Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái chủ động thích ứng với quá trình già hóa dân số

08/11/2017 10:12:03 Xem cỡ chữ Google
Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Năm 2016, Yên Bái bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ người cao tuổi trên 10% dân số toàn tỉnh.

Người cao tuổi ở thành phố Yên Bái luyện tập thể dục thể thao chăm sóc sức khỏe.

Già hóa dân số là một trong những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội song cũng đặt ra nhiều thách thức trên nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là lĩnh vực y tế, đòi hỏi phải có các giải pháp nhằm ứng phó với một xã hội già hoá ở tầm quốc gia và ở các địa phương.

"Chủ động thích ứng với già hoá dân số” cũng là chủ đề  được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) đưa ra  trong dịp kỷ niệm 127 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (NCT) 1/10 và Tháng hành động Vì NCT Việt Nam - tháng 10 vừa qua. Năm 2016, Yên Bái bước vào giai đoạn già hoá dân số, ông Lương Kim Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh (ảnh bên) có những trao đổi với phóng viên Báo Yên Bái về vấn đề này trên địa bàn tỉnh.

P.V: Việt Nam là nước có tốc độ già hoá dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới và chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011, đối với tỉnh Yên Bái, vấn đề này hiện đang như thế nào, thưa ông?

Ông Lương Kim Đức: Sau Tổng điều tra dân số năm 2009, các nhà khoa học đã dự báo đến năm 2017 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số nhưng từ năm 2011 Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số, tức là sớm hơn 6 năm so với dự báo và sẽ trở thành nước có dân số già năm 2035… Đáng chú ý, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Quá trình già hóa của nước ta chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 23 năm (2012-2035), trong khi tại các nước phát triển, quá trình này thường kéo dài hơn nhiều. Hiện, nước ta có khoảng 10 triệu NCT, tương đương khoảng 11%. Ở Yên Bái, tỷ lệ NCT xu hướng tăng.

Kết quả tổng điều tra dân số năm 1999 số người ở độ tuổi 60 trở lên (theo Luật NCT quy định 60 tuổi trở lên được gọi là NCT - PV) của tỉnh chiếm 6,8%, năm 2009 tăng lên 7,9%. Theo số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành dân số, năm 2016, Yên Bái bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ NCT trên 10% dân số toàn tỉnh.

Cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi xã Việt Hồng (Trấn Yên).

P.V: Già hoá dân số đặt ra những thách thức lớn trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là công tác chăm sóc sức khoẻ NCT. Cụ thể, những thách thức trong lĩnh vực y tế này là gì?

Ông Lương Kim Đức: Già hóa dân số với tỷ lệ và số lượng NCT tăng nhanh là thành tựu quan trọng của việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân… Nhưng già hóa dân số cũng mang đến những thách thức lớn đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có hệ thống y tế. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, sức khỏe của NCT của người Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình của Việt Nam cao (73 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật của người Việt cũng cao, nhất là gánh nặng bệnh tật kép với khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền. Trung bình một NCT Việt Nam mắc ba bệnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của đối tượng này. Bệnh tật ở NCT chủ yếu là không lây nhiễm và là bệnh mãn tính, khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, NCT còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe khác biệt và đặc thù hơn nhiều so với nhóm dân cư khác.

P.V: Vậy, ông cho biết hệ thống y tế hiện nay trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho NCT như thế nào?

Ông Lương Kim Đức: Ngành Y tế đã triển khai thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế về chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng. Tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện đã bố trí buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho NCT; đồng thời triển khai một số giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT. Cùng đó, tổ chức khám chữa bệnh cho NCT tại 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng: tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh; hướng dẫn NCT các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe; khám sức khỏe, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho NCT; khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; khám chữa bệnh cho NCT tại trạm y tế xã, phường và tại nơi cư trú của NCT; phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng NCT.

P.V: Được biết, để có các giải pháp ứng phó với một xã hội già hoá dân số, ngày 30/12/2016, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án "Chăm sóc sức khoẻ NCT giai đoạn 2017-2025”. Yên Bái đã và đang triển khai Đề án này như thế nào, thưa ông?

Ông Lương Kim Đức: Để chuẩn bị ứng phó với già hóa dân số, ngành Y tế Yên Bái trình UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 15/8/2017 của UBND tỉnh Yên Bái về Kế hoạch thực hiện Đề án "Chăm sóc sức khỏe NCT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 – 2025”.

Mục tiêu là nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; nâng cao sức khỏe của NCT trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của NCT; đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà,…); đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của NCT tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung.

Nội dung hoạt động chủ yếu gồm: truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; nâng cao năng lực cho y tế cơ sở trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT; nâng cao năng lực cho các khoa lão của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trừ chuyên khoa nhi) thực hiện khám, chữa bệnh cho NCT; xây dựng và duy trì hoạt động của đội ngũ chăm sóc sức khỏe NCT tại gia đình; xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT, lồng ghép các nội dung tự chăm sóc sức khỏe NCT vào các câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ của NCT khác; thực hiện mô hình thí điểm xã hội hóa chăm sóc y tế cho NCT tại các cơ sở chăm sóc tập trung; phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe NCT; thực hiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT; củng cố, phát triển hệ thống quản lý chăm sóc sức khỏe NCT.

P.V: Theo ông, mô hình chăm sóc sức khoẻ NCT như thế nào là phù hợp với Yên Bái?

Ông Lương Kim Đức: NCT ở Yên Bái cùng có chung các đặc điểm của NCT Việt Nam, đó là: sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng với con cháu; đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn, đa số NCT hiện nay không có tích lũy vật chất, đối diện với gánh nặng bệnh tật kép và thường mắc các bệnh mạn tính, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa và chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khoẻ NCT chưa bắt kịp với sự chuyển đổi nhân khẩu học mạnh mẽ này. 

Bởi vậy, với tình hình kinh tế - xã hội ở Yên Bái hiện nay, việc thực hiện và nhân rộng mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng là phù hợp. Thực hiện tốt mô hình này giúp cho NCT có kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự chăm sóc bản thân; người chăm sóc NCT cũng thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho NCT góp phần giảm chi phí y tế trong chăm sóc NCT. Đồng thời, thực hiện mô hình thí điểm xã hội hóa chăm sóc y tế cho NCT tại các cơ sở chăm sóc tập trung. Ngành Y tế cũng cần tăng cường triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho y tế cơ sở trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT.

P.V: Xin cảm ơn ông!

 

626 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h