Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Góp phần tạo nên các sản phẩm du lịch

22/12/2017 07:28:34 Xem cỡ chữ Google
Ngược dòng thời gian về những năm 90 của thế kỷ trước, công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gặp rất nhiều khó khăn do công tác tổ chức thực hiện, kinh phí, cơ sở hạ tầng giao thông và công việc này chủ yếu do các cơ quan chuyên môn thuộc ngành văn hóa đảm trách.

Xòe Thái làm say lòng bao du khách.

Đến khi Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái thành lập đã cho thấy lực lượng đam mê nghiên cứu, sưu tầm, lịch sử, văn hóa khá đông đảo; có nhiều thành phần khác nhau như: nghệ nhân văn hóa dân gian; giáo viên dạy lịch sử; các nhà nghiên cứu chuyên ngành, cán bộ bảo tàng và cán bộ văn hóa… tạo sự thuận lợi cho công tác nghiên cứu liên ngành đối với lĩnh vực văn hóa, lịch sử. 

Lực lượng này được định hướng về công tác nghiên cứu, sưu tầm và các hội viên đã kết nối thông tin cùng nhau xây dựng những chương trình nghiên cứu, sưu tầm lịch sử, văn hóa địa phương.

Điều thuận lợi nữa là Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái có nhiều hội viên là người dân tộc thiểu số, họ thành thạo ngôn ngữ và am hiểu đời sống văn hóa, lịch sử của dân tộc mình. Bởi vậy, khi họ mang những tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử ở địa phương, dân tộc mình đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình ở cơ sở.

Điển hình như hội viên Mã Đình Hoàn dân tộc Tày đã rất thành công khi anh phối hợp với các nghệ nhân văn hóa ở các huyện: Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn cùng nghiên cứu, sưu tầm lĩnh vực lịch sử, văn hóa, dân tộc học để lập hồ sơ nghiên cứu, bảo tồn nhiều nghi lễ tín ngưỡng, các loại hình văn hóa khác trong cộng đồng dân tộc Tày, Nùng.

Hay như hội viên Lý Kim Khoa, dân tộc Dao, công tác tại Bảo tàng tỉnh là người tiên phong trong nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của cộng đồng người Dao, Cao Lan Yên Bái, trong đó, nghi lễ Cấp sắc của người Dao đỏ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã có sự đóng góp quan trọng của anh. Hội viên Lò Văn Biến, dân tộc Thái vẫn được giới chuyên môn ví như một nhà "Thái học”.

Dù là một nông dân nhưng những tâm huyết của ông đã góp phần tạo nên sức sống mới cho không gian văn hóa Thái Mường Lò. Ông chính là người khơi dậy phong trào học chữ Thái cổ ở Mường Lò; là người có công lớn khôi phục 6 điệu xòe cổ để xòe cổ cùng với sinh hoạt Hạn khuống của đồng bào Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hội viên Hoàng Nhâm, công tác tại Báo Yên Bái là người dân tộc Mường và được đào tạo chuyên ngành về lịch sử, nên khi đi công tác tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã dành nhiều thời gian cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa dân gian các dân tộc tỉnh Yên Bái, trong đó có dân tộc Mường.

Lịch sử, văn hóa các dân tộc khác như: Mông, Khơ Mú, Xa Phó… cũng đã tạo được những thành công trong nghiên cứu, sưu tầm mà lực lượng nòng cốt là hội viên ở các cơ quan chuyên môn như Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch Yên Bái.

Họ đã sát cánh cùng các nghệ nhân văn hóa như: Giàng A Su, người Mông ở huyện Trạm Tấu; Vì Văn Sang, người Khơ Mú ở huyện Văn Chấn; Đặng Thị Thanh, người Xa Phó ở huyện Văn Yên… để sưu tầm tư liệu nghiên cứu, bảo tồn. 

Lực lượng này cũng là chủ công trong các nghiên cứu về khảo cổ học, dân tộc học trên địa bàn tỉnh và góp phần quan trọng trong bảo tồn các di tích lịch sử và hệ thống đình, đền, chùa, miếu là phần hồn trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam từ xa xưa…

Những nỗ lực đó không chỉ bổ sung vào hệ thống các giá trị lịch sử, văn hóa địa phương mà hiện tại nhiều công trình sưu tầm, phục dựng đã biến thành những sản phẩm du lịch. Bởi vậy, đi trên vùng Đông hồ Thác Bà từ huyện Yên Bình lên huyện Lục Yên, du khách khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là du khách nước ngoài không chỉ được đắm mình vào khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của một vùng nước biếc non xanh, con người thân thiện mà còn được khám phá sự mô phỏng các nghi lễ tín ngưỡng đầy huyền bí như: lễ Cấp sắc, tết Nhảy và được xem biểu diễn nhạc cụ, dân vũ của người Dao, Cao Lan hoặc được lạc vào mê đắm của những làn điệu hát then, đàn tính, khám phá những nghi lễ cầu mùa, cầu an, nghi lễ cưới hỏi… của dân tộc Tày, Nùng. Miền đất này cũng là nơi có những di tich khảo cổ học nổi tiếng và đang trở thành địa chỉ thu hút ngày càng đông du khách.

Dọc theo dải sông Hồng - nơi được coi là vùng đất tâm linh rất đặc trưng của cư dân nền văn minh lúa nước, du khách sẽ được biết đến nghi lễ thờ thần hoàng trong hệ thống đình, đền, miếu hay nghi lễ cầu mùa mang sắc thái riêng của mỗi dân tộc ở các địa phương dọc hai bờ sông Hồng. Đặc biệt, trong tuyến du lịch này, bất kỳ du khách nào cũng không muốn lỡ dịp để đến chiêm bái tại đền Đông Cuông - Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia của tục thờ Mẫu.

Đến với vùng Mường Lò, du khách sẽ ngỡ ngàng trước một cuộc sống đa sắc màu văn hóa của cư dân nơi đây. Đơn cử như ngay trong một ngôi nhà sàn cũng đã chứa đựng một không gian văn hóa đầy triết lý nhân sinh từ việc ăn ở, thờ tự, sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, quan niệm phong thủy… Mường Lò còn là nơi nức tiếng về văn hóa ẩm thực, dân ca, dân vũ của người Mường, người Thái. Đồng thời, đây cũng là vùng của những lễ hội bản mường như: lễ hội Lồng tồng, cúng bản cúng mường, cúng rừng, cúng thần sông suối…

Lên với xã Nghĩa Sơn của huyện Văn Chấn nằm ven cánh đồng Mường Lò là địa bàn cư trú của đồng bào Khơ Mú từ lâu đã được nhiều khách du lịch biết đến là một tộc người có vốn văn hóa đặc sắc và phong phú. 

Đi xa hơn nữa lên vùng Di tích Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, du khách không chỉ mê đắm với núi non trùng điệp và hình ảnh ruộng bậc thang kỳ vĩ mà còn có những cảm nhận thú vị pha chút ngỡ ngàng về nhiều nét văn hóa riêng có của người Mông như: lễ hội Gầu tào, hội xuân vùng cao...

Những sản phẩm du lịch ấy đến với du khách gần xa đã có sự đóng góp không nhỏ của những người đam mê nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn lịch sử, văn hóa địa phương. Trong tương lai, chắc chắn họ sẽ còn có nhiều đóng góp hơn nữa để vun đắp cho sức sống lịch sử và văn hóa của quê hương Yên Bái.

 

648 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h