Những kết quả bước đầu của Đề án
Để thực hiện các mục tiêu Giáo dục và Đào tạo đến năm 2020, Yên Bái có một mạng lưới giáo dục ổn định, phát triển lâu dài, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tập trung nguồn lực, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm chuẩn hóa, hiện đại hóa trường, lớp học, tạo điều kiện để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, nhất là học sinh vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn… việc xây dựng và triển khai Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn là hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn của một tỉnh miền núi và phù hợp với chủ trương lớn của Đảng.
Đặc biệt, tại các địa phương vùng cao của tỉnh Yên Bái trước đây duy trì mô hình các điểm trường lẻ ở các thôn, bản với số lượng mỗi xã thường có từ 5 - 10 điểm trường lẻ. Thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020, các điểm trường lẻ sẽ tập trung về điểm trường chính hoặc sáp nhập nhiều điểm lẻ trên cơ sở khoảng cách từ nhà tới trường không quá 5 km, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và có điều kiện đầu tư tập trung cho các điểm trường chính. Do đó, về cơ bản, Đề án đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, sự ủng hộ của nhân dân.
Thực hiện Đề án đã được phê duyệt, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực thực hiện việc sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp. Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan trực tiếp thực hiện đã chủ động hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện Đề án.
Sau 2 tháng triển khai thực hiện, đến nay, 100% các đơn vị đã hoàn thành việc sáp nhập trường, 4 đơn vị thí điểm đã hoàn thành việc sắp xếp lại các điểm trường lẻ theo Đề án. Các huyện đã triển khai quy trình miễn nhiệm, bổ nhiệm, điều động đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; xây dựng phương án bồi dưỡng, đào tạo lại đổi với giáo viên và nhân viên.
Sau sắp xếp, các cơ sở giáo dục mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở công lập toàn tỉnh giảm 148 trường, giảm 179 điểm trường; giảm 87 lớp; tăng 5.330 học sinh, tăng 6.068 học sinh bán trú. So với Đề án đã được phê duyệt tăng 99 lớp và tăng 558 học sinh.
Số điểm trường trong năm học 2016-2017 giảm 179 điểm (vượt 1 điểm trường so với Đề án). Trong đó có 9 điểm lẻ được sáp nhập tăng so với Đề án; huyện Trấn Yên mở mới 1 điểm lẻ tại trường Mầm non Việt Hồng. Hiện tại, so với Đề án còn 7 điểm trường chưa sáp nhập tại Thành phố Yên Bái, Thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu.
Về đội ngũ, tính đến hết tháng 10 năm 2016 đã có 6 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành việc sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên đã sắp xếp là 660 người. Trong đó cán bộ quản lý là 140 người, giáo viên 288 người, nhân viên 232 người. Dự kiến tiếp tục sắp xếp 218 người. Đối với việc bố trí giáo viên, nhân viên đi đào tạo lại, bồi dưỡng là 347 người.
Toàn tỉnh đã huy động từ công tác xã hội hóa được trên 63 tỷ đồng để sửa chữa phòng học, cơ sở vật chất, các công trình phụ trợ, hỗ trợ học sinh nghèo mua sách vở, đồ dùng học tập…
Vẫn còn nhiều khó khăn
Những kết quả đạt được sau 2 tháng triển khai thực hiện Đề án là điều cần phải khẳng định. Song bên cạnh đó, những khó khăn trong sắp xếp trường lớp cũng xuất hiện. Trong đó, khó khăn về cơ sở vật chất là nổi bật. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư song chưa thực sự đồng bộ. Đặc biệt ở các huyện vùng cao hiện vẫn còn thiếu phòng học văn hóa, phòng bộ môn, phòng hiệu bộ, công trình vệ sinh; trang thiết bị, đồ dùng dạy học được đầu tư lâu hiện đang xuống cấp, không sử dụng được; điều kiện cơ sở vật chất cho học sinh bán trú còn thiếu, còn nhiều công trình tạm, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, ở nhiều trường vẫn phải tận dụng nhà kho làm phòng học, phòng ở cho học sinh...
Tại huyện Văn Chấn, đến thời điểm tháng 10/2016, toàn huyện có 73 trường Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 152 điểm trường lẻ, 1.126 nhóm, lớp; 33.886 học sinh trong đó có 2.567 học sinh bán trú. Về đội ngũ giáo vi�n tính đến 1/11/2016, toàn huyện có 2.320 người; tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trở lên 100%, trong đó trên chuẩn đạt 76,2%.
