phường và 8 xã.

- Theo Nghị quyết số 871/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhập xã Văn Tiến vào xã Văn Phú; Nhập xã Phúc Lộc vào xã Giới Phiên. Như vậy theo Nghị quyết thành phố Yên Bái có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 09 phường và 06 xã.

Cầu Yên Bái nối liền phường Hợp Minh và phường Hồng Hà thuộc địa phận thành phố Yên Bái tỉnh Yên Bái

3. Địa lý hành chính

Thành phố Yên Bái gồm có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 09 phường và 06 xã: Phường Yên Thịnh, Yên Ninh, Minh Tân, Nguyễn Thái Học, Đồng Tâm, Nguyễn Phúc, Hồng Hà, Hợp Minh, Nam Cường;  xã Minh Bảo, Tuy Lộc, Tân Thịnh, Văn Phú, Âu Lâu, Giới Phiên.

4. Địa lý nhân văn

Thành phố là trung tâm thuộc tỉnh Yên Bái có diện tích tự nhiên là 106.78 km2; Dân số 100.631 người (Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2019). Dân cư của thành phố Yên Bái mang đặc trưng của cư dân thành thị vùng cao. Những năm đầu thế kỷ XX dân cư của thị xã Yên Bái thưa thớt. Người Kinh chiếm hầu như đa số, họ tập trung ở Bách Lẫm, Giới Phiên và thị xã Yên Bái với mật độ dân số là trên 10 người/1km2

Ở vị trí nằm trên các tuyến đường giao thông huyết mạch thủy, bộ nên thành phố Yên Bái trở thành một trong những đầu mối thông thương quan trọng giữa miền ngược và miền xuôi. Đạo Phật, Đạo Thiên chúa đã thâm nhập vào đây từ rất sớm chứng tỏ đây là một vùng đất mở để đón nhận những khả năng và tiềm thức mới để thúc đẩy sinh hoạt và đời sống cộng đồng. Tại thành phố có quần thể tôn giáo, tín ngưỡng như:

Đền Tuần Quán thuộc tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, tỉnh Hưng Hóa, nay thuộc phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Đền còn có tên gọi khác là Đền thần Diệp phu nhân Bách Lẫm và đền Vệ Quốc. Lịch sử ghi lại: Đền có từ đầu thế kỷ 15. Đền thờ mẫu Liễu Hạnh, tương truyền bà chính là Quỳnh Hoa công chúa giáng trần đã có công “Hộ quốc tý dân”.  Liễu Hạnh đã lên Yên Bái, hiển ứng ở đền Tuần Quán hóa thành bà già chữa bệnh cho dân, cứu giúp người hoạn nạn, trừ bạo, đem lại sự công bằng cho dân. Vì vậy, vua Lê Hiển Tông năm Cảnh Hưng 44 đã ban cho sắc phong là “Đức chúa Quốc Mẫu Hoàng Ân Phương Dung” và được nhân dân  tôn là Thánh Ân thờ tại đền Tuần Quán. Theo sách Hưng Hóa Phong Thổ Lục triều Lê và Đại Nam Nhất thống chí triều Nguyễn thì Đền Tuần Quán có tên gọi "Đền thần Diệp Phu Nhân Bách Lẫm". Trong sắc phong được các quan và nho sĩ sử dụng là "Đền Quốc Mẫu Thánh ân Bách Lẫm". Trước thế kỷ 19, dân gian thường gọi "Miếu Quán Tuần". Từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay, đền chính thức có tên là "Đền Tuần Quán".

Trải qua các thời kỳ lịch sử, đền không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của các tín đồ phật tử thập phương mà còn trở thành nơi ghi dấu những sự kiện, những mốc lịch sử quan trọng của đất nước gắn liền với tên tuổi các anh hùng dân tộc. Theo “Hồ sơ Di tích đền Tuần Quán” có ghi thì vào chiều 9/2/1930, các chí sĩ yêu nước của Việt Nam Quốc dân Đảng thuộc Chi bộ Xuân Lũng (Phú Thọ) đã đóng giả làm người hành hương mang theo súng đạn, dao và bom tự tạo hòa vào dòng người trảy hội đền Tuần Quán vào đền bái lễ để bàn kế hoạch khởi nghĩa Yên Bái và đúng 10h đêm ngày hôm sau thì cuộc khởi nghĩa Yên Bái nổ ra.

Năm 1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ - Ủy viên Thường trực Trung ương Đảng và đồng chí Bùi Đức Minh đã đi tàu và xuống ở khu vựcTuần Quán vào lưu trú ở đền. Từ đây hai đồng chí đã sang Vân Nam - Trung Quốc gặp Bác Hồ. Đền là nơi thông tin cho nhân dân biết nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập vào ngày 2/9/1945 và cũng là nơi được chọn làm chi nhánh quyên góp trong “Tuần lễ vàng” ủng hộ kháng chiến của Chính phủ. Tháng 7/1946, đền là điểm hội quân của nhiều đơn vị Vệ quốc đoàn Chiến khu I trước khi tấn công bọn phản động Việt Quốc, giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ. Từ năm 1947 - 1954, đền là khu vực nằm trong tuyến phòng thủ quân sự quan trọng bảo vệ thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái).

