Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái: Ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng

08/12/2017 10:54:52 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sau hai năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất trồng trọt và chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh góp phần ổn định an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất tinh thân cho người dân nông thôn, đồng thời góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định an ninh chính trị tại địa phương.

Diện tích lúa cả năm đạt trên 42.524,8 ha

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên diện tích, năng suất, sản lượng lương thực có hạt không ngừng được tăng lên. Cơ cấu giống lúa được quan tâm chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ diện tích gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng cao, giảm diện tích lúa lai. Năm 2017 diện tích lúa lai chiến khoảng 45% diện tích cấy, lúa thuần chiếm khoảng 55% diện tích cấy, tăng 5% so với năm 2015, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm 20% diện tích, gồm Chiêm Hương, Séng Cù, HT1, DDS1, J01, J02 và các giống lúa nếp. Việc xây dựng cánh đồng một giống được triển khai. Qua đánh giá đã mạng lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường. Dự ước sản lượng lương thực có hạt năm 2017 đạt trên 305.933 tấn, tăng 8 nghìn tấn so với năm 2015 và tăng 26 nghìn tấn so với mục tiêu Đề án. Bên cạnh đó, đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung trên 2.500 ha và vùng sản xuất ngô hàng hóa 15 nghìn ha.

Với việc triển khai thực hiện Đề án, qua 2 năm diện tích lúa được duy trì ổn định. Hiện tại, diện tích lúa cả năm đạt trên 42.524,8 ha (trong đó lúa Đông Xuân 19.600 ha, lúa Mùa 22.924,8 ha). Diện tích trồng ngô cả năm trên địa bàn tỉnh đạt trên 28.000 ha. Năng suất và sản lượng đều tăng so với khi chưa thực hiện Đề án, năm 2016 năng suât ngô đạt 33,29 tạ/ha, tănp 0,36 tạ/ha so với năm 2015; sản lượng đạt 95.351 tấn, tăng 2.381 tấn so với năm 2015. Dự kiến năm 2017, năng suất ngô đạt 33,5 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so với năm 2015, sản lượng đạt 94.423,5 tấn, tăng 1.453 tấn so với năm 2015.

Cùng với đó đã hình thành được một số vùng sản xuất rau an toàn và ứng dựng công nghệ cao như vùng sản xuất rau an toàn tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên trên 6,0 ha, Hợp tác xã Q&C tại xã Đại Phác, huyện Văn Yên 3,0 ha; sản xuất rau thủy canh tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái 0,2 ha... Hình thành được các vùng cây ăn quả, đặc biệt là vùng cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi) đạt trên 3.000 ha/tổng diện tích theo Đề án 4.000 ha. Tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách hỗ trợ, phục tráng và phát triển cây ăn quả đặc sản theo các vùng sinh thái (bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình; cam quýt, huyện Văn Chấn và Lục Yên ...). Hiện nay diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh có trên 7.800 ha, dự kiến sản lượng quả các loại đạt trên 30.000 tấn/năm. Sản lượng cây ăn quả năm 2017 ước đạt 32.213 tấn, tăng 5.993 tấn so với năm 2015, trong đó sản lượng cây ăn quả có múi đạt 12.215 tấn, tăng 4.383 tấn so với năm 2015. Hiệu quả sản xuất trồng cây ăn quả so với các cây trồng khác rất cao, nên diện tích trồng qua 2 năm thực hiện Đề án đạt trên 1.300 ha.

Cây chè là cây truyền thống trên địa bàn tỉnh và được xác định là cây trồng quan trọng trong việc phát triển sản xuất hàng hóa. Theo kết quả rà soát, diện tích chè hiện có khoảng trên 8.456 ha, giảm trên 2.700 ha so với năm 2015. Để nâng cao hiệu quả sản xuất chè, nhiệm vụ chính trong thời gian tới tỉnh tập trung cải tạo vùng nguyên liệu chè và đổi mới, đầu tư, nâng cấp lại các cơ sở chế biến, gắn với phát triến vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh phát triển diện tích chè Shan vùng cao, với điểm nhấn là chè Shan Suối Giàng của huyện Văn Chấn; phấn đấu đến năm 2020 trồng thêm 650 ha, đưa diện tích chè Shan vùng cao toàn tỉnh đạt 2.300 ha.

Trong thời gian tới, tỉnh ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 2.500 ha; vùng cây ăn quả 9.000 ha, trong đó tập trung phát triển cây ăn quả có múi quy mô 4.000 ha; tập trung phát triển vùng chè vùng cao với quy mô 3.500 ha. Áp dụng công nghệ cao, các quy trình sản xuất bền vững nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nghiên cứu, chọn tạo các giống cầy trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ nông nghiệp, nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm hàng hoá nông, lâm sản có khả năng xuất khẩu. Tăng cường phối hợp, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nội địa tập trung vào thị trường các thành phố lớn và các tỉnh lân cận; Tham gia các hội chợ, các hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông, lâm, thủy sản trong và ngoài nước.

964 lượt xem
Nguyễn Hiên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h