Về cơ sở vật chất, toàn huyện có 1.010 phòng học và 11 phòng học nhờ. Năm học 2016-2017, quy mô mạng lưới trường lớp của huyện giảm 28 lớp, tăng 917 học sinh so với cùng kỳ năm học trước. So với Đề án giảm 3 lớp, số học sinh tăng 602 học sinh. Số trường quốc gia đạt chuẩn là 20 trường, giảm 7 trường so với năm học trước.
Ông Hồ Đức Hợp – Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Trong quá trình thực hiện đề án, huyện Văn Chấn đã huy động được toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của huyện là thiếu đội ngũ giáo viên ảnh hưởng lớn đến việc giảng dạy và nâng cao chất lượng dạy học. Việc sáp nhập cũng dẫn đến giảm số trường đạt chuẩn quốc gia, đồng thời nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, các phòng chức năng, thiết bị dạy học để đạt chuẩn cần nguồn kinh phí lớn nên khó đạt được mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo từng cấp học và khó khăn trong việc thực hiện lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các trường Bán trú do số lượng học sinh bán trú tăng, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ còn thiếu nên khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức nuôi dưỡng học sinh. Giáo viên ở các trường có học sinh bán trú vẫn thực hiện các nhiệm vụ quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng học sinh nhưng chưa có chính sách hỗ trợ”.
Còn đối với việc thực hiện Đề án tại huyện Mù Cang Chải - huyện 30a của tỉnh Yên Bái, mặc dù các cấp chính quyền, địa phương và toàn dân đã rất nỗ lực thực hiện Đề án, trong đó điểm trường lẻ từ 139 điểm giảm xuống còn 47 điểm. Số học sinh từ điểm trường lẻ về điểm trường chính là 3.814 học sinh. Nhưng đối với huyện Mù Cang Chải khó khăn của huyện là do nhận thức của một số phụ huynh ở một số xã chưa sâu sắc về mục tiêu của Đề án nên chưa cho con em mình ra học thường xuyên, chưa tích cực tham gia công tác xã hội hóa giáo dục. Một số đơn vị chưa làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ giáo viên dẫn tới một số giáo viên, nhân viên còn chưa hiểu hết trách nhiệm và chưa nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ.
Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Mù – huyện Mù Cang Chải cho biết: Trước đây, trên địa bàn huyện có 7 điểm trường lẻ, khi thực hiện đề án chỉ còn 2 điểm lẻ tại Thôn Khấu Ly và Mù Thấp với 1.168 học sinh, 34 lớp và 70 cán bộ giáo viên. Thực hiện Đề án rất thuận lợi cho nhà trường ở khâu sắp xếp đầu năm học, phân luồng học sinh. Đa số phụ huynh đều đồng thuận cao với việc thực hiện Đề án này vì con em của họ được học tập, sinh hoạt ở nơi có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc học tập được tốt hơn. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là việc quản lý học sinh bán trú còn hạn chế. Cơ sở vật chất đã được đầu tư song còn chưa đồng bộ, hiện còn thiếu phòng học văn hóa, phòng học bộ môn, phòng hiệu bộ, công trình vệ sinh… Đặc biệt, điều kiện vật chất, cơ sở cho học sinh bán trú còn thiếu như nhà ở, nhà bếp, công trình vệ sinh, nước sạch… Một số điểm trường lẻ mầm non sáp nhập đường giao thông đi lại khó khăn nên việc đưa con em đến trường chưa thường xuyên. Học sinh bán trú còn nhỏ tuổi, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 mới từ điểm trưởng lẻ về chưa quen nề nếp, chưa biết tự sinh hoạt nên giáo viên còn gặp khó khăn trong công tác chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng tại nhà trường. Do địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác xây dựng cơ sở vật chất để thực hiện Đề án”.
Khó khăn của huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải cũng là khó khăn chung của các địa phương khác trong quá trình thực hiện Đề án.
Nỗ lực vượt qua khó khăn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục
Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020 là một chủ trương đúng, một phương thức hay, là bước ngoặt lớn cho cả giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Tuy nhiên không có thành công nào là dễ dàng. Tỉnh Yên Bái đã và đang nỗ lực vượt khó để tiến tới mục tiêu cao hơn trong nâng cao chất lượng giáo dục. Cái khó nhất trong thực hiện Đề án là sự đồng thuận của người dân đến nay cũng đã được giải quyết. Còn lại khó khăn về cơ sở vật chất tỉnh Yên Bái sẽ sớm có phương án khắc phục trong thời gian sớm nhất. Với sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, thầy cô và phụ huynh giúp sức, tin tưởng rằng đề án này sẽ đạt được kết quả tốt với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục.
Lan Hương