Từ thực
tế đó, để giúp nông dân nâng cao thu nhập từ trồng rau, tạo ra sản phẩm rau an
toàn, đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đồng thời tạo đòn bẩy để thành
phố hướng tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững, thành phố Yên Bái đã triển
khai Đề án sản xuất rau an toàn. Đề án này đang được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng
đi mới mang tính chất bền vững cho sản xuất rau an toàn nói riêng và sản xuất
nông nghiệp của thành phố nói chung.
Trên địa bàn thành phố Yên Bái hiện có 650 ha diện tích rau
đậu các loại trồng phân tán và trồng tập trung tại một số xã như: Văn Phú, Tuy
Lộc, Âu Lâu, Tân Thịnh, Phúc Lộc... Sản xuất rau của nông dân trên địa bàn chủ
yếu vẫn theo quy mô hộ gia đình, diện tích nhỏ, phân tán và làm theo kinh
nghiệm và phương pháp truyền thống dựa chủ yếu vào khai thác lợi thế tự nhiên,
theo mùa vụ. Với mục tiêu xây dựng vùng sản xuất rau an toàn nhằm đảm bảo tính
minh bạch, truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm để nâng cao chất lượng và
hiệu quả cho sản xuất rau, thành phố Yên Bái đã triển khai Đề án sản xuất rau
an toàn với diện tích thực hiện là 9 ha tại 3 xã Âu Lâu, Tuy Lộc, Văn Phú, mỗi
xã 3 ha.
Trong đó có 0,4 ha trồng rau trong nhà vòm che thấp, 8,6 ha
rau trồng ngoài trời. Đề án có tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng, thực hiện trong
hai năm 2016 - 2017. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước trên 824 triệu đồng, vốn
nhân dân đầu tư hơn 687 triệu đồng. Tại 3 xã đã thành lập 3 tổ hợp tác hoặc
nhóm hộ để thực hiện.
Theo đó, xã Âu Lâu đã thành lập tổ hợp tác gồm 19 người, Văn
Phú 31 người, Tuy Lộc 56 người. Mỗi tổ hợp tác thành lập mới được hỗ trợ 5
triệu đồng. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ lắp đặt nhà vòm che thấp, hệ thống tưới
và hỗ trợ trực tiếp cho hộ sản xuất rau. Hiện thành phố đang chỉ đạo 3 xã tích
cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về mục tiêu xây dựng Đề án để
từng bước hình thành và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn đủ
tiêu chuẩn, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Theo kế hoạch vụ hè thu, 3 xã Tuy Lộc, Âu Lâu, Văn Phú đăng
ký thực hiện diện tích trên 25.000 m2. Đến nay, tổng diện tích làm đất của các
xã đạt trên 11.000 m2; diện tích đã trồng đạt hơn 10.000 m2. Thành phố đã phối
hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Yên Bái lấy 3 mẫu
đất, 3 mẫu nước tại khu vực trồng rau của các xã: Âu Lâu, Văn Phú, Tuy Lộc để
phân tích theo quy định; lấy 02 loại rau để phân tích mẫu tại xã Âu Lâu; tổ
chức kiểm tra sức khỏe cho 106 thành viên của các tổ hợp tác thuộc 3 xã.
Qua kiểm tra, 100% thành viên các tổ hợp tác đủ sức khỏe để
sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm. Đồng thời, thành phố cũng đôn đốc 3
xã chủ động làm nhà sơ chế để phục vụ cho sản xuất rau an toàn. Cho đến thời
điểm hiện tại, xã Âu Lâu, Tuy Lộc đã phối hợp cùng các tổ hợp tác thực hiện tốt
trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phục vụ sản xuất rau an toàn, xây
dựng khu vực nhà sơ chế, hướng dẫn các hộ trồng rau đúng thời vụ. Đặc biệt, đầu
tháng 10, xã Âu Lâu đã có diện tích cho sản phẩm rau an toàn đầu tiên của thành
phố.
Anh Nguyễn Long Giang - Trưởng thôn Đồng Đình, xã Âu Lâu cho
biết: “Thực hiện chương trình Đề án rau an toàn của thành phố, thôn Đồng Đình
có 19 thành viên tham gia tổ hợp tác. Chúng tôi đã vận động các hộ trong vùng
trồng rau không có điều kiện tham gia Đề án đổi diện tích đất cho các hộ
trong tổ hợp tác. Người dân đã được tập huấn về sản xuất rau an toàn cũng như
được phát “Sổ nhật ký sản xuất rau an toàn”. Cho đến thời điểm hiện tại, thôn
Đồng Đình đã có 13 hộ trồng rau trên diện tích hơn 5.000 m2. Chúng
tôi đã vận động bà con thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật được tập huấn”.
