Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái với Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn

26/12/2017 13:08:10 Xem cỡ chữ Google
Đến hết năm 2017, tại khu vực nông thôn tỉnh Yên Bái đã có 85% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 62% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 96,2% trạm y tế có công trình nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Mít tinh phát động Ngày Vệ sinh yêu nước tại xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn.

Nước và vệ sinh là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% bệnh tật của các nước đang phát triển có liên quan đến nước và vệ sinh, vì vậy, cải thiện chất lượng nước và vệ sinh cho người dân luôn là nội dung ưu tiên của Đảng, Chính phủ Việt Nam.

Trong những năm qua cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã quan tâm triển khai nhiều chương trình, chất lượng nước và vệ sinh đã được cải thiện đáng kể, đa số hộ gia đình đã được sử dụng nước hợp vệ sinh và nhà tiêu đạt tiêu chuẩn. 

Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn và đặc biệt là nông thôn khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ người dân tiếp cận nước và vệ sinh đạt tiêu chuẩn còn thấp so với cả nước.

Để tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận với nước và vệ sinh đạt tiêu chuẩn, cùng nhiều chương trình khác của Chính phủ, Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới được triển khai tại 21 tỉnh, trong đó có Yên Bái. 

Chương trình được triển khai từ 2016 - 2020, với mục tiêu tăng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh một cách bền vững. Tại Yên Bái, với sự hỗ trợ kinh phí của Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT), xây dựng nông thôn mới; Chương trình 135, 134, các tổ chức phi chính phủ; sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh và các cấp, các ngành, đến hết năm 2017, tại khu vực nông thôn đã có 85% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 62% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 96,2% trạm y tế có công trình nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Mặc dù vậy, vẫn còn 38% hộ gia đình chưa có nhà tiêu, hoặc có nhà tiêu nhưng chưa hợp vệ sinh, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tình trạng phóng uế bừa bãi ra môi trường còn khá phổ biến.

Tại khu vực nông thôn, hầu hết trạm y tế có nhà tiêu và nguồn nước hợp vệ sinh nhưng còn nhiều trạm y tế chưa có đủ nhà vệ sinh riêng cho nam, nữ; nhiều trường học chưa có đủ nước và nhà tiêu đạt tiêu chuẩn; hàng năm, công trình nước và nhà tiêu tại các trạm y tế, trường học bị hư hỏng, xuống cấp nhiều cần được sửa chữa, nâng cấp; 88,1% hộ gia đình có nhà tiêu nhưng việc sử dụng bảo quản chưa đúng cách dẫn đến không hợp vệ sinh và nhanh xuống cấp.

Nguyên nhân của tình trạng trên do nguồn kinh phí được giao cho triển khai hợp phần vệ sinh của các năm còn thấp; nhận thức của người dân còn rất hạn chế trong việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình, nhiều nơi, người dân còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và các chương trình, dự án.

Bên cạnh đó, hành vi, thói quen sử dụng nhà tiêu của người dân còn chưa phổ biến, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, cần có thời gian dài để tuyên truyền vận động thay đổi hành vi vệ sinh của người dân.

 Cùng với đó, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi còn quan tâm nhiều đến phát triển kinh tế, ít quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường nói chung và vận động xây dựng nhà tiêu hộ gia đình nói riêng; kế hoạch hoạt động thường chung chung, không có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, vì vậy việc thực hiện không đạt hiệu quả mong muốn; năng lực cán bộ chính quyền và ngành y tế còn hạn chế, nhất là kỹ năng truyền thông vận động tại cộng đồng, kỹ năng kiểm tra, giám sát, đánh giá công trình hợp vệ sinh...

Giai đoạn 2016 - 2020, Yên Bái sẽ triển khai tại 157 xã nông thôn với khoảng 600.000 người dân được hưởng lợi từ Chương trình, ưu tiên cho các xã xây dựng nông thôn mới, xã xây dựng đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế.

Với mục tiêu đến 2020: trên 70% hộ gia đình nông thôn (HGĐ) có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% trạm y tế có công trình nước và vệ sinh đạt tiêu chuẩn; ít nhất 50 xã được công nhận đạt "Vệ sinh toàn xã” (mỗi xã có 70% HGĐ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 80% HGĐ có điểm rửa tay cố định và có xà phòng thường xuyên để rửa tay, trạm y tế, trường học được cấp nước và có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn); vận động xây mới và cải tạo ít nhất 30.000 nhà tiêu cải thiện; xây mới, cải tạo 58 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế xã.

Giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình chọn ưu tiên can thiệp 70 xã. Trong đó, tiêu chí lựa chọn là các xã có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình dưới 70%; trạm y tế, trường học sẵn có nguồn nước; có sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND xã...

Đối với hỗ trợ xây dựng nhà tiêu HVS hộ gia đình, đối tượng hưởng lợi là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách chưa có nhà tiêu, hoặc có nhà tiêu nhưng chưa hợp vệ sinh; có nhu cầu và cam kết bỏ thêm tiền để xây nhà tiêu mới.

Do số nhà tiêu được hỗ trợ kể trên có số lượng rất hạn chế (7.350 nhà tiêu), chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cộng đồng. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu Chương trình (30.000 nhà tiêu), việc vận động các hộ gia đình chưa có nhà tiêu hoặc có nhà tiêu nhưng chưa hợp vệ sinh để họ đầu tư xây dựng mới, cải tạo nhà tiêu là nhiệm vụ ưu tiên.

Việc truyền thông - vận động xây dựng, sử dụng nhà tiêu HVS hộ gia đình sẽ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh trong đó có 157 xã khu vực nông thôn. Nội dung này được tăng cường tại các xã can thiệp đạt tiêu chí "Vệ sinh toàn xã” các hoạt động chi tiết như kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi đã được phê duyệt... 

 

Phụ nữ xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên vệ sinh môi trường sống.

Để hoàn thành mục tiêu trên, nhiệm vụ là kiện toàn và nâng cao năng lực điều hành, quản lý của ban điều hành các cấp, nhất là các huyện và xã, giao nhiệm vụ cụ thể và thống nhất chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình với nòng cốt là ngành y tế tuyến tỉnh, huyện xã. 

Nâng cao trách nhiệm của chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp trong tổ chức thực hiện Chương trình; chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, của Chương trình trong đầu tư xây dựng, cải tạo công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế xã. 

 

Tổ chức truyền thông - vận động dưới nhiều hình thức, biện pháp để người dân hiểu và tham gia tích cực trong công tác vệ sinh môi trường hộ gia đình và cộng đồng, sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh để phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe.

Mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện, xã, thợ xây về kỹ năng, phương pháp truyền thông vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nông thôn và giám sát việc sử dụng, bảo quản các công trình vệ sinh.

Giới thiệu nhiều mô hình nhà tiêu về công nghệ và chi phí phù hợp để người dân lựa chọn, khuyến khích xây dựng nhà tiêu đảm bảo chất lượng bền vững; huy động sự tham gia của cộng đồng và các thành phần xã hội; lồng ghép với các chương trình khác có mục tiêu vệ sinh; tăng cường theo dõi, giám sát hỗ trợ tuyến dưới... góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn, góp phần vào thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

965 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h