Chùa - Đền Bách Lẫm: Đây là ngôi đền - chùa có lịch sử hàng trăm năm nay. Văn bia của chùa được khắc vào năm 1908 viết về thắng cảnh của chùa Bách Lẫm như sau: “Quê ta có dòng sông Triệu Thủy, có rừng đào Lẫm Sơn, quả là nơi danh thắng của hạt Yên Bái cổ tích bấy nay, có đền thờ thần, có chùa phụng Phật. Song, trải sơn binh hỏa, giang sơn đã lắm đổi thay”... Chùa - Đền Bách Lẫm có thờ thần Tản Viên Sơn Thanh và các vị thủ lĩnh địa phương có liên quan đến các cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, Minh, Thanh.

Chùa Tùng Lâm: Là ngôi chùa có lịch sử hơn 100 năm nay. Trước đây chùa có tên là Ngọc Am Tự. Nơi đây cũng là nơi tu luyện của Pháp chủ Thích Tâm Trịnh - Nguyên Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khi ngài 16 tuổi. Năm 1965, chùa bị giặc Mỹ tàn phá nặng nề. Từ năm 1996 đến 1999, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho phép xây dựng lại chùa trên nền cũ. Hội Phật giáo Việt Nam đã cho phép chùa có sư trụ trì, đáp ứng nguyện vọng tâm linh của đông đảo bà con phật tử trong và ngoài tỉnh.

Nhà thờ Yên Bái: Năm 1884, đạo Công giáo có mặt tại đạo lỵ Yên Bái. Hiện nay toàn thành phố có 2 nhà thờ và 1 nhà nguyện. Nhà thờ lớn nhất của thành phố là nhà thờ Yên Bái. Hiện nay nhà thờ này đã được tu bổ, xây dựng lại với kiến trúc đẹp khang trang, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của giáo dân.

Thành phố có ba di tích được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đó là:

Khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái: Nằm trong khuôn viên của công viên Yên Hòa, khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học được thiết kế vừa mang dáng dấp kiến trúc hiện đại hòa quyện với kiến trúc truyền thống của dân tộc. Di tích được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 177-VH/QĐ ngày 5/3/1990. Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học gồm nhiều hạng mục công trình. Phần chính là khu mộ có diện tích 300m2 bao quanh là 17 cột trụ mỗi cột có chiều cao 5 mét. Các cột trụ được nối bằng một vòng tròn khuyết tượng trưng cho 17 liệt sỹ bị thực dân Pháp xử chém trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Vành tròn khuyết tượng trưng cho sự nghiệp dang dở của cuộc khởi nghĩa với tư tưởng chỉ đạo là “Không thành công cũng thành nhân” của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1930. Có 2 mộ xây gạch ốp lát chính là nơi yên nghỉ của các liệt sỹ. Nhà bia tưởng niệm được làm từ đá cẩm thạch trên đó khắc tên 17 liệt sỹ, phủ nhũ vàng trang trọng nhằm lưu danh muôn đời. Thực hiện công tác tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị di tích, năm 2018 công trình tu bổ, mở rộng khu di tích được triển khai, thực hiện, ngày 26/01/2019 UBND tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức kỷ niệm 89 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái và khánh thành khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, công trình sau khi được tu bổ, mở rộng đã nâng tầm di tích, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân; Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học là một trong những điểm đến thăm quan, tưởng niệm của khách trong nước và quốc tế khi đến với thành phố Yên Bái.

Lễ đài sân vận động, nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với nhân dân ngày 25/9/1958: Lễ đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại Khán đài A - Sân vận động thành phố Yên Bái. Ngày 25 tháng 9 năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Lễ đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ VHTT xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa theo quyết định số 1288/VH-QĐ ngày 16 tháng 1 năm 1989. Nơi đây, trong các ngày kỷ niệm trọng đại, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức tập thể, cá nhân đã tới tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ và báo công với Bác.

Bến Âu Lâu: Di tích lịch sử Bến Âu Lâu thuộc phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, di tích Bến Âu Lâu được Bộ BVHTTDL xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa theo quyết định số Quyết định số 3027/QĐ-BVHTTDL, Ngày 07/8/2012, Bến Âu Lâu là nơi ghi dấu một thời đấu tranh chống quân xâm lược của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái cũng như của dân tộc Việt Nam. Bến Âu Lâu còn là bến quan trọng để vận chuyển vũ khí, trang bị, lực lượng từ Việt Bắc sang Tây Bắc, góp phần không nhỏ cho thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ.