Theo ông Hoàng Quốc Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Yên
Bái, Đề án sản xuất rau an toàn thành phố Yên Bái ra đời với mục đích cung cấp
các sản phẩm rau, củ, quả đảm bảo tiêu chí: kỹ thuật sản xuất, an toàn thực
phẩm, môi trường làm việc, truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, đã có hơn 50
hộ gia đình của 3 xã Tuy Lộc, Văn Phú, Âu Lâu tham gia thực hiện. Mục tiêu của
Đề án là xây dựng thành công chuỗi giá trị sản xuất rau an toàn nhằm đảm bảo
tính minh bạch, truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm; giảm tác động tiêu cực
tới môi trường trong quá trình trồng trọt; kết nối thị trường tiêu thụ, tạo đầu
ra ổn định cho người trồng rau, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; nâng cao chất
lượng và hiệu quả cho sản xuất rau tại thành phố Yên Bái.
Đồng thời, phát huy tối đa lợi thế và nguồn lực nhằm hình
thành và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn đủ tiêu chuẩn,
bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng; từng bước nâng cao chất lượng nông sản hàng
hóa, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, ổn định và nâng cao đời
sống của người trồng rau và tạo “đòn bẩy” để thành phố hướng tới một nền nông
nghiệp sạch, bền vững.
Xác định mục đích chính của Đề án là ngày càng có nhiều nông
dân hiểu được về sản xuất nông nghiệp đúng quy trình, được hướng dẫn kỹ thuật
và quy trình sản xuất một số loại rau chính, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo
vệ thực vật, cách thu hoạch, bảo quản, sơ chế, bảo hộ lao động... trong quá
trình đi thực địa kiểm tra tiến trình triển khai Đề án rau an toàn trên địa bàn
3 xã Tuy Lộc, Âu Lâu, Văn Phú cuối tháng 9 vừa qua, Đoàn công tác của Thành ủy
do đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thành ủy
làm Trưởng đoàn đã đề nghị các phòng, ban chuyên môn chỉ đạo, hướng dẫn các xã
tiếp tục hoàn thiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất; cùng với
đó, hướng dẫn người dân chuẩn bị đất triển khai trồng cây vụ đông; trạm Khuyến
nông, Trạm Bảo vệ thực vật và UBND các xã hướng dẫn, đôn đốc các hộ trồng rau
ghi chép, lưu trữ nhật ký theo dõi quy trình sản xuất rau an toàn của gia đình.
Theo kế hoạch, đầu tháng 10/2016 Chi cục Quản lý chất lượng
Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận rau an toàn cho các
tổ hợp tác và các tổ có sản phẩm rau an toàn bán ra thị trường. Theo đó, thành
phố đã bố trí địa điểm tại các chợ Minh Tân, chợ Nguyễn Phúc, chợ Yên Ninh, chợ
Hồng Hà, chợ Đồng Tâm để khi có sản phẩm sau an toàn đưa ra giới thiệu nhằm đảm
bảo đúng tiến độ Đề án đưa ra.
Sản xuất rau ở thành phố Yên Bái cho đến nay vẫn bấp bênh
trong sự “mùa vụ, nhỏ lẻ ” cộng với việc trên thị trường đang ngày càng xuất
hiện nhiều loại rau màu chứa chất độc tố do dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân
hoá học gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, làm cho người tiêu dùng hoang mang và giảm
sức tiêu thụ rau, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập nhiều hộ nông dân trồng rau.
Vì vậy, sản xuất rau an toàn là hướng đi triển vọng đối với
sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Mục tiêu cuối cùng của Đề án chính
là “nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt nhằm cải thiện sản lượng và chất
lượng sản phẩm cây trồng”, cũng là nhằm thay đổi nhận thức của người nông dân
trồng rau, hướng tới một nền sản xuất bền vững. Bởi chính người nông dân khi
tham gia đề án sản xuất rau an toàn sẽ hiểu mình đang làm những gì và cần có
trách nhiệm như thế nào đối với rau quả mình sản xuất ra. Từ đó, mở ra một
hướng đi mới trong sản xuất rau an toàn, góp phần không nhỏ giúp củng cố niềm
tin cho người tiêu dùng thành phố Yên Bái.