Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Về Đông Cuông dự lễ hội cơm mới

31/10/2017 10:55:37 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ẩn chứa trong mình những giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống, đền Mẫu Đông Cuông là điểm đến của đông đảo du khách thập phương trong hành trình tâm linh trở về cội nguồn. Ngoài lễ hội chính vào ngày Mão tháng giêng đầu năm, đền Đông Cuông còn có lễ hội cơm mới vào ngày Mão đầu của tháng chín âm lịch, với những nghi thức linh thiêng và độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của người Tày Khao.

Lễ hội giã cốm của đồng bào dân tộc Tày Khao xã Đông Cuông là lễ hội truyền thống sau mỗi vụ thu hoạch lúa

Lễ hội cơm mới diễn ra trong khuôn viên di tích lịch sử cấp quốc gia đền Đông Cuông, thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Đây là ngôi đền thờ Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn và các vị anh hùng người dân tộc thiểu số trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thời Trần. Theo truyền thống của người Tày Khao, lễ hội cơm mới được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng chín, mang ý nghĩa tổng kết một năm lao động, sản xuất, là dịp để những người con quê hương và du khách thập phương về dâng hương bày tỏ lòng tri ân với  Mẫu Thượng Ngàn và các vị thần linh đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Theo kế hoạch, lễ hội cơm mới đền Đông Cuông năm 2017 sẽ diễn ra trong hai ngày 30 và 31/10/2017 (tức ngày 11 và 12 tháng chín năm Đinh Dậu). Để lễ hội thực sự là sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hoá vừa trang trọng, linh thiêng, vừa tưng bừng, náo nức và trở thành điểm đến của muôn dân trăm họ trong hành trình trở về với cội nguồn dân tộc, Ban quản lý di tích đền Đông Cuông đã phối hợp cùng UBND xã Đông Cuông xây dựng kế hoạch, chương trình kịch bản cụ thể, thành lập các tiểu ban phục vụ lễ hội; chuẩn bị cơ sở vật chất để phần lễ đảm bảo thiêng liêng, trang trọng theo nghi lễ truyền thống. Phần hội gồm chương trình nghệ thuật quần chúng, trình diễn các trang phục dân tộc Văn Yên và hội thi khéo tay làm cốm đảm bảo an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, kết hợp hài hòa giữa văn hoá truyền thống với hiện đại, nhằm tôn vinh bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của lễ hội.

Lãnh đạo UBND xã Đông Cuông cùng bà con thôn Khe Chàm kiểm tra chất lượng lúa nếp chuẩn bị cho Lễ hội Cơm mới năm 2017

Theo phong tục truyền thống, đúng vào 0 giờ ngày Mão đầu tháng chín âm lịch hàng năm, người Tày Khao và nhân dân xã Đông Cuông tổ chức mổ trâu đen tế thần linh; bên cạnh các sản vật của một năm cấy trồng, chăn nuôi, cốm nếp được coi là sản vật mang hương vị tinh túy của đất trời, ngon nhất của mùa vụ được dâng lên Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn, Ngọc Hoàng và các đấng thần linh để tạ ơn trời đất, thể hiện sự biết ơn của người dân đối với đất trời đã cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời cầu khẩn cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.

Cũng như mọi năm, một trong những hoạt động hấp dẫn diễn ra trong lễ hội cơm mới đền Đông Cuông năm 2017 là hội thi khéo tay làm cốm. Để có được những hạt cốm dẻo thơm dâng Mẫu, cúng đất trời, tổ tiên và phục vụ cho hội thi khéo tay làm cốm, UBND xã Đông Cuông đã giao cho một số hộ dân ở thôn Khe Chàm gieo cấy gần một ha lúa nếp bản địa mà bà con ở đây gọi là nếp Vải. Số diện tích này được gieo cấy thành ba trà, mỗi trà cách nhau 7 ngày, trà thứ nhất gặt sớm để có gạo nếp đồ xôi cúng cơm mới, trà thứ hai để làm cốm và phục vụ hội thi khéo tay làm cốm, trà thứ ba để phục vụ cho lễ hội đầu năm. Cùng với đó, UBND xã Đông Cuông đã giao cho các thôn chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia hội thi giã cốm theo đúng bản sắc dân tộc địa phương. Đây là dịp để nhân dân xã Đông Cuông giao lưu, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, thắt chặt thêm tình đoàn kết các thôn bản, hướng về một cuộc sống đủ đầy, từng bước đưa sản phẩm cốm Đông Cuông trở thành sản phẩm du lịch để nâng cao thu nhập cho gia đình và thu hút khách du lịch. 