5. Tiềm năng kinh tế

Thành phố Yên Bái là một trong những cửa ngõ để tiến sâu vào miền Tây Bắc với một mạng lưới đường sắt, đường bộ, đường thủy khá thuận lợi. Thành phố Yên Bái có một vị trí khá quan trọng trong đầu mối giao thông huyết mạch nối vùng Tây Bắc với trung du Bắc Bộ. Tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Hải Phòng - Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai - Vân Nam (Trung Quốc). Tuyến đường thủy sông Hồng từ thành phố Yên Bái xuôi về Hà Nội rồi đi tiếp đến cảng Hải Phòng. Tuyến ngược cập bến cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Mạng lưới đường giao thông trong nội thành được đầu tư khá hoàn chỉnh. Các đường trục chính như Quốc lộ 37, đường Nguyễn Tất Thành, đường Nguyễn Thái Học, đường Yên Ninh, đường Trần Phú, đường Kim Đồng... đã được xây dựng theo quy hoạch đô thị với hệ thống hành lang, cống thoát nước, đèn chiếu sáng, cây xanh. Hệ thống cầu xây dựng tương đối đồng bộ bắc qua các suối, hồ trong đó có cây cầu lớn nhất bắc qua sông Hồng là cầu Yên Bái tạo điều kiện cho giao thông thuận tiện vào miền Tây Bắc. Bến xe khách Yên Bái đã mở nhiều tuyến liên tỉnh, liên huyện tạo điều kiện cho việc luân chuyển hành khách, hàng hóa.

Đặc biệt, đường tránh ngập thành phố Yên Bái đoạn từ cầu Văn Phú đến nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài hơn 4,1km, thuộc Công trình đường tránh ngập thành phố Yên Bái, nối trung tâm thành phố Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là công trình quan trọng của thành phố Yên Bái cũng như tỉnh Yên Bái.  Việc đưa vào sử dụng nút giao IC12 và Đường tránh ngập đoạn từ cầu Văn Phú lên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã mở ra cơ hội mới, tiền đề cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Yên Bái, tạo lợi thế liên kết vùng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; là động lực thúc đẩy năng lực cạnh tranh của tỉnh Yên Bái trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Thành phố Yên Bái đang khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp khác như: phát triển làng nghề miến đao ở xã Giới Phiên; đầu tư trồng nấm thực phẩm và dược liệu, trồng rau sạch tại các xã Tuy Lộc, Văn Phú, Tân Thịnh… với các chính sách ưu đãi hấp dẫn, các nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư sản xuất. Cùng lĩnh vực chế biến nông lâm sản, với vị trí địa lý là trung tâm, thành phố Yên Bái còn có tiềm năng về nhiều loại khoáng sản đá trắng, quặng sắt…

Với quan điểm tiếp tục lấy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làm khâu đột phá trong phát triển kinh tế, thành Phố Yên Bái đã và đang triển khai một số khu, cụm công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật đầy đủ và gắn với những vùng nguyên liệu và trục giao thông quan trọng như: Khu công nghiệp phía Nam nằm sát với tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Quốc lộ 70, diện tích hiện tại là 207,8ha, đã hoàn thiện hệ thống cấp điện, cấp nước, đường giao thông nội bộ; Khu công nghiệp Âu Lâu với diện tích 120ha, nằm gần Quốc lộ 37, cách sát nút giao lên xuống của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và rất gần với vùng nguyên liệu chè, quế, gỗ của các huyện lân cận; Khu công nghiệp Minh Quân có diện tích 120ha, nằm gần Quốc lộ 37, 32C và các nút lên xuống của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai 1,5km, đây chính là KCN được tỉnh chủ trương mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông lâm sản.

Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề nông thôn cũng được quan tâm chú trọng với hàng loạt các cơ sở dịch vụ cơ khí, chế biến gỗ, lương thực, thực phẩm ra đời và đi vào hoạt động góp phần quan trọng trong việc giải quyết đầu ra cho nông lâm sản, tạo việc làm cho lao động và nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách. Là thành phố tỉnh lỵ, là trung tâm, cửa ngõ của vùng Tây Bắc rộng lớn, nhịp sống đô thị đã hình thành và phát triển với những tuyến phố đông đúc như: Hoàng Hoa Thám, Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên, Yên Ninh, Nguyễn Thái Học… mở ra cơ hội cho ngành nghề thương mại dịch vụ phát triển…

Với lợi thế là trung tâm kinh tế, văn hóa chính trị của tỉnh, thành phố Yên Bái đã nhanh chóng nắm lấy thời cơ, đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, lựa chọn những dự án thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển đô thị; đặc biệt là dành nguồn lực mở rộng các KCN, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

(Bài viết có sử dụng tài liệu Phòng Văn hóa thông tin thành phố Yên Bái cung cấp và tham khảo tài liệu từ trang Thông tin điện tử UBND thành phố Yên Bái)

 

27452 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h