Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Vai trò của Hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới ở Trấn Yên

03/01/2018 07:39:23 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các hợp tác xã (HTX) có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ làm tốt các khâu dịch vụ nông nghiệp, còn tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, ổn định cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới trên địa bàn huyện Trấn Yên.

HTX Quế Hồi ở Đào Thịnh tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động.

Sản xuất kinh doanh chè đã được xã Bảo Hưng xác định là thế mạnh trong phát triển kinh tế, là cây trồng mũi nhọn trong cơ cấu phát triển nông - lâm nghiệp của xã. Để nâng cao hiệu quả và ổn định đầu ra cho sản phẩm chè, từ nhiều năm nay, ở Bảo Hưng đã thành lập các nhóm hộ và tổ hợp tác trồng, chế biến chè sạch. Năm 2015, trên địa bàn xã đã thành lập HTX sản xuất chè xanh chất lượng cao với tổng diện tích chè là 15 ha, 17 thành viên góp vốn tham gia và được đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè theo công nghệ hiện đại.

Hiện nay thu nhập bình quân của các thành viên trong HTX từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Anh Trần Văn Trường, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất chè xanh CLC Bảo Hưng cho biết: “Việc hình thành HTX sản xuất chè chất lượng cao đã từng bước giúp người dân trồng chè ở Bảo Hưng gỡ bỏ được nút thắt trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng được thương hiệu, qua đó khẳng định được vai trò của HTX trong việc đưa cây chè lên một tầm cao mới”.

HTX Sản xuất kinh doanh tổng hợp xã Hưng Thịnh được thành lập từ 2015 chủ yếu sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, cung cấp vật tư nông nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bắt đầu chỉ là một nhóm hộ trồng cây ăn quả gồm 7 thành viên, được thành lập từ năm 2013, đến đầu năm 2015, nhóm đã liên kết với một số sở, ban, ngành của tỉnh, huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác cây ăn quả có múi như: cam sành, cam Đường canh, bưởi Diễn, chanh tứ thời… cho các thành viên; Tổ chức cho các thành viên đi thăm quan các HTX sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp làm ăn có hiệu quả. Qua đó, các thành viên có thể trải nghiệm thực tế và thấy được hiệu quả thiết thực mà mô hình HTX mang lại. Hiện nay, tổng số thành viên của HTX là 17 người, tổng vốn điều lệ là 1 tỷ đồng, tổng diện tích đất trồng cây ăn quả có múi khoảng 50 ha, doanh thu 1 năm của HTX đã đạt hơn 1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Gia Hồng - Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh chia sẻ: Hoạt động của HTX tổng hợp xã Hưng Thịnh không chỉ đáp ứng 1 trong 19 tiêu chí để Hưng Thịnh về đích nông thôn mới trong năm 2017 mà còn tạo điều kiện giúp các thành viên nâng cao thu nhập và tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả của xã.

Được giúp sức bởi Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, từ diện tích 1,5 ha trồng quế hữu cơ ban đầu, tháng 4/2017, Công ty Quế hồi Việt Nam - Vina Samex đã liên kết các hộ dân trồng quế trên địa bàn xã Đào Thịnh thành lập HTX Quế hồi Việt Nam với 22 thành viên, 90 ha quế, sản lượng thu mua từ 40 - 50 tấn quế/tháng. Đặc biệt, HTX sẽ xây dựng quy trình vùng sản xuất quế hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp với giá trị kinh tế cao; cung cấp cây quế giống và các dịch vụ có chất lượng cho thành viên, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân. Trong đó, tập trung xây dựng quy trình vùng sản xuất quế hữu cơ. Mục đích hàng đầu là giúp bảo vệ đất, bảo vệ môi trường, sinh thái bền vững; tạo ra sản phẩm quế an toàn, chất lượng cao; đảm bảo sức khỏe cho con người và động vật; đảm bảo công bằng xã hội… Ông Đặng Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh cho biết thêm: Hiện nay, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 - 60 lao động, vào mùa vụ có thể lên tới 80 - 100 lao động trong xã với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. Qua đây đã tạo chuyển biến, nâng cao hơn chuỗi giá trị sản phẩm từ cây quế đồng thời tạo động lực quan trọng để các thành viên HTX nói riêng và nhân dân trong xã Đào Thịnh nói chung tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trên địa bàn huyện Trấn Yên hiện có 16 tổ hợp tác với tổng số gần 250 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, thủy sản như: trồng, khác thác và chế biến chè, quế keo, măng Bát Độ, hoa, cây cảnh, nuôi cá. Tài sản bình quân của mỗi tổ hợp tác trên 1,2 tỷ đồng, doanh thu bình quân đạt trên 540 triệu đồng/năm.  Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã thành lập được 19 hợp tác xã, trong đó có 6 HTX trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp; 9 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, còn lại là các HTX hoạt động tín dụng, thương mại. Tổng số vốn hoạt động của các HTX hơn 30 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên, lao động trong các HTX đạt gần 50 triệu đồng/năm. Thông qua các tổ hợp tác, HTX, các dịch vụ nông nghiệp cũng được ứng dụng một cách linh hoạt hơn; một số HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên, góp phần phát triển kinh nông nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới./.

730 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h