Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Các ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để triển khai các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại cho người, cây trồng, vật nuôi

10/02/2018 12:11:11 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Đó là chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy tại cuộc họp đánh giá công tác phòng chống đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh thời gian qua và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới được tổ chức vào sáng ngày 10/2.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận cuộc họp

Dự Hội nghị có đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh; các ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Trong thời gian từ ngày 9/1 đến 9/2 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại, một số nơi đã xảy ra băng giá gây thiệt hại nặng đến đàn gia súc của nhân dân. Cụ thể, tính 16h ngày 9/2, toàn tỉnh đã có 571 con gia súc bị chết, trong đó có 254 con trâu, 220 con nghé, 55 con bò, 33 con bê và 9 con dê. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Các địa phương bị thiệt hại gồm: huyện Mù Cang Chải 333 con, huyện Lục Yên 93 con, huyện Trạm Tấu 73 con, Thị xã Nghĩa Lộ 38 con, huyện Văn Chấn 34 con. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 2 ổ dịch lở mồm long móng ở huyện Văn Yên và Lục Yên. Tuy nhiên đến nay 2 ổ dịch này đã được kiểm soát.

Mặc dù UBND tỉnh đã chủ động ban hành công điện chỉ đạo về phòng chống rét; thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện phòng chống rét cho nhân dân; chỉ đạo các địa phương sử dụng kinh phí dự phòng hỗ trợ thức ăn tinh, bạt dứa cho các hộ che chắn chuồng trại, giữ ấm cho đàn vật nuôi…nhưng do đây là đợt rét đậm, rét hại kéo dài kèm theo mưa băng kết hợp cường độ mạnh, hiếm thấy trên địa bàn nên công tác triển khai còn gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng về giao thông còn hạn chế dẫn đến công tác tiếp cận để hỗ trợ các vùng gặp thiên tai còn khó khăn, đặc biệt là điều kiện băng giá, mặt đất đóng băng gây trơn trượt cho các phương tiện giao thông; điều kiện kinh tế các vùng thiên tai chưa phát triển dẫn tới vật tư, nguồn lực cho hoạt động khắc phục tại chỗ chưa đầy đủ… 

Đối với việc phòng chống dịch bệnh cho người, thời gian quan ngành y tế đã chủ động triển khai công tác tuyên truyền, bố trí cung ứng đủ thuốc và vật tư để sẵn sàng ứng phó với rét đậm rét hại đặc biệt là ở những xã vùng cao, vùng sâu và đối tượng người già, trẻ em.

Theo dự báo, từ nay đến tháng 4/2018 có thể có 9 - 11 đợt không khí lạnh mạnh và tăng cường. Vì vậy để hạn chế thấp nhất thiệt hại, các ngành, các địa phương cần chủ động các biện pháp phòng chống rét cho vật nuôi và hướng dẫn người dân sản xuất vụ đông xuân.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cùng các ngành liên quan đã tham gia ý kiến báo cáo về tình hình triển khai công tác phòng chống rét tại địa phương thời gian qua, đồng thời đề xuất một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy biểu dương và đánh giá cao tinh thần làm việc của các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ phòng chống rét thời gian qua.

Đánh giá chung về công tác phòng chống rét thời gian qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy cho rằng các sở ngành, địa phương đã nỗ lực, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại để chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân, cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh tỷ lệ người dân mắc các bệnh về đường hô hấp vẫn tăng lên; sản xuất vụ đông xuân bị ảnh hưởng, một số diện tích lúa đã cấy và mạ non bị chết rét; đàn gia súc chết rét nhiều, đặc biệt là ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn…Nguyên nhân chủ yếu là do rét đậm, rét hại kéo dài; đàn gia súc còn thiếu thức ăn, điều kiện hạ tầng kinh tế xã hội còn thấp, nhất là các xã vùng cao; một số cấp chính quyền còn chưa đi sâu, đi sát xuống cơ sở; công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn cho người dân còn chưa tích cực, chưa kịp thời; người dân còn nhận thức chưa đầy đủ trong công tác phòng chống rét cho đàn gia súc…

Trong thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp, thời tiết cực đoan có nhiều khả năng xảy ra trên địa bàn. Lượng mưa giảm tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng…Vì vậy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tất cả các sở, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ huy phải phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ để triển khai các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại đối với người, cây trồng, vật nuôi; Theo dõi sát tình hình thời tiết để có thông báo, dự báo để đưa ra giải pháp cho phù hợp đối với vụ đông xuân; Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhất đối với bà con vùng cao trong việc chủ động phòng chống rét đậm, rét hại.

Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống rét tại tất cả các huyện. Các huyện tổ chức các đoàn trực tiếp xuống các xã để nắm bắt rõ thông tin về việc phòng chống rét cho người và đàn vật nuôi của từng hộ gia đình. Đồng thời hướng dẫn người dân về sản xuất đông xuân cho đúng thời vụ

Về các giải pháp chống rét cho người, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tăng cường phòng chống rét cho người, đặc biệt đối với người già, trẻ nhỏ; bố trí nhân lực, thuốc men để ứng cứu kịp thời; kết hợp chặt chẽ với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh ngộ độc.

Đối với cây trồng cần hướng dẫn bà con che phủ cho các diện tích mạ và các giống cây trồng khác; vùng thấp có thể triển khai tiến hành cấy trước Tết; vùng cao thì ngay sau Tết nguyên đán khi thời tiết ấm thì triển khai cấy ngay để đảm bảo khug thời vụ. Bên cạnh đó cũng cần dự trữ giống bổ sung, thay thế diện tích bị chết rét.

Đối với vật nuôi cần hướng dẫn bà con đưa gia súc về nuôi nhốt, che chắn; chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho gia súc trong những ngày trời rét; gia cố, sửa chữa, vệ sinh chuồng trại; Kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc

Bên cạnh đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý cần bảo đảm an toàn giao thông, hệ thống thủy lợi tưới tiêu để kịp thời xử lý khi có tình huống thời tiết cực đoan xảy ra; Chủ động công tác phòng chống cháy rừng; Sử dụng nguồn kinh phí dự trữ để hỗ trợ cho các hộ dân có gia súc chết rét. Theo dõi, ứng trực và kịp thời báo cáo tình hình thiệt hại để tỉnh kịp thời có giải pháp ứng phó.

749 lượt xem
Thu Nga

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h