Trong  hội thi khéo tay làm cốm, những người cao niên sẽ truyền dạy cho con cháu phong tục, tập quán của người Tày Khao, dạy làm cốm và các món ăn từ cốm như cháo cốm, bánh cốm, chè cốm, xôi cốm, cốm lam, cốm rang để tạ ơn Mẫu và dâng cúng tổ tiên. Với những nghi thức truyền thống, hội thi khéo tay giã cốm trong lễ hội cơm mới đền Đông Cuông thể hiện sức sống, tinh thần lễ hội đặc sắc, mang lại cho những du khách và cả những người dân bản địa được sống trong một cảm giác linh thiêng. Những nhịp giã chuyển điệu rộn ràng làm xốn sang lòng người, tạo nên nét đặc sắc của riêng một lễ hội có từ lâu đời. Lễ hội còn là dịp để những người phụ nữ Tày Khao thể hiện sự đảm đang, khéo léo trong việc chế biến các món ăn truyền thống dân tộc, mang đặc trưng riêng không lẫn với nơi khác như: Bánh chưng gù, bánh nẳng, nem chạo gói lá chuối rừng, chè lam, cơm lam, xôi ngũ sắc…để giới thiệu với du khách.

Tại làng du lịch cộng đồng thôn Cầu Có,  gia đình anh Nguyễn Đức Ninh đã đầu tư trên 50 triệu đồng để mua thiết bị chế biến cốm. Điều đặc biệt là các thiết bị này chỉ thay sức người bằng hệ thống mô tơ điện, còn chảo rang, cối giã, nong nia sàng, xảy vẫn đảm bảo theo phương thức cổ truyền. Anh Ninh cho biết: trong quá trình gieo cấy, từ khâu chọn giống đến chăm sóc, gia đình luôn thực hiện theo sự hướng dẫn của các cán bộ Phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông huyện, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh. Trong khâu ché biến cốm luôn đảm vảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng phẩm màu, không chất bảo quản, nên sản phẩm cốm của gia đình đảm bảo chất lượng, dẻo thơm, có hương vị đặc trưng và màu xanh tự nhiên của cốm, được du khách rất ưa chuộng, trong những ngày qua, gia đình đã chế biến và tiêu thụ được gần 2 tạ cốm nếp cho du khách.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ hội cơm mới Đền Đông Cuông năm 2017 đã được ban tổ chức lễ hội hoàn tất.  Các dịch vụ lưu trú, nhà hàng ăn uống, bãi đỗ xe và địa điểm trực y tế tại khu vực lễ hội đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của du khách thập phương đến tham gia các hoạt động của lễ hội. Ông Cao Mạnh Khởi - Chủ tịch UBND xã Đông Cuông cho biết: UBND xã Đông Cuông đã chỉ đạo các thôn bản làm tốt công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, vệ sinh đường làng ngõ xóm, chăm sóc cây cảnh dọc tuyến đường vào đền. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng. Đặc biệt trong khuôn viên đền Mẫu đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, góp phần phòng chống kẻ gian và bảo vệ tài sản cho du khách, tạo điều kiện thuận lợi nhất để du khách đến tham gia các hoạt động của lễ hội.

Hiện nay chưa bước vào chính hội, nhưng mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách đến dâng hương tại đền Mẫu Đông Cuông. Sự tôn nghiêm của quần thể di tích, phong cảnh thiên nhiên xanh-sạch-đẹp, công tác đón tiếp chu đáo, sự thân thiện, mến khách của Ban quản lý Đền và người dân nơi đây đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với  khách thập phương. Ông Hoàng Viết Nam, du khách tỉnh Bắc Giang xúc động cho biết: Hàng năm bản hội chúng tôi ở Bắc Giang về Đền Đông Cuông (huyện Văn Yên) lễ Mẫu để cầu lộc, cầu tài, cầu sức khỏe, cầu cho quốc thái dân an. Mỗi một lần đến đây, tôi thấy có rất nhiều đổi mới, đường giao thông ngày càng thuận tiện, khu di tích đền Mẫu được tôn tạo khang trang, phong cảnh thì sơn thủy hữu tình đúng là nơi Mẫu ngự. Người dân ở đây rất thân thiện và mến khách. Được về đây để thành kính dâng hương tri ân Mẫu Thượng Ngàn, tôi có cảm giác tâm hồn được thoát tục, nhẹ nhõm trong sáng hơn, thấy mạnh khỏe hơn và muốn làm nhiều việc tốt.

Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức lễ hội và người dân địa phương, lễ hội cơm mới đền Đông Cuông năm 2017 hứa hẹn là một điểm du lịch văn hoá tâm linh, linh thiêng và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là điểm hội tụ sức mạnh đoàn kết và gửi gắm khát vọng về hòa bình, ấm no của đông đảo nhân dân đôi bờ tả - hữu miền thượng nguồn sông Thao. Đây cũng là dịp để huyện Văn Yên quảng bá, giới thiệu những sản phẩm du lịch văn hoá, thúc đẩy mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

628 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h