Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chính sách mới. >> Văn bản mới

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ 1/7/2017

30/06/2017 07:23:30 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Từ ngày 1/7/2017, nhiều chính sách mới như: tăng lương đối với 9 nhóm đối tượng, hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người theo lương cơ sở, tăng mức trợ cấp, phu cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, tăng mức trợ cấp thai sản... bắt đầu có hiệu lực.

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ 1/7/2017

9 NHÓM ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TĂNG LƯƠNG TỪ 1/7/2017

Theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2017 là 1.300.000 đng/tháng.

Mức lương này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Có 9 nhóm đối tượng được áp dụng gồm:

1- Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 4 luật Cán bộ, công chức năm 2008.

2- Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 điều 4 luật Cán bộ, công chức năm 2008.

3- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại luật Viên chức năm 2010.

4- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, gồm:

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17-11-2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp;

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của Thủ tướng.

5- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

6- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc QĐND Việt Nam.

7- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc CAND.

8- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

9- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

♦ Xem nội dung Nghị định 47/2017/NĐ-CP

HƯỚNG DẪN CÁCH TÍNH LƯƠNG, PHỤ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Theo Thông tư 02/2017/TT-BNV hướng dẫn cách tính lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức như sau: Mức lương = 1.300.000 đồng/tháng x Hệ số lương hiện hưởng;

Mức phụ cấp: Các khoản phụ cấp tính theo lương cơ sở = 1.300.000 đồng/tháng x Hệ số phụ cấp hiện hưởng;

Các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) = [mức lương + mức phụ cấp chức vụ (nếu có) + mức phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x Tỉ lệ % phụ cấp;

Các khoản phụ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể thì giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) = 1.300.000 đồng/tháng x Hệ số chênh lệch bảo lưu.

Đối với các khoản phụ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể thì giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Mức lương, phụ cấp (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu, nếu có) và hoạt động phí của các đối tượng quy định được tính theo mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng từ ngày 1-7-2017.

♦ Xem nội dung Thông tư 02/2017/TT-BNV

QUY ĐỊNH MỚI: BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, đặc biệt là trách nhiệm của từng chủ thể trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Chương IV của Nghị định này quy định rõ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

♦ Xem nội dung Nghị định số 56/2017/NĐ-CP

HỌC SINH, SINH VIÊN DÂN TỘC THIỂU SỐ RẤT ÍT NGƯỜI ĐƯỢC HỖ TRỢ THEO LƯƠNG CƠ SỞ

 

Theo Nghị định 57/2017/NĐ-CP qui định, học sinh sinh viên (HSSV) 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người từ bậc mầm non đến đại học sẽ được hỗ trợ bằng từ 30% đến 100% lương cơ sở mỗi tháng.

Theo đó, chính sách này hướng đến đối tượng là trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên thuộc 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người (gọi là dân tộc thiểu số rất ít người) bao gồm: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ.

Thời gian hỗ trợ là 12 tháng/năm cho đối tượng có thời gian học đủ 9 tháng/năm trở lên; trường hợp đối tượng học không đủ 9 tháng/năm thì được hưởng theo thời gian học thực tế.

♦ Xem nội dung Nghị định số 57/2017/NĐ-CP

NHIỀU CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7 trong đó có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với cụm công nghiệp.

Theo đó dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp làng nghề được miễn tiền thuê đất 11 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư.

Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề được miễn tiền thuê đất 15 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư.

Ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí di dời các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề vào cụm công nghiệp làng nghề; mức hỗ trợ cụ thể do UBND tỉnh quyết định. Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương xem xét ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề.

♦ Xem nội dung Nghị định số 68/2017

TĂNG MỨC TRỢ CẤP, PHỤ CẤP ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Theo Nghị định số 70/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/7/2017  của Chính phủ, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng được tăng từ 1.318.000 đồng lên 1.417.000 đồng.

Cụ thể, Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 diện thoát ly mức trợ cấp 1.583.000 đồng/tháng, phụ cấp 268.000/1 thâm niên; diện không thoát ly mức trợ cấp 2.688.000 đồng/tháng. Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 từ trần 1.417.000 đồng/tháng.

Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 được trợ cấp 1.465.000 đồng/tháng. Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 từ trần là 795.000 đồng/tháng.

Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ là 1.417.000 đồng/tháng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ là 2.834.000 đồng/tháng; đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên, mức trợ cấp là 4.251.000 đồng/tháng; trợ cấp tiền tuất đối với vợ hoặc chồng liệt sỹ lấy chồng hoặc lấy vợ khác (diện không hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng) là 1.417.000 đồng/tháng.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ như trên) được hưởng phụ cấp 1.188.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp đối với người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình là 1.417.000 đồng/tháng.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng trợ cấp 1.188.000 đồng/tháng.

Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được trợ cấp thương tật từ 955.000 đồng/tháng – 4.543.000 đồng/ tháng tùy tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.

Thương binh loại B được trợ cấp thương tật từ 788.000 đồng/tháng đến 3.759.000 đồng/tháng tùy tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.

♦ Xem nội dung Nghị định số 70/2017/NĐ-CP

QUY ĐỊNH VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, KHAI THÁC CẢNG CẠN

Theo Nghị định số 38/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/7/2017) quy định về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn.

Về tiêu chí cảng cạn, Nghị định quy định cảng cạn phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn đã được phê duyệt; gắn với các hành lang vận tải chính, kết nối tới cảng biển phục vụ phát triển kinh tế vùng; phải có ít nhất hai phương thức vận tải để tạo điều kiện tổ chức vận tải đa phương thức hoặc kết nối trực tiếp với một phương thức vận tải có năng lực cao; bảo đảm đủ diện tích để bố trí nơi làm việc cho các cơ quan, tổ chức hữu quan và đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài; có diện tích tối thiểu 5 ha đối với các cảng cạn hình thành mới; bảo đảm yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

♦ Xem nội dung Nghị định số 38/2017/NĐ-CP

TĂNG TRỢ CẤP THAI SẢN TỪ NGÀY 1/7/2017

Từ ngày 01/7/2017, mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi sẽ tăng hơn 7,4% so với mức hiện hành. 

Theo đó, từ ngày 01/7/2017, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.210.000 đồng/tháng lên thành 1.300.000 đồng/tháng nên tiền trợ cấp thai sản cũng được điều chỉnh tăng theo cho phù hợp (Căn cứ Điều 38 của Luật bảo hiểm xã hội 2014).

Cụ thể như sau:

 

Quy định hiện hành

Từ ngày 01/7/2017

Mức trợ cấp thai sản/mỗi con

2.420.000 đồng

2.600.000 đồng

QUẢN LÝ CHẶT GIÁ THUỐC

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định những biện pháp nhằm quản lý giá thuốc bao gồm: Kê khai, kê khai lại giá thuốc, niêm yết giá thuốc, dấu thầu mua thuốc….

Trong đó nêu rõ cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc và các quy định khác về quản lý giá thuốc; chịu trách niệm trước pháp luật về giá kê khai, kê khai lại và tính chính xác của các số liệu, tài liệu báo cáo, thong tin do cơ sở cung cấp.

Cơ sở kinh doanh không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công. Cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố.

♦ Xem nội dung Nghị định 54/2017/NĐ-CP

PHÂN BỔ LẠI THỜI GIAN LÀM VIỆC CỦA GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ

Đây là quy định đáng chú ý tại Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH về chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, thời gian làm việc của nhà giáo dạy cao đẳng/trung cấp nghề giữ nguyên là 44 tuần/năm theo chế độ tuần làm việc 40 giờ, tuy nhiên phân bổ lại thời gian làm việc cụ thể như sau:

Thực hiện công tác giảng dạy/giáo dục học viên/học sinh/sinh viên: 32 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; 36 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp.

♦ Xem nội dung Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH

4 ĐIỀU KIỆN CHO VIỆC NUÔI CÁ TRA THƯƠNG PHẨM

Theo quy định của Nghị định số 55/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 thì việc nuôi cá tra thương phẩm phải đáp ứng 4 điều kiện: có địa điểm, diện tích nuôi cá tra phù hợp với quy hoạch về sử dụng đất của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về nuôi cá tra thương phẩm, có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, có nơi xử lý chất thải, bùn thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và vệ sinh thú y; đáp ứng các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; có Giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá tra theo quy định.

♦ Xem nội dung Nghị định số 55/2017/NĐ-CP

NGUYÊN TẮC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CẢNG BIỂN, LUỒNG HÀNG HẢI

Từ ngày 1/7/2017 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải bao gồm: Đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển, luồng hàng hải, công trình hàng hải, báo hiệu hàng hải, thông báo hàng hải, hoạt động của hoa tiêu hàng hải và quản lý hoạt động của tàu thuyền tại cảng biển và trong vùng biển Việt Nam.

Việc đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, chuyển tải, luồng hàng hải phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển và các quy hoạch khác có liên quan đã được phê duyệt; trường hợp dự án đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, chuyển tải, luồng hàng hải có sự khác biệt so với quy hoạch phát triển cảng biển đã được phê duyệt, trước khi triển khai dự án, chủ đầu tư phải báo cáo và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chấp thuận.

♦ Xem nội dung Nghị định số 58/2017/NĐ-CP

DANH MỤC HÀNG HÓA NHẬP KHẨU PHẢI LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN TẠI CỬ KHẨU NHẬP

 

Từ ngày 1/7/2017, Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg về Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập có hiệu lực.

Hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục kèm theo Quyết định này được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc tại các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập trong các trường hợp sau:

1. Thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, công trình hoặc kho của nhà máy, công trình.

2. Nguyên liệu, vật tư, thiết bị, máy móc, linh kiện, phụ tùng để phục vụ gia công, sản xuất được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất.

3. Hàng hóa tạm nhập để dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm.

4. Hàng hóa nhập khẩu vào cửa hàng miễn thuế được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế.

5. Hàng hóa nhập khẩu vào khu phi thuế quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý khu phi thuế quan.

6. Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu cứu trợ khẩn cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật hải quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh hoặc yêu cầu cứu trợ khẩn cấp.

7. Hàng hóa chuyên dùng nhập khẩu phục vụ an ninh, quốc phòng theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật hải quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan theo đề nghị của người khai hải quan.

♦ Xem nội dung Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg

QUẢN  LÝ TIẾP CẬN NGUỒN GEN VÀ CHIA SẺ LỢI ÍCH TỪ VIỆC SỬ DỤNG NGUỒN GEN

Ngày 12/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen. 

Nghị định được ban hành sẽ giúp điều chỉnh hệ thống văn bản trong nước theo hướng phân công, phân nhiệm vụ rõ ràng, khắc phục những tồn tại hiện có và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về tiếp cận  sử dụng nguồn gen, góp phần đạt được mục tiêu về bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền của Luật Đa dạng sinh học.

Nghị định bao gồm các nội dung chính như sau: nguyên tắc trong quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Nagoya và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen; đối tượng, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen; các quy định về chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; thông tin và báo cáo. 

♦ Xem nội dung của Nghị định số 59/2017/NĐ-CP

QUY ĐỊNH THẨM ĐỊNH GIÁ KHỞI ĐIỂM CỦA KHOẢN NỢ XẤU

Có hiệu lực từ 1/7/2017, Nghị định 61/2017/CP-NĐ vừa được Chính phủ ban hành ngày 16/05/2017, quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn.

Theo đó Nghị định số 61/2017/NĐ-CP áp dụng với đối tượng là tổ chức Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; Đồng thời, áp dụng với doanh nghiệp thẩm định giá; Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; Tổ chức tín dụng có nợ xấu bán cho tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc đấu giá tài sản là nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

♦ Xem  nội dung Nghị định 61/2017/CP-NĐ

NHIỀU QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ HÌNH THỨC ĐẤU GIÁ TRỰC TUYẾN

Tại Nghị định số 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 có nhiều quy định cụ thể về hình thức đấu giá trực tuyến. Theo đó, đấu giá trực tuyến phải được thực hiện theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu giá tài sản; bảo mật về tài khoản truy cập, thông tin về người tham gia đấu giá và các thông tin khác theo quy định của của pháp luật; bảo đảm tính khách quan, minh bạch, an toàn, an ninh mạng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản, người tham gia đấu giá và cá nhân, tổ chức có liên quan.

Tổ chức đấu giá tài sản sử dụng Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức mình hoặc ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản khác có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến.

♦ Xem nội dung Nghị định số 62/2017/NĐ-CP

 

1913 lượt xem
Thanh Thủy